Ông Nguyễn Quốc Khanh, chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến đồ gỗ TP.HCM (HAWA). Ảnh: Forbes Việt Nam
SỐ 1, SỐ 2 VÀ SỐ 5 Đa số các nước xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới đều nằm ở phương Tây (trừ Trung Quốc). Do vậy vị trí tốp 5 của chúng ta không chỉ có giá trị ở nhiều tỉ đô la Mỹ doanh thu, mà đó chính là “thương hiệu” và uy tín quốc gia. Những sắp xếp của thị trường vốn khách quan và lạnh lùng, vừa cho chúng ta thêm tự tin, vừa tạo không ít thách thức.
Người dân và những nhà hoạt động môi trường và biến đổi khí hậu sẽ đặt ngay dấu hỏi: lấy gỗ sản xuất ở đâu? Câu hỏi tưởng chừng rất dễ trả lời này, nhưng không dễ “tâm phục, khẩu phục” khi nạn chặt phá rừng còn tiếp diễn, kéo theo các đe dọa khủng khiếp của thiên tai trên cả nước.
Việt Nam hiện có xấp xỉ 10 triệu héc ta rừng tự nhiên và 4 triệu héc ta rừng trồng. Rừng tự nhiên thuộc thẩm quyền quản lý của nhà nước, đã đóng cửa và nghiêm cấm các hình thức khai thác gỗ. Dù vậy, định kiến của xã hội vẫn còn đánh đồng các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến gỗ tiếp tay cho nạn phá rừng, khai thác trái phép các loại gỗ quý hiếm có giá trị kinh tế cao.
Trên thực tế, xuất khẩu gỗ Việt Nam luôn đi theo con đường chính ngạch, minh bạch. Thị trường nhập khẩu gỗ của Việt Nam chỉ chấp nhận gỗ và sản phẩm gỗ được khai thác hợp pháp, có giấy chứng nhận xuất xứ. Thuật ngữ “gỗ hợp pháp” nói lên điều đó.
Giấc mơ của Việt Nam không chỉ là “trung tâm sản xuất đồ gỗ thế giới” mà là “trung tâm sản xuất đồ gỗ hợp pháp của thế giới” như cụm từ mà thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, người phụ trách lĩnh vực, nhấn mạnh tại cuộc họp báo ngày 8.8.2018.
KHÁT VỌNG VÀ KHẢ THI Để cho giấc mơ đó thành hiện thực, đầu tiên chúng ta phải xây dựng cho được thương hiệu quốc gia về ngành gỗ. Vậy chúng ta có thể xây dựng được thương hiệu? Theo tôi hoàn toàn có thể.
GS Philip Kotler – chuyên gia thương hiệu hàng đầu thế giới – từng khẳng định Việt Nam có nhiều lợi thế về văn hóa để xây dựng thương hiệu quốc gia. Với tôi, chúng ta còn có thể xây dựng thương hiệu quốc gia gắn liền với những ngành nghề đặc trưng, đặc biệt là công nghiệp chế biến gỗ.
Có ba yếu tố chính. Thứ nhất, nội lực của doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đã và đang được cải thiện rất lớn. Chúng ta đang thay đổi tư duy quản lý sản xuất lớn theo mô hình chuyên nghiệp dây chuyền. Doanh nghiệp đầu tư công nghệ khá nhanh theo hướng nâng cao năng suất, giảm bớt thâm dụng lao động.
Thứ hai, chúng ta đang có cơ cấu dân số trẻ, với số người trong độ tuổi lao động lên đến 55 triệu người, điều mà các quốc gia khác mơ ước.
Thứ ba, người Việt có tố chất khéo léo, tỉ mỉ, sáng tạo, phù hợp với các yêu cầu sản xuất của ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ.
Tuy vậy, chúng ta cũng chỉ mới sử dụng khoảng 30-40% nội lực, và đây chính là “dư địa” để ngành gỗ Việt Nam vươn cao hơn trên trường quốc tế.
