Trường ĐH Lâm nghiệp đang trở thành đại học số với tốc độ cao

GDVN – Theo GS.TS.NGƯT Phạm Văn Điển, lâm nghiệp đang vận hành theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng.

LTS: Trường Đại học Lâm nghiệp (VNUF) trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thành lập theo Quyết định số 127/CP ngày 19/8/1964. Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp và phát triển nông thôn, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và phát triển nông thôn mới, củng cố an ninh, quốc phòng của các địa phương trên cả nước, Trường Đại học Lâm nghiệp đã từng bước khẳng định được vị thế của mình.

Năm 2024, Trường Đại học Lâm nghiệp kỷ niệm tròn 60 năm thành lập. Nhân dịp Xuân Giáp Thìn, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Điển – Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp để lắng nghe những chia sẻ về định hướng phát triển cũng như kỳ vọng tương lai của nhà trường.

Phóng viên: Sứ mạng của Trường Đại học Lâm nghiệp là trở thành cơ sở giáo dục đại học hàng đầu về đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, chuyển giao khoa học công nghệ về lĩnh vực lâm nghiệp, tài nguyên môi trường, kỹ thuật, công nghệ, kinh tế chính sách và quản lý, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Xin Thầy cho biết đến nay nhà trường đã thực hiện sứ mệnh này như thế nào? Quy mô đào tạo của trường chiếm bao nhiêu % các ngành thuộc lĩnh vực Nông, Lâm nghiệp, Tài nguyên và môi trường? Thầy kỳ vọng gì vào thế hệ kế cận đưa nền Lâm nghiệp Việt Nam phát triển hơn?

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Điển: Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Lâm nghiệp đã đào tạo và cung cấp cho đất nước trên 60.000 kỹ sư và cử nhân, gần 6.500 thạc sĩ, trên 140 tiến sĩ và đào tạo cho nước bạn Lào, Campuchia trên 500 kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ. Khối ngành về nông, lâm nghiệp, tài nguyên và môi trường chiếm lần lượt khoảng 50%, 20%, 60% đối với bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Điển – Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp. (Ảnh: NVCC)

Hiện nay, Trường Đại học Lâm nghiệp là trường đại học đầu ngành về lâm nghiệp. Điều này đã được thừa nhận. Trường có 180 giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ (chiếm 32% tổng số giảng viên và gần 20% so với tổng số viên chức, người lao động của trường). Quy mô người học hiện có trên 10.000 người. Trong đó khối ngành Nông lâm nghiệp chiếm khoảng 29%.

Lâm nghiệp ngày nay đã có sự thay đổi, không phải như xưa nữa. Nhìn dưới góc độ đào tạo và khoa học công nghệ, lâm nghiệp đang vận hành theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng. Trường Đại học Lâm nghiệp đã và đang coi trọng tính thực tiễn cho người học, xúc tiến du học, lao động tri thức ở nước ngoài. Nói đến lâm nghiệp là nói đến một trụ cột xanh của nền kinh tế xanh, là nói đến sự giao hòa, kết nối giữa con người với thiên nhiên.

Việc mở rộng ngành nghề đào tạo và các lĩnh vực hoạt động càng giúp cho nhà trường phát triển mạnh mẽ hơn, thực hiện sứ mệnh tốt hơn.

Thế hệ trẻ hiện nay không chỉ thông minh, sớm được tiếp cận với tri thức hiện đại của nhân loại, mà còn được giáo dục, truyền cảm hứng về “giá trị của màu xanh”, sẽ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước, trong đó có lĩnh vực Lâm nghiệp.

Phóng viên: Khi ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, nhà trường có những hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ như thế nào? Xin Thầy chia sẻ thêm một số đề tài nghiên cứu nổi bật mà nhà trường đã thực hiện. Với những đề tài này nhà trường kỳ vọng sẽ chuyển giao khoa học công nghệ như thế nào phục vụ phát triển ngành Lâm nghiệp?

