Ngày 19/8/1945: Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là trang sử chói lọi, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây dân tộc Việt Nam thoát khỏi chế độ quân chủ phong kiến và những đêm dài nô lệ của thực dân, phát xít. Ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 521/QĐ-TTg, Quy định ngày 19 tháng 8 hàng năm là Ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Ngày 12/12/2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh số 30/2005/L-CTN công bố Luật Công an nhân dân, trong đó quy định: Ngày 19 tháng 8 hàng năm là Ngày truyền thống của Công an nhân dân và là ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Hôm nay 19/8/2019, trong không khí toàn Đảng, toàn dân ta đang tích cực thi đua lập thành tích chào mừng 74 năm Cách mạng tháng Tám, 74 năm Ngày truyền thống của Công an nhân dân và là ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, toàn thể cán bộ viên chức (CBVC), học sinh, sinh viên (HSSV) đều ghi nhớ về là ngày khai sinh của Nhà trường (19/8/1964).
Cách đây 55 năm ngày 19/8/1964, Trường Đại học Lâm nghiệp (ĐHLN) được thành lập theo Quyết định 127/CP của Hội đồng Chính phủ. Đây là một sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Ngành Lâm nghiệp nói riêng và đất nước nói chung. Từ ngày thành lập đến nay, trải qua nhiều thời kỳ phát triển của đất nước, các thế hệ thầy trò, CBVC Trường ĐHLN đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, từng bước xây dựng Trường phát triển về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể thấy sự phát triển và lớn mạnh của Trường ĐHLN từ ngày thành lập đến nay qua hai thời kỳ chính: Thời kỳ từ 1964-1984 Trường đóng tại Đông Triều, Quảng Ninh và thời kỳ từ năm 1984 đến nay Trường chuyển về Xuân Mai, Hà Nội.
I. Thời kỳ thứ nhất (1964-1984): Đây là 20 năm đầu Trường mới thành lập với nhiều khó khăn thử thách hết sức gay go, đặc biệt là thời gian đất nước chiến tranh (1964-1975). Năm 1964 là năm giặc Mỹ bắt đầu leo thang chiến tranh ra miền Bắc thì cũng chính năm đó, từ khoa Lâm học và tổ Cơ giới khai thác lâm nghiệp tách ra từ Trường Đại học Nông lâm Hà Nội, Trường ĐHLN đã ra đời và đóng tại cơ sở cũ của Trường học sinh Miền Nam ở xã Bình Dương, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Với 128 cán bộ (98 CBGD), 456 sinh viên ở 4 ngành học. 11 năm liên tục sau đó, thầy trò Nhà trường vừa đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) và phục vụ sản xuất, vừa tham gia phục vụ chiến đấu tại Trường và nhiều địa điểm sơ tán (Chí Linh – Hải Dương, Hữu Lũng – Lạng Sơn, Mai Sưu – Sơn Động – Hà Bắc). Có hàng trăm sinh viên ưu tú các khóa 14, 15, 16 và tương đương cùng nhiều giảng viên của Trường đã gác bút nghiên nhập ngũ lên đường chiến đấu, nhiều người đã anh dũng hy sinh, nhiều người đã để lại một phần xương máu của mình nơi chiến trường. Những người lính từ mái trường ra đi, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nơi chiến trường đã trở lại Trường tích cực học tập, trở thành những cán bộ chủ chốt của nhiều đơn vị, địa phương trong cả nước, có những người đã trở thành nhà khoa học, cán bộ quản lý giỏi. Họ là những tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ trẻ noi theo và chính họ đã làm rạng rỡ thêm truyền thống của Nhà trường.
