LTS: Thời gian qua, nhóm Xếp hạng đại học Việt Nam – một nhóm chuyên gia độc lập với cơ quan quản lý nhà nước, đã tiến hành đề án xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Ngày 6/9, nhóm đã công bố Bảng xếp hạng đại học Việt Nam đầu tiên do nhóm tiến hành.
Để tìm hiểu rõ hơn về quan điểm của các trường nằm trong bảng xếp hạng này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về kết quả xếp hạng, tiêu chí xếp hạng và quy trình xếp hạng của Nhóm xếp hạng đại học Việt Nam?
Giáo sư Trần Văn Chứ: Được biết, nguyên tắc xếp hạng được nhóm chuyên gia áp dụng gồm phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, định lượng, khả tín, khách quan và hướng tới chuẩn mực quốc tế.
Trong đó, ba tiêu chí xếp hạng là nghiên cứu khoa học (40%), giáo dục đào tạo (40%), cơ sở vật chất và quản trị (20%).
Ở đây nghiên cứu khoa học và giáo dục đào tạo là yếu tố chủ chốt cho đánh giá. Công trình khoa học xuất bản trên các tạp chí quốc tế, chuyên ngành và có phản biện là thước đo quan trọng để đánh giá năng lực nghiên cứu khoa học của cơ sở đại học.
Chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến khác nhau về bảng xếp hạng vừa được nhóm nghiên cứu độc lập công bố.
Giáo sư Trần Văn Chứ cho hay, trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, tự chủ, việc xếp hạng các trường đại học
là nhu cầu tất yếu.
Tuy nhiên, với tư cách là Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp tôi cho rằng:
– Nhóm chuyên gia làm việc hoàn toàn độc lập, khách quan, thực hiện từ năm 2014, qua nhiều bước từ xây dựng tiêu chí, thử nghiệm mẫu nhỏ, thu thập, xử lý dữ liệu và không lệ thuộc vào bất cứ cơ quan Nhà nước nào.
Tiêu chí đánh giá được xây dựng theo khung quốc tế, cách thu nhập số liệu khoa học. Họ không bị lệ thuộc vào bất cứ điều kiện “tiêu cực” nào.
Căn cứ chủ yếu để xếp thứ hạng là thành tích của công bố quốc tế, phản ánh thành quả của chính sách đầu tư và khuyến khích xuất bản của các cơ sở đào tạo này.
Số sinh viên được đào tạo và tỷ lệ có việc làm cũng là tiêu chí được nhóm đánh giá là quan trọng.
Ngoài ra các yếu tố liên quan tới điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, trong đó có chất lượng đội ngũ giảng dạy cũng là yếu tố được coi trọng.
Việc thu nhập số liệu cho xếp hạng của nhóm hoàn toàn từ các bộ, ngành, trên Website của các trường (theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo các số liệu về đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường hiện nay phải công bố công khai)…
Với các tiêu chí này rất dễ hiểu khi các trường kinh tế hoặc một số trường ở Việt Nam đang “hot” thí sinh sẽ có thứ hạng thấp là đương nhiên.
Bởi lẽ, có thể do các điều kiện: số lượng giảng viên có học hàm, học vị cao chưa đảm bảo, cơ sở vật chất (diện tích sàn, giảng đường, phòng thí nghiệm, khu thực hành, thực tập, khu vui chơi cho cán bộ và sinh viên chưa đảm bảo,..), số ấn phẩm khoa học xuất bản có các chỉ số ISI, SCI, SSCI, ISSN, ISBN,.. ít,…
Tuy nhiên, tôi đánh giá bảng xếp hạng là trung thực, khách quan. Tiêu chí này được các bảng xếp hạng uy tín thế giới như Times Higher Education, QS, ARWU sử dụng.
Do đó, các tiêu chí đánh giá, xếp hạng là khoa học. Ngay trong Luật Giáo dục và Điều lệ trường đại học cũng đã nêu đào tạo và Nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ quan trọng nhất trong trường đại học.
Khi ở các bảng xếp hạng quốc tế thì Nhà trường chưa từng “góp mặt”. Vậy xin hỏi, Nhà trường có ngạc nhiên khi xếp thứ 15/49 cơ sở giáo dục đại học trong Bảng xếp hạng đại học Việt Nam?
Giáo sư Trần Văn Chứ: Chúng tôi cũng không ngạc nhiên vì Trường Đại học Lâm nghiệp xếp thứ 15 bởi các tiêu chí để nhóm xếp hạng thì Nhà trường đều đáp ứng yêu cầu.
Trong nhiều năm qua, Nhà trường đã có lộ trình cho việc xác định chiến lược phát triển đặc biệt chú trọng vào chất lượng đào tạo, chất lượng cử nhân, kỹ sư khi ra trường.
