Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười và những dấu ấn lớn suốt đời vì dân

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trên từng cương vị công tác, nhất là trong công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết, đồng chí Đỗ Mười – nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ trong và ngoài nước tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đồng chí đã từ trần hồi 23 giờ 12 phút ngày 1/10/2018, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 101 tuổi.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống. Ông sinh ngày 2/2/1917, quê ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí Đỗ Mười đã từng kinh qua nhiều cương vị công tác, được tôi luyện, trưởng thành qua các cuộc kháng chiến cứu nước và các giai đoạn xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ Tổ quốc, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười

Năm 1941, khi mới 24 tuổi, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án 10 năm tù tại Hoả Lò (Hà Nội). Tháng 3/1945, đồng chí vượt ngục tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia Tỉnh uỷ Hà Đông, trực tiếp lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Đông. Sau cách mạng tháng 8/1945, ông giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Hà Đông.

Từ năm 1946 đến 1954, ông Đỗ Mười giữ các chức vụ sau: Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam; Bí thư kiêm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Định; Khu uỷ viên khu III kiêm Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình; Phó Bí thư Liên khu uỷ III kiêm Phó chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu III; Chính uỷ Bộ tư lệnh Khu tả ngạn sông Hồng.

Năm 1955, ông là Bí thư Thành uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban quân chính thành phố Hải Phòng. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (tháng 3/1955), ông được bầu bổ sung làm Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II.

Một năm sau, ông được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội thương và đến năm 1958 giữ chức Bộ trưởng Bộ này. Ông cũng là đại biểu Quốc hội khoá II nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà.

Tháng 9/1960, ông Đỗ Mười được bầu là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ năm 1956-1973, đồng chí Đỗ Mười được bổ nhiệm làm Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Nội thương; Chủ nhiệm Uỷ ban vật giá Nhà nước; Trưởng phái đoàn Thanh tra Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban kiến thiết cơ bản Nhà nước; Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ xây dựng.

Tháng 12/1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, ông Đỗ Mười được bầu vào Ban chấp hành Trung ương và Uỷ viên dự khuyết Bộ chính trị, tiếp tục giữ chức Phó thủ tướng nhiệm kỳ 1976-1981. Tháng 7/1981, ông là đại biểu Quốc hội khoá VII và được bầu giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tại Đại hội Đảng lần thứ V diễn ra tháng 3/1982, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, Uỷ viên Bộ chính trị tiếp tục giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Tháng 12/1986, tại Đại hội Đảng lần thứ VI, ông được bầu vào Ban chấp hành Trưng ương, Uỷ viên Bộ chính trị và Thường trực Ban bí thư. Lúc này, ông cũng là đại biểu Quốc hội khoá VIII. Hai năm sau, Quốc hội bầu ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười (trái) và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Tại Đại hội Đảng lần thứ VII và VIII, ông Đỗ Mười được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, Uỷ viên Bộ chính trị, giữ chức Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng (6/1991 – 12/1997). Ông là đại biểu Quốc hội khoá IX. Tháng 12/1997, ông được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khoá VIII) cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông công tác ở đây đến năm 2001.

Trong thời chiến cũng như thời bình, đồng chí Đỗ Mười luôn là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, một người chỉ huy mưu lược, quyết đoán, một nhà lãnh đạo tài năng, đức độ với cuộc sống giản dị, chân tình, hết lòng vì nước vì dân. Cuộc đời sự nghiệp của ông đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trên từng cương vị công tác, nhất là trong công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Trong những năm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng (6/1991 – 12/1997), với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí Đỗ Mười đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đoàn kết, thống nhất, lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Cùng với đổi mới kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai năng động, hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm các cháu tại Trung tâm Nhân đạo Quê hương (tỉnh Bình Dương), tháng 11/2006.

Ngay trong những ngày đầu của nhiệm kỳ Tổng Bí thư, đồng chí Đỗ Mười đã cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo thực hiện chủ trương khôi phục và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Trung Quốc; xóa bỏ thế bị bao vây, cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ; gia nhập ASEAN; khai thông quan hệ với các định chế tài chính quốc tế…Các thành tựu ngoại giao thời kỳ này đã mở ra chương mới cho đối ngoại Việt Nam, góp phần mở rộng các quan hệ kinh tế và hợp tác nhiều mặt giữa nước ta với các nước, tạo tiền đề để nước ta chủ động, tích cực hội nhập khu vực và thế giới, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông cũng là nhà lãnh đạo gắn bó sâu sắc với nhân dân, quan tâm đến đời sống của các tầng lớp nhân dân, luôn gần gũi và sẵn sàng đối thoại với dân, lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; luôn trăn trở về các chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đảm trách cương vị Tổng Bí thư của Đảng, dù bận trăm công ngàn việc, đồng chí Đỗ Mười vẫn dành thời gian đọc đơn thư của dân, chỉ đạo việc tiếp dân trở thành một nhiệm vụ thường xuyên của lãnh đạo các cấp ủy Đảng và chính quyền.

Đánh giá về ông, Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Lê Đức Anh đã viết: “Anh có nhiều cống hiến cho dân tộc, cho đất nước, cho cách mạng, nhưng anh rất khiêm tốn. Anh sống chân thành, giản dị, gần gũi, chan hòa với mọi người. Được sống gần anh và những lần làm việc trực tiếp với anh, tôi đã cảm nhận được nhiều điều sâu đậm về anh – người đảng viên cộng sản trung kiên hết lòng vì nước, vì dân”.

Còn nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam – Lê Khả Phiêu khi nói về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã viết rằng: “Tôi quý trọng và học tập tinh thần cách mạng, suốt đời vì nước, vì dân, mãi mãi tận tụy với Đảng, tận hiếu với dân của anh Đỗ Mười”.

Nguồn: kienthuc.net.vn