Tiếp theo, từ 1975-1984 là giai đoạn đất nước vừa qua khỏi chiến tranh với bộn bề khó khăn, thiếu thốn. Nhu cầu cán bộ trình độ cao cho các tỉnh phía Nam rất lớn. Cùng với việc dốc sức khôi phục và xây dựng cơ sở vật chất, Nhà trường đã tập trung đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Nhiều lớp sinh viên được cử đi thực tập phục vụ sản xuất và rất nhiều sinh viên các khóa từ K14 tới K22 sau khi tốt nghiệp đã được cử vào công tác tại phía Nam. Nhiều người trong số họ đã trưởng thành, giữ những cương vị lãnh đạo chủ chốt tại các cơ quan đơn vị, các địa phương.
Có thể nói từ 1964-1984 là thời kỳ khó khăn, gian khổ và nhiều thử thách gay go nhất, song thầy và trò Nhà trường đã vững vàng vượt qua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhà trường đã không ngừng phát triển, tới năm 1984 đã có quy mô 1.526 sinh viên, gấp hơn 3 lần lúc thành lập.
II. Thời kỳ thứ hai: Trường ĐHLN chuyển về Xuân Mai – Chương Mỹ – Hà Nội và sáp nhập Trường Trung học Lâm nghiệp số 2 vào Trường ĐHLN (từ 1984 đến nay)
Bước vào giai đoạn phát triển mới sau khi thống nhất đất nước, để có tiền đề phát triển lâu dài và bền vững, ngày 11/7/1980 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 224/TTg phê chuẩn nhiệm vụ thiết kế xây dựng Trường ĐHLN. Sau một quá trình chuẩn bị, năm 1984 Nhà trường chính thức dời Đông Triều chuyển về Xuân Mai. Bắt đầu từ đây, Nhà trường bước sang một trang sử mới. 5 năm đầu của thời kỳ này, từ 1984-1989 đất nước còn hết sức khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, thầy trò Nhà trường vừa đào tạo, triển khai NCKH, vừa xây dựng và ổn định đời sống, về cơ bản quy mô Nhà trường được duy trì. Cơ ngơi ban đầu của Nhà trường được xây dựng cùng với trên 100 ha rừng nghiên cứu thực nghiệm được gây trồng trong khuôn viên của Nhà trường.
Tiếp theo là giai đoạn từ 1989-1999. Đây là những năm đầu trong tiến trình đổi mới, nền kinh tế đất nước từng bước ra khỏi khủng hoảng, giáo dục đào tạo nước nhà được quan tâm đầu tư phát triển. Trường ĐHLN đã có những bước phát triển quan trọng: Năm học 1990-1991 bắt đầu đào tạo tiến sĩ; Năm học 1992-1993 bắt đầu đào tạo hệ phổ thông dân tốc nội trú (DTNT); Năm học 1993-1994 bắt đầu đào tạo cao học.
Từ năm 1995 bắt đầu đào tạo 5 ngành ở bậc đại học và sau đó từng bước mở rộng quy mô, phát triển ngành nghề. Đến năm 1999 Nhà trường đã có quy mô 3.300 sinh viên, 7 ngành đào tạo đại học. Thời gian này cơ sở vật chất kỹ thuật Nhà trường tiếp tục được đầu tư. Tính đến năm 1994 sau 30 năm thành lập Nhà trường đã đào tạo được trên 8.000 kỹ sư.
Sự phát triển của Nhà trường đặc biệt mạnh mẽ trong 20 năm gần đây, từ năm 1999-2014 với nhiều dự án được thực hiện: Dự án “Mở rộng quy mô, phát triển ngành nghề đào tạo phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa-Hiện đại hóa đất nước đến năm 2005 của Trường ĐHLN”, dự án “Đầu tư mở rộng Trường ĐHLN giai đoạn 2000-2004”, dự án Giáo dục đại học mức A, mức B; dự án xây dựng Viện STR&MT; dự án Xây dựng Cơ sở 2; dự án Xây dựng Kí túc xá và nhiều chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, NCKH.