Bên cạnh các lợi thế trên, điều kiện của thế giới cũng thuận lợi cho ngành chế biến gỗ Việt Nam. Thị trường đồ nội thất tiêu dùng của thế giới năm 2017 là 428 tỉ USD, trong đó thị trường xuất khẩu là 141 tỉ USD, và tăng 3,5% trong năm 2018. Đây là ngành kinh tế tiêu dùng có thị trường tiềm năng dài hạn vì nhu cầu về nhà cửa, đồ nội, ngoại thất là thiết yếu và không dừng lại.
CHO RỪNG CÒN XANH LÁ Ông Federica Mogherini, phó chủ tịch cấp cao của EU, tại phiên điều trần ngày 11.3.2019 về hiệp định đối tác tự nguyện về nguồn nguyên liệu gỗ của Việt Nam đã nói: “EU hoan nghênh những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được. Tuy nhiên, cần nhiều hơn nữa …”
Ý ông Mogherini chính là sự tuân thủ các điều khoản của hiệp định VPA/FLEGT (hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi Lâm luật – Quản trị rừng và Thương mại lâm sản). Hiện nay, Indonesia là nước Đông Nam Á duy nhất được cấp chứng chỉ FLEGT.
Giấc mơ “trung tâm sản xuất đồ gỗ hợp pháp của thế giới”, theo tôi, có thể sớm thành hiện thực hơn mốc 2030, nếu… nguồn gỗ nhập khẩu giảm dần và thay thế bằng nguồn gỗ hợp pháp từ rừng trồng trong nước.
Trong một loạt giải pháp nhằm đưa ngành gỗ tiến lên phía trước, rừng trồng là giải pháp hiệu quả và thiết thực nhất trong bối cảnh ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đang phát triển nhanh.
Với bước đột phá và tốc độ tăng trưởng như hiện nay, ngành gỗ và nội thất Việt Nam dự kiến năm 2030 sẽ đạt 50 tỉ USD, với một triệu lao động. Lúc đó, một lao động trong ngành gỗ sẽ tạo ra giá trị 50.000 USD/năm, so với mức 30.000 USD/năm trong năm 2018.
Nhờ có nguồn nguyên liệu rừng trồng trong nước, doanh nghiệp Việt Nam trong ngành có lợi thế hơn hẳn vì chúng ta có nguồn nguyên liệu cạnh tranh và ổn định so với nhập khẩu. Đây chính là cơ sở để hình thành bản sắc, niềm tự hào quốc gia: Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ hợp pháp uy tín cho thế giới.
Ngành gỗ là ngành duy nhất trên hành tinh sử dụng tài nguyên có thể tái sinh được. Với thế giới, gỗ là nguyên liệu tái tạo tốt nhất góp phần gìn giữ môi trường. Càng tiêu dùng đồ gỗ nhiều, càng phải trồng thêm rừng nhiều. Ví dụ đơn giản, một cây gỗ muốn khai thác phải mất ít nhất 10 năm trồng. Nghĩa là một năm khai thác rừng, có ít nhất chín năm phủ xanh. Việt Nam càng xuất khẩu nhiều sản phẩm gỗ thì phải trồng rừng nhiều hơn, hoặc giữ rừng lâu hơn để tăng tỉ lệ sinh khối, đất được phủ xanh nhiều hơn… Cây giữ đất, giữ cho nước lũ không tràn về gây hại cho người dân.
Theo quyết định của Chính phủ từ năm 2008, sản lượng khai thác từ rừng tự nhiên tối đa không quá 150.000 m3/năm và kể từ năm 2014 chính thức đóng cửa rừng tự nhiên. Tuy nhiên các hành vi phá rừng trái phép; lấn chiếm rừng và đất rừng; khai thác gỗ và lâm sản trái pháp luật vẫn còn diễn ra khiến cho việc quản lý rừng tự nhiên gặp nhiều khó khăn.
Lý do là nhu cầu sử dụng gỗ bất hợp pháp vẫn còn tiếp diễn. Một số bộ phận người dân chưa có ý thức về việc tàn phá rừng ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. “Văn hóa” sử dụng gỗ quý hiếm có giá trị cao, để thể hiện sự giàu có và quyền lực vẫn còn tồn tại trong xã hội hiện nay. Trong khi đó, chúng ta vẫn thiếu các thể chế rõ ràng về quản lý và khai thác rừng trồng và rừng tự nhiên, khiến cho rừng trồng không được phát triển lành mạnh, còn rừng tự nhiên vẫn bị tàn phá.