Ngoài ra, các điều kiện về đảm bảo chất lượng được thông báo công khai trên Website của trường và hàng năm Nhà trường đều phải báo cáo các Bộ, ban ngành liên quan.
Trường Đại học Lâm nghiệp đã hợp tác với 60 trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới. Số ấn phẩm quốc tế rất nhiều.
Đội ngũ giảng viên học hàm, học vị cao. 80% sinh viên ra trường có việc làm đúng nghề nghiệp. Diện tích rộng, giảng đường, phòng thí nghiệm, thư viện,.. đáp ứng tiêu chuẩn,…
Kỳ thực, trường rất mong muốn thời gian tới Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành lộ trình thực hiện xếp hạng trường đại học.
Bởi lẽ: Phương châm đánh giá chất lượng, xếp hạng các trường đại học là coi trường đại học là một tổng thể, trong đó có chiến lược, hệ thống và vận hành về đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ.
Mục đích của đánh giá chất lượng là củng cố chất lượng đào tạo, nghiên cứu, dịch vụ một cách toàn diện, và đánh giá hiệu quả của hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ.
Điều này là rất cần thiết trong bối cảnh các trường đại học nước ta tiến tới tự chủ, hội nhập quốc tế.
Và tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến của Tiến sĩ Lưu Quang Hưng, nhà nghiên cứu làm việc tại Melbourne, Australia – thành viên nhóm chuyên gia, trình bày buổi tọa đàm công bố bảng xếp hạng đại học Việt Nam:
“Tương lai Việt Nam có thể có thêm nhiều bảng xếp hạng với các tiêu chí được lựa chọn hoàn toàn khác biệt.
Đây là một phần mục đích của nhóm chúng tôi khi thực hiện nghiên cứu, nhằm thúc đẩy các tổ chức nghiên cứu xếp hạng, khiến các đại học trong nước đổi mới và nâng cao chất lượng, dần khẳng định mình không chỉ ở các bảng xếp hạng trong nước mà còn ở quốc tế”.
Thưa ông, tác động của việc xếp hạng đối với nhà trường và mong muốn trong thời gian tới của nhà trường là gì?
Giáo sư Trần Văn Chứ: Tôi cho rằng bảng xếp hạng các trường đại học chỉ có ý nghĩa tham khảo bởi có những tham số không thể định lượng được.
Do đó, thứ hạng chỉ phản ánh một phần chất lượng của cơ sở giáo dục. Nên phải nói rằng, bảng xếp hạng không có tác động nhiều đến các hoạt động của Nhà trường.
Tuy nhiên, đây cũng là một kênh để Nhà trường nhìn nhận, đánh giá về tổng thể các mặt hoạt động.
Hiện nay (từ ngày 8-15/9/2017), Nhà trường sẽ thực hiện đánh giá ngoài trong lộ trình kiểm định chất lượng trường.
Căn cứ vào bảng xếp hạng, căn cứ vào kết quả đánh giá ngoài, Nhà trường sẽ rà soát lại từ sứ mạng, mục tiêu, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, phương châm phát triển cho phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển đó là “Hội nhập quốc tế sòng phẳng và bình đẳng, Tự chủ“.
Quá trình thực hiện nhóm có liên hệ với quý trường không? Và đã có tổ chức nào đề cập với các trường về việc xếp hạng đại học chưa, thưa ông?
Giáo sư Trần Văn Chứ: Quá trình làm việc nhóm xếp hạng không có bất cứ liên hệ nào với Trường. Từ trước đến nay Nhà trường cũng chưa nhận được đề nghị của bất cứ tổ chức, cá nhân nào về xếp hạng.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về nhu cầu xếp hạng các trường đại học?
Giáo sư Trần Văn Chứ: Theo tôi, trong xu thế hội nhập, toàn cầu hoá, tự chủ, việc xếp hạng các trường đại học là nhu cầu tất yếu.
Xếp hạng để đảm bảo chất lượng đào tạo, để đào tạo lớp người “vừa hồng, vừa chuyên”.
Qua xếp hạng, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có thể điều chỉnh quá trình đào tạo, đánh giá được các trường, giúp thí sinh biết định hướng học tập. Các trường đảm bảo chất lượng sẽ phát triển, nhiều trường sẽ phải chuyển đổi, giải thế hoặc sáp nhập (không thể để hơn 400 trường đại học như hiện nay).
Vậy làm thế nào để việc đánh giá, xếp hạng các trường đại học diễn ra một cách minh bạch, khách quan, thưa ông?
Giáo sư Trần Văn Chứ: Để đánh giá, xếp hạng một cách nghiêm minh, theo tôi cần phải có nhiều nhóm chuyên gia độc lập (như nhóm Xếp hạng đại học Việt Nam đã làm), tiêu chí cần rõ ràng, khoa học và sát với điều kiện Việt Nam.
Chúng ta có thể tham khảo các tiêu chí quốc tế và có chọn lọc theo điều kiện Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư.