TRÍCH YẾU LUẬN ÁN
1. Tên tác giả: Nguyễn Minh Thanh
2.Tên luận án: Nghiên cứu cơ sở khoa học trồng thâm canh Mây nếp (Calamus tetradactylus Hance) dưới tán rừng tại một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam
3. Chuyên ngành : Kỹ thuật lâm sinh Mã số: 62.62.60.01
4. Cơ sở đào tạo: trường Đại học Lâm nghiệp
5. Mục tiêu và đối tượng nghiên cứu
5.1. Mục tiêu
– Đề xuất được những biện pháp kỹ thuật chủ yếu trong chọn giống, gieo ươm, trồng và chăm sóc Mây nếp dưới tán rừng.
– Xây dựng được bảng tra lập địa thích hợp trồng thâm canh Mây nếp ở khu vực nghiên cứu và ở những địa phương lân cận.
5.2. Đối tượng nghiên cứu
+ Một số cơ sở khoa học chủ yếu có liên quan đến việc trồng thâm canh loài Mây nếp dưới tán rừng: khảo nghiệm xuất xứ, xác định nhanh và sớm giới tính, đặc điểm sinh lý, sinh thái loài, một số kỹ thuật tạo cây con ở vườn ươm, phân chia lập địa thích hợp.
+ Một số biện pháp kỹ thuật thâm canh (phương pháp làm đất, bón phân, biện pháp chăm sóc).
6. Các phương pháp nghiên cứu đã sử dụng
– Áp dụng phương pháp điều tra khảo sát kết hợp với bố trí thí nghiệm và phân tích trong phòng thí nghiệm.
– Áp dụng các phương pháp phân tích thống kê toán học trong lâm nghiệp để bố trí thí nghiệm, lấy mẫu, xử lý số liệu và đánh giá kết quả đảm bảo yêu cầu khách quan và độ chính xác cho phép với sự hỗ trợ của một số phần mềm Excel, SPSS và Mapinfo…
7. Các kết quả chính
1) Sau 3 năm trồng khảo nghiệm bước đầu cho thấy khả năng sinh trưởng và phát triển của xuất xứ Thượng Hiền -Thái Bình là trội nhất, tiếp đến là xuất xứ Cổ Đông – Hà Nội, Bình Thanh – Hòa Bình, Phú Hộ – Phú Thọ và cuối cùng là xuất xứ Liên Hiệp – Hà Giang.
Phân tích NTSYS – SIMQUAL cho thấy các xuất xứ Mây nếp có mối tương đồng di truyền trong khoảng từ 0,62 đến 0,97, chứng tỏ mức độ đa dạng di truyền thấp. Nhưng dựa vào biểu đồ quan hệ di truyền kết hợp với các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển của các cá thể Mây nếp ở 5 xuất xứ là căn cứ lựa chọn những cá thể tốt.
2) Kết hợp các đặc điểm hình thái và sử dụng kỹ thuật RAPD để xác định nhanh và sớm giới tính Mây nếp ở các giai đoạn cây mầm 2 tháng tuổi, cây con 15 tháng tuổi, đã chỉ ra rằng việc xác định giới tính Mây nếp có thể dựa vào các đặc điểm hình thái mà không cần phải phân tích chỉ thị phân tử.
3) Hạt Mây nếp là loại hạt nhanh mất sức nảy mầm, khó bảo quản, có thể bảo quản hạt theo nhiều phương pháp khác nhau, thời gian bảo quản không quá 3 tháng.
4) Phương pháp xứ lý hạt có hiệu quả, rút ngắn thời gian nảy mầm là cạy nắp rốn ở hạt trước khi xử lý và ngâm hạt trong nước nóng 40 – 500c, thời gian ngâm 12 giờ, vớt để ráo nước, ủ ấm bằng túi vải, rửa chua hàng ngày cho tới khi hạt nứt nanh.
5) Ở giai đoạn vườn ươm từ 1 – 12 tháng Mây nếp là cây ưa bóng, mức độ che sáng thích hợp từ 50 – 75%, thích hợp nhất là độ che sáng 50%.
Hỗn hợp ruột bầu thích hợp nhất là 88% đất vườn ươm + 10% phân chuồng hoai + 2% supelân.
Cây con đủ tiêu chuẩn xuất vườn là cây từ 15 – 18 tháng tuổi, khỏe mạnh, không sâu bệnh, không thối ngọn, có từ 5 – 8 lá, đường kính cổ rễ từ 0,3 – 0,5 cm.
6) Mây nếp trưởng thành là cây chịu bóng nhẹ, đặc điểm này được thể hiện rõ qua 4 chỉ tiêu chính: (1) Mô đồng hoá có độ dày trung bình từ 76,28 – 78,18%; (2) Cường độ thoát hơi nước ở mức trung bình thấp từ 0,68 – 0,83 gH2O/dm2/h; (3) Tỷ lệ diệp lục a/b là 2,57 – 2,79 (4) Cường độ quang hợp đạt mức trung bình là 1,23 – 1,29 mgCO2/dm2/h. Độ tàn che thích hợp từ 30 – 50%.
7) Mây nếp có thể nhân giống bằng phương pháp tách chồi, phương pháp tốt nhất là tách cây có từ 2 -3 chồi, xử lý bằng IBA 750 ppm rồi bó bầu bằng hỗn hợp bùn ao + 10% phân chuồng và dùng rơm quấn tạo bầu cây.
8) Để xác định lập địa thích hợp trồng Mây nếp có thể dựa vào phương trình quan hệ giữa sinh trưởng của Mây nếp với một số nhân tố sinh thái như sau:
Y = – 63,624 + 9,6832pHKCl – 0,2375OM% + 0,4264Ndt + 1,32927P2O5dt – 0,1568 K2Odt – 0,0243 độ dốc – 1,4335 tàn che + 0,0047 độ cao + 2,6121 nhiệt độ – 0,0015 lượng mưa. Với R = 0,99, F = 288,79 và Sig < 0,05
9) Đề tài đã đề xuất được các biện pháp kỹ thuật trồng thâm canh Mây nếp từ khâu chọn giống, bảo quản và xử lý hạt nảy mầm, các biện pháp kỹ thuật nuôi tạo cây con, chọn và cải tạo điều kiện lập địa cho đến khâu trồng và chăm sóc.
Người hướng dẫn khoa học
PGS.TS. Phạm Xuân Hoàn |
Nghiên cứu sinh
Nguyễn Minh Thanh |