Riêng những người con của Trường Đại học Lâm nghiệp, chúng ta hân hoan vì ngày hôm nay là sinh nhật lần thứ 58 của Nhà trường.
Cách đây 58 năm ngày 19/8/1964, Trường ĐHLN được thành lập theo Quyết định 127/CP của Hội đồng Chính phủ. Đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Ngành Lâm nghiệp và đất nước. Từ đó đến nay, trải qua nhiều thời kỳ phát triển của đất nước, các thế hệ CBVC, HSSV Trường ĐHLN đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, xây dựng Trường phát triển về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể thấy sự phát triển và lớn mạnh của Trường ĐHLN qua hai thời kỳ chính: Thời kỳ từ 1964-1984 Trường đóng tại Quảng Ninh và từ năm 1984 đến nay tại Hà Nội.
I. Thời kỳ thứ nhất (1964-1984): Đây là 20 năm đầu Trường mới thành lập với nhiều khó khăn thử thách hết sức gay go, đặc biệt là thời gian đất nước chiến tranh (1964-1975). Năm 1964 giặc Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc thì cũng chính năm đó, Trường đã ra đời tại cơ sở cũ của Trường học sinh Miền Nam ở xã Bình Dương, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. 11 năm sau đó, thầy trò vừa đào tạo, NCKH và sản xuất, vừa tham gia phục vụ chiến đấu tại Trường và nhiều địa điểm sơ tán (Chí Linh – Hải Dương, Hữu Lũng – Lạng Sơn, Mai Sưu – Sơn Động – Hà Bắc). Có hàng trăm sinh viên ưu tú các khóa 14, 15, 16 và tương đương cùng nhiều giảng viên của Trường đã gác bút nghiên, nhập ngũ lên đường chiến đấu, nhiều người đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trường. Những người lính sau khi hoàn thành nhiệm vụ nơi chiến trường đã trở lại Trường tích cực học tập, trở thành những cán bộ chủ chốt của nhiều đơn vị, địa phương trong cả nước, có những người đã trở thành nhà khoa học, cán bộ quản lý. Họ là những tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạnh cho các thế hệ trẻ noi theo và chính họ đã làm rạng rỡ thêm truyền thống của Nhà trường.
Từ 1975-1984 là giai đoạn đất nước vừa qua khỏi chiến tranh với bộn bề khó khăn, thiếu thốn. Nhu cầu cán bộ trình độ cao cho các tỉnh phía Nam rất lớn. Nhiều lớp sinh viên đi thực tập phục vụ sản xuất và nhiều sinh viên các khóa K14 tới K22 sau tốt nghiệp đã được cử vào Nam công tác. Có thể nói từ 1964-1984 là thời kỳ khó khăn, gian khổ và nhiều thử thách gay go nhất, song thầy và trò đã vững vàng vượt qua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhà trường đã không ngừng phát triển, tới năm 1984 đã có quy mô 1.526 sinh viên, gấp hơn 3 lần lúc thành lập.
II. Thời kỳ Trường chuyển về Xuân Mai – Chương Mỹ – Hà Nội và sáp nhập Trường Trung học Lâm nghiệp số 2 vào Trường ĐHLN (từ 1984 đến nay): Năm 1984 Nhà trường chính thức dời Đông Triều chuyển về Xuân Mai. Nhà trường bước sang một trang sử mới. Những năm 1984-1989 đất nước hết sức khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, Nhà trường vừa đào tạo, NCKH, vừa xây dựng và ổn định đời sống, quy mô đào tạo được duy trì. Giai đoạn từ 1989-1999: Đây là những năm đầu trong tiến trình đổi mới, nền kinh tế đất nước từng bước ra khỏi khủng hoảng, giáo dục đào tạo nước nhà được quan tâm đầu tư phát triển. Trường ĐHLN đã có những bước phát triển quan trọng: Năm học 1990-1991 bắt đầu đào tạo Tiến sĩ. Năm học 1992-1993 bắt đầu đào tạo hệ phổ thông dân tốc nội trú. Năm học 1993-1994 bắt đầu đào tạo cao học.
