Khoa Quản lý Tài nguyên rừng & Môi trường

Quyết định thành lập Khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường được thành lập theo Quyết định số 551/TCLĐ, ngày 24/08/1995 của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trên cơ sở một số bộ môn tách ra từ Khoa Lâm học. Cơ cấu tổ chức và…

Quyết định thành lập

Khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường được thành lập theo Quyết định số 551/TCLĐ, ngày 24/08/1995 của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trên cơ sở một số bộ môn tách ra từ Khoa Lâm học.

Cơ cấu tổ chức và nhân sự

Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Khoa gồm: Ban chủ nhiệm Khoa, 06 Bộ môn và 02 Trung tâm.

Tổng số viên chức, lao động hợp đồng là 62, trong đó có 01 Giáo sư; 04 Phó giáo sư; 16 tiến sĩ; 35 Thạc sĩ (10 người đang làm nghiên cứu sinh); 05 kỹ sư, cử nhân. Ngoài ra, tổng số giảng viên kiêm giảng là 05, trong đó là 01 Giáo sư, 03 Phó giáo sư, 01 tiến sỹ.

Trưởng Khoa: GS.TS. Vũ Tiến Thịnh;

Phó Trưởng khoa: PGS.TS. Nguyễn Hải Hoà;

Phó Trưởng khoa: PGS.TS. Lê Bảo Thanh.

 Các đơn vị thuộc KhoaTrưởng đơn vị
1Bộ môn Bảo vệ thực vậtPGS.TS. Lê Bảo Thanh
2Bộ môn Động vật rừngPGS.TS. Lưu Quang Vinh
3Bộ môn Hoá họcGVC.TS. Vũ Huy Định
4Bộ môn Kỹ thuật Môi trườngPGS.TS. Nguyễn Hải Hòa
5Bộ môn Quản lý Môi trườngPGS.TS. Bùi Xuân Dũng
6Bộ môn Thực vật rừngTS. Vương Duy Hưng
7Trung tâm Đa dạng sinh học và Quản lý rừng bền vữngTS. Nguyễn Đắc Mạnh
8Trung tâm Phân tích môi trường và Ứng dụng công nghệ địa không gianThS. Bùi Văn Năng

Lĩnh vực hoạt động chính

● Đào tạo

– Đào tạo 07 ngành bậc Đại học: Ngành Quản lý tài nguyên rừng, Ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường; Ngành Khoa học Môi trường; Ngành Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên chương trình tiên tiến (đào tạo bằng tiếng Anh theo chương trình của Trường Đại học Tổng hợp Bang Colorado – Hoa Kỳ); ngành Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên (Chương trình chuẩn, đào tạo bằng tiếng Việt); ngành Du lịch Sinh thái (Ngành học mở mới năm 2019); và ngành Bảo vệ thực vật.

– Đào tạo 03 ngành bậc Thạc sỹ: Ngành Quản lý tài nguyên rừng; Ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường; ngành Khoa học môi trường.

– Đào tạo 01 ngành Bậc tiến sĩ: Ngành Quản lý tài nguyên rừng.

Nghiên cứu khoa học, công nghệ – Hướng nghiên cứu chính

Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến và chuyển giao khoa học – công nghệ trong lĩnh vực Tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên rừng và môi trường; Bảo tồn đa dạng sinh học; Quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; Nhân nuôi và cứu hộ động vật hoang dã; Lâm sản ngoài gỗ; Quy trình kỹ thuật gây trồng và tạo giống các loài cây bản địa; Khai thác phát triển nguồn gen thực vật và động vật rừng; Điều tra giám sát đa dạng sinh học; Quản lý rừng bền vững, điều tra và thống kê tài nguyên rừng; thiết kế trồng và khai thác rừng; Quy hoạch du lịch sinh thái và cảnh quan; Xây dựng dự án quy hoạch rừng đặc dụng; Vườn thực vật; Phòng tiêu bản tài nguyên rừng; Dự tính dự báo sâu bệnh hại; Bảo vệ thực vật; Biến đổi khí hậu; Chương trình REDD+; Đánh giá tác động môi trường; Quy hoạch bảo vệ môi trường và tài nguyên; Quan trắc môi trường, phân tích môi trường; Quản lý và xử lý chất thải; Xử lý ô nhiễm môi trường; Tiết kiệm và phát triển năng lượng mới và tái tạo; Phát triển du lịch sinh thái; Dịch vụ hệ sinh thái; Dịch vụ môi trường rừng; Ứng dụng công nghệ địa không gian trong điều tra, giám sát và đánh giá và quy hoạch tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên rừng và môi trường; và Phòng chống lửa rừng; Điều tra, giám sát, đánh giá, thiết kế, lập quy hoạch, kế hoạch quản lý và sử dụng tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khí hậu và tài nguyên khoáng sản; Điều tra, thiết kế và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án về tái sinh rừng, phục hồi rừng, trồng rừng mới.

