Một số kiến nghị nhằm tăng cường công bố bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế cho trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam

Số lượng và chất lượng các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá uy tín của một nhà khoa học cũng như một cơ sở đào tạo, nghiên cứu trên thế giới hiện nay. Trong Chiến lược phát triển của Trường Đại học Lâm nghiệp giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn 2030, việc tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế là một trong các nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, việc tăng cường công bố các kết quả nghiên cứu khoa học của các cán bộ nghiên cứu và giảng viên của Nhà trường trên các tạp chí/tập san khoa học quốc tế là hết sức cần thiết. Số lượng bài báo công bố quốc tế càng nhiều không chỉ đánh giá năng lực và chất lượng khoa học của Nhà trường, mà còn nâng cao cơ hội hội nhập với giới khoa học quốc tế, gia tăng cơ hội tìm kiếm và triển khai các dự án quốc tế.

Bài viết này đề cập một số kinh nghiệm và những khó khăn trong việc chuẩn bị và đăng một bài báo trên tập san quốc tế. Từ đó, tác giả mạnh dạn đề xuất một số ý kiến nhằm tăng cường và khuyến khích cán bộ nghiên cứu và giảng dạy của Nhà trường trong việc công bố quốc tế các kết quả nghiên cứu khoa học.

Trong 5 năm gần đây, Trường Đại học Lâm nghiệp đã có hàng trăm Thạc sỹ và Tiến sỹ được đào tạo ở nước ngoài như Mỹ, Úc, Hà Lan, Đức, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc… và hiện còn trên 60 người đang theo học trình độ tiến sĩ ở nước ngoài. Đây sẽ là đội ngũ có nhiều tiềm năng để công bố các bài báo trên các tập san khoa học quốc tế. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê thì số lượng các bài báo của cán bộ Nhà trường đã đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước còn khá khiêm tốn, đặc biệt các công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Trong 5 năm từ 2010 đến giữa 2014, tổng số bài báo công bố trong nước của Nhà trường khoảng 250 bài và quốc tế là 83 bài (số liệu thống kê của Phòng Khoa học Công nghệ và HTQT). Nhìn chung, số bài báo năm sau tăng hơn so với năm trước (Hình 1), song số lượng vẫn chưa xứng với tiềm năng; trung bình mỗi giảng viên có được 0,5 bài báo và cứ 6 giảng viên mới có một bài báo quốc tế được công bố trong giai đoạn 5 năm – một tỷ lệ đáng báo động!

 

Hình 1: Số lượng bài báo đã công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế của Trường Đại học Lâm nghiệp (Ghi chú: số bài báo năm 2014 được thống kê đến tháng 5/2014). (Nguồn: Phòng Khoc học công nghệ và HTQT, Trường Đại học Lâm nghiệp)

Để đăng được bài báo trên các tạp chí/tập san quốc tế, cần lưu ý là, bài báo phải có giá trị, được bình duyệt hay phản biện độc lập (peer-review paper), được đăng trên các tập san có “chỉ số ảnh hưởng” (Impact Factor – IF). Thông thường các tập san này được đánh giá và xếp loại theo các hệ thống: Science Citation Index Expanded (SciSearch), Journal Citation Reports/Science Edition, SCOPUS, Google Scholar, EBSCO, CSA, ProQuest, CAB International, Academic OneFile, AGRICOLA, ASFA, CAB Abstracts, CSA Environmental Sciences, Current Contents/ Agriculture, Biology & Environmental Sciences, Elsevier Biobase, Environment Index, Gale, Geobase, Global Health, INIS Atomindex, OCLC, Research Papers in Economics (RePEc), SCImago, Summon by ProQuest… Hoặc một bài tham luận Hội thảo khoa học quốc tế được đăng đầy đủ trong Kỷ yếu hội thảo bằng tiếng Anh (hoặc ngoại ngữ khác), đồng thời bài tham luận đó cũng phải được bình duyệt (có phản biện độc lập).

Chúng ta đều biết là việc công bố bài báo trên tập san khoa học quốc tế thường có giá trị và tầm ảnh hưởng rộng hơn so với công bố bài báo trên tạp chí quốc gia, nhưng là một công việc hết sức khó khăn và thách thức bởi các lý do sau:

 – Rào cản về ngôn ngữ, cụ thể là tiếng Anh khoa học (vì hầu hết các tập san khoa học quốc tế đăng bằng tiếng Anh): Để đạt được trình độ tiếng Anh có văn phong chuẩn khoa học là cực kỳ khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực cao của mỗi cá nhân. Để giải quyết vấn đề này, ngoài sự trau dồi của các cá nhân, cần thiết kết nối và cộng tác với các nhà khoa học trên thế giới (các giáo sư đã giảng dạy và hướng dẫn các thạc sĩ và tiến sĩ đã học ở nước ngoài). Nhờ sự hỗ trợ và cộng tác này thì bài báo sẽ dễ dàng đạt chuẩn về văn phong khoa học đáp ứng yêu cầu của các tập san khoa học tiếng Anh trên thế giới.

– Thời gian chuẩn bị, gửi bài và đợi bình duyệt dài (phản biện): Để chuẩn bị được một bản thảo hoàn chỉnh cho một bài báo, cần thời gian từ 3 đến 6 tháng (theo kinh nghiệm cá nhân). Thời gian này, ngoài việc chuẩn bị bản thảo, còn cần để trao đổi, thảo luận, và nhận các phản hồi từ các tác giả mà mình mời cộng tác. Sau khi gửi bản thảo cuối cùng đến Ban biên tập, phải đợi ít nhất một tuần để có phản hồi từ Ban biện tập. Nếu bài báo phù hợp để đăng, Ban biên tập sẽ thông báo là bài báo đã được gửi tới các chuyên gia bình duyệt (phản biện độc lập), và đợi ít nhất một tháng để có kết quả bình duyệt. Nếu may mắn, ít nhất sau một tháng Ban biên tập sẽ gửi lại kết quả bình duyệt và quyết định bài báo có được chấp nhận đăng hay không. Nếu bài báo bị yêu cầu chỉnh sửa nhiều (major revision), thì Ban biên tập cho thêm 3 tháng để các tác giả chỉnh sửa, rồi gửi lại toà soạn bình duyệt lại bản thảo đó. Nếu bài báo bị yêu cầu chỉnh sửa nhẹ (minor revision) thì thường kèm theo thông báo là bài báo đã được chấp nhận đăng. Ban biên tập sẽ yêu cầu gửi lại bản thảo sau khi chỉnh sửa trong vòng một tháng để đăng bài báo trên mạng trước (online version), và sau 6 tháng đến một năm thì bài báo chính thức được đăng trên bản in (paper version). Do đó, cần ít nhất từ 6 tháng đến một năm để bản thảo bài báo được đăng trên tập san quốc tế.

– Quá trình bình duyệt rất khắt khe: theo thống kê, khoảng 50% đến 70% số lượng bản thảo được gửi tới các tập san bị Ban biên tập loại ngay ở vòng đầu tiên (thường trong vòng một tuần). Số còn lại sẽ được gửi đến các chuyên gia để bình duyệt. Sau khi có kết quả bình duyệt, khoảng 50% đến 70% số bản thảo tiếp tục bị loại. Như vậy, chỉ có khoảng dưới 30% số bản thảo được chấp nhận đăng. Tỉ lệ này tuỳ thuộc vào mức độ uy tín của tập san. Tập san có IF càng cao thì tỉ lệ bản thảo được chấp nhận đăng càng thấp. Theo kinh nghiệm từ các bài báo đã được đăng của cá nhân, việc bản thảo bị loại là việc rất bình thường. Thông thường sau khi chỉnh sửa bản thảo của bài báo nhiều lần, và gửi đến 3–4 tập san khác nhau, cộng thêm sự may mắn thì bài báo có thể được chấp nhận đăng. Sau khi bài báo bị từ chối đăng ở tập san này thì mới được gửi tới tập san khác, do vậy việc công bố bài báo trên tập san quốc tế đòi hỏi sự kiên trì cao của các cá nhân, các tác giả.

 

Hình 2: Mô tả sự khó khăn khi công bố bài báo trên tập san quốc tế

– Quy mô của các kết quả nghiên cứu: Tuỳ theo quy mô của các nghiên cứu và kết quả đạt được thì bản thảo có được chấp nhận đăng quốc tế hay không. Nếu quy mô nghiên cứu hẹp (mang tính địa phương), ít có tính ứng dụng hoặc ảnh hưởng ở tầm quốc tế thì các bản thảo bài báo đó sẽ có ít cơ hội để được chấp nhận đăng trên các tập san quốc tế, hay khu vực. Tuy nhiên, có một số nghiên cứu có quy mô nhỏ nhưng kết quả mới có thể ảnh hưởng hoặc áp dụng cho nhiều khu vực trên thế giới (hoặc tổng quan nghiên cứu đưa ra các lý thuyết hoặc công cụ/phương pháp mới có khả năng áp dụng rộng trên thế giới) thì vẫn có nhiều cơ hội được chấp nhận đăng trên các tập san quốc tế.

– Cơ chế khuyến khích công bố bài báo quốc tế của nhà Trường chưa được quan tâm đúng mức: Mặc dù Nhà trường đã điều chỉnh và tính giờ nghiên cứu khoa học cho mỗi bài báo đăng trên tập san quốc tế cao hơn gấp đôi so với bài báo hạng nhất trong nước, đồng thời có cơ chế khuyến khích bằng tài chính, nhưng vẫn chưa tương xứng với công sức của tác giả. Một bài báo đăng trên tập san quốc tế có chỉ số IF > 0,5 được tính 100 giờ chuẩn và thưởng 2.000.000 đồng, và IF ≤ 0,5 được tính 80 giờ chuẩn và thưởng 1.000.000 đến 1.500.000 đồng (Quy chế chi tiêu nội bộ 2014) đã và đang nâng cao tính khuyến khích trong việc công bố quốc tế. Song, cơ chế này vẫn chưa thật sự khuyến khích các tác giả đầu tư để công bố trên các tập san quốc tế có uy tín cao (IF cao).

Một số kiến nghị nhằm khuyến khích việc công bố bài báo trên tập san quốc tế:

– Hiện nay nhà trường áp dụng mức 250 giờ NCKH cho bài báo có chỉ số ISI (SCI, SCIE, SSCI…) từ 0,3 trở lên. Theo tác giả, nên điều chỉnh cách tính giờ chuẩn cho các bài báo công bố quốc tế dựa vào chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor – IF) của các tạp chí, có thể chia thành 5 loại: A, B, C, D và E. Loại A có IF ≥ 3, loại B: 2 ≥ IF < 3, loại C: 1 ≥ IF < 2, loại D: 0.5 ≥ IF < 1, và loại E gồm bài báo có IF < 0,5 và các bài tham luận trong các Hội thảo quốc tế mà có bình duyệt (phản biện). Tính giờ khoa học cho bài báo đăng quốc tế loại A là 500 giờ chuẩn (đây là bài báo đặc biệt, rất ít nhà khoa học trong lĩnh vực nông lâm nghiêp của Việt Nam có được), B là 400 giờ chuẩn, C là 300 giờ chuẩn, D là 200 giờ chuẩn, và E là 50-150 giờ chuẩn. Có thể xem xét mức hỗ trợ kinh phí cao hơn mức 2 triệu đồng/bài báo như hiện nay và chia theo cấp độ nêu trên. Hoặc có thể hỗ trợ chung cho mỗi bài báo 2-10 triệu đồng tùy thuộc vào Quỹ phúc lợi của Nhà trường hàng năm (vì vẫn được tính giờ NCKH). Điều kiện áp dụng: Chỉ áp dụng đối với các bài báo có đưa tên Trường Đại học Lâm nghiệp vào phần cơ quan của tác giả. Tác giả đầu (tác giả 1) của bài báo được tính 70% số giờ nghiên cứu khoa học, đồng tác giả sẽ được tính 30% số giờ NCKH (trường hợp có từ 2 tác giả là cán bộ/giảng viên của nhà trường).

– Hàng năm Nhà trường thống kê các cán bộ/giảng viên có bài báo đăng trên tập san quốc tế để có các hình thức khen thưởng trước toàn trường. Có thể có chế độ thưởng đặc biệt cho các tác giả công bố bài báo trên các tập san quốc tế có chỉ số IF cao, và có nhiều bài báo công bố quốc tế trong năm.

– Định kỳ 5 năm, Nhà trường cần thống kê tổng số các bài báo được đăng trên tạp chí/tập san quốc tế, đồng thời bình duyệt các bài báo có mức độ ảnh hưởng cao, và có nhiều bài báo công bố quốc tế để khen thưởng. Có thể xem đây là giải thưởng NCKH của nhà trường. Giải thưởng gồm 2 hạng mục: Mục 1 – Giải thưởng cho tác giả với bài báo có mức độ ảnh hưởng cao là bài báo được nhiều người sử dụng (citation). Đây là mức ảnh hưởng đối với cộng đồng khoa học thế giới; Mục 2 –  Giải thưởng cho tác giả với nhiều bài báo công bố quốc tế (tính tổng điểm theo chỉ số IF). Mỗi hạng mục có 3 giải: Nhất, Nhì và Ba.

Thay cho lời kết: Như vậy, việc khuyến khích cán bộ nghiên cứu và giảng dạy công bố các bài báo trên tập san quốc tế có uy tín đồng  nghĩa với việc mở rộng quảng bá thương hiệu khoa học cho Nhà trường, tăng cường hợp tác với các nhà khoa học trên thế giới, mở ra cơ hội hội nhập sâu rộng trong cộng đồng quốc tế.