Những địa điểm đặc biệt gắn với ngày Hà Nội giải phóng

Với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ, đồng thời rút hết quân về nước.
Đúng 8h ngày 10-10-1954, các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào từ 5 cửa ô, tiếp quản Thủ đô sau 9 năm bị tạm chiếm. Hà Nội từ đây sạch bóng quân thù, cờ hoa hân hoan đón mừng những người con chiến thắng trở về trong ngày lịch sử ấy. Và đã có rất nhiều địa điểm đặc biệt đi cùng những giờ phút lịch sử ấy.

1. Cầu Long Biên và những người lính Pháp cuối cùng

Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết, sau nhiều ngày đấu tranh, các hiệp định về việc chuyển giao Hà Nội được ký kết ngày 30-9-1954 và ngày 2-10-1954 tại Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung ương. Sau đó, Chính phủ đã phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn vị việc tiếp quản thành phố.

Theo nghị quyết ngày 17-9-1954 của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội được thành lập do thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Sư đoàn quân Tiên phong làm Chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch. Ủy ban quân chính có nhiệm vụ tiếp quản thành phố. Bộ Tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị vào tiếp quản Hà Nội phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật của Chính phủ đề ra, phải luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của đối phương. Sư đoàn quân Tiên phong đã được Trung ương Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội.

Quân đội Việt – Pháp tại chân cầu Long Biên trong thời điểm chuyển giao quyền lực.(Nguồn:internet)

Theo kế hoạch đã định, sáng 8-10-1954 các đơn vị quân đội chia nhiều đường tiến vào ngoại thành Hà Nội. 16h30 chiều, bộ đội vào đến đường Đê La Thành, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy và Nhật Tân. 6h sáng ngày 9-10-1954, quân đội lại theo nhiều đường từ ngoại thành tiến vào nội thành chia làm nhiều cánh quân tiến vào 5 cửa ô chính rồi từ đó tỏa đi các nơi. Lần lượt bộ đội ta tiếp quản nhà Ga, phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, phủ Thống sứ. 16h30, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát thành phố Hà Nội, tiếp quản thành phố gọn gàng và trật tự. Bộ đội tiến đến đâu, nhân dân Hà Nội đổ ra hai bên đường, phất cờ tung hoa, reo mừng không ngớt. Cổng chào, khẩu hiệu dựng lên khắp các đường phố, cờ đỏ sao vàng rực rỡ trên khắp các tầng nhà.

Lính Pháp lên cầu Long Biên rút khỏi Hà Nội.(Nguồn:internet)

Cùng lúc này, những chiếc xe đưa binh lính Pháp rút khỏi Hà Nội. Theo các điều khoản Hiệp định Giơnevơ, lính Pháp có 80 ngày để rút quân khỏi Hà Nội. Ngày 8-10, quân Pháp làm lễ hạ cờ. Ngày 9-10-1954, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Hà Nội. Quân Pháp rút đến đâu, bộ đội ta tiến vào tiếp quản tới đó. Đúng 16h30 ngày 9-10-1954, quân Pháp rút hết qua cầu Long Biên, quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Cầu Long Biên đã trở thành chứng nhân lịch sử, một biểu tượng lịch sử của thủ đô Hà Nội, nơi ghi dấu chân những người lính viễn chinh Pháp cuối cùng qua cầu để xuống Hải Phòng, vĩnh viễn rời Việt Nam và đón chào đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô tháng 10-1954.

Ở làn đường bên kia cầu, lực lượng Việt Minh tiến vào Hà Nội.(Nguồn:internet)

2. Những cửa ô dẫn chân đoàn quân giải phóng

Từ đầu những năm 50 của thế kỷ XX, giữa những gian khó của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, tận xa trên núi rừng Việt Bắc, cố nhạc sĩ Văn Cao đã có những lời ca tiên tri đầy hào sảng như thế, dành cho ngày giải phóng Thủ đô 10-10-1954. Ca khúc “Tiến về Hà Nội” còn tưng bừng câu hát:

“Năm cửa ô đón mừng

Khi đoàn quân tiến về…”

Các tài liệu chính thức đều thống nhất ghi rõ các diễn biến của việc quân ta tiến vào nội thành Hà Nội, buổi sáng 10-10-1954 như sau:

– 8h: Cánh quân phía Tây, xuất phát từ “Quần Ngựa” (nay là Cung thi đấu thể thao Quần Ngựa). Đó là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ Đô”, dẫn đầu là Trung đoàn trưởng – Anh hùng Quân đội Nguyễn Quốc Trị. Đoàn đi qua các đường Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang… đến 9h45 phút thì vào đóng trong “Thành cổ Hà Nội” bằng Cửa Đông.

