Đào tạo Thạc sĩ tại Trường Đại học Lâm nghiệp

Đào tạo thạc sĩ: tuyển sinh 2 lần/năm

Các ngành đào tạo:

1-Lâm học

2-Quản lý tài nguyên rừng

3-Công nghệ chế biến lâm sản

4-Kỹ thật cơ khí

5-Kinh tế nông nghiệp

6-Khoa học môi trường

7-Quản lý kinh tế

8-Công nghệ sinh học

9-Mỹ thuật ứng dụng

10-Quản lý đất đai

11-Quan-ly-tai-nguyen-va-moi-truong

I. Mục tiêu đào tạo

Đào tạo trình độ thạc sĩ nhằm giúp cho học viên bổ sung, cập nhật và nâng cao kiến thức ngành, chuyên ngành; tăng cường kiến thức liên ngành; có kiến thức chuyên sâu trong một lĩnh vực khoa học chuyên ngành hoặc kỹ năng vận dụng kiến thức đó vào hoạt động thực tiễn nghề nghiệp; có khả năng làm việc độc lập, tư duy sáng tạo và có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc ngành, chuyên ngành được đào tạo.

II. Hình thức, ngôn ngữ và thời gian đào tạo

2.1. Đào tạo trình độ thạc sĩ tại Trường Đại học Lâm nghiệp được thực hiện theo thức giáo dục chính quy và định hướng ứng

2.2. Ngôn ngữ chính thức dùng trong đào tạo trình độ thạc sĩ là tiếng Việt. Việc đào tạo thạc sĩ bằng ngôn ngữ nước ngoài do Trường Đại học Lâm nghiệp ban hành quyết định riêng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

2.3. Thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ:

a. Thời gian đào tạo chính thức là 2 năm học.

b. Thời gian đào tạo kéo dài: Nếu quá thời gian đào tạo theo quy định học viên phải thực hiện thủ tục gia hạn, thời gian gia hạn không quá 2 năm.

III. Phương thức tuyển sinh, số lần tuyển sinh và địa điểm tổ chức tuyển sinh

3.1. Phương thức tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ gồm: Thi tuyển đối với người Việt Nam và xét tuyển đối với người nước ngoài có nguyện vọng học thạc sĩ tại Việt Nam.

3.2. Việc tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ được tổ chức 1 – 2 lần mỗi năm. Hiệu trưởng căn cứ vào nhu cầu học tập, tình hình thực tiễn của Trường để xác định số lần tuyển sinh, thời điểm tuyển sinh năm sau và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo vào tháng 12 hàng năm.

3.3. Địa điểm tổ chức thi tuyển sinh:

Cơ sở chính của Trường Đại học Lâm nghiệp, địa chỉ: Thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

3.4. Các quy định của Trường Đại học Lâm nghiệp về phương thức tuyển sinh, số lần tuyển sinh, thời điểm tuyển sinh trong năm và địa điểm tổ chức tuyển sinh được đăng trên trang thông tin điện tử (websitecủa Trường: www.vnuf.edu.vn. Hoặc www.sdh.vnuf.edu.vn

IV. Các môn thi tuyển sinh

4.1. Thi tuyển sinh bao gồm 3 môn thi, cụ thể như sau:

a. Môn ngoại ngữ và trình độ ngoại ngữ của người dự tuyển đối với từng ngành, chuyên ngành đào tạo được xác định căn cứ vào yêu cầu của chương trình đào tạo  trình độ thạc sĩ và yêu cầu về trình độ ngoại ngữ của học viên trước khi bảo vệ luận văn được quy định;

b. Hai môn thi khác, trong đó có một môn chủ chốt của ngành, chuyên ngành đào tạo, được xác định theo yêu cầu của ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ. Mỗi môn thi có thể kiểm tra kiến thức một môn học hoặc tích hợp kiểm tra kiến thức một  số môn học của trình độ đại học;

c. Đối với ngành, chuyên ngành đặc thù hoặc chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng, có thể thay môn thi không chủ chốt theo quy định bằng phương thức kiểm tra năng lực khác phù hợp với yêu cầu của ngành, chuyên ngành, chương trình đào tạo. Việc thay thế này (nếu có) được quy định cụ thể trong văn bản riêng của trường ĐHLN về yêu cầu kiểm tra, thang điểm và thực hiện đối với tất cả các thí sinh dự thi vào ngành, chuyên ngành đào tạo.

