Trường Đại học Lâm nghiệp đổi mới, sáng tạo phát triển khoa học công nghệ

Kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam: 18/5/2014 – 18/5/2021

Lịch sử hình thành ngày 18/5

Ngày 18/6/2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Khoa học và công nghệ (KH&CN) và thống nhất chọn ngày 18 tháng 5 hàng năm là Ngày KH&CN Việt Nam. Từ năm 2014 đến nay, Ngày KH&CN Việt Nam được tổ chức rộng rãi trong toàn quốc nhằm tuyên truyền về các thành tựu của KH&CN đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; biểu dương, tôn vinh đội ngũ cán bộ KH&CN; nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN; động viên thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên say mê nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trong tương lai…

Vai trò của KH&CN trong phát triển đất nước và Ngành Lâm nghiệp

Nhà nước ta luôn khẳng định “Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Trên cơ sở thực tiễn triển khai, Ðảng ta xác định “KH&CN là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng”. Trong thời gian qua, KH&CN nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần chuyển dịch mô hình tăng trưởng và thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị. Bằng chứng là tăng năng suất lao động bình quân từ 4,3%/năm lên 5,8%; tổng giá trị gia tăng trong nông nghiệp tăng trên 30%; giá trị sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ tăng từ 26% (2010) lên trên 40% (2019).

Trong những năm qua Ngành Lâm nghiệp đã có nhiều bước phát triển mạnh, nhanh và bền vững, Trong đó có đóng góp rất lớn của KH&CN Ngành Lâm nghiệp: Việt Nam trở thành nước thứ 5 về xuất khẩu đồ gỗ trên thế giới, định hướng đến 2025 trở thành Trung tâm sản xuất đồ gỗ thế giới và đạt 18-20 tỷ USD; Tỷ lệ nguyên liệu nội địa thay thế gỗ nhập khẩu đạt 60-70%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42% cao hơn mức bình quân thế giới (29%); Dịch vụ chi trả môi trường rừng  trở thành nguồn kinh phí quan trọng thu lợi từ rừng. Vai trò của ngành Lâm nghiệp ngày càng được coi trọng trong phòng chống lũ và giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường.

Thành tựu về KH&CN của Trường Đại học Lâm nghiệp

Sứ mệnh của Trường Đại học Lâm nghiệp đã được khẳng định – Là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ hàng đầu ở Việt Nam về lĩnh vực lâm nghiệp, chế biến lâm sản và phát triển nông thôn, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; mỹ thuật và kiến trúc cảnh quan, kỹ thuật – công nghệ, góp phần vào sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội của đất nước và nâng cao giá trị gia tăng của ngành lâm nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, thực hiện các định hướng phát triển KH&CN dưới sự định hướng, chỉ đạo của Đảng Ủy, Ban Giám Hiệu, Hội đồng trường, sự tham gia tích cực của các thầy cô giáo, các nhà khoa học các đơn vị trong trường, hoạt động NCKH&CGCN của Trường Đại học Lâm nghiệp đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp, phát triển vượt bậc, tăng về số lượng và chất lượng, mở rộng quy mô và các loại hình NCKH và chuyển giao công nghệ.

– Nhà trường đã mở rộng hợp tác về KHCN với các tỉnh thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Hòa Bình, UBND Thanh Hóa, Nghệ An, UBND Quảng Trị và nhiều tập đoàn, doanh nghiệp. – Số lượng và kinh phí hoạt động KH&CN của Nhà trường đã có chiều tăng trưởng nhanh về số lượng, chất lượng và kinh phí thực hiện đề tài. Nhà trường chủ trì thực hiện tổng số 22 nhiệm vụ cấp quốc gia, 32 nhiệm vụ cấp bộ, 10 nhiệm vụ cấp tỉnh, 15 hợp đồng dịch vụ tư vấn và 195 đề tài cấp cơ sở. Số lượng đề tài các cấp đều tăng qua các năm như cấp Nhà nước năm 2016 có 03 đề tài, đến năm 2020 đã có 13 đề tài (tăng hơn 4 lần), cấp bộ và cấp tỉnh năm 2016 có 10 đề tài, đến năm 2020 có 35 đề tài/ hợp đồng dịch vụ tư vấn (tăng hơn 3 lần).