Trong giai đoạn này, toàn Trường dốc sức tập trung thực hiện thắng lợi các nghị quyết đại hội Đảng bộ trường lần thứ 16 (năm 2000) lần thứ 17 (năm 2003), lần thứ 18 (năm 2005), lần thứ 19 (năm 2010) và Chiến lược phát triển Trường giai đoạn 2006-2020 đã được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt.
Kết quả là, trong giai đoạn này nhiều đơn vị mới trực thuộc Trường được thành lập: Công ty Tư vấn đầu tư phát triển lâm nghiệp (năm 2005), Viện STR&MT (năm 2006), Cơ sở 2 Trường ĐHLN (năm 2008), Trung tâm Dịch vụ (năm 2009), Viện CNSH Lâm nghiệp năm (năm 2013), Viện Công nghiệp gỗ và Viến Kiến trúc cảnh quan & Nội thất (năm 2016), Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn. Đội ngũ cán bộ và quy mô đào tạo đều tăng nhanh, đến năm 2014 đạt quy mô trên 18.000 HSSV. Trong 20 năm nay, Nhà trường đã đào tạo được trên 40 nghìn kỹ sư, cử nhân, 5000 thạc sĩ và trên 100 tiến sĩ, nhiều hơn số cán bộ được đào tạo trong 35 năm trước đó. Cùng với đó là khối lượng các đề tài nghiên cứu khoa học được thực hiện tăng rất nhanh và cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường đáng kể.
Năm 2008, nhằm tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học và sau đại học tại các tỉnh phía Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã kí Quyết định sáp nhập Trường Trung học lâm nghiệp số 2 vào Trường ĐHLN thành Cơ sở 2 trường ĐHLN. Năm 2016, Cơ sở 2 được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT kí quyết định thành lập Phân hiệu ĐHLN.
Trường Trung học Lâm nghiệp số 2 được thành lập ngày 29/7/1975, trên cơ sở sáp nhập hai trường Nông Lâm Súc của tỉnh Bình Dương. Trường đóng chân tại xã An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Tháng 9/1978, Trường chuyển về thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Từ năm 1989, Trường đổi tên Trường Trung học Lâm nghiệp số 2.
Có thể nói, Trường Trung học Lâm nghiệp số 2 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, đứng trước vận hội mới, cơ hội mới việc sáp nhập thành Cơ sở 2 Trường ĐHLN là một quyết định dũng cảm, sáng suốt. Khi trở thành Cơ sở 2 Trường ĐHLN, tập thể CBVC, HSSV Nhà trường đã đi trên một chặng đường mới với những nhiệm vụ mới, nhưng trong hành trang của họ, những truyền thống tốt đẹp của 44 năm xây dựng và trưởng thành của Trường Trung học Lâm nghiệp số 2 vẫn được trân trọng và phát huy trở thành những giá trị vĩnh viễn.
Nhìn lại lịch sử phát triển trong suốt 55 năm qua, những thành tựu của Trường ĐHLN nổi bật trên các mặt sau đây:
1. Về giáo dục đào tạo: Luôn là trường đầu ngành, trung tâm đào tạo, NCKH của cả nước về lâm nghiệp, đi đầu trong đổi mới mục tiêu, chương trình, giáo trình, PP giảng dạy, phát triển ngành nghề. Các ngành, nghề đào tạo đều có hiệu quả tốt, sức hút, đặc biệt các chương trình tiên tiến, chất lượng cao. Trường đã đào tạo cho đất nước trên 40.000 kỹ sư, cử nhân, trên 1200 thạc sĩ, 200 tiến sỹ. Các thế hệ cán bộ do Trường đào tạo đã và đang công tác tại khắp mọi miền đất nước, giữ những cương vị chủ chốt về chính quyền và khoa học trong các cơ quan từ Trung ương đến các địa phương, làm nên thương hiệu thứ hạng cao của Trường ĐHLN hôm nay.