4.2. Các môn thi tuyển sinh, phương thức kiểm tra năng lực thí sinh theo quy định được xác định trong đề án mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ. Việc thay đổi môn thi tuyển sinh hoặc phương thức kiểm tra năng lực thí sinh do Hiệu trưởng quyết định theo đề nghị của hội đồng khoa học đào tạo và phải báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi thông báo tuyển sinh.

4.3. Thí sinh có năng lực ngoại ngữ đúng với yêu cầu môn thi ngoại ngữ của Trường Đại học Lâm nghiệp thuộc một trong các trường hợp sau được miễn thi môn ngoại ngữ:

a. Có bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, được cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng theo quy định hiện hành;

b. Có bằng tốt nghiệp đại học chương trình tiên tiến theo Đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo chương trình tiên tiến ở một số trường đại học của Việt Nam hoặc bằng kỹ sư chất lượng cao (PFIEV) được ủy ban bằng cấp kỹ sư (CTI, Pháp) công nhận, có đối tác nước ngoài cùng cấp bằng;

c. Có bằng tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ nước ngoài;

d. Có chứng chỉ trình độ ngoại ngữ được quy định theo Quy chế này hoặc tương đương trong thời hạn 2 năm từ ngày cấp chứng chỉ đến ngày đăng ký dự thi, được cấp bởi một cơ sở được Bộ Giáo dục và Đào tạo  cho phép hoặc công nhận, thuộc danh mục quy định của Trường Đại học Lâm nghiệp. Trường Đại học Lâm nghiệp thẩm định về tính xác thực của chứng chỉ ngoại ngữ trước khi công nhận tương đương.

V. Ngành đúng, ngành phù hợp, ngành gần và ngành khác với ngành, chuyên ngành đăng ký dự thi

5.1. Ngành tốt nghiệp đại học được xác định là ngành đúng, ngành phù hợp với ngành, chuyên ngành dự thi đào tạo trình độ thạc sĩ khi có cùng tên trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ hoặc chương trình đào tạo của hai ngành này  ở trình độ đại học khác nhau dưới 10% tổng số tiết học hoặc đơn vị học trình hoặc tín chỉ của khối kiến thức ngành (trong các quy định cụ thể của ngành, chuyên ngành).

5.2. Ngành tốt nghiệp đại học được xác định là ngành gần với ngành, chuyên ngành dự thi đào tạo trình độ thạc sĩ khi cùng nhóm ngành trong Danh mục giáo dục đào tạo Việt Nam cấp III (trừ trường hợp đã được quy định tại Khoản 1 Điều này) hoặc  chương trình đào tạo của hai ngành này ở trình độ đại học khác nhau từ 10% đến 40% tổng số tiết học hoặc đơn vị học trình hoặc tín chỉ của khối kiến thức ngành.

5.3. Ngành tốt nghiệp đại học được xác định là ngành khác với ngành dự thi đào tạo trình độ thạc sĩ khi không cùng nhóm ngành trong Danh mục giáo dục đào tạo Việt Nam cấp III (trừ trường hợp đã được theo quy định).

5.4. Danh mục ngành gần được dự thi tuyển sinh vào từng ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và danh mục ngành khác được dự thi vào ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ thuộc lĩnh vực quản trị, quản lý do Hiệu trưởng Trường Đại  học Lâm nghiệp xác định trong hồ sơ đề nghị cho phép đào tạo ngành, chuyên ngành trình độ thạc sĩ. Việc thay đổi danh mục này do Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp quyết định theo đề nghị của hội đồng khoa học đào tạo và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi tổ chức tuyển sinh.

VI. Học bổ sung kiến thức

6.1. Người có bằng tốt nghiệp đại học ngành gần, ngành khác với ngành, chuyên ngành đào tạo thạc sĩ theo quy định phải học bổ sung kiến thức ngành của chương trình đại học trước khi dự thi. Học viên phải đóng học phí các học phần bổ sung theo mức học phí quy định đối với hệ đại học.

6.2. Trên cơ sở đề nghị của trưởng đơn vị chuyên môn phụ trách ngành, chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp quyết định:

a. Việc học bổ sung kiến thức đối với thí sinh có bằng tốt nghiệp đại học ngành đúng, ngành phù hợp nhưng đã tốt nghiệp cách nhiều năm hoặc bằng do cơ sở đào tạo khác cấp, nếu thấy cần thiết;

b. Nội dung kiến thức cần học bổ sung cho người đăng ký dự thi theo quy định;

c. Tổ chức việc học bổ sung, công khai quy định về học bổ sung trên website của Trường Đại học Lâm nghiệp: www.vnuf.edu.vn.

