Kinh nghiệm quốc tế về thương mại tín chỉ các bon hệ sinh thái ven biển

Ngày 10/04/2024, Trường Đại học Lâm nghiệp đã phối hợp với Đại học Adelaide, Úc, Trung tâm Nghiên cứu Lâm Nghiệp Quốc tế (CIFOR) đồng tổ chức Hội thảo Quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế về thương mại tín chỉ các bon hệ sinh thái ven biển” NGUT. GS.TS. Phạm Văn Điển – Hiệu Trưởng và GS.TS. Andrew Lowe đồng chủ trì Hội thảo.

Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường Đại học Lâm nghiệp 1964- 2024. Hội thảo với mục tiêu chia sẻ thực trạng thị trường các bon hệ sinh thái ven biển quốc tế, đồng thời xác định cơ hội, thách thức cũng như gợi mở phát triển đối với Việt Nam trong thời gian tới.

Bà Cecilia Brennan Tham tán kinh tế Đại sứ Quán Úc tại Việt Nam phát biểu chào mừng Hội thảo

Tham dự hội thảo có hơn 100 đại biểu trong nước và quốc tế đến từ các cơ quan Chính Phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tàu nguyên Môi trường, Trường Đại học, Viện nghiên cứu, Đại sứ quán Úc, Canada, và Ireland và các tổ chức quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo GS.TS. Phạm Văn Điển và GS.TS. Andrew Lowe khẳng định Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260km với diện tích rừng ngập mặn khoảng 200.000 ha. Rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, đảm bảo sinh kế và an sinh của cộng đồng ven biển. Rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ các bon rất lớn và cao hơn nhiều lần trên mỗi diện tích so với rừng trên cạn. Trên thế giới diện tích rừng ngập mặn chỉ chiếm 0,7% tổng diện tích rừng nhưng có thể lưu trữ 20 tỉ tấn CO­2.  Hai GS cũng mong đại biểu chia sẻ và thảo luận để có những định hướng, gợi mở cho Việt Nam trong thời gian tới.

Tại Hội thảo đã có nhiều kinh nghiệm được chia sẻ và nhận được sự quan tâm của các đại biểu: TS. Phạm Thu Thuỷ “Tổng quan các dự án các bon rừng ngập mặn đã đưa vào thương mại bán tín chỉ các bon trên toàn cầu”; TS. Alice Jones “Các dự án thương mại các bon từ hệ sinh thái ven biển – Kinh nghiệm từ Australia”; GS. Sarah Wheeler “Phương pháp định giá các bon từ hệ sinh thái ven biển, rừng ngập mặn và đồng lợi ích”; TS. Bùi Thị Minh Nguyệt “Thách thức trong thương mại các bon rừng tại Việt Nam – Xác định giá bán”; TS. Nguyễn Trung Kiên “Hiện trạng và định hướng phát triển rừng ngập mặn tại Việt Nam”; TS. Alessia Cascione “Đánh giá tiềm năng cho các dự án các bon rừng tại Việt Nam”.

Ông Phạm Hồng Lượng -Phó cục trưởng cục Lâm nghiệp, Bộ NN & PTNT phát biểu chào mừng Hội thảo

Trong khuôn khổ buổi Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ về những hạn chế, thách thức khi tham gia thị trường các bon tự nguyện, tiêu chí và phương pháp tính toán các bon rừng ngập mặn; Thương mại tín chỉ các bon hệ sinh thái ven biển; Sự tham gia và quyền lợi của người dân; Các chuyên gia nhận định, Việt Nam có tiềm năng lớn về tín chỉ carbon. Song, cũng gặp thách thức trong việc thương mại tín chỉ carbon. Theo đó, nước ta cần có lộ trình rõ ràng hơn để có thể thương mại tín chỉ trong thị trường carbon tự nguyện.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, GS.TS. Phạm Văn Điển và GS. TS. Andrew Lowe đã ghi nhận những ý kiến đóng góp, những chia sẻ quý báu của đại biểu tại Hội thảo. Đồng thời khẳng định hội thảo đã góp phần thiết lập và duy trì mạng lưới trao đổi chuyên môn, học thuật giữa các các bộ, ban ngành, tổ chức quốc tế, các cơ sở nghiên cứu, trường đại học cùng nhau đề xuất các chủ trương, chính sách, giải pháp, kiến nghị để tăng cường về thương mại tín chỉ các bon hệ sinh thái ven biển nói riêng và thị trường các bon nói chung.

Một số hình ảnh tại Hội thảo