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Điển: Trong 3 năm gần đây, bình quân mỗi năm Trường Đại học Lâm nghiệp triển khai khoảng 80 nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó nhiệm vụ cấp Bộ và cấp quốc gia chiếm khoảng 51%. Bình quân mỗi năm có khoảng 55 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên, nhiều đề tài đạt giải cao trong các cuộc thi quốc gia. Bình quân mỗi năm xuất bản khoảng 200 bài báo khoa học, trong đó 25% là bài báo quốc tế. Khoa học công nghệ là một hoạt động mũi nhọn, ưu tiên của nhà trường.

Ví dụ về một sản phẩm nghiên cứu và phát triển của Trường Đại học Lâm nghiệp: Hệ thống phần mềm Forestry 4.0. Hệ thống này gồm các thông tin và dữ liệu chính thống, đã được xác thực, luôn sẵn có, cập nhật thường xuyên, tập hợp thông tin từ các đơn vị quản lý nhà nước: Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng Việt Nam, các đơn vị quản lý nhà nước về lâm nghiệp ở các tỉnh (Chi cục Kiểm lâm, Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng các tỉnh), cũng như hệ thống học liệu và các chương trình nghiên cứu của Trường Đại học Lâm nghiệp.

Nhiều phần mềm khác có khả năng ứng dụng cao trong lĩnh vực Lâm nghiệp, như: phần mềm nhận biết và truy xuất nguồn gốc thực vật, động vật; phần mềm theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; phần mềm về carbon… đáp ứng tốt các yêu cầu đa dạng của thực tiễn sản xuất. Trường Đại học Lâm nghiệp đang trở thành đại học số với tốc độ cao.

Các thầy cô Trường Đại học Lâm nghiệp nghiên cứu rừng ngập mặn Côn Đảo. (Ảnh: NTCC)

Phóng viên: Những năm vừa qua các ngành thuộc khối Nông – Lâm – Ngư nghiệp nói chung đều giảm sức hút, khó tuyển sinh. Theo thầy cần có giải pháp gì để thu hút người học với các ngành này?

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Điển: Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm là một gợi ý cho việc xây dựng chính sách thu hút sinh viên khối ngành nông – lâm – ngư nghiệp.

Tuy nhiên, như đã đề cập, lâm nghiệp ngày nay đã khác xưa. Chẳng hạn, một kỹ sư có thể ngồi tại Hà Nội để điều khiển hoạt động tưới nước, bón phân hoặc khai thác, thu hoạch sản phẩm tại một tỉnh miền núi nào đó; giao dịch bán hàng có thể nhờ công nghệ chuyển đổi số. Máy móc đã làm thay con người nhiều việc. Thị trường lao động và công nghệ đã làm thay đổi nhiều thứ. Vì vậy, điểm mấu chốt là từng trường cần thay đổi.

Trường Đại học Lâm nghiệp đang thay đổi theo hướng hỗ trợ cho sinh viên khởi nghiệp, chẳng hạn, sinh viên ngành kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị sẽ cùng với các giảng viên được giao nhiệm vụ “chăm sóc và kiến tạo cảnh quan trong khuôn viên rộng 140 ha tại trụ sở chính Hà Nội”; sinh viên ngành công nghệ thông tin cùng tham gia với các giảng viên “vận hành hệ thống phòng máy tính, phục vụ thực hành, thực tập cho 26 ngành đào tạo trên phạm vi toàn trường”.

Đó không chỉ là “chính sách”, mà còn là cách vận hành, quản trị của nhà trường về việc này.

Trường Đại học Lâm nghiệp ký kết hợp tác với đại diện Trường Đại học Tây Úc. (Ảnh: NTCC)

Sinh viên Đại học Lâm nghiệp Việt Nam đoạt giải Nhì giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc EURÉKA lần thứ 24. (Ảnh: NTCC)

Phóng viên: Theo thông tin đăng tải trên website, Trường Đại học Lâm nghiệp định hướng đến năm 2050, trở thành đại học đa ngành, định hướng nghiên cứu, ứng dụng đạt chất lượng đẳng cấp trong nước, khu vực và quốc tế. Xin Thầy cho biết nhà trường có lộ trình phát triển như thế nào cũng như đã chuẩn bị những gì để đạt được mục tiêu này?