Sự phát triển của Nhà trường đặc biệt mạnh mẽ từ năm 1999-2019 với nhiều dự án được thực hiện. Kết quả là, nhiều đơn vị mới trực thuộc Trường được thành lập. Đội ngũ cán bộ và quy mô đào tạo đều tăng nhanh, số lượng các đề tài nghiên cứu khoa học được thực hiện tăng rất nhanh và cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường đáng kể. Năm 2008, nhằm tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học và sau đại học tại các tỉnh phía Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã kí Quyết định sáp nhập Trường Trung học lâm nghiệp số 2 vào Trường ĐHLN thành Cơ sở 2 và năm 2016 Cơ sở 2 được nâng cấp thành Phân hiệu ĐHLN tại tỉnh Đồng Nai. Trường Trung học Lâm nghiệp số 2 được thành lập ngày 29/7/1975, trên cơ sở sáp nhập hai trường Nông, Lâm, Súc của tỉnh Bình Dương. Trường đóng tại xã An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Tháng 9/1978, Trường chuyển về thị trấn Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Từ năm 1989, Trường đổi tên Trường TH Lâm nghiệp số 2. Có thể nói, Trường TH Lâm nghiệp số 2 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, đứng trước vận hội mới, cơ hội mới việc sáp nhập thành Cơ sở 2 Trường ĐHLN là một quyết định dũng cảm, sáng suốt. Khi trở thành Cơ sở 2 trường ĐHLN, tập thể CBVC, HSSV Nhà trường đã đi lên một chặng đường mới với những nhiệm vụ mới, nhưng trong hành trang của họ, những truyền thống tốt đẹp của 44 năm xây dựng và trưởng thành của Trường THLN số 2 vẫn được trân trọng và phát huy trở thành những giá trị vĩnh viễn.
Ngày 24.3.2020, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã kí quyết định số 1026/QĐ-BNN-TCCB về việc giải thể Trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây nguyên để sáp nhập vào Trường ĐHLN. Đây là là một chuyển hướng lịch sử của Nhà trường khi vươn tới địa bàn Tây Nguyên.
Những ngày đầu khi mới thành lập là những ngày gian nan, vất vả của sự khởi đầu. Nhưng Cơ sở Tây nguyên luôn nhận sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của các bộ, ban ngành. Đặc biệt may mắn lớn nhất là được đóng trên địa bàn Thành phố Pleiku – nơi có truyền thống anh hùng và rất trọng trí thức, hiền tài. Các đồng chí coi cơ sở của chúng ta như chính các đồng chí gây dựng. Bên cạnh đó, với sự nỗ lực, sự vươn lên của từng CBVC, chúng ta đã vượt qua khó khăn và đạt được thành tích khó tưởng tượng – điều mà nhiều cơ sở khác mơ ước.
Ngày 20/7/2020, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã kí Quyết định thành lập Phân hiệu Trường ĐHLN tại tỉnh Gia Lai. Đây là một sự kiện lịch sử, bước sang một trang sử mới với nhiều cơ hội để phát triển, song trách nhiệm cũng lớn lao, nặng nề hơn đặc biệt khi tiến tới tự chủ và hội nhập.
Với những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhà trường được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, năm 2009, Nhà trường được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và năm 2014, Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Có được những thành tích và vinh dự to lớn trên đây, công lao trước hết thuộc về các thế hệ các thầy cô giáo, CBVC và HSSV Nhà trường trong suốt 58 năm qua. Từ thế hệ đồng chí Nguyễn Tạo – Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Hiệu trưởng danh dự và thầy Nghiêm Xuân Tiếp – Hiệu trưởng đầu tiên của Nhà trường đến CBVC, HSSV các thế hệ kế tiếp của thời kỳ các thầy Hiệu trưởng: thầy Nguyễn Phan Lễ, thầy Lê Công Tặng, thầy Trần Thanh Bình, thầy Nguyễn Đình Tư, thầy Trần Hữu Viên cũng như các thế hệ các thầy của Trường Trung học Lâm nghiệp số 2, Trường Trung cấp lâm nghiệp Tây nguyên và đến thế hệ chúng ta hôm nay. Các thế hệ đi trước đã đặt nền móng vững chắc cho thế hệ chúng ta phát huy truyền thống đưa Trường ĐHLN phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tích ngày càng to lớn.