– 8h45: Cánh quân phía Nam, thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ “Việt Nam học xá” (khu vực Đại học Bách khoa ngày nay), tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế… vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, rồi trở lại, theo hai hướng đông và tây của phố Trần Hưng Đạo, vào đóng quân ở các khu vực “Đồn Thủy” (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Hữu Nghị) và “Đấu Xảo” (Cung Văn hóa Hữu Nghị).

Cửa Bắc Hoàng thành Thăng Long, nơi Trung đoàn thủ đô tiến vào tiếp quản.(Nguồn:internet)

– 9h30: Đoàn cơ giới và pháo binh, cùng chỉ huy “tiếp quản Hà Nội”, do Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vương Thừa Vũ, và Phó chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, xuất phát từ sân bay Bạch Mai, đi đến Ngã tư Vọng, sang Ngã tư Trung Hiền, theo đường Bạch Mai, phố Huế, qua Bờ Hồ, đi đường Hàng Đào, Hàng Ngang, qua chợ Đồng Xuân, lên Hàng Giấy, vườn hoa Hàng Đậu… vào “Thành cổ Hà Nội” bằng Cửa Bắc.

Với hai đường tiến binh từ mạn Tây và mạn Nam, sáng 10-10-1954, quân ta đã về (vào) giải phóng Thủ đô, chỉ bằng và qua hai cửa ô, là ô Cầu Giấy (tức: ô Thanh Bảo), và ô Cầu Dền (tức: ô Yên Thọ, ô Thịnh Yên).

Từ những cửa ô ấy, đoàn quân chiến thắng đi qua những con phố Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Cầu Gỗ,… trong sự chào đón, hân hoan của đồng bào Thủ đô.

3. Cột cờ Hà Nội và buổi chào cờ lịch sử

Cột cờ, còn được gọi là kỳ đài. Cột cờ Hà Nội nằm trên đường Điện Biên Phủ, thuộc quận Ba Đình, Hà Nội, được xây dựng năm 1812, dưới thời Vua Gia Long triều Nguyễn trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long.

Toàn bộ Cột cờ cao hơn 33m. Tính cả trụ treo cờ thì cao hơn 41m gồm ba tầng đế và một thân cột. Các tầng đế hình chóp vuông cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh xây ốp gạch. Tầng một mỗi chiều 42,5m, cao 3m, có 2 thang gạch dẫn lên. Tầng hai mỗi chiều 27m, cao 3,7m có 4 cửa. Tầng ba mỗi chiều 13m, cao 5m; cũng có 4 cửa theo hướng đông, tây, nam, bắc.

Cột cờ Hà Nội.(Nguồn:internet)

Thân cột cờ hình trụ 8 cạnh, thon dần lên trên, cao 18,2m, mỗi cạnh đáy chừng 2m. Trong thân có cầu thang 54 bậc xây xoáy trôn ốc lên tới đỉnh. Toàn thể được soi sáng bằng 39 lỗ hình hoa thị và 6 lỗ hình dẻ quạt. Những lỗ này được đặt dọc các mặt, mỗi mặt có từ 4 đến 5 lỗ. Nhờ có các lỗ thông hơi chạy xung quanh thân cột nên ánh sáng tự nhiên và không khí lúc nào cũng được thông thoáng.

Đỉnh Cột cờ (Vọng canh) được cấu tạo thành một lầu hình bát giác, cao 3,3m, có 8 cửa sổ tương ứng 8 mặt, có thể đủ cho 5-6 người đứng quan sát. Giữa lầu là một trụ tròn, đường kính 0,4m cao đến đỉnh lầu, là chỗ để cắm cán cờ (cao 8m).