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Điển: Hiện nay, Trường Đại học Lâm nghiệp đã là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực (lâm nghiệp, kỹ thuật – công nghệ, kinh tế – tài chính – quản trị kinh doanh, quản lý đất đai, kiến trúc cảnh quan và thiết kế nội thất,…)

Chiến lược phát triển đang được nhà trường tiếp tục hoàn thiện. Việc trở thành đại học là một kịch bản. Cho dù kịch bản nào thì mục tiêu bao trùm vẫn là cải thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế (như AUN), đảm bảo tương lai cho người học gắn với đáp ứng tốt các nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.

Tự chủ đại học đòi hỏi nhà trường phải mạnh hơn, phải có nguồn lực con người và tài chính nhiều hơn thì mới mạnh hơn. Cả hai nguồn lực này đều phụ thuộc rất lớn vào cách thức quản trị nhà trường. Vì vậy, bản chất của chiến lược phát triển nằm ở chiến lược quản trị.

Nhà trường đang xây dựng kế hoạch kiểm định theo tiêu chuẩn AUN, đồng thời có bộ chỉ số KPI để đánh giá kết quả công tác của từng người, từng bộ phận; xây dựng cơ chế tài chính theo hướng phân bổ dòng tiền theo kết quả công tác, tiến tới trả lương theo vị trí việc làm và theo mức đóng góp.

Một số quan điểm, cách nghĩ, giải pháp nêu trên là ví dụ cho việc chuyển hóa Chiến lược trở thành hiện thực trên thực tiễn ở Trường Đại học Lâm nghiệp.

Phóng viên: Bước sang năm mới 2024, thông qua Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy có gửi gắm gì đến với đội ngũ giảng viên cũng như sinh viên nhà trường?

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Điển: Trường Đại học Lâm nghiệp đã trải qua Hoa giáp thứ nhất (1964 – 2023) với nhiều dấu ấn tốt đẹp. Bước vào Hoa giáp thứ hai cũng là hướng tới tương lai, mà khởi đầu từ 2024 với phương châm “Đổi mới – Kết nối – Hành động – Phát triển”. Đổi mới để phát triển. Kết nối các thành tố trong tam giác phát triển của nhà trường (Người học – Người thầy – Nhà trường) với nhau và với các đối tác cũng như thị trường lao động trong và ngoài nước, với các giai đoạn theo biểu đồ lịch sử và truyền thống phát triển. Hành động quyết liệt hơn để đón cơ hội phát triển mới.

Trường Đại học Lâm nghiệp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho sinh viên. (Ảnh NTCC)

Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp cho học sinh phổ thông do Trường Đại học Lâm nghiệp tổ chức. (Ảnh: NTCC)

60 năm bề dày truyền thống là một nguồn lực quý báu của Trường Đại học Lâm nghiệp. Giá trị nằm ở nội hàm. Bề dày nằm trong tên gọi. Thành phần, cơ cấu ngành nghề đào tạo và các lĩnh vực hoạt động của trường đã vượt ra khỏi phạm vi “Lâm nghiệp”, mở rộng cả về lĩnh vực kinh tế lẫn công nghệ, đáp ứng tốt các nhu cầu đa dạng của xã hội.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan có nhắn nhủ với khối trường thuộc Bộ: “Mọi sự thay đổi đều khó khăn nhưng nếu không thay đổi sẽ càng khó khăn hơn”. Quán triệt tinh thần này, năm 2024, chúng tôi mong muốn tiến thêm một bước vào sự thay đổi của trường, cũng là tạo ra một “điểm uốn” trên biểu đồ phát triển của Trường Đại học Lâm nghiệp.

Bên cạnh đó tôi cũng muốn nhắn nhủ tới đội ngũ giảng viên và sinh viên nhà trường: “Năm Giáp Thìn, nhìn vào công việc, nhìn ra thế giới, nhìn về quá khứ, hướng tới tương lai, tự hào là thành viên của Trường Đại học Lâm nghiệp đang đổi mới, phát triển mạnh mẽ”.

Nhật Lệ – GDVN

Nguồn: giaoduc.net.vn