Tiến sĩ Hoàng Văn Sâm, giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học, trường Đại học Lâm nghiệp trả lời bạn đọc về loài hoa lạ

Khách hành hương về Đền Hùng không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp, sự kỳ lạ và độc đáo của một loài cây mọc ngay trước lăng mộ Vua Hùng đời thứ 6. Ai cũng hỏi đó là loài cây gì?

Câu hỏi này được tiến sĩ Hoàng Văn Sâm, giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học, trường Đại học Lâm nghiệp trả lời bạn đọc cũng như khách hành hương về Đền Hùng.

Theo tiến sĩ Sâm, đây là loài Rà đẹt lửa hay Rà đẹt Đền Hùng (tên khoa học: Radermachera ignea (Kurz) Steenis) thuộc họ Đinh – Bignoniaceae.

Rà đẹt Đền Hùng là cây gỗ nhỡ, cao khoảng 20 m, đường kính có thể đạt tới 45 cm. Lá kép lông chim 2 đến 3 lần lẻ, là kép mọc đối, không có lá kèm. Hoa tự chùm, mọc ở thân và cành, mỗi chùm có từ 5- 13 hoa, cuống hoa tự dài 2-4 cm; hoa lưỡng tính, đài hình ống, hợp gốc hình ống; tràng hoa màu vàng cam, hợp hình ống dài 5-6 cm, phía trên xẻ thành 4; nhị hoa 4; chỉ nhị dài 4,5 cm; chỉ nhụy dài 6 cm; bầu thượng; quả nang dài 40-70 cm; rộng 6-11 mm; hạt nhiều, dẹt và có cánh mõng.

Đây là loài thực vật hiếm gặp ở tự nhiên. Tại Trung Quốc chỉ gặp ở Vân Nam, Tại Lào chỉ có ở tỉnh Louang Prabang và Savannakhet. Ở Việt Nam theo tài liệu nghiên cứu thì loài này gặp rất ít ở Hồi Xuân, Thanh Hóa; Đại Từ, Thái Nguyên và Bảo Lộc, Lâm Đồng. Tại Đền Hùng loài này có 3 cây lớn ngay trước lăng mộ vua Hùng đời thứ sáu (cạnh Đền Thượng).

Rà đẹt Đền Hùng có hoa đẹp màu vàng cam sặc sở và đặc biệt là hoa mọc từ thân nên rất hợp trồng làm cây cảnh, trồng trong đền chùa. Hoa nấu canh ăn ngon. Vỏ cây có tác dụng chữa sốt rét, lị. Vỏ và rể cây chữa hậu sản hư nhược và máu xấu.

Rà đẹt Đền Hùng ra hoa vào tháng 2 đến tháng 5 dương lịch hàng năm.

(Tại Đền Hùng người dân địa phương gọi loài này là cây Đại Khải. Tuy nhiên Đại khải là loài thực vật thuộc họ Ngũ gia bì – Araliaceae)

Một số hình ảnh về loài Rà đẹt Đền Hùng