Phần mái giống như hình nón đội, xương mái làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói và giữa đỉnh mái có cột sắt cùng với ròng rọc để treo cờ.

Đây là một trong số ít những công trình kiến trúc thuộc khu vực thành Hà Nội có may mắn thoát khỏi sự phá hủy do chính quyền đô hộ Pháp tiến hành trong ba năm 1894-1897. Và đây cũng là công trình hiếm hoi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của Thủ đô và đất nước, trong đó là buổi chào cờ đầu tiên trong ngày giải phóng Thủ 10-10-1954.

Lễ chào cờ tại sân cột cờ Hà Nội, chiều ngày 10-10-1954.(Nguồn:internet)

Theo hồi ức của Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 2, buổi chiều 10-10-1954 là Lễ chào cờ lịch sử. Lá cờ chiến thắng của Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột Cờ. Trời thu Hà Nội xanh ngắt, điểm một sắc cờ đỏ thắm tựa bông hoa. Trên sân vận động Manzin (nay là sân Cột Cờ), các đơn vị tham dự lễ chào cờ tập hợp thành khối vuông nghiêm chỉnh. Hàng đầu là đội hình bộ binh gồm Trung đoàn Thủ đô, đại diện các đơn vị Đại đoàn 308 và Trung đoàn 57 Đại đoàn 304. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 54 – Quyết tử quân Hà Nội mùa đông năm 1946 được cử làm Tổng trực chỉnh đốn, báo cáo với Tham mưu trưởng Đại đoàn Vũ Yên. Đứng sau đội hình bộ binh là đội hình cơ giới và pháo binh xếp hàng ngang thẳng tắp, xe pháo nghiêm chỉnh, pháo thủ và bộ binh cơ giới đứng nghiêm trên xe. Xung quanh sân vận động, nhân dân các khu phố kéo đến đông nghịt đứng vòng trong vòng ngoài chật ních cả đường Hoàng Diệu và đường Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ). Ai cũng muốn có mặt trong Lễ chào cờ lịch sử hôm ấy. Đúng 15h, còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài. Toàn thành phố hướng về Thành Hoàng Diệu. Đứng chủ thể lễ chào cờ là Tướng Vương Thừa Vũ – Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố và bác sỹ Trần Duy Hưng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính. Đoàn quân nhạc do Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên chỉ huy cử Quốc thiều. Mọi người kính cẩn nhìn lên lá quốc kỳ đang tung bay trên đỉnh Cột Cờ cao ngất. Tiếng nhạc vừa dứt, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội bước ra trước máy phóng thanh trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô. Mở đầu lời kêu gọi, Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ đã phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ ta lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết”.

65 năm đã qua đi nhưng ký ức hào hùng của những ngày đấu tranh giải phóng và tiếp quản Thủ đô Hà Nội vẫn còn in đậm mãi trong tâm trí của tất cả người dân Thủ đô. Chắc chắn, hình ảnh cây cầu Long Biên; 5 đoàn quân với cờ đỏ, sao vàng hùng dũng tiến vào Thủ đô từ 5 cửa ô với tư thế của những người chiến thắng; Cột cờ Hà Nội với lá cờ đỏ sao vàng sẽ không bao giờ phai mờ trong thế hệ những cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đã từng có mặt và chứng kiến giây phút hào hùng năm xưa.

Tác giả: Phương Anh (tổng hợp) – Bảo tàng lịch sử Quốc gia

 

Nguồn:

– “Giải phóng thủ đô (10-10-1954)”Bách khoa thư Hà Nội, Tập 1: Lịch sử, H. Văn hóa Thông tin, 2009, tr. 623-631.

– Lưu Minh Trị, “Cầu Long Biên”Hà Nội danh thắng và di tích, Tập 1, H. Nxb Hà Nội, 2011, tr. 113-117.

– Nguyễn Vinh Phúc, “Các cửa ô ở Hà Nội”Thăng Long – Hà Nội tuyển tập công trình nghiên cứu lịch sử, Tập 1, H. Nxb Hà Nội, 2010, tr. 485-493.