Tập huấn về quản lý rủi ro và ươm mầm kinh doanh cho các tổ chức sản xuất rừng và trang trại tại tỉnh Bắc Kạn

Thực hiện Quyết định số 1259/QĐ-ĐHLN-HTQT ngày 20 tháng 9 năm 2024 của Trường Đại học Lâm nghiệp về việc tổ chức lớp tập huấn, Viện Quản lý đất đai và PTNT đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn tổ chức khóa tập huấn: “Quản lý rủi ro và Ươm mầm kinh doanh cho các tổ chức sản xuất rừng và trang trại cho các tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam” tại thành phố Bắc Kạn trong 03 ngày từ 01 đến 03 tháng 10 năm 2024 trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Lâm nghiệp và Chương trình Hỗ trợ Rừng và Trang trại (FFF) giai đoạn 2 của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam.

Tham dự khai mạc khóa tập huấn có ông Nguyễn Công Lệnh – Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Bắc Kạn, các giảng viên của Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn, Ban tổ chức lớp tập huấn và 24 học viên là giám đốc, phó giám đốc và thành viên các HTX và THT, đại diện hội nông dân xã thuộc 3 huyện Ba Bể, Chợ Mới, Chợ Đồn.

Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, ông Nguyễn Công Lệnh đã khẳng định tầm quan trọng của việc đánh giá và quản lý rủi ro trong sản xuất nông lâm nghiệp. Sản xuất nông lâm nghiệp phải đối diện với nhiều thách thức, rủi ro đến từ nội bộ bên trong hoặc môi trường bên ngoài ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các HTX/THT. Để các HTX/THT có thể duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh bền vững thì việc nhận diện, đánh giá và quản lý rủi ro là rất cần thiết. Ông Nguyễn Công Lệnh nhấn mạnh sau khóa tập huấn các học viên tham gia lớp tập huấn là Giám đốc hoặc thành viên HTX/THT đến từ các 3 huyện của tỉnh Bắc Kạn: Ba Bể, Chợ Mới, Chợ Đồn cần áp dụng các công cụ quản lý rủi ro và ươm mầm kinh doanh vào xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro và ươm mầm kinh doanh cho sản xuất kinh doanh của các HTX/THT. Các học viên là thúc đẩy viên cấp xã cần phối hợp với chính quyền xã chỉ đạo và triển khai các hoạt động nhận diện rủi ro, đánh giá rủi ro, xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro và ươm mầm kinh doanh cho các HTX/THT ở cấp xã.

Ông Nguyễn Công Lệnh Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Bắc Kạn phát biểu khai mạc khóa tập huấn

TS. Đỗ Thị Hường, Thư ký dự án LOA (FFF)Viện Quản lý đất đai và PTNT – Trường Đại học Lâm nghiệp đại diện Ban tổ chức lớp học chia sẻ mục tiêu và chương trình của khóa tập huấn

Tham gia khóa tập huấn, các học viên được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng của 2 bộ công cụ bao gồm quản lý rủi ro và ươm mầm kinh doanh cho các tổ chức sản xuất rừng và trang trại. Các học viên được thảo luận nhóm để nhận diện các rủi ro, xếp hạng rủi ro, đánh giá rủi ro và lựa chọn các giải pháp theo 5 nhóm sản phẩm bao gồm Hồng không hạt gắn với du lịch trải nghiệm cộng đồng; Chè Shan tuyết; Bí thơm và lúa hữu cơ; Miến Dong và Chăn nuôi. Thông qua đó, học viên có thể áp dụng được các phương pháp và công cụ quản lý rủi ro để xây dựng các kế hoạch quản lý rủi ro cho các HTX/THT.

Các giảng viên chia sẻ các công cụ và phương pháp trong Quản lý rủi ro và Ươm mầm kinh doanh

Khóa tập huấn có sự tham gia của tập huấn viên nông dân là các cán bộ địa phương đã tham gia khóa tập huấn TOT về quản lý rủi ro và ươm mầm kinh doanh tại Trường Đại học Lâm nghiệp. Các tập huấn viên nông dân tham gia thảo luận và chia sẻ việc tiềm năng của việc áp dụng các công cụ quản lý rủi ro và ươm mầm kinh doanh cho các HTX/THT trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. 

Các tập huấn viên nông dân tham gia chia sẻ tại khóa tập huấn

Các học viên tham gia thảo luận và thực hành nhận diện và xếp hạng rủi ro trong sản xuất kinh doanh nông lâm nghiệp

Các học viên thảo luận về nội dung ươm mầm kinh doanh trong sản xuất nông lâm nghiệp của các HTX/THT

Các học viên chia sẻ kết quả thảo luận về xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro cho HTX/THT

Sau 3 ngày học tập sôi nổi, hiệu quả, khóa tập huấn đã thành công tốt đẹp. Tham dự lễ bế mạc và trao chứng nhận cho các học viên có ông Nguyễn Công Lệnh Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Bắc Kạn, giảng viên, ban tổ chức lớp học và 24 học viên tham gia khóa tập huấn.

Đại biểu, giảng viên, BTC và các học viên chụp ảnh bế mạc khóa tập huấn

Nguồn: Ban Quản lý dự án LOA (FFF) – Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn