Đoàn công tác Trường Đại học Lâm nghiệp do GS.TS. Phạm Văn Chương – Phó Hiệu trưởng làm trưởng đoàn, cùng Lãnh đạo các Phòng: KH&CN, Đào tạo, Đào tạo SĐH; Lãnh đạo các Khoa: QLTN Rừng và Môi trường, Cơ điện và Công trình; Kinh tế và QTKD; Lâm học; LLCT; Lãnh đạo các Viện: Công nghiệp Gỗ, KTCQ&CXĐT, CNSH Lâm nghiệp, QLĐĐ&PTNT, STR&MT.
Về phía UBND tỉnh Hòa Bình có đồng chí Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Văn phòng UBND; Lãnh đạo các sở: KH&CN, NN&PTNT, GD&ĐT, KHĐT và một số sở, ngành liên quan.
Hòa Bình là tỉnh miền núi phía Tây bắc của Tổ quốc, có địa hình núi cao, chia cắt phức tạp, độ dốc lớn. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 4.596,4 km², trong đó có tổng diện tích quy hoạch cho đất lâm nghiệp chiếm hơn 80%, với độ che phủ của rừng là 51%, đường giao thông chủ yếu là trục đướng quốc lộ 6 và đường thủy Sông Đà.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình phát biểu
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao công tác đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của Trường Đại học Lâm nghiệp cho tỉnh Hòa Bình trong thời gian qua và đề cập đến một số vấn đề nổi bật trong tình hình phát triển nông – lâm nghiệp của tỉnh hiện nay, định hướng những năm tiếp theo.
Đồng chí chỉ rõ một số khó khăn, thách thức trong phát triển nông – lâm nghiệp: Diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, địa hình cao, dốc, chia cắt phức tạp; cơ sở hạ tầng lâm nghiệp chưa phát triển; khả năng tích tụ đất lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn do việc giao đất cho người dân còn nhỏ lẻ; nguồn vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất lâm nghiệp còn hạn chế, chính sách phát triển lâm nghiệp còn nhiều bất cập, chưa phát huy hết lợi thế tiềm năng du lịch đặc biệt là du lịch sinh thái kết hợp với nông lâm nghiệp. Hiện nay tỉnh Hòa Bình đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành nông – lâm nghiệp, du lịch thương mại phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững. Trong đó, giải pháp quan trọng hàng đầu là phát huy vai trò của KHCN, ứng dụng KHCN vào quy trình sản xuất, chế biến, và nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm.
GS.TS. Phạm Văn Chương – Phó hiệu trưởng Nhà trường phát biểu
GS.TS. Phạm Văn Chương – Phó Hiệu trưởng phát biểu giới thiệu khái quát về Nhà trường và những thành tựu nổi bật về các hoạt động khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Lãnh đạo Nhà trường cũng mong muốn trong thời gian tới Trường Đại học Lâm nghiệp và tỉnh Hòa Bình sẽ có nhiều chương trình hợp tác cụ thể và hiệu quả, góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn Tỉnh.
Đoàn công tác của Trường Đại học Lâm nghiệp đã đề xuất cụ thể các nội dung mong muốn được thúc đẩy hợp tác với tỉnh thời gian tới, gồm: Đào tạo nguồn nhân lực (trình độ đại học và sau đại học, bồi dưỡng ngắn hạn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý ngành lâm nghiệp…); nghiên cứu khoa học (nghiên cứu các giải pháp, kỹ thuật phát triển rừng trồng; nghiên cứu nâng cao giá trị gia tăng gỗ rừng trồng gắn với xây dựng NTM; nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong theo dõi, giám sát tài nguyên rừng và đa dạng sinh học…); chuyển giao công nghệ (ứng dụng công nghệ cao trong khai thác, chế biến lâm sản; chuyển giao công nghệ sinh học, kỹ thuật tuyển chọn giống cây lâm nghiệp chất lượng cao; các giải pháp trong quy hoạch và thiết kế cảnh quan, lâm nghiệp đô thị…).
Đồng chí Phó chủ tỉnh UBND tỉnh đánh giá cao những nội dung đề nghị hợp tác của Trường Đại học Lâm nghiệp trong buổi làm việc, cho rằng đó là những gợi ý xác đáng giúp tỉnh có thêm dữ kiện để sớm triển khai các hoạt động trọng tâm. Lãnh đạo Hai bên tin tưởng nhất trí sẽ cụ thể hóa biên bản thỏa thuận thành các kế hoạch, chương trình nhiệm vụ để triển khai và tổng kết đánh giá hằng năm, từ đó đưa ra những kế hoạch cụ thể cho thời gian tiếp theo; giao cho các phòng ban chức năng phối hợp cùng triển khai hiệu quả các điều khoản trong văn bản thỏa thuận.
Chuyến công tác của đoàn thành công tốt đẹp, thông qua việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác sẽ là cơ sở để Hai bên sớm triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể và hiệu quả hơn nữa trong tương lai.
Nguồn: Phòng KH&CN