Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước, Trường Đại học Lâm nghiệp đã có 350 người nhập ngũ, chủ yếu là sinh viên và 57 người vĩnh viễn không trở về. Suốt hơn 50 năm qua, một nỗi niềm luôn đau đáu trong lòng của các cựu chiến binh (CCB) sinh viên (SV) của Trường Đại học Lâm nghiệp là làm thế nào để có một dấu tích nhằm ghi nhận những đóng góp này như là một mốc son trong lịch sử phát triển của Trường.
Được sự hỗ trợ và quan tâm đặc biệt của Đảng uỷ, Ban giám hiệu và các phòng ban, đoàn thể của Trường; sự nỗ lực không mệt mỏi của Ban liên lạc và các CCB cùng các cựu SV các khoá trong Trường, chúng ta đã xây dựng Đài kỷ niệm CCB sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp lên đường nhập ngũ.
Tại cuộc họp Đảng uỷ Trường Đại học Lâm nghiệp ngày 07-11-2019 đã có Nghị quyết về việc này và nhấn mạnh: “Nhằm tri ân những thế hệ cựu sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí tự lập tự cường cho thế hệ trẻ Trường Đại học Lâm nghiệp hôm nay và mai sau, Đảng uỷ nhất trí chủ trương xây dựng Tượng đài/Phù điêu CCB Trường Đại học Lâm nghiệp (được đặt tại Quảng trường Sinh viên) với ý nghĩa nhân văn sâu sắc: Không có sự hy sinh, cống hiến nào trong công cuộc kháng chiến nhằm thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc của các CCB Trường Đại học Lâm nghiệp bị lãng quên.
Thực hiện Nghị quyết này, từ ý tưởng ban đầu của CCB, các kiến trúc sư của Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị Nhà trường đã thiết kế lại như hình ảnh và kết cấu như hiện nay.
Đài kỷ niệm Cựu chiến binh sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp
Công trình gồm một cụm 3 khối bê tông ốp đá Granit. Kích thước các khối được tính toán trên các yếu tố phong thuỷ, nhằm bảo đảm tính trường tồn và hài hoà, không phá vỡ cảnh quan chung của Quảng trường.
Về ý nghĩa, 3 khối đá tương trưng cho tổ “tam tam” trong chiến đấu, là thế “kiềng ba chân” vững chãi, khoẻ khoắn. Màu đá tượng trưng cho màu của đất mẹ, nơi các Liệt sĩ của chúng ta yên nghỉ; và cũng là màu của “những cánh buồm nâu” của một thời sống trên đất Quảng Ninh chúng ta đã từng thấy trên những dòng sông và Vịnh Hạ Long. Nếu nhìn trực diện, 3 khối đá có mặt cắt của một dải núi tượng trưng cho dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi mà các đồng đội đã “từng đến đó và đã từng hiểu mình”. Những con số trên 3 phiến đá là những dấu mốc lịch sử: 1970 là năm hơn 10.000 SV cả miền Bắc khi đó, xếp bút nghiên lên đường ra tiền tuyến, trong đó có 350 SV của Trường Đại học Lâm nghiệp; con số 1975 là dấu mốc thống nhất đất nước và con số 2020 có ý nghĩa không chỉ là 50 năm SV chúng ta nhập ngũ mà còn là con số sự kết nối của lớp lớp CCB trong Trường từ 1970 đến nay.
Đài kỷ niệm này là sự ghi nhận của nhà trường cho tất cả những ai đã từng mặc áo lính, đã từng học tập, công tác dưới mái Trường Đại học Lâm nghiệp. Cả 3 khối đá đều có đỉnh vươn tới hướng về chữ VNUF ở trung tâm Quảng trường để khẳng định rằng: Dù ở đâu, dù khi nào thì những người lính ra đi từ mái trường này vẫn luôn hướng về mái trường thân thương ấy…
PGS.TS. Phạm Xuân Hoàn, nguyên Phó Hiệu trưởng, Cựu chiến binh – sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp
Chúng ta, không phải ai cũng có may mắn được sinh ra bên một dòng sông quê để mà hoài niệm, nhưng chắc chắn tất cả chúng ta đều có một mái trường, mái trường ghi đậm dấu ấn cuộc đời các CCB chính là Trường Đại học Lâm nghiệp./.