VII. Đối tượng và điều kiện dự thi

Đối tượng dự thi đào tạo trình độ thạc sĩ là công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đáp ứng được điều kiện sau:

7.1. Về văn bằng

a. Đã tốt nghiệp đại học ngành đúng, ngành phù hợp với ngành, chuyên ngành đăng ký dự thi đào tạo trình độ thạc sĩ theo quy định;

b. Đã tốt nghiệp đại học ngành gần với ngành, chuyên ngành đăng ký dự thi đào tạo trình độ thạc sĩ theo quy định và đã học bổ sung kiến thức theo quy định;

c. Người tốt nghiệp đại học một số ngành khác theo quy định có thể đăng ký dự thi vào ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ thuộc lĩnh vực quản trị, quản lý sau khi đã học bổ sung kiến thức theo quy định;

d. Văn bằng đại học do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải thực hiện thủ tục công nhận theo quy định hiện hành;

7.2. Về kinh nghiệm công tác chuyên môn: Trường hợp người có bằng tốt nghiệp ngành khác đăng ký dự thi vào ngành, chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản trị, quản lý thì phải có tối thiểu 2 (hai) năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực đăng ký dự thi.

7.3. Lý lịch bản thân rõ ràng, không trong thời gian thi hành kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên và không trong thời gian thi hành án hình sự, được cơ quan quản lý nhân sự nơi đang làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận.

7.4. Có đủ sức khoẻ để học tập. Đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học theo quy định, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp xem xét, quyết định cho dự thi tuyển sinh  tuỳ tình trạng sức khoẻ và yêu cầu của ngành học.

7.5. Nộp hồ sơ đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định của Trường Đại học Lâm nghiệp. Hồ sơ gồm có:

a. Đơn xin dự thi (mẫu theo hồ sơ).

b. Bản sao công chứng bằng tốt nghiệp đại học và bảng điểm đại học (nếu thí sinh học liên thông từ cao đẳng thì phải có bằng và bảng điểm cao đẳng; nếu dự thi theo văn bằng 2 thì phải có bằng và bảng điểm của văn bằng 1).

c. Giấy công nhận văn bằng nước ngoài của Bộ Giáo dục và Đào tạo (nếu có) .

d. Giấy chứng nhận đủ sức khoẻ để học tập của một bệnh viện đa khoa trong vòng 6 tháng.

e. Bản sao công chứng các quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm hoặc HĐLĐ (nếu có).

f. Bản sao có công chứng chứng chỉ ngoại ngữ (nếu có)

g. Bản sao công chứng các giấy tờ hợp pháp về đối tượng ưu tiên (nếu có).

h. Bản sao công chứng chứng chỉ bổ sung kiến thức đại học (nếu có).

i. Công văn cử cán bộ đi thi của thủ trưởng cơ quan (nếu có)

k. Sơ yếu lý lịch (mẫu theo hồ sơ).

l. 4 ảnh mầu 3×4 (cm) và bốn phong bì dán tem ghi rõ địa chỉ liên hệ của thí sinh.

j. Văn bản minh chứng kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực quản trị, quản lý (đối với thí sinh có bằng đại học ngành khác dự thi chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản trị, quản lý)

VIII. Đối tượng và chính sách ưu tiên

8.1. Đối tượng ưu tiên

a. Người có thời gian công tác liên tục từ 2 năm trở lên (tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi) tại các địa phương được quy định là Khu vực 1 trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành. Trong trường hợp này, thí sinh phải có quyết định tiếp nhận công tác hoặc điều động, biệt phái công tác của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

b. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;

c. Con liệt sĩ;

d. Anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động;

e. Người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú từ 2 năm trở lên ở địa phương được quy định tại Điểm a, Khoản này;

f. Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt, học tập do hậu quả của chất độc hoá học.

8.2. Mức ưu tiên

Người dự thi thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định (bao gồm cả người thuộc nhiều đối tượng ưu tiên) được cộng vào kết quả thi mười điểm cho môn ngoại ngữ (thang điểm 100) nếu không thuộc diện được miễn thi ngoại ngữ theo quy định của Quy định này và cộng một điểm (thang điểm 10) cho môn không chủ chốt ngành theo quy định.