– Kết quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ của Nhà trường đáng ghi nhận như có 19 nhiệm vụ đã được đăng ký kết quả thực hiện, 05 nhiệm vụ được ứng dụng, 26 công nghệ được chuyển giao, 55 số hợp đồng chuyển giao công nghệ được thực hiện, đã có 05 Giấy chứng nhận quyền tác giả và 02 Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích được cấp; 07 Tiến bộ kỹ thuật được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận,…. Trong đó, việc tiếp cận và triển khai các nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ cao trong Lâm nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong các nghiên cứu như các quy trình công nghệ trong công nghiệp rừng và chế biến lâm sản (công nghệ và thiết bị uốn gỗ tự nhiên; công nghệ biến tính gỗ; thiết kế chế tạo dây chuyền xẻ gỗ tự động; hệ thống thiết bị tự động phân loại tăm hương chất lượng cao; sản xuất keo dán thân thiện, sơn phủ môi trường trong sản xuất ván nhân tạo,…); các phần mềm trong quản lý tài nguyên rừng (phát hiện sớm cháy rừng, mất rừng, suy thoái rừng, thay đổi diện tích rừng,…; phần mềm quản lý dữ liệu kiểm kê rừng; phần mềm nhận biết nhanh tên gỗ và các loài thú hoang dã,…).

– Phần lớn các kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ KH&CN đều mở các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, làng nghề, các cơ quan quản lý nhà nước về Lâm nghiệp tùy theo đặc thù của từng nhiệm vụ; Ngoài ra một số kết quả của các đề tài còn được xuất bản thành các giáo trình, bài giảng, sách chuyên khảo, tham khảo phục vụ đào tạo và tra cứu dữ liệu. Hỗ trợ, hướng dẫn sinh viên, học viên cao học, NCS làm luận văn tốt nghiệp.

– Đào tạo cho doanh nghiệp công nghệ mới theo chương trình của Bộ NN&PTNT và các đơn vị có nhu cầu.

Hoạt động KHCN sinh viên

Các hoạt động Khoa học sinh viên ngày càng đa dạng hơn với nhiều hình thức và sân chơi nhằm thúc đẩy sự đam mê tìm tòi và sáng tạo của sinh viên, dần đưa NCKH từng bước đi vào thực thực tế (khởi nghiệp,…). Trong giai đoạn 2016 – 2020, đã có 398/567 đề tài NCKH sinh viên được triển khai thực hiện và hoàn thành bởi 1.009/1.541 sinh viên. Trong đó có 151 đề tài đạt giải cấp trường, 20 đề tài đạt giải thưởng Sinh viên NCKH toàn quốc, giải thưởng VIFOTEC. Điển hình là đề tài “Nghiên cứu sử dụng gỗ Quế sau khai thác vỏ để làm thiết bị dạy học” đạt giải Nhì toàn quốc năm 2017do các sinh viên K59 CBLS thực hiện cùng rất nhiều đề tài khác đã đạt giải thưởng cấp trường, cấp Bộ, cấp Quốc gia thuộc các lĩnh vực nghiên cứu của Nhà trường.

Hàng năm, Nhà trường có từ 9-15 sinh viên được nhận chứng nhận của Microsoft, trong đó có từ 1-2 sinh viên vào vòng chung kết Cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng thế giới – Viettel cấp quốc gia. Sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp cũng tích cực tham gia cuộc thi Lái xe sinh thái tiết kiệm nhiên liệu do Honda tổ chức và luôn đạt được thứ hạng đáng ghi nhận như xếp thứ 13/187 đội (năm 2020), xếp thứ 10 và 15/136 đội (năm 2019). Cuộc thi Olympic cơ học toàn quốc cũng chứng kiến sự đóng góp của sinh viên Đại học Lâm nghiệp với nhiều giải thưởng đáng kể. Hơn nữa, tham gia sân chơi khởi nghiệp quốc gia từ năm 2014, cho đến nay Khởi nghiệp Lâm nghiệp đã thu hút 102 nhóm dự án dự thi các cấp với nhiều giải thưởng các cấp. Đặc biệt, năm 2020 có 01 dự án đạt giải Nhì Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp do Bộ Giáo dục Đào tạo tổ chức, đồng thời đạt giải nhì dự án Khởi nghiệp quốc gia do VCCI tổ chức mang tên “Ván sàn gỗ dừa CCF” của các sinh viên K62 ngành Chế biến lâm sản và Kinh tế.

Hoạt động khen thưởng KH&CN

Nhằm tôn vinh và ghi nhận sự đóng góp của các nhà khoa học, các nhóm sinh viên, giáo viên hướng dẫn có thành tích cao trong hoạt động KHCN sinh viên, Nhà trường đều có các hình thức khen thưởng tại các Hội nghị tổng kết, các buổi khen thưởng đột xuất. Qua đó đã khích lệ, động viên và tạo động lực, niềm say mê NCKH.

Định hướng phát triển KH&CN của Trường Đại học Lâm nghiệp trong giai đoạn mới

Trong bối cảnh mới về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự thay đổi nhanh chóng về KHCN ở trên thế giới và Việt Nam, định hướng phát triển ngành Lâm nghiệp, sự đổi mới về cơ chế tự chủ, những thách thức, cơ hội về phát triển KHCN là rất lớn, Trường Đại học Lâm nghiệp định hướng phát triển một số nhiệm vụ chính sau:

–  Phát triển một số lĩnh vực nghiên cứu là thế mạnh của Nhà trường (Giống và CNSH; Công nghiệp rừng và CBLS; Quản lý tài nguyên rừng, kinh tế chính sách), phù hợp với Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giải quyết tốt những vấn đề trọng tâm của ngành và các chương trình phát triển lâm nghiệp, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, làng nghề, doanh nghiệp, chiến lược Phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2030.

– Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ của cách mạng 4.0 trong lĩnh vực nông lâm nghiệp và phát triển nông thôn, công nghiệp chế biến gỗ(Xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, Internet vạn vật/IoT, Trí tuệ nhân tạo; phát triển các phần mềm cho công tác quản lý, giám sát, theo dõi diễn biễn tài nguyên rừng; truy xuất nguồn gốc xuất xứ gỗ và lâm sản; Hệ thống thiết bị và phần mềm cung cấp thông tin khoa học và tư vấn lâm nghiệp trực tuyến trên cở sở trí tuệ nhân tạo; chuyển đổi số/quản trị số trong chế biến gỗ).

– Tăng cường và mở rộng hợp tác NCKH&CGCN với các tỉnh về Lâm nghiệp phù hợp với các địa phương.

– Phát triển mô hình Nhà trường/Viện nghiên cứu – Doanh nghiệp, tăng cường hợp tác ĐT&NCKH; Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất.   

– Xây dựng đội ngũ các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành cho các lĩnh vực khoa học trọng điểm của ngành Lâm nghiệp. Gắn đào tạo sau đại học với việc tham gia triển khai các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

– Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu: Phòng thí nghiệm Vilas; Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia Lâm nghiệp; Trung tâm kiểm định chất lượng gỗ Quốc gia.

Chúng ta tin tưởng và khẳng định trong thời gian tới, Trường Đại học Lâm nghiệp sẽ đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa để xứng đáng với vị thế là Trường Đại học đầu ngành, đổi mới, sáng tạo về Lâm nghiệp./.

Phòng Khoa học và Công nghệ Cung cấp.