Nửa đêm một ngày tháng 3, đang say giấc sau cả ngày dài rong ruổi đi tuần trong khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò, tỉnh Hòa Bình, Nguyễn Thị Thanh Tâm (26 tuổi, dân tộc Mường) bất chợt tỉnh dậy tìm điện thoại. Mở mail kiểm tra, Tâm vừa cười vừa khóc vì nhận được thư thông báo giành học bổng toàn phần du học bậc thạc sĩ từ Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD).
“Rất lâu rồi mình mới có cảm giác sung sướng đến vậy. Sau số lần trượt nhiều không đếm xuể, mình cũng được du học. Đó là ước mơ từ khi còn học năm cuối đại học”, cựu sinh viên Đại học Lâm nghiệp chia sẻ. Tới đây, Tâm sẽ có hai năm học tập về lâm nghiệp nhiệt đới tại trường Technische Universität Dresden (Đức).
Nguyễn Thị Thanh Tâm làm việc tại văn phòng khu bảo tồn Hang Kia – Pà Cò. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình cơ bản của cộng đồng người Mường ở Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, Tâm chưa từng nghĩ được ra nước ngoài trong suốt những năm phổ thông. Tự nhận “học dốt”, 12 năm đi học chỉ trung bình và tiên tiến, từng bị điểm 2 môn Toán, tiếng Anh “một chữ bẻ đôi” không biết, Tâm thậm chí không dám chắc có đỗ đại học hay không.
Vốn tính ham chơi, Tâm chọn Đại học Lâm nghiệp vì nghĩ được đi thực địa nhiều. Rồi khi chọn ngành, cô gái sinh năm 1995 đăng ký ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên chương trình tiên tiến vì “được thực tập ở các vườn quốc gia, cơ hội nghề nghiệp cao” chứ không hề biết chương trình dạy bằng tiếng Anh.
Vốn không biết chút ngoại ngữ nào trong khi phải học tiếng Anh chuyên ngành, Tâm không thể theo nổi từ năm đầu. Cô đã tính bỏ học nhưng rồi phát hiện nếu bỏ sẽ mất 20 triệu đồng học phí. “Bố vất vả mới gom góp được 20 triệu, nghĩ tiếc tiền thế là mình không bỏ nữa”, Tâm vừa nói vừa cười.
Theo chương trình tiên tiến, thầy cô nước ngoài nhiều hơn giáo viên Việt Nam. Tâm cho rằng đó là cơ hội để học hỏi. Dù chỉ biết “Hello” với “Hi”, Tâm vẫn chủ động gặp thầy cô, rủ họ tham quan trường, trở thành hướng dẫn viên địa phương cho họ.
“Mình mặt dày, không sợ người lạ, không sợ sai nên rủ thầy cô đi chơi suốt để nói chuyện với họ. Vốn tiếng Anh của mình từ đó mà lên”, Tâm nói. Cũng từ đó, Tâm bắt đầu nghĩ tới việc du học. Thấy một số anh chị trong trường giành được học bổng từ năm cuối đại học, Tâm cũng luyện thi IELTS, bắt đầu nuôi ước mơ.
Đến năm cuối, Tâm đã nộp hồ sơ (apply) xin học bổng Erasmus Mundus của Liên minh châu Âu vì cho nợ bằng tốt nghiệp. Lần đầu apply trượt, Tâm không quá thất vọng vì tiếng Anh chưa tốt, lại chưa có kinh nghiệm.
Ra trường, Tâm trở về quê, xin vào làm ở khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò cách nhà 100 km. Trong hơn 3 năm làm việc, cô tiếp tục apply học bổng Erasmus Mundus cùng 8 quỹ học bổng khác như học bổng Chính phủ Australia AAS, Chevening của Vương quốc Anh, MEXT của Nhật, SISS của Thụy Điển.
Một năm có hai mùa apply, Tâm đều chuẩn bị hồ sơ nộp. Đếm được 9 quỹ học bổng và một số chương trình trao đổi ngắn hạn, nhưng Tâm không thể nhớ mình đã apply bao nhiêu lần. “Chỉ nhớ sau mỗi lần trượt, mình lại khóc. Đặc biệt với học bổng YSEALI 2020, mình trượt ở vòng phỏng vấn và đã khóc hết nước mắt. Mình vừa thất vọng về bản thân, vừa tiếc không được đi máy bay”, Tâm kể.
26 tuổi, là người dân tộc Mường, bạn bè ở quê đã hai con, nhà, xe đầy đủ trong khi mình không một đồng tiết kiệm, lương dồn hết vào nộp hồ sơ, Tâm tự hỏi “hay mình đi nhầm đường”. Nghĩ đến sự ủng hộ của thầy, lại không bị bố giục lấy chồng, Tâm gạt suy nghĩ đó sang một bên, lên mạng đọc các bài kinh nghiệm apply rồi tìm ra nguyên nhân thất bại ở những lần trước để cải thiện.
