Tham dự khai mạc khóa đào tạo có NGƯT.GS.TS Phạm Văn Điển – Hiệu trưởng nhà trường; TS Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và PTNT; giảng viên khóa đào tạo có: PGS.TS. Trần Thị Thu Hà – Phó trưởng khoa Kinh tế và QTKD, PGS.TS. Nguyễn Thị Xuân Hương – Phó trưởng bộ môn Quản trị doanh nghiệp, TS. Đoàn Thị Hân, Giám đốc Trung tâm đào tạo, tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp, Ban tổ chức khóa đào tạo và 28 học viên là các giảng viên, cán bộ đến từ Trường Đại học Lâm nghiệp, Trường Cao đẳng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Bộ, các đối tác của VNUF, các cán bộ đến từ các địa phương Hội nông dân 5 tỉnh Thái Nguyên, Hòa Bình, Sơn La, Bắc cạn, Yên Bái.
Phát biểu chỉ đạo tại lớp học, GS.TS. Phạm Văn Điển – Hiệu trưởng nhà trường khẳng định Khóa đào tạo này rất cần thiết và ý nghĩa, nhằm cung cấp cho người học đầy đủ những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong phân tích và phát triển thị trường, đặc biệt với đối với các tổ chức sản xuất rừng và trang trại miền núi phía Bắc. Đồng thời nhấn mạnh các giảng viên và học viên tham gia lớp tập huấn cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các cách làm hay ngoài thực tiễn để nâng cao năng lực trong phân tích và phát triển thị trường.
NGƯT.GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu chỉ đạo
Phát biểu khai mạc khóa đào tạo, TS. Nguyễn Bá Long – Bí thư Chi bộ, Viện trưởng, Chủ nhiệm nhiệm vụ nhấn mạnh: từ khi thành lập Viện Quản lý và PTNT năm 2016 cho đến nay, mỗi năm Viện đã tổ chức giảng dạy vài chục lớp tập huấn đào tạo cho nhiều đối tượng khác nhau trên cả nước về lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, quản lý đất đai, khuyến nông và phát triển nông thôn. Trong đó Viện Quản lý và PTNT đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, nâng cao năng lực với các tổ chức như FAO, GIZ…
TS. Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và PTNT phát biểu khai mạc lớp đào tạo
Tham gia khóa đào tạo, học viên được trang bị đầy đủ kiến thức về Phân tích và phát triển thị trường bao gồm: các bước của tiến trình MA&D, năm nhóm yếu tố bền vững, chuỗi giá trị sản phẩm và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh. Thông qua đó, học viên có thể áp dụng được các phương pháp và công cụ trong các hoạt động đào tạo người học ở thực địa về phân tích và phát triển thị trường. Đặc biệt, sau khi kết thúc khóa đào tạo, học viên có thể hướng dẫn được cho người học là thành viên của các hợp tác xã, tổ hợp tác sử dụng các công cụ để phân tích thị trường và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh.
PGS.TS. Trần Thị Thu Hà – Giảng viên lớp đào tạo
TS. Đoàn Thị Hân – Giảng viên lớp đào tạo
Học viên tích cực tham gia thảo luận, trình bày kết quả trên lớp
Trong khuôn khổ khóa đào tạo, học viên có cơ hội được lắng nghe chia sẻ của 2 doanh nghiệp đến từ Hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm và Công ty cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex). Từ đó học viên có thể vận dụng vào trong quá trình lập phương án sản xuất kinh doanh cho các tổ chức sản xuất kinh doanh tại địa phương.
Bà Nguyễn Thị Yến – Phòng Quản lý nhân sự – Hệ thống Bác Tôm chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển hệ thống chuỗi cửa hàng Bác Tôm và thị trường PGS ở Việt Nam, khó khăn và thách thức, bài học từ Bác Tôm
Bà Nguyễn Thị Huyền – Tổng giám đốc công ty cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) giới thiệu mô hình kinh doanh của công ty, vùng nguyên liệu quế hồi, quy trình sản xuất để đạt được chứng nhận hữu cơ quốc tế, các công cụ nghiên cứu thị trường, các kênh, tài liệu truyền thông thương hiệu.
Học viên lớp học chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện 2 doanh nghiệp
Học viên đi tham quan thực tế mô hình kinh doanh tiêu biểu của Hợp tác xã trồng Bưởi đỏ và dịch vụ nông nghiệp Tân Đông tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình
Học viên đi tham quan thực tế mô hình kinh doanh tiêu biểu của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông nghiệp 0789 tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình
Học viên chụp ảnh lưu niệm cùng với Lãnh đạo Nhà trường, Lãnh đạo Viện Quản lý đất đai và PTNT cùng các giảng viên, Ban tổ chức lớp học
Nguồn: Viện Quản lý đất đai và PTNT