Kế hoạch Đại hội các Chi đoàn nhiệm kỳ 2012-2013

ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TP HÀ NỘI BCH TRƯỜNG ĐẠI HỌC LÂM NGHIỆP *** Số:30 -KH/ĐTN        Hà Nội, ngày 14 tháng 8 năm 2012   KẾ HOẠCH Đại hội các Chi đoàn nhiệm kỳ 2012-2013    Căn cứ Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Đoàn trường xây dựng…

ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TP HÀ NỘI

BCH TRƯỜNG ĐẠI HỌC LÂM NGHIỆP

***

Số:30 -KH/ĐTN

 

     Hà Nội, ngày 14 tháng 8 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

Đại hội các Chi đoàn nhiệm kỳ 2012-2013

  


Căn cứ Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Đoàn trường xây dựng kế hoạch tổ chức Đại hội các chi đoàn nhiệm kỳ 2012-2013 như sau:

I. YÊU CẦU

1. Đại hội các Chi đoàn nhiệm kỳ 2012 – 2013 phải quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường ĐHLN lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Lâm nghiệp lần thứ XXIII và sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng.

2. Đại hội các Chi đoàn nhiệm kỳ 2012 – 2013 phải trên tinh thần dân chủ, đổi mới, sáng tạo, phát huy được trí tuệ và trách nhiệm của cán bộ, ĐVTN trong việc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn trong nhiệm kỳ qua, xây dựng phương hướng nhiệm vụ với những mục tiêu, giải pháp mới để tổ chức, động viên tuổi trẻ xung kích, tình nguyện thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị và nhà trường trong thời kỳ mới.

3. Ban Chấp hành các Chi đoàn do Đại hội bầu ra phải bao gồm những cán bộ, ĐVTN có trình độ, năng lực, tâm huyết, bảo đảm các tiêu chuẩn quy định trong “Quy chế cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh” do Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành theo Quyết định số 289-QĐ/TW ngày 08 tháng 02 năm 2010 (gọi tắt là Quy chế cán bộ Đoàn), đồng thời có số lượng, cơ cấu phù hợp đảm bảo lãnh đạo, chỉ đạo thắng lợi nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong nhiệm kỳ mới.

4. Đại hội các Chi đoàn nhiệm kỳ 2012 – 2013 phải là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng với các phong trào thi đua sôi nổi, không khí vui tươi, phấn khởi trong ĐVTN trước, trong và sau Đại hội;

II. NỘI DUNG ĐẠI HỘI

1. Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ qua, xây dựng mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ mới.

2. Bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới.

III. XÂY DỰNG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐOÀN

1. Xây dựng dự thảo văn kiện

a. Yêu cầu chung

– Báo cáo tổng kết phải ngắn gọn, có tính khái quát, tập trung vào các vấn đề cốt lõi của phong trào thanh niên và công tác tổ chức xây dựng Đoàn. Đánh giá đúng những mặt mạnh, kết quả đạt được; thẳng thắn chỉ rõ những yếu kém, hạn chế; phân tích những nguyên nhân chủ quan, khách quan, rút ra được những bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện các mặt công tác của Đoàn.

– Tập trung đầu tư xây dựng phương hướng nhiệm kỳ mới với hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thiết thực, phù hợp nhiệm vụ chính trị của đơn vị, nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên, có tính khả thi cao.

– Đảm bảo theo định hướng chung của Thành Đoàn HN và BCH Đoàn trường.

b. Về tổng kết công tác Đoàn và phong trào thanh niên nhiệm kỳ qua

Đánh giá đúng thực trạng tình hình công tác Đoàn và phong trào TN, kiểm điểm kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2011 – 2012; đánh giá sâu kết quả thực hiện các phong trào, các chương trình, cuộc vận động, đề án do Đại hội Đoàn các cấp quyết định.

c. Về phương hướng trong nhiệm kỳ mới

– Phương hướng nhiệm kỳ mới của Đại hội các Chi đoàn phải đảm bảo quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, định hướng của Đoàn cấp trên và của BCH Thành Đoàn (để đảm bảo tính thống nhất trong các phong trào, chương trình hành động của tuổi trẻ Thủ đô); phương hướng nhiệm kỳ mới phải trên cơ sở phân tích đặc điểm tình hình của đơn vị; những xu hướng, nhu cầu, nguyện vọng của ĐVTN, từ đó cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ mới.

– Xác định rõ nội dung và biện pháp chính để thực hiện các mặt công tác chủ yếu của Đoàn như: Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; các phong trào hành động cách mạng, công tác xây dựng Đoàn và mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên… Chú trọng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn, nâng cao chất lượng đoàn viên; phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tình nguyện của ĐVTN trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

d. Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành

Trên tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm túc, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm tập thể của Ban Chấp hành; chỉ ra những mặt được và những hạn chế yếu kém, rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để xây dựng và phân công nhiệm vụ Ban Chấp hành khóa mới hoạt động hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đoàn đề ra.

e. Chuẩn bị dự thảo nghị quyết của Đại hội Chi đoàn

Trên cơ sở các văn kiện của Đại hội, Ban Chấp hành Chi đoàn triệu tập Đại hội xây dựng dự thảo nghị quyết Đại hội gồm những nội dung cơ bản, quan trọng để Đại hội thảo luận, quyết định.

2. Về thảo luận, góp ý các văn kiện Đại hội

Ban Chấp hành chi đoàn xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ, ĐVTN, các đồng chí cựu cán bộ Đoàn, các nhà khoa học, các đoàn thể có liên quan về báo cáo của Đại hội. 

IV. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ NHÂN SỰ BAN CHẤP HÀNH

Chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành khoá mới là nội dung quan trọng. Quá trình chuẩn bị nhân sự phải thực hiện dân chủ, công khai, đúng quy chế, quy định, trên cơ sở quy hoạch cán bộ đã được phê duyệt; lựa chọn giới thiệu các đồng chí có đức, có tài, bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định; chú trọng cán bộ nữ, dân tộc, ĐVTN có thành tích đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu.

1. Tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành

Nhân sự BCH các cấp phải bảo đảm các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn chức danh trong Quy chế cán bộ Đoàn, đặc biệt nhấn mạnh những điểm sau:

– Có đạo đức và năng lực thực tiễn, kinh nghiệm trong công tác, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ do Ban Chấp hành phân công; am hiểu và gắn bó với thanh niên, có khả năng định hướng, dẫn dắt thanh niên.

– Có khả năng cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, nghị quyết Đại hội cấp trên và cấp mình, gắn với thực tiễn công tác Đoàn và tình hình thanh niên ở đơn vị.

– Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân và dám chịu trách nhiệm.

– Có kiến thức tổng hợp trên nhiều lĩnh vực, có năng lực công tác xã hội và khả năng vận động thanh niên, am hiểu về tình hình đơn vị.

– Có uy tín và khả năng quy tụ, biết vận động, huy động các nguồn lực của đơn vị và xã hội phục vụ cho các hoạt động của tổ chức Đoàn.

Trên cơ sở các tiêu chuẩn chung, các cấp bộ Đoàn cần cụ thể hóa để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị mình.

2. Độ tuổi bình quân của Ban Chấp hành Đoàn các cấp

Các chi đoàn cán bộ bình quân không quá 25 tuổi, các chi đoàn HSSV theo đặc điểm, tình hình của chi đoàn.

3. Số lượng Ban Chấp hành

BCH chi đoàn có 3 đ/c, trong đó có Bí thư, Phó Bí thư và Ủy viên (trường hợp đặc biệt ở một số chi đoàn số lượng đông đoàn viên có thể từ 3 – 5 đ/c).

Lưu ý: Khi chuẩn bị danh sách bầu cử Ban Chấp hành khóa mới, Ban Chấp hành đương nhiệm phải chuẩn bị có số dư so với số lượng cần bầu ít nhất 15%.

4. Cơ cấu Ban Chấp hành Đoàn các Chi đoàn

Ban Chấp hành Chi đoàn phải bảo đảm hợp lý giữa các cơ cấu:

– Cơ cấu hợp lý giữa các độ tuổi.

– Ủy viên Ban Chấp hành được tái cử và ủy viên Ban Chấp hành mới.

– Ủy viên Ban Chấp hành là cán bộ chủ chốt.

– Ủy viên Ban Chấp hành là cán bộ, đoàn viên thuộc các đối tượng (cán bộ, học sinh, sinh viên…).

– Ủy viên Ban Chấp hành là cán bộ, đoàn viên tiêu biểu, xuất sắc.

– Ủy viên Ban Chấp hành là nhà khoa học trẻ, trí thức trẻ tiêu biểu, học sinh, sinh viên xuất sắc …

– Tỉ lệ trong Ban Chấp hành bảo đảm có ít nhất 25% là nữ.

Trên cơ sở các cơ cấu trên, các Chi đoàn cần cụ thể hóa để xây dựng cơ cấu phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị mình.

Nhân sự Ban Chấp hành Đoàn các cấp phải được cấp ủy cùng cấp và Đoàn cấp trên trực tiếp phê duyệt.  

5. Bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội

Việc bầu trực tiếp Bí thư các chi đoàn tại Đại hội do BTV Đoàn trường lựa chọn, quyết định trên cơ sở thống nhất với cấp ủy các đơn vị.

6. Số lượng đại biểu Đại hội Chi đoàn

Chi đoàn: Tổ chức Đại hội đoàn viên.

V. THỜI GIAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI CHI ĐOÀN

Các chi đoàn tổ chức Đại hội  từ 15/8/2012 – 15/9/2012.

– BTV Đoàn trường phát các tài liệu mẫu phục vụ Đại hội cho các chi đoàn kèm theo thông báo hoặc các Chi đoàn có thể đăng tải trực tiếp trên website của trường.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đoàn trường

– Tham mưu và thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Đảng ủy về Đại hội các Chi đoàn nhiệm kỳ 2012-2013.

– Ban hành và triển khai kế hoạch tổ chức Đại hội các Chi đoàn, phát tài liệu mẫu phục vụ Đại hội Chi đoàn.

– Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch.

2. Các Liên chi đoàn

Căn cứ kế hoạch của Đoàn trường, xây dựng kế hoạch tổ chức Đại hội các Chi đoàn thuộc Liên chi đoàn quản lý.

– Trực tiếp duyệt các dự thảo văn kiện, nhân sự và chỉ đạo Đại hội các chi đoàn.

– Cử cán bộ đi dự và chỉ đạo Đại hội các Chi đoàn (thành phần đi dự nên là các đ/c là Bí thư, Phó Bí thư Liên chi hoặc các đ/c là Ủỷ viên BCH Liên chi đoàn là cán bộ).

3. Các chi đoàn

– Trước Đại hội:

+ Họp Ban Chấp hành phân công các nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên;

+ Các chi đoàn sinh viên báo cáo các nội dung chuẩn bị Đại hội (báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm BCH nhiệm kỳ 2011 – 2012, đề án nhân sự BCH mới, dự kiến Đoàn chủ tịch, Đoàn thư ký, các tham luận tại Đại hội…) với Cố vấn học tập, Bí thư hoặc Phó Bí thư Liên chi đoàn. Các chi đoàn cán bộ báo cáo với cấp uỷ chi bộ và Đoàn cấp trên;

+ Phát động đợt thi đua hoặc tổ chức các hoạt động tạo khí thế chào mừng; thông báo kế hoạch, nội dung chương trình Đại hội tới các đoàn viên.

– Sau Đại hội:   

+ Ngay sau khi bế mạc Đại hội (cùng ngày), đ/c Bí thư chi đoàn khoá cũ có trách nhiệm mời các đại biểu cấp trên có mặt tại Đại hội và các đ/c vừa được bầu vào BCH khoá mới tiến hành họp phiên thứ nhất để bầu Bí thư, Phó Bí thư chi đoàn nhằm tranh thủ sự chỉ đạo và sớm ổn định tổ chức; các chi đoàn SV xin xác nhận của Bí thư hoặc Phó Bí thư Liên chi đoàn, các chi đoàn cán bộ xin xác nhận của cấp ủy chi bộ vào công văn “đề nghị công nhận BCH chi đoàn” (theo mẫu);

+ Hoàn thiện hồ sơ gửi về BCH Liên chi đoàn, đ/c Bí thư hoặc Phó Bí thư Liên chi nhận, chậm nhất sau 3 ngày sau đại hội, để tập hợp gửi về BCH Đoàn trường ra quyết định công nhận (các chi đoàn cán bộ trực thuộc gửi trực tiếp về Văn phòng Đoàn trường). Hồ sơ gồm: Biên bản kiểm phiếu bầu BCH chi đoàn; biên bản bầu Bí thư, Phó Bí thư chi đoàn; công văn “đề nghị công nhận BCH chi đoàn” (kèm theo số ĐT và địa chỉ Email).

Ban Thường vụ Đoàn trường yêu cầu các cấp bộ Đoàn tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt kế hoạch để Đại hội Đoàn các cấp đạt kết quả tốt./.  

 

Nơi nhận:                  

 – BTV Thành Đoàn; để báo

– BTV Đảng uỷ;       cáo

 – Các Liên chi đoàn; để thực

– Các Chi đoàn;        hiện

– Lưu: VPĐT.              

T/M BTV ĐOÀN TRƯỜNG

BÍ THƯ

 

 

 

 

 

Nguyễn Sỹ Hà

 

 

Các văn bản hướng dẫn ĐH Đoàn