Thanh Tâm bên đồng nghiệp ở khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cuối năm 2020, GS Hoàng Văn Sâm, giảng viên cao cấp, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Đại học Lâm nghiệp, gợi ý Tâm apply học bổng DAAD. GS Sâm đánh giá Tâm rất nỗ lực, năng động. “Em có đam mê rất lớn với thiên nhiên. Làm việc ở Hang Kia – Pà Cò, em vẫn thường xuyên liên lạc với thầy cô để trao đổi công việc, xin ý kiến về bảo tồn thiên nhiên và hỗ trợ người dân địa phương. Chắc chắn em sẽ làm tốt hơn nếu được học cao hơn”, thầy Sâm nói về lý do giới thiệu học bổng DAAD cho Tâm.
Có sự hỗ trợ lớn từ thầy, Tâm bắt đầu tìm hiểu. Thấy chương trình học đúng với những gì mong muốn, có thể giúp tìm ra cách nâng cao đời sống của người dân và phát triển khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò, Tâm quyết tâm apply, dù khi đó chỉ còn 10 ngày để chuẩn bị các loại giấy tờ, bài luận, đề cương luận văn thạc sĩ, thư giới thiệu.
Tâm quyết định để bài luận và đề cương luận văn tập trung vào vấn đề sinh kế của người dân xung quanh rừng bởi trong thời gian làm kiểm lâm địa bàn, cô đã tham gia vào một số dự án nâng cao sinh kế cho người bản địa. Lần này, Tâm hướng đến nghiên cứu tác động của du lịch sinh thái tới cuộc sống của người dân. Em thừa nhận bản thân chưa đủ kiến thức để làm và cần học chương trình của DAAD để có thể thực hiện.
Hồ sơ của Tâm thuyết phục được phía trường ở Đức và đưa cô đến vòng phỏng vấn. Nếu vượt qua, hội đồng DAAD sẽ xét duyệt lần cuối và ra quyết định.
Làm ở khu bảo tồn, Tâm được tiếp xúc với giáo sư nước ngoài sang làm dự án. Là người duy nhất biết tiếng Anh trong số kiểm lâm ở đó, Tâm thường được phân công dẫn đường cho các thầy. Thay vì chỉ làm nhiệm vụ, Tâm học lỏm bằng cách trò chuyện với họ, hỏi bất kỳ điều gì thắc mắc. Nữ kiểm lâm được các thầy quý mến, hỗ trợ xin vốn đầu tư cho khu bảo tồn và giải đáp nhiều vấn đề chuyên môn.
Apply du học, Tâm cũng nhờ các thầy viết thư giới thiệu để tăng khả năng trúng tuyển. Nhưng trước đây, cô không hề nghĩ đến việc nhờ phỏng vấn thử. Với lần apply DAAD này, Tâm đã nhờ hai thầy ở Mỹ và Thụy Điển hỗ trợ. Là nhà khoa học có tiếng, từng ngồi trong nhiều hội đồng cấp cao, phỏng vấn nhiều ứng viên nên các thầy đưa ra những câu hỏi rất sát.
“Nhờ hai buổi phỏng vấn thử đó, mình tự tin bước vào buổi chính thức với các thầy ở Technische Universität Dresden. Câu hỏi gần giống với phần các thầy đã hỏi nên mình hoàn thành tốt và thuyết phục được hội đồng trao học bổng”, Tâm chia sẻ.
Nếu không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như dịch bệnh, Tâm sẽ sang Đức và bắt đầu chương trình học vào tháng 8 tới. Hiện, cô vẫn đi tuần trong rừng hàng ngày. Được giao địa bàn quản lý rộng 436 ha, làm việc hơn 8 tiếng mỗi ngày nhưng Tâm rất vui khi được đắm chìm trong cảnh sắc của khu bảo tồn, được nhắc nhở người dân tích cực trồng rừng, không chặt cây, phát nương.
Con đường quen thuộc Tâm vẫn đi tuần hàng ngày. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nhắc đến Hang Kia – Pà Cò, mọi người thường nghĩ tới những vụ vận chuyển ma túy với tính chất nguy hiểm. Tìm kiếm trên Google, thông tin liên quan đến Hang Kia – Pà Cò cũng chủ yếu là tảo hôn, nghèo đói và ma túy.
Thế nhưng trong mắt Tâm, khu bảo tồn rất đẹp, có nhiều tiềm năng phát triển và không hề nguy hiểm. Tâm không muốn một nơi có tiềm năng lại bị bao phủ bởi thông tin tiêu cực. Vì thế, khi về làm việc ở đây, cô đã rủ một bạn học về công nghệ thông tin lập website hangkiapaco.com với mong muốn thay thế thông tin cũ bằng hình ảnh mới, khẳng định đây cũng là điểm du lịch sinh thái lý tưởng.
“Mình không hy vọng đi học ở Đức về sẽ ngay lập tức tạo ra những thay đổi tuyệt vời cho khu bảo tồn nhưng ấp ủ sẽ thay đổi được. Hy vọng trong quá trình du học, mình sẽ tìm được thêm nguồn vốn để phát triển khu bảo tồn và nâng cao đời sống người dân ở đây”, Tâm nói.
Tác giả: Dương Tâm