2. Có thành tích xuất sắc trong NCKH, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Với đội ngũ cán bộ khoa học về lâm nghiệp nhiều nhất trong cả nước và là trường đầu ngành về lâm nghiệp, Trường ĐHLN đã và đang thực sự là một trung tâm khoa học về lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, phòng chống giảm nhẹ thiên tai, đã và đang chủ trì hoặc tham gia hàng chục đề tài cấp Nhà nước, hàng trăm đề tài cấp bộ và nhiều đề tài, dự án chuyển giao KHCN tại các địa phương, phục vụ chương trình 5 triệu ha rừng, chương trình 1 triệu m3 ván nhân tạo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp CNH-HĐH Nông nghiệp và nông thôn. Phong trào NCKH trong sinh viên đã phát triển mạnh mẽ, hàng năm đều có nhiều đề tài NCKH của sinh viên đoạt giải của Bộ GD&ĐT, của quỹ sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam VIFOTEC và giải thưởng lâm nghiệp quốc tế.
3. Về hợp tác quốc tế và hội nhập: Hợp tác quốc tế (HTQT) luôn được ưu tiên trọng điểm để tự chủ, hội nhập và đã tạo vị thế, thương hiệu cho Trường. Trường đang hợp tác với hơn 115 tổ chức, trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới. Đã tiếp nhận nhiều tình nguyện viên, chuyên gia đến làm việc. Đội ngũ CBVC được học tập bài bản ở nước ngoài về đã và đang là đội ngũ chủ chốt của Trường, tham gia đầy đủ các diễn đàn, các chương trình, nghị sự về lâm nghiệp trong khu vực và trên thế giới. Trường luôn có chiến lược, lộ trình HTQT để nâng cao chất lượng đội ngũ. Với trên 30 cán bộ của Trường đang là kiêm giảng tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới, chính là cầu nối cho Trường liên kết quốc tế. Năm 2010, chỉ có 30% CBVC làm việc được với chuyên gia nước ngoài, thì năm 2019 có khoảng 90% CBVC. Số còn lại có thể đọc sách, dịch thuật hoặc giao tiếp tốt. Đây là một lợi thế rất lớn để Nhà trường hội nhập và tự chủ đào tạo. Đã liên kết hướng dẫn thực tập sinh nước ngoài và đào tạo cho Lào, Campuchia trên 300 kỹ sư và thạc sỹ.
4. Làm tốt công tác xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ đào tạo, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái. Đặc biệt là từ năm 1984 đến nay, từ một vùng đồi núi trọc, sau 30 năm xây dựng phát triển nhất là 15 năm gần đây, Nhà trường đã xây dựng được cơ ngơi khang trang trong diện tích 27 ha với 82 phòng học, 60 phòng thí nghiệm trong đó có nhiều phòng học chuyên dùng với đầy đủ tiện nghi, có phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về CBLS và phòng thí nghiệm CNSH hiện đại, có phòng tiêu bản thực vật rừng Việt Nam có tên trong hệ thống các phòng tiêu bản thực vật quốc tế, có thư viện, hệ thống nhà làm việc, KTX sinh viên với trên 2.500 chỗ ở khép kín và trạm y tế, nhà thi đấu thể thao, bể bơi,… đáp ứng tốt yêu cầu về đào tạo, NCKH, rèn luyện của thầy trò Nhà trường.
Đặc biệt, từ một vùng đồi trọc, thầy trò Nhà trường đã xây dựng được khu rừng nghiên cứu thực nghiệm có diện tích trên 100 ha với trên 400 loài cây bản địa được đưa từ khắp nơi trong nước về trồng, đây không chỉ là địa bàn nghiên cứu, thực hành, thực tập rất thuận lợi cho thầy trò Nhà trường mà còn là một phòng thực nghiệm ngoài trời hết sức quý giá cho các hoạt động NCKH trong tương lai. Hơn thế nữa, thầy trò Nhà trường đã trồng được trên 300 ha rừng môi sinh tại khu vực gần trường. Các khu rừng NCTN và môi sinh này đã góp phần quan trọng cải thiện cảnh quan môi trường.
Có thể tự hào rằng, ít có trường đại học trong nước nào hiện nay có được cảnh quan đẹp và trong lành như trường ĐHLN, và với quy mô trên 100 ha rừng và đất khu vực công sở trong khuôn viên tại Cơ sở chính và 18,4 ha tại Phân hiệu, Trường ĐHLN đã đáp ứng được yêu cầu chuẩn quốc tế đối với một trường đại học về quy mô diện tích để phát triển.
5. Làm tốt công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ, xây dựng tập thể đoàn kết vững mạnh, chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương:
– Nhà trường thường xuyên xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển đội ngũ, đặc biệt đội ngũ CBGD, cán bộ chuyên môn đầu đàn. Từ 128 cán bộ lúc mới thành lập, đến nay đã có 986 CBVC, HĐLĐ (trên 600 CBGD với 08 Giáo sư, 42 Phó Giáo sư, 150 Tiến sĩ); số đang học ở nước ngoài là trên 100 người. Toàn trường là một tập thể đoàn kết với hạt nhân lãnh đạo là BCH Đảng bộ trường, Đảng bộ trường trên 30 năm qua liên tục được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nhiều năm là Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Các tổ chức công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đều là những tổ chức vững mạnh. Nhà trường đã thực sự là cơ quan khoa học giáo dục, trung tâm văn hóa trong khu vực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của địa phương.
55 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã chú trọng công tác đào tạo, NCKH, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng CSVC. Với những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhà trường được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, năm 2009, Nhà trường được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và năm 2014, Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Đây là niềm vinh dự hết sức lớn lao đối với tất cả các thế hệ thầy giáo cô giáo, CBVC và HSSV trường ĐHLN chúng ta.
Có được những thành tích và vinh dự to lớn trên đây, công lao trước hết thuộc về tất cả các thế hệ các thầy cô giáo, CBVC và HSSV Nhà trường trong suốt 55 năm qua. Từ thế hệ đồng chí Nguyễn Tạo – Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Hiệu trưởng danh dự và thầy Nghiêm Xuân Tiếp – Hiệu trưởng đầu tiên của Nhà trường đến CBVC, các thầy cô giáo và HSSV các thế hệ kế tiếp của thời kỳ các thầy Hiệu trưởng: thầy Nguyễn Phan Lễ, thầy Lê Công Tặng, thầy Trần Thanh Bình, thầy Nguyễn Đình Tư, thầy Trần Hữu Viên cũng như các thế hệ các thầy của Trường Trung học Lâm nghiệp số 2 và đến thế hệ chúng ta hôm nay. Các thế hệ đi trước đã đặt nền móng vững chắc cho thế hệ chúng ta tiếp tục phát huy, vượt lên đưa Trường ĐHLN phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tích ngày càng to lớn. Chúng ta luôn tri ân các thầy vì sự đóng góp cho ngành NN&PTNT nói chung và Trường ĐHLN nói riêng.
Với thời cơ vận hội mới của đất nước. Với truyền thống và bề dày kinh nghiệm xây dựng và phát triển trong suốt 55 năm qua. Với sự quyết tâm đồng lòng chung sức của toàn thể CBVC, các thầy cô giáo, HSSV Trường ĐHLN và được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo chỉ đạo có hiệu quả của Bộ NN&PTNT, Bộ GD&ĐT, sự hỗ trợ giúp đỡ của các Bộ ngành TW, các địa phương, sự hợp tác của các tổ chức đơn vị trong và ngoài nước, của bạn bè quốc tế… Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng Trường ĐHLN sẽ tiếp tục phát huy truyền thống Trường đại học anh hùng, từng bước phát triển vững chắc, xứng đáng với vị trí trường đầu ngành và trung tâm khoa học Lâm nghiệp của cả nước, từng bước vươn lên hội nhập bình đẳng với các trường trong khu vực và quốc tế.
NGND.GS.TS. Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng