
Cán bộ Trường Đại học Lâm nghiệp kiểm tra quá trình phát triển của cây trồng tại mô hình trồng rừng.
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại nghe “Khát vọng Năm châu” và đánh giá đó là một bản trường ca đặc biệt, thấm đẫm tinh thần của Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam. Ca từ của bài hát được trau chuốt, nghệ thuật hóa tinh tế, là kết tinh của trí tuệ và tâm huyết của tác giả. Với ngôn ngữ hình tượng phong phú, nhạc điệu hào sảng và chiều sâu triết lý, tác phẩm tái hiện hành trình lịch sử vẻ vang của Nhà trường – từ Đông Triều đến Xuân Mai, từ đồi lau đến những cánh rừng bạt ngàn tri thức. Bài hát cũng là lời ngợi ca mối giao hòa giữa các thế hệ, giữa trí tuệ Việt Nam và tinh hoa quốc tế, giữa truyền thống Lâm nghiệp và khát vọng hội nhập toàn cầu.
Mở đầu bài hát là những câu từ đầy hình ảnh gợi nhớ: “Từ chồi xuân nõn biếc về đại ngàn bao la”. Đó là hành trình từ những sinh viên tuổi 18-20 tuổi, non tơ như chồi xuân, qua đào luyện trở thành cây cổ thụ giữa đại ngàn – những chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân thành đạt. Từ hình tượng thiên nhiên, bài hát mở rộng biên độ địa lý và văn hóa: “Dòng suối treo núi thác, ra biển đảo ngân nga” gợi ra dòng chảy của sự sống mà rừng nuôi dưỡng, kết nối với biển đảo – nơi cũng có rừng, có màu xanh – và kết nối với truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ: 50 con lên rừng, 50 con xuống biển. Câu hát như lời khẳng định về vai trò của rừng với sự sống, với con người, với hồn dân tộc.
Ký ức lịch sử được đánh thức với hình ảnh: “Những năm xưa bước chân đi không mỏi”. Không chỉ là lời ca ngợi bền bỉ, mà còn nhắc nhớ đến hành trình thành lập của Trường: từ Hà Nội (năm 1964) đến Đông Triều (Quảng Ninh, năm 1964-1984), rồi định vị tại Xuân Mai, Hà Nội từ 1984 đến nay. Hai phân hiệu Gia Lai và Đồng Nai cũng được gợi nhắc trong hình ảnh “ngàn mây Gia Lai… gió về Đồng Nai”. Câu hát “đón Bác Giáp về thăm… rừng lau…” càng khiến người nghe xúc động: Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị Tướng huyền thoại – từng về thăm trường năm 1986 và trồng cây trên đồi lau, khi nơi ấy chưa có rừng.
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại cho hay: “Tôi đã nghe nhiều lần ca khúc Khát vọng năm châu của nhạc sĩ, nghệ sĩ ưu tú Quang Tú phổ thơ của Giáo sư Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Điển. Bài hát viết về một ngôi trường – Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam. Nhưng không chỉ có thế. Bài hát đưa ta đi khắp đất nước rộng dài từ Đông Triều thâm nghiêm đến Tây Nguyên hùng vĩ, về lại Hồ Gươm và thủ đô xanh ngát.
Ca từ đẹp, giai điệu vang sâu như chính lòng yêu đời, yêu nước, yêu những mầm xanh. Có âm vang đại ngàn, có cái tí tách của hạt mầm tách vỏ… Tôi thấy được tình yêu sâu sắc đối với mái trường lâm nghiệp, với sự nghiệp trồng rừng và trồng người của tác giả. Tôi nghe được đất nước và cả thế giới này đang từng ngày lên xanh”.
Ca khúc đạt đến chiều sâu khi đề cao mối quan hệ thầy-trò và sự giao thoa quốc tế: “Mái đầu bạc hòa mái đầu xanh. Lấp lánh con đò tiêu diêu bến đợi”. “Mái đầu bạc” không chỉ là những người thầy cao tuổi trong nước, mà còn là các chuyên gia quốc tế – với tóc trắng, tóc màu… cùng gắn bó với mái trường. “Mái đầu xanh” là thầy cô trẻ trong nước, đầy tâm huyết. Họ cùng đưa đò, cùng soi sáng con đường tri thức cho người học. Hình ảnh “lấp lánh con đò” là ánh sáng của tình thầy trò, của tri thức. “Tiêu diêu” không là xa rời, mà là thảnh thơi, nhẹ nhàng, tự do giữa một bến đợi luôn rộng mở – ngôi trường. Khát vọng vươn ra thế giới được thể hiện mạnh mẽ: “Năm cánh sao vàng bay khắp năm châu” – một hình ảnh mang tính tuyên ngôn.
Trường Đại học Lâm nghiệp không chỉ là mái trường chuyên về rừng, mà là nơi hội tụ các ngành công nghệ, kinh tế, môi trường – như trong câu hát: “Mái trường mến yêu, lâm nghiệp, công nghệ. Kinh tế, môi trường cho đời trọn ước mơ”. Bài hát vì thế không gọi đích danh tên trường, bởi lẽ tên gọi có thể mở rộng trong tương lai, nhưng khát vọng thì luôn được giữ trọn.
Khép lại bài hát là một khí thế mạnh mẽ và thiêng liêng: “Tiếng Bác Hồ, tiếng non sông vẫy gọi. Vươn tới tương lai, ngời sáng địa cầu”. Lời kết như một lời hiệu triệu, một khúc hoan ca gửi đến thế hệ hôm nay – hãy tiếp tục vươn mình vì đất nước, vì nhân loại, vì hành tinh xanh.
Nguồn: https://nhandan.vn