Ngành chế biến lâm sản đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao
Đó là khẳng định của GS. Trần Văn Chứ, hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp khi tham dự diễn đàn về công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản được tổ chức sáng 22/2 tại Hà Nội.
Theo GS. Trần Văn Chứ, để cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản phát triển, cần nhiều giải pháp đồng bộ từ chủ trương, chính sách đến triển khai cụ thể các nhiệm vụ. Nhưng để phát triển bền vững, bứt phá, phải tác động vào các khâu trọng yếu và là nút thắt – rào cản của Ngành. Trường ĐH Lâm nghiệp đã có các nghiên cứu và đưa ra bốn khâu trọng yếu: Cơ chế, chính sách; nguồn nguyên liệu; công nghệ; nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong đó, về nguồn nhân lực, GS. Trần Văn Chứ cho biết, hiện cả nước có khoảng 4500 doanh nghiệp, trong đó có 1863 doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu, 700 doanh nghiệp FDI và 340 làng nghề chế biến gỗ, với hơn 420.000 lao động thường xuyên tại các nhà máy chế biến gỗ và lâm sản và hàng triệu lao động gián tiếp có liên quan. Cả nước có 5 trường ĐH đào tạo chế biến lâm sản với quy mô hàng năm chỉ tuyển 300 sinh viên và 7 trường đào nghề khoảng 600 học viên.
Công nghệ chưa tiên tiến, lao động phổ thông nhiều nên năng suất lao động của Ngành gỗ thấp, chỉ bằng 50% so với Philipines, 40% Trung Quốc và 20% Liên minh châu Âu (EU).
Nghiên cứu của ĐH Lâm nghiệp cũng chỉ ra nhu cầu về nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới là rất lớn. Dự báo, năm 2020 cần khoảng 64.000 người có trình độ ĐH, trên ĐH và 266.860 công nhân; đến 2025 cần 106.800 người có trình độ ĐH, trên ĐH và 445.200 công nhân.
Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, cần có 3 giải pháp cơ bản. Trong đó có giải pháp tập trung xây dựng các trường ĐH nghiên cứu trọng điểm của quốc gia về Lâm nghiệp, đạt trình độ quốc tế; đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các nhóm nhân lực trình độ cao như các nước tiên tiến. Nhanh chóng tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các trường của Bộ NN&PTNT.
Chuẩn hóa chương trình đào tạo về kiến thức và kỹ năng. Đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá, tập trung vào đào tạo năng lực thực hành, những kỹ năng, kỹ thuật cốt lõi, các kỹ năng mềm để thích ứng trong môi trường công nghiệp hiện đại 4.0, gắn với doanh nghiệp và triển khai nhiều học kỳ tại doanh nghiệp.
“Để có bứt phá cho Ngành, không chỉ nhập khẩu công nghệ và thiết bị nước ngoài, mà phải có đột phá trong phát triển KHCN trong nước. Và nhất định phải tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Ở nước ngoài điều này là máu thịt để tạo đà phát triển, còn Việt Nam chưa được chặt chẽ do nhiều nguyên nhân trong đó có lỗi nhiều của các nhà khoa học chỉ lí thuyết và khó áp dụng” – GS. Trần Văn Chứ khẳng định.
GS. Chứ cũng cho hay năm 2019 và nhiều năm tiếp theo, những lĩnh vực sẽ tiếp tục lên ngôi trong Chế biến gỗ sẽ là đồ mộc xây dựng, dân dụng nội, ngoại thất và ván nhân tạo, kèm theo là các công nghệ, thiết bị phụ trợ. Ván nhân tạo trong những năm vừa rồi ở nước ta chưa phát triển, do tập quán chưa ưa thích, công nghệ chưa cao và còn nhiều gỗ tự nhiên.
Cần tập trung đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm chuẩn quốc gia; Trung tâm Nghiên cứu trọng điểm và chuyển giao công nghệ: Chế biến gỗ công nghệ cao; Thiết kế đồ gỗ thông minh; Trung tâm Kiểm định chất lượng sản phẩm gỗ Quốc gia. Xây dựng và triển khai Đề án “Tăng cường năng lực đào tạo và NCKH cho trường/viện nghiên cứu/doanh nghiệp phục vụ chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”.
Nguồn: Tienphong.vn