Thông tin về luận án của NCS Phạm Hữu Khánh

Tên luận án: Nghiên cứu đặc điểm phân bố theo sinh cảnh và mối quan hệ sinh thái của quần thể loài bò tót (Bos gaurus H. Smith, 1827) ở vườn quốc gia Cát Tiên phục vụ cho quản lý và bảo tồn. Tác giả: Phạm Hữu Khánh Chuyên ngành: Kỹ thuật lâm sinh. Mã…

Tên luận án: Nghiên cứu đặc điểm phân bố theo sinh cảnh và mối quan hệ sinh thái của quần thể loài bò tót (Bos gaurus H. Smith, 1827) ở vườn quốc gia Cát Tiên phục vụ cho quản lý và bảo tồn.

Tác giả: Phạm Hữu Khánh

Chuyên ngành: Kỹ thuật lâm sinh. Mã số: 62 62 60 01

Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Lâm nghiệp, Hà Nội.

I – Mục tiêu nghiên cứu: i) Xác định hiện trạng và đặc điểm phân bố của bò tót ở vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên; ii) Mô tả đặc điểm các dạng sinh cảnh chính và sự phân bố theo sinh cảnh của quần thể bò tót ở VQG Cát Tiên; iii) Tìm hiểu các mối quan hệ sinh thái của quần thể bò tót ở VQG Cát Tiên; iv) Đề xuất các giải pháp quản lý và bảo tồn quần thể bò tót ở VQG Cát Tiên.

II – Đối tượng nghiên cứu: Loài bò tót (Bos gaurus H.Smith, 1827).

III – Nội dung nghiên cứu: i) Nghiên cứu hiện trạng và phân bố của quần thể bò tót ở VQG Cát Tiên; ii) Nghiên cứu cấu trúc, đặc điểm các dạng sinh cảnh chính, xác định các sinh cảnh tối ưu; iii) Nghiên cứu mối quan hệ sinh thái giữa loài bò tót với các loài thú móng guốc khác; iv) Nghiên cứu một số tập tính hoạt động của bò tót trong các sinh cảnh; v) Dự báo diễn biến số lượng cá thể bò tót trong thời gian tới; vi) Đánh giá các mối đe dọa và thách thức đối với bò tót và sinh cảnh của chúng; vii) Đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý quần thể bò tót ở VQG Cát Tiên.

IV – Phương pháp nghiên cứu:

Áp dụng các phương pháp điều tra thông thường như phỏng vấn, điều tra theo tuyến, điều tra theo dấu vết (dấu chân, phân rơi, vết bò tót nằm) và quan sát trực tiếp. Lập các ô tiêu chuẩn để điều tra cấu trúc tầng tán rừng, vẽ các trắc đồ, điều tra sinh khối thức ăn. Kế thừa các kết quả nghiên cứu về số lượng cá thể, giới tính bằng cách tách các ADN từ các mẫu phân sinh học của Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT). Phân Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Bộ (TPHCM) phân tích các mẫu nước khoáng.

IV – Các kết quả chính:

1 – Số lượng bò tót ở VQG Cát Tiên khoảng 111 cá thể, bao gồm tỷ lệ con non 18 cá thể (chiếm 16%), con sắp trưởng thành 7 cá thể (6%), con trưởng thành chiếm đa số 86 cá thể (78%). Cấu trúc đàn của bò tót theo đẳng cấp, con bò đực già, to khỏe nhất thường giữ vị trí chỉ huy cả đàn. Mật độ của quần thể bò tót ở VQG Cát Tiên hiện nay là 0,18 cá thể/km2. Số cá thể trung bình là 4,6 cá thể/đàn. Số cá thể ít nhất là 2 cá thể/đàn. Số cá thể nhiều nhất trong đàn là 14 cá thể. Tỷ lệ giới tính đực/cái là ♂0,43: ♀0,56.

2 – Các điều kiện sinh thái phù hợp cho quần thể bò tót là dưới 400 m so với mặt nước biển, địa hình bằng phẳng 22/37 điểm (chiếm 59,46%) và không có đá lộ, có sẵn nguồn thức ăn, gần nguồn nước và muối khoáng, được bảo vệ an toàn. Thức ăn của bò tót đã xác định gồm 157 loài, thuộc 49 họ, trong đó họ Cỏ (Poaceae) chiếm đa số với 53 loài (33,76%). Khả năng cung cấp thức ăn trong các sinh cảnh là sinh cảnh trảng cỏ, cao nhất ở Bàu Rau Muống 1 là 7.295,9 kg/ha. Phát hiện 37 điểm muối khoáng tự nhiên. Dựa vào hàm lượng can xi, để chia các điểm muối khoáng làm 3 nhóm: Nhóm I, Ca2+ đạt trên 10 mg/l. Nhóm II, Ca2+ đạt từ 6 mg/l đến 10 mg/l; Nhóm III, Ca2+ đạt dưới 6 mg/l.

Trong phạm vi VQG Cát Tiên, diện tích cư trú của bò tót là 620,29 km2, chiếm 86,93% diện tích của VQG Cát Tiên. Trong đó, cư trú thường xuyên là 238,88 km2, (33,48%); Ít cư trú là 381,40 km2 (53,46%); Không cư trú là 93,21 km2 (13,06%).

Xét trên phạm vi giữa khu Nam Cát Tiên và Tây Cát Tiên (VQG Cát Tiên) với các diện tích rừng tự nhiên ở vùng đệm gồm khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu và tỉnh Bình Phước, kích thước vùng sống của bò tót là 882 km2. Xét về tổng quan chung, quần thể bò tót ở VQG Cát Tiên có vùng phân bố gián đoạn hay vùng phân bố cách biệt. Khu vực bàu Sấu là vùng giao thoa của nhiều bầy đàn tập trung vào mùa khô hàng năm.

Sinh cảnh thích hợp cho các tập tính hoạt động của bò tót ở VQG Cát Tiên là sinh cảnh rừng bán thường xanh, rừng hỗn giao gỗ tre, rừng tre nứa thuần loài và trảng cỏ. Sinh cảnh tối ưu của bò tót là khu vực Bàu Sấu và các bàu lân cận hội tụ được các điều kiện tự nhiên và xã hội, có tần số bò tót xuất hiện cao nhất.

3 – Mối quan hệ sinh thái giữa bò tót với các cá thể cùng loài, với các loài thú móng guốc khác là mối quan hệ thân thiện, tương hỗ và mật thiết với nhau. Bò tót sử dụng hầu như tất cả các sinh cảnh của các loài thú móng guốc. Vùng cư trú, đường di chuyển, nguồn thức ăn và muối khoáng được bò tót và nhiều loài động vật hoang dã khác sử dụng chung. Sự cạnh tranh về không gian sống giữa các loài không rõ nét.

4 – Hiện nay tình trạng bảo tồn loài bò tót và các sinh cảnh của bò tót ở VQG Cát Tiên đang đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa, trong đó nổi bật là tình trạng khai thác lâm sản, săn bẫy bắt trái phép động vật hoang dã, lấn chiếm đất rừng và chăn thả gia súc bừa bãi ở các khu vực dân cư giáp với VQG Cát Tiên. Luận án đã đề xuất 8 giải pháp chủ yếu ở VQG Cát Tiên: i) Tăng cường luật pháp và thể chế; ii) Tổ chức bộ máy quản lý và bảo vệ rừng; iii) Xác định ranh giới giữa VQG Cát Tiên rõ ràng trên bản đồ và thực địa, iv) Tăng cường các hoạt động tuần tra; v) Điều tra và giám sát quần thể bò tót; vi) Cải tạo sinh cảnh; vii) Tăng cường sự tham gia của cộng đồng; và viii) Tăng cường hợp tác quốc tế.

Các giải pháp này hy vọng sẽ góp phần làm giảm các nguy cơ xâm hại đến loài và sinh cảnh của bò tót và làm tăng số lượng cá thể bò tót ở VQG Cát Tiên trong thời gian tới./.

 

Người hướng dẫn

Tác giả luận án

 

 

 

 

 

PGS.TS Lê Xuân Cảnh

 

 

 

 

 

Phạm Hữu Khánh