Trong thời khắc trọng đại này, chúng ta nghiêng mình kính cẩn tưởng nhớ đến những bậc tiền bối đã đi xa. Cảm ơn các thế hệ nhà giáo đã cống hiến cả cuộc đời mình, mặc dù nghỉ chế độ nhưng vẫn luôn dõi theo sự phát triển của Nhà trường và minh chứng là hôm nay đã về đây. Chúng ta mãi mãi tri ân và biết ơn họ. Không hiểu gốc rễ, không biết ơn những người đi trước thì không thể nào lớn lên được. Thế hệ hiện tại ý thức rằng, mình là người được mang ơn và đang mắc nợ. Không ai đòi nợ cả, nhưng lẽ sống ở đời không được phép vô ơn. Không có những viên gạch đầu tiên thì không thể có bức trường thành vững chãi, không có những người mở đường thì mãi mãi không có lối đi. Vì vậy trong mỗi nhịp đập của con tim, trong ý nghĩ của mỗi người đều sâu nặng nghĩa tình và hàm ơn cao cả.
Chúng ta ghi nhớ công ơn người thầy, nhưng cũng vinh danh sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, thầm lặng của người quản lý, cán bộ phục vụ, các chuyên viên, bảo vệ, vệ sinh, cây cảnh, giảng đường, phòng thí nghiệm, lái xe, y tế, điện, nước đã sát cánh bên đội ngũ nhà giáo, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ chung. Để có được những bài giảng hay, những giờ lên lớp trọn vẹn của người thầy, có hơn nửa những đóng góp quan trọng của những người quản lý, cán bộ phục vụ. Họ làm việc thầm lặng, gian khổ, cần mẫn, không kêu ca phía sau bục giảng. Chính những giọt mồ hôi của các anh chị đã làm nên một môi trường học tập lý tưởng, một lá phổi xanh, một nơi đáng sống. Các đồng chí cũng hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh như những người thầy. Thay mặt các nhà giáo, HSSV xin trân trọng cảm ơn các đồng chí. Càng vinh dự tự hào bao nhiêu, thế hệ thầy trò và CBVC Trường ĐHLN hôm nay càng ý thức được trách nhiệm lớn lao của mình là phải kế tục và phát huy cao độ truyền thống anh hùng của Nhà trường bấy nhiêu. Với thời cơ vận hội mới của đất nước. Với sự quyết tâm đồng lòng chung sức của toàn thể CBVC, các thầy cô giáo, HSSV Trường ĐHLN và được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo chỉ đạo có hiệu quả của Bộ NN&PTNT, Bộ GD&ĐT, sự hỗ trợ giúp đỡ của các bộ, ngành, các địa phương, sự hợp tác của các tổ chức đơn vị trong và ngoài nước, của bạn bè quốc tế. Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng Trường ĐHLN sẽ tiếp tục phát huy truyền thống trường đại học anh hùng, từng bước phát triển vững chắc, xứng đáng với vị trí trường đầu ngành và trung tâm khoa học lâm nghiệp của cả nước, từng bước vươn lên hội nhập bình đẳng với các trường trong khu vực và quốc tế.
Xin dẫn lời của một nhà giáo“Xin cảm ơn quý thầy giáo, cô giáo, các cán bộ phục vụ đào tạo, đặc biệt những thầy cô đã cống hiến cả thanh xuân và đời người cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người. Xin mỗi chúng ta hãy thổi bùng lên và truyền cho nhau ngọn lửa nhiệt tình và lương tâm nghề giáo, đem mùa xuân rực rỡ về cho Tổ quốc Việt Nam”.
NGND.GS.TS, Trần Văn Chứ – Bí thư Đảng uỷ – Hiệu trưởng