Nếu tính cả thị trường quốc nội với giá trị sản phẩm 1,65 tỉ USD, ngành khai thác và chế biến gỗ đóng góp cho doanh số quốc gia năm 2017 là 9,65 tỉ USD. Để làm nên con số hấp dẫn này, toàn ngành đã sử dụng hơn 420.000 lao động với năng suất bình quân ước khoảng 23.000 USD/người/năm. Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA, tăng trưởng của ngành gỗ còn kéo theo sự phát triển hấp dẫn của rất nhiều ngành nghề khác ở Việt Nam.
Tại Việt Nam, chế biến gỗ vẫn bị xem là ngành góp phần vào việc phá rừng. Là một doanh nhân lâu năm trong ngành, ông đánh giá thế nào về điều này?
Chế biến gỗ xuất khẩu hoàn toàn đứng ngoài câu chuyện không vui này. Việc quy trách nhiệm cho ngành gỗ xuất phát từ thói quen. Đến bây giờ, nhiều người Việt vẫn còn quan niệm đồ gỗ trong nhà như tài sản, sử dụng cả đời người nên thường dùng gỗ quý (gỗ nhóm một), như giáng hương, cẩm lai, lim, trắc, gụ… Trong khi đó, công nghiệp gỗ xuất khẩu của Việt Nam đa số được tiêu thụ tại các nước phát triển. Họ sử dụng đồ gỗ mang tính thời trang, vài năm là thay cái mới cho phù hợp với xu hướng, nên không mua đồ gỗ quý. Vả lại, họ rất ý thức về việc sử dụng đồ gỗ có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, bảo vệ môi trường. Nếu không đáp ứng những tiêu chuẩn cơ bản ấy, chúng ta không thể đưa hàng đồ gỗ vào tiêu thụ ở nước bạn. Do đó, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam phải luôn tuân thủ những quy định khắt khe về việc sử dụng nguồn gỗ hợp pháp. Không doanh nghiệp xuất khẩu nào lại chọn gỗ tự nhiên để sản xuất vì có sản xuất cũng không tìm được thị trường tiêu thụ.
Như thế nào là gỗ hợp pháp, thưa ông?
Gỗ hợp pháp là gỗ được các cơ quan xác nhận nguồn gốc. Đó là gỗ rừng trồng, khai thác đúng cách và đặc biệt là trồng đúng cách, không phải gỗ rừng nguyên sinh. Nguồn nguyên liệu sản xuất gỗ tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là gỗ rừng trồng trong nước và gỗ nhập khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu rất ý thức về trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp bởi Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế về bảo tồn rừng.
Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có đến 732 doanh nghiệp có chứng nhận chuỗi hành trình (CoC/FSC), đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Trong đó, 49 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ quản trị rừng bền vững (FSC/FM) với tổng diện tích 226.500ha. Với những con số này, trói buộc ngành chế biến gỗ trong vấn đề hủy hoại môi trường là hoàn toàn sai lầm.
Cây gỗ mọc nhanh nhất để khai thác chế biến gỗ có vòng quay ít nhất là 10 năm. Để có 1 năm khai thác gỗ, phải có ít nhất 9 năm được phủ xanh bằng rừng trồng. Nghĩa là việc khai thác sử dụng nguồn gỗ hợp pháp là quốc sách để bảo vệ rừng và phát triển nghề gỗ bằng gỗ rừng trồng là sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế lâm nghiệp bằng nguồn gỗ rừng trồng thì đất nước ngày càng được phủ xanh.
Tôi nghĩ, chúng ta cần có cái nhìn đúng hơn về khai thác và chế biến gỗ Việt Nam, một trong những ngành sản xuất thế mạnh và đầy tiềm năng của đất nước. Rộng hơn, tôi tự tin khi nói rằng, chế biến gỗ là ngành kinh tế dân sinh, góp phần rất lớn cho GDP của cả nước trong nhiều năm trở lại đây.
Ông đề cập đến kinh tế dân sinh, nghĩa là, gắn bó với rất nhiều ngành nghề khác?
Không có ngành sản xuất nào có chuỗi sản xuất dài và khép kín như ngành gỗ. Nếu như dệt may, da giày chỉ tham gia phân đoạn gia công vì thiếu nguyên liệu, thủy sản chỉ xuất khẩu nguyên liệu… thì chuỗi sinh phẩm ngành gỗ kéo dài từ trồng rừng, khai thác, chế biến, thương mại, xây dựng, trang trí nội ngoại thất…
Trong đó, chế biến gỗ là trung tâm, kéo theo sự lan tỏa của rất nhiều ngành khác phát triển như vận chuyển, công nghiệp phụ trợ, vải vóc, thuộc da, kim loại, bao bì, ốc vít, thiết kế, cơ khí, marketing, hội chợ, du lịch… Nếu 500.000 lao động trong sản xuất chế biến gỗ thì có thêm 1,5 triệu lao động liên quan, tức là 2 triệu lao động trên tổng số khoảng 55 triệu lao động trên cả nước. Việc phát triển công nghiệp đồ gỗ sẽ kéo theo, lan tỏa sự phát triển của tất cả các vùng kinh tế của cả nước.