Hợp tác Quốc tế

Khoa QLTNR&MT đã hợp tác tích cực, thường xuyên với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức về Lâm nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên thế giới như Đại học Tây Nam (Côn Minh, Trung Quốc), Đại học Lâm nghiệp Nam Kinh (Trung Quốc); Đại học tổng hợp kỹ thuật Dresden (CHLB Đức); Đại học Tổng hợp Leiden (Hà Lan); Đại học Tổng hợp Bang Colorado, Hoa Kỳ (CSU); Đại học Quốc gia Úc… và các tổ chức WWF, ENV, IUCN, FFI…

Khoa QLTNR&MT đã tham gia thực hiện các dự án như: Dự án VIE/80/017 UNDP Đào tạo Lâm nghiệp hiện đại, Dự án hỗ trợ Lâm nghiệp xã hội (SDC), Chương trình nghiên cứu Việt Nam – Hà Lan (VNRP), Dự án hỗ trợ chuyên ngành Lâm sản ngoài gỗ (IUCN tài trợ), Dự án ASEAN – Link, Dự án của World Bank pha A và B, Dự án tăng cường năng lực xúc tiến trồng rừng mới và tái trồng rừng theo Cơ chế phát triển sạch (AR – CDM) tại Việt Nam do JICA và HONDA Nhật Bản tài trợ,…

Cơ sở vật chất

Trung tâm Phân tích môi trường và Ứng dụng công nghệ địa không gian có 8 phòng thí nghiệm với diện tích sử dụng gần 1000 m2, bao gồm các phòng thí nghiệm, khí tượng thủy văn, phân tích hóa học, phân tích môi trường, phòng GIS viễn thám và Công nghệ địa không gian, được trang bị đầy đủ thiết bị và máy móc hiện đại phục vụ tốt nhất cho công tác dạy và học.

Trung tâm Đa dạng sinh học và Quản lý rừng bền vững có diện tích trên 1000m² là nơi lưu trữ và trưng bày các mẫu vật sinh vật rừng, phục vụ thực hành thực tập và triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học liên quan đến quản lý tài nguyên thiên nhiên. Nơi đây, được coi là một trong những bảo tàng quan trọng về tài nguyên Động thực vật ở Việt Nam. Trung tâm hiện lưu trữ khoảng gần 10.000 mẫu tiêu bản thực vật trong Herbarium (Code: VNF); mẫu tiêu bản TYPE của 10 loài thực vật; 683 mẫu tiêu bản gỗ; 927 mẫu tiêu bản lưỡng cư, bò sát; 156 mẫu tiêu bản thú; 116 mẫu tiêu bản chim; gần 1000 tiêu bản côn trùng; Trung tâm quản lý Vườn sưu tập các loài bướm và côn trùng với diện tích trên 5000m².

Truyền thống và những thành tích đạt được

Trải qua 25 năm phát triển, đến nay Khoa QLTNR&MT luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu về các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Lâm nghiệp.

Thành tích đào tạo: Đã và đang đào tạo 6495 sinh viên đại học (trong đó đã tốt nghiệp đã 6010); 700 học viên (trong đó đã tốt nghiệp 517); đang đào tạo 31 nghiên cứu sinh.

Thành tích NCKH: Đã và đang thực hiện 08 đề tài cấp nhà nước, 35 đề tài cấp bộ và tương đương, trên 60 đề tài cấp cơ sở. Ngoài ra, các cán bộ của Khoa còn tham gia nhiều dự án thuộc lĩnh vực Quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Về khen thưởng: Tập thể khoa được tặng 01 Huân chương Lao động hạng Ba (2013); 07 Bằng khen của Bộ NN&PTNT; 05 Bằng khen BCH Công đoàn NN&PTNT Việt Nam;10 năm liên tục đạt Danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc (2008 – 2018);10 năm liên tục đạt Khen thưởng xuất sắc về phong trào NCKH sinh viên; 5 năm liền là Chi bộ đạt tiêu chuẩn “Trong sạch, vững mạnh tiêu biểu” (2011-2015);

Thành tích cá nhân: 05 Nhà giáo ưu tú; 02 Huân chương Lao động hạng Ba;12 cán bộ được Nhà nước phong tặng học hàm Giáo sư/Phó Giáo sư.

Định hướng phát triển

Khoa QLTNR&MT đã và sẽ luôn giữ vững vị trí hàng đầu Việt Nam về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài nguyên rừng nói riêng, tài nguyên thiên nhiên và môi trường nói chung. Khoa phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của nước nhà và khu vực.

Địa chỉ liên hệ

Tòa nhà T3, Trường ĐHLN, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội;

Số điện thoại: 02433 840 628; Hotline: 0979 924 895;

Website: http://tnrmt.vnuf.edu.vn/;

Email: qltnrvmt@vnuf.edu.vn