HỖ TRỢ TỪ NHÀ NƯỚC Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần nhà nước hỗ trợ gián tiếp để ngành chế biến gỗ có thể vươn xa. Cụ thể: Về nhận thức, cần sự vận động tuyên truyền của các cơ quan, ban ngành để toàn dân nhận thức và hiểu đúng – ngành gỗ là ngành kinh tế dân sinh, bền vững và bảo vệ môi trường với nguồn nguyên liệu là rừng trồng hợp pháp. Từ đó tạo niềm tin để đầu tư mở rộng và nâng cấp ngành, cũng như thu hút đội ngũ nhân tài tham gia đổi mới sáng tạo dựa trên các lợi thế hiện có; phát triển các startup, ứng dụng công nghệ mới…
Về đào tạo, sự phát triển của ngành gỗ liên quan đến nhiều ngành nghề khác như giáo dục, đào tạo. Về sáng tạo, để khuyến khích doanh nghiệp gia tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm, nhà nước cần có chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, hay việc thành lập viện Thiết kế nội thất Việt Nam, tổ chức các giải thưởng thiết kế… để quy tụ và phát triển đội ngũ sáng tạo. Đây là kinh nghiệm mà các quốc gia ứng dụng thành công, tiêu biểu là Singapore.
Về thương hiệu, nhà nước, các cơ quan, ban ngành cần khuyến khích, giúp các doanh nghiệp gỗ xây dựng thương hiệu. Từng thương hiệu của mỗi doanh nghiệp sẽ là điểm sáng để tập hợp, vẽ nên bức tranh cho cả ngành chế biến gỗ Việt Nam. Để tạo động lực cho việc này, các hiệp hội cần phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan để thường xuyên bầu chọn thương hiệu đồ gỗ uy tín trong năm.
Về thương mại, khi đã hội tụ được năng lực sản xuất, có thiết kế, có thương hiệu là ba điều kiện “cần”, ngành gỗ cần thêm điều kiện “đủ” là phát triển môi trường thương mại thuận lợi. Chúng ta đã gây dựng thành công thương hiệu cho hội chợ đồ gỗ quốc tế VIFA-EXPO, trở thành điểm đến thu hút các đơn vị kinh doanh đồ gỗ thế giới đến Việt Nam.
Nếu nhà nước hỗ trợ phát triển các trung tâm giao dịch, trung tâm triển lãm hội chợ đủ tầm, đó sẽ là lợi thế lớn cho các doanh nghiệp trong ngành. Các doanh nghiệp cũng cần mạnh dạn, chủ động hơn trong việc tham dự các hội chợ đồ gỗ quốc tế để tăng tính kết nối, mở rộng thương mại để gia tăng ngoại lực cho chính doanh nghiệp mình.
Nếu “Việt Nam là câu chuyện thú vị nhất châu Á về vĩ mô”, như bình luận của đài CNBC, 15.1.2019, thì các thể chế về rừng và sự thành công tiếp theo của đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam, sẽ khiến “câu chuyện” càng thêm hấp dẫn.
Phát triển ngành gỗ sẽ góp phần giải được bài toán về nhân công trong thời đại công nghiệp 4.0, được đào tạo tay nghề với giá trị cao, đồng thời thúc đẩy quy hoạch trồng và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững trong dài hạn. Các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ tự tin có thể Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ hợp pháp uy tín cho thế giới với sự quan tâm và đồng hành của Nhà nước.
Tuy vậy, lạc quan đến mấy chúng ta cũng không quên rằng, tất cả phải bắt đầu từ gốc: trồng rừng để lấy lại màu xanh cho đất nước và có nguyên liệu bền vững, có nguồn lực lâu dài “giữ mãi màu xanh” cho rừng.
Tạp chí Forbes Việt Nam số 71, tháng 4.2019.
Nguồn: forbesvietnam.com