Mặt khác, nếu lúc trước, các nhà chế biến gỗ Việt Nam và các doanh nghiệp FDI chỉ quan tâm nhiều đến việc nhập gỗ và mua gỗ hợp pháp từ các nguồn bên ngoài về sản xuất, thì ngày nay đã chú ý hơn nhiều về việc chủ động nguồn cung cấp gỗ hợp pháp trong nước. Một số doanh nghiệp liên kết, hỗ trợ rất tích cực trong việc đầu tư cùng trồng rừng với nông dân. Hiện chế biến gỗ không những chỉ có các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ… mà là cả một quy trình khép kín, từ lúc trồng rừng, chế biến rừng, khai thác rừng đến chế biến gỗ và các dịch vụ liên quan. Như vậy, ảnh hưởng rất lớn đến người dân thành thị và nông thôn vì tạo ra rất nhiều việc làm.
Nhưng chỉ riêng việc liên kết với nông dân trồng rừng đã có nhiều thách thức?
Hiện nay, nguồn gỗ nông dân trồng không chỉ dùng để cung cấp cho ngành gỗ, mà còn cung cấp cho ngành giấy, làm ván công nghiệp, viên nén nguyên liệu… mà các ngành này yêu cầu cây trồng thời gian ngắn hơn. Do đó, các doanh nghiệp chế biến gỗ muốn đồng hành tốt với nông dân thì cần những tổ chức tài chính ủng hộ, để cấp những khoản tín dụng lâu dài. Người dân cần giữ ổn định giá cả nguyên liệu và nhà sản xuất cam kết sản lượng tiêu thụ. Tất cả đều là thử thách nhưng có thể vượt qua được.
Thứ nữa là về marketing. Gỗ chúng ta trồng chủ yếu là tràm bông vàng, gỗ cao su. Ngành gỗ phải làm sao cho 2 nguyên liệu này được chấp nhận ở thị trường trong tương lai. Việc này cũng là đặt ra mặt phấn đấu khác, làm sao xây dựng thương hiệu cây gỗ tràm và cao su là loại gỗ rừng trồng tại Việt Nam để tạo sức mạnh cạnh tranh, nâng cao giá trị gỗ Việt, đồng thời tạo được nguồn tiêu thụ gỗ nguyên liệu ổn định cho nông dân Việt Nam. Chúng ta không chỉ xuất khẩu theo đơn đặt hàng của nước ngoài mà còn phải tự thiết kế những mẫu riêng.
Xuất khẩu gỗ đặt mục tiêu năm 2018 là 9 tỉ USD, sau đó là 10 tỉ USD trong năm 2020. Theo ông, điều gì làm nên sự lạc quan đối với ngành xuất khẩu gỗ như vậy?
Có rất nhiều yếu tố để tự tin. Thứ nhất, trong 15 năm qua, chỉ số phát triển ngành rất tốt. Dù ở thời kỳ kinh tế toàn cầu có khó khăn thì chúng tôi vẫn phát triển được 8-15%. Điều đó chứng tỏ ngành này phát triển bền vững.
Thứ 2, ngành gỗ là ngành thuộc nhóm khó quản lý đòi hỏi trình độ tay nghề khéo léo, nhanh nhạy, có nhiều yếu tố kỹ thuật mà nghề này rất phù hợp với người công nhân và nông dân Việt Nam. Rất hiếm quốc gia bước vào được nghề gỗ và cũng vì vậy mà đối thủ cạnh tranh trong tương lai của chúng ta cũng rất ít.
Một điều quan trọng nữa là vị trí địa lý của Việt Nam rất gần Trung Quốc, nước đứng đầu thế giới trong xuất khẩu gỗ. Hiện nay, lương tối thiểu của họ rất cao khoảng 750 USD/tháng/người và Trung Quốc không ưu tiên phát triển ngành này. Trong khi đó, thị trường nội địa của họ rất mạnh cho nên đa số các doanh nghiệp Trung Quốc cũng tập trung vào thị trường nội địa. Phần xuất khẩu ra nước ngoài vì vậy mà hình thành lỗ trống khá lớn. Đây thực sự là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, quốc gia đứng đầu ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Đức, Ý và Ba Lan.
Như vậy, bức tranh của ngành chế biến gỗ Việt Nam trong tương sẽ phát triển rất tích cực?
Việt Nam đã khai thác giá trị cao nhất là xuất bán cả không gian nội thất. Nhiều doanh nghiệp trong ngành tham gia cả thiết kế và thi công nội thất cho các công trình 5 sao, chứ không đơn thuần chỉ gia công sản xuất hay bán sản phẩm. Kinh doanh sản phẩm có thiết kế, xây dựng hệ thống phân phối, thương hiệu riêng cho doanh nghiệp là câu chuyện không xa của ngành gỗ.
Nếu chúng ta thực sự đầu tư nghiêm túc, tôi tin rằng vị trí của xuất khẩu gỗ Việt Nam trong tương lai sẽ rất khác. Bởi vì, việc xuất khẩu 8 tỉ USD/năm so với nhu cầu của thế giới là 100 tỉ USD/năm thì đây vẫn là con số khiêm tốn. Vấn đề quan trọng là những nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam, làm sao gia tăng giá trị sản phẩm cao hơn, chứ không chỉ đơn thuần là xuất khẩu cao hơn con số 8 tỉ USD như năm 2017.
Tác giả: Phương Hằng – Nguồn: nhipcaudautu.vn