Thưa các đồng chí lãnh đạo Trường Đại học Lâm nghiệp,
Thưa các đồng chí lãnh đạo Trường Đại học Lâm nghiệp,
Thưa các nhà giáo lão thành, các thầy giáo, cô giáo, các thế hệ sinh viên của Nhà trường,
Thưa các quý vị đại biểu!
Hôm nay, tôi rất vui mừng về dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Lâm nghiệp, một trong những trường Đại học có bề dày truyền thống và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học, đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng rừng, trồng người của nước nhà.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng Thầy và Trò trường Đại học Lâm nghiệp, qua nhiều thế hệ, đã tề tựu về đây dự lễ kỷ niệm, ôn lại truyền thống và cùng nhau tự hào về 60 năm xây dựng, phát triển của trường. Từ diễn đàn này, tôi cũng trân trọng gửi tới các thầy cô giáo lời thăm hỏi chân thành, lời chúc mừng nồng nhiệt nhân ngày 20/11, một ngày trân quí, tràn trề cảm xúc tự hào, kính trọng và biết ơn của tất cả mọi người.
Thưa quý vị đại biểu!
Đất nước ta có đến 2/3 diện tích trên đất liền là đồi, núi với các dãy núi và cao nguyên hùng vĩ; là nơi sinh tồn của nhiều sinh vật, kiểu khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới; là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, rất phong phú về các nguồn gen quý, hiếm.
Ở Việt Nam, rừng có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển và bảo vệ đất nước: (1) Rừng là không gian sinh tồn, là nơi hình thành, phát huy và gìn giữ văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào 54 dân tộc anh em; (2) Rừng là nguồn sinh kế của người dân và cộng đồng sống gần rừng; (3) Gỗ, lâm sản ngoài gỗ đóng góp quan trọng cho sự phát triển KTXH của đất nước; (4) Rừng bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường sống. Ngày nay chức năng đó càng trở nên quan trọng khi vấn đề môi trường, sinh thái toàn cầu đang bị đe dọa nghiêm trọng; (5) Rừng bảo vệ đất, chống xói mòn; chống lũ ống, lũ quét, lũ lụt, chống sạt lở bờ biển, ven sông; (6) Rừng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ đất nước, đảm bảo an ninh quốc phòng. rừng nuôi bộ đội, rừng vây quân thù.
Sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn: “… Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng, thì rừng rất quý“.
Nhận thức được tầm quan trọng của rừng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng và dành nguồn lực to lớn cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành lâm nghiệp. Cách đây 60 năm, ngày 19/8/1964, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 127/CP thành lập Trường Đại học Lâm nghiệp trên cơ sở tách Khoa Lâm nghiệp và Tổ Cơ giới khai thác Lâm nghiệp từ Trường Đại học Nông lâm (nay là Học Viện Nông nghiệp Việt Nam).
Thưa các thầy cô giáo, các quý vị đại biểu và các em sinh viên,
Trong 60 năm qua, Trường Đại học Lâm nghiệp đã không ngừng phát triển và trưởng thành. Khi mới thành lập Trường chỉ có 04 ngành đào tạo cho 475 sinh viên. Đến nay đã có quy mô hơn 12 nghìn người học, 184 thầy cô là tiến sĩ, PGS, GS. Trường đã trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học đầu ngành về lĩnh vực lâm nghiệp.
Trường đã đào tạo cho đất nước hơn 50 nghìn cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý có trình độ đại học, trên 6.000 thạc sĩ và gần 150 tiến sĩ. Cán bộ do nhà trường đào tạo là nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành lâm nghiệp cả nước, đóng góp vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước. Bên cạnh đó, Trường cũng đào tạo trên 10.000 học sinh trung học phổ thông, trong đó có 2.500 con em đồng bào các dân tộc ít người.
Nhà trường đã luôn chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học, gắn với nhiệm vụ đào tạo. Đại học Lâm nghiệp đã có 25 bằng phát minh sáng chế, sở hữu trí tuệ được công nhận trong lĩnh vực lâm nghiệp; trên 100 giải thưởng khoa học cấp quốc gia, giải thưởng quốc tế.
Hợp tác quốc tế của nhà trường luôn được tăng cường và mở rộng, ngày càng chuyên nghiệp đi vào chiều sâu và hiệu quả; đến nay Trường đang hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với nhiều tổ chức quốc tế, 145 trường đại học và viện nghiên cứu ở 26 quốc gia. Trường đã đào tạo hơn 500 kỹ sư, trên 50 thạc sĩ, tiến sĩ cho nước bạn Lào và Campuchia.
Với những đóng góp to lớn cho ngành lâm nghiệp, cho đất nước, Trường Đại học Lâm nghiệp đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương độc lập hạng nhất, Huân chương lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Được Nhà nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương Tự do (năm 1984); Huân chương Hữu nghị (năm 2000); Huân chương It-xa-la (Độc lập) hạng Nhất.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi biểu dương và đánh giá cao những thành tích Nhà trường đã đạt được trong 60 năm qua.
Thưa các thầy cô giáo, các quý vị đại biểu và các em sinh viên,
Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực cho sự phát triển và hưng thịnh của đất nước. Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ trí tuệ nhân tạo, trước yêu cầu xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn, hiện đại, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao và trước tác động tiêu cực của biển đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, suy thoái tài nguyên, môi trường càng đặt lên vai của Trường Đại học Lâm nghiệp sứ mệnh cao cả và ý chí quyết tâm đổi mới. Tôi tin rằng, với bề dày phát triển lâu năm và với những thành tựu đã đạt được, Nhà trường sẽ tiếp tục vươn lên tầm cao mới.
Để bắt kịp xu thế thời đại, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, nhà nước, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh của dân tộc, tôi chia sẻ với Trường Đại học Lâm nghiệp một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
– Đại học Lâm nghiệp phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, gắn chặt với thực tiễn. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của nhà trường. Sinh viên tốt nghiệp ra trường phải là những chuyên gia có chất lượng, vừa có kiến thức nền tảng vững chắc, vừa có kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm đa dạng và khả năng làm việc trong môi trường thực tiễn. Nhà trường cần trang bị cho các em hành trang đầy đủ để sẵn sàng bước vào thị trường lao động đầy thách thức và có khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ các nhà tuyển dụng. Chất lượng đào tạo của trường phải được kiểm nghiệm bởi tính hấp dẫn của đội ngũ sinh viên ra trường, bước vào đời. Khi các nhà tuyển dụng đánh giá cao và say sưa tìm kiếm sinh viên đại học lâm nghệp thì đây là bằng chứng về sự thành công của chúng ta.
– Trường phải là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu Việt Nam và ngang tầm khu vực về lĩnh vực lâm nghiệp; ưu tiên đầu tư phát triển các hướng nghiên cứu khoa học trọng điểm, mũi nhọn đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển rừng, công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, kinh tế, công nghệ và thương mại phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế.
Dư địa nghiên cứu khoa học của trường rất rộng rãi, rất hấp dẫn, rất thiết yếu, nhất là khi biến đổi khí hậu đang ngày càng cực đoan và đã trở thành mối đe dọa không chỉ đối với rừng mà đối với cả hành tinh đang ngày càng trở nên nhỏ bé của chúng ta. Theo đó, trường cần nghiên cứu về: (1) biến đổi khí hậu và thích ứng bền vững; (2) bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững; (3) nghiên cứu tìm kiếm cho người dân các sinh kế sung túc, thân thiện dưới tán rừng; (4) phát triển công nghệ lâm nghiệp và chế biến lâm sản thế hệ 4.0; (5) nghiên cứu về kinh tế lâm nghiệp và chính sách quản lý tài nguyên rừng gắn với thị trường carbon đang ngày càng hấp dẫn; (6) nghiên cứu về dịch vụ, hệ sinh thái và giá trị phi gỗ của rừng; (7) nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin và AI trong phát triển, bảo vệ rừng, phát triển nông thôn bền vững.
– Xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đổi mới giáo trình, phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo, theo kịp với yêu cầu của thực tiễn cuộc sống và sự phát triển của khoa học công nghệ.
Đội ngũ giảng viên của trường phải là những người giàu tâm huyết, hiểu về rừng và yêu rừng hơn bất cứ ai, không ngừng đổi mới sáng tạo và
luôn nỗ lực hết mình để dìu dắt, trao truyền cho sinh viên kiến thức và tình yêu lớn lao đó.
– Đổi mới quản trị đại học, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội và sáng tạo của các đơn vị; tăng cường hợp tác công tư trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; đào tạo phải gắn với nhu cầu thực tiễn quản lý nhà nước và sản xuất của ngành lâm nghiệp và kinh tế – xã hội của đất nước.
– Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thường xuyên cập nhật, nắm bắt xu hướng nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực lâm nghiệp; tận dụng tối đa sự hỗ trợ về khoa học công nghệ và tài chính của các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế trong nghiên cứu và giảng dạy.
Hợp tác quốc tế là một yếu tố quan trọng để giúp Đại học Lâm nghiệp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, tiếp cận với những thành tựu khoa học tiên tiến của nhân loại, để tiến kịp, đi cùng và vượt lên so với các cơ sở đào tạo đại học trong khu vực và quốc tế. Định hướng hợp tác quốc tế là: (1) trong nghiên cứu khoa học phải tham gia các dự án quốc tế, khuyến khích giảng viên, sinh viên trở thành đồng tác giả và công bố quốc tế, trao đổi chuyên gia và học giả; (2) trong đào tạo phải tham gia liên kết đào tạo đại học, sau đại học, đồng cấp bằng quốc tế; (3) trong hợp tác chuyển giao công nghệ cần ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lâm nghiệp, chuyển giao công nghệ chế biến lâm sản hiện đại, phát triển các dự án, thí nghiệm các mô hình phát triển bảo vệ rừng với quốc tế; (4) hợp tác về bảo tồn, phát triển bền vững với các tổ chức quốc tế để thực hiện các dự án khôi phục hệ sinh thái rừng, bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm, các nguồn gen quý đã mai một, cạn kiệt, phát triển các dự án giảm phát thải nhà kính và carbon, phát triển đa dạng sinh thái; (5) tăng cường trao đổi sinh viên quốc tế, tìm kiếm học bổng và cơ hội du học cho sinh viên; (6) tích cực tham gia hội thảo và các sự kiện khoa học quốc tế, gia nhập mạng lưới học thuật lâm nghiệp quốc tế, xây dựng các đối tác chiến lược trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ về lâm nghiệp.
– Nhân dịp này, tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Trường Đại học Lâm nghiệp ngày càng phát triển.
Tôi tin tưởng rằng, Trường Đại học Lâm nghiệp có đủ trí tuệ và tâm huyết, nỗ lực và sáng tạo, ý chí và bản lĩnh trong việc thực hiện thành công sứ mệnh của mình.
Chúc các đồng chí thành công hơn nữa trong sự nghiệp “Trồng cây – Trồng người”!
Chúc các vị đại biểu mạnh khoẻ, hạnh phúc!
Xin cảm ơn!
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi Lể kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Lâm nghiệp
Phó Thủ tướng trao tặng phẩm cho Nhà trường
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Nguyễn Quốc Trị – Trao cờ thi đua của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho Nhà trường
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Nguyễn Xuân Hùng – Trao Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho Nhà trường
Một số hình ảnh buổi Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Lâm nghiệp
Một số tiết mục văn nghệ chào mừng Lễ kỷ niệm
Đồng chí Nguyễn Sông Thao – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ NN&PTNT phát biểu tại buổi Lễ
Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình, cựu học viên cao học Trường Đại học Lâm nghiệp phát biểu tại buổi Lễ
Sinh viên Hoàng Thu Hiền phát biểu tại buổi Lễ
Các Đại biểu tham dự buổi Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Lâm nghiệp