Trao thưởng cho 15 sinh viên có công trình NCKH xuất sắc

Sáng 8/1, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức lễ trao giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” và giải thưởng “Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam – VIFOTEC” năm 2010. Bộ đã trao giải nhất cho 15 công trình nghiên cứu khoa học, trong tổng số hàng nghìn công trình dự thi

Năm 2010, ban chỉ đạo xét tặng giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) của Bộ GD-ĐT đã nhận được 389 công trình từ hàng chục nghìn công trình NCKH của sinh viên ở 93 trường đại học, học viện trong cả nước gửi tham dự. Gần 800 lượt các giảng viên, nhà khoa học và quản lý thuộc 60 trường đại học, học viện nghiên cứu đã được huy động để đánh giá chất lượng các công trình NCKH của sinh viên tham dự giải thưởng.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, giải thưởng năm nay đã quy tụ được rất nhiều các công trình NCKH của sinh viên có tính mới, tính sáng tạo, có nội dung phong phú và một số đề tài có khả năng triển khai ứng dụng. Một số công trình đã mạnh dạn đề cấp đến những vấn đề thời sự mà xã hội rất quan tâm. 15 công trình xuất sắc đã được Bộ xét chọn và trao giải nhất.

Nhóm sinh viên ĐH Lâm Nghiệp, một trong 15 nhóm đạt giải nhất.
 
Cụ thể như công trình ” Thiết kế xe năng lượng xanh SC4″ của nhóm sinh viên trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng, đứng đầu là sinh viên Tạ Ngọc Thiên Bình với mục tiêu hướng tới phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, kiểu dáng gọn, chi phí thấp, giảm ô nhiễm môi trường. Đây là đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao, nhóm tác giả đã có nhiều công sức để chế tạo mẫu xe, SC4, xe du lịch 2 chỗ chạy trong thành phố sử dụng năng lượng sạch.
 
Công trình “Tổng hợp bôi trơn sinh học từ mỡ lợn, mỡ bò” của nhóm sinh viên ĐH Cần Thơ, đứng đầu là sinh viên Hà Thị Kim Quy với mục tiêu là tận dụng nguồn mỡ lợn, mỡ bò để chế tạo được loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nhằm thay thế cho nguồn nguyên liệu có nguồn gốc dầu mỏ đang dần cạn kiệt.

Hay như công trình của nhóm sinh viên ĐH Lâm nghiệp với đề tài Nghiên cứu đặc điểm phát sinh dòng chảy bề mặt và xói mòn đất ở rừng thực nghiệm núi Luốt – Xuân Mai – Hà Nội, sinh viên Phạm Thị Quỳnh là nhóm trưởng.

Để có cơ sở cấp học bổng đi học sau đại học ở nước ngoài cho các sinh viên đoạt giải nhất giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2010, Bộ GD-ĐT đã thành lập 2 hội đồng chuyên môn thẩm định lại các công trình NCKH của sinh viên đoạt giải nhất. Hội đồng đã nghe các sinh viên trình bày kết quả nghiên cứu của mình, thảo luận, xem xét kỹ lưỡng chất lượng các đề tài và đã xét chọn được 12 sinh viên trong tổng số 15 sinh viên đạt giải nhất đủ điều kiện về thành tích NCKH để được cấp học bổng  gửi đi đào tạo bằng ngân sách nhà nước.
 
Đối với các công trình NCKH của sinh viên đăng ký tham dự giải thưởng “Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam – VIFOTEC” 2010, Quỹ VIFOTEC đã khen thưởng 71 công trình, trong đó 7 giải nhất, 10 giải nhì và 57 giải ba.

Vẫn còn quá ít sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học

Cả nước hiện có hơn 2,2 triệu sinh viên đại học, cao đẳng tuy nhiên số lượng sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH) còn quá ít, nhiều công trình NCKH còn hạn chế. Trong năm vừa qua, Bộ GD-ĐT xét chọn và khen thưởng 305 công trình NCKH do 716 sinh viên thực hiện, trong đó có 15 giải nhất, 27 giải nhì, 130 giải ba và 133 giải khuyến khích. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đã khen thưởng 17 giảng viên tham gia hướng dẫn 15 công trình đạt giải nhất và 26 đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong NCKH.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cho biết, hiện nay tỷ lệ sinh viên tham gia NCKH còn chưa cao. Phần lớn sinh viên chưa được làm quen với các phương pháp NCKH, chưa biết cách lựa chọn vấn đề nghiên cứu, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề nghiên cứu. Chương trình học hiện nay thiếu môn học về phương pháp luận NCKH. Ngoài ra, kinh phí hỗ trợ cho hoạt động NCKH của sinh viên rất eo hẹp. Các đề tài NCKH của sinh viên chỉ được hỗ trợ vài trăm đến vài triệu đồng. Bên cạnh đó, thư viện của nhiều trường đại học, học viện vừa thiếu, vừa lạc hậu. Đặc biệt, do sức ép về giảng dạy nên các giảng viên không có nhiều thời gian tham gia hướng dẫn sinh viên NCKH,  thiếu các chính sách động viên khuyến khích giảng viên,các nhà quản lý đóng góp tích cực cho công tác NCKH của sinh viên.

Do vậy, thời gian tới, Bộ yêu cầu các trường đại học, học viện cần xây dựng kế hoạch hoạt động NCKH của sinh viên hàng năm phù hợp với kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ của nhà trường. Bên cạnh đó, nâng kinh phí cho các đề tài NCKH của sinh viên Bộ sẽ sớm ban hành cuốn sách về “Hướng dẫn nghiên cứu khoa học”, tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ, trong đó đưa ra chính sách phù hợp đủ mạnh để động viên các giảng viên, các nhà khoa học tích cực tham gia hoạt động NCKH…” – Thứ trưởng Quý nhấn mạnh.

 
Hồng Hạnh
(Nguồn tin dantri.com.vn)