Hội thảo “Xây dựng cơ chế chính sách thu hút học sinh, sinh viên vào học các ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Vụ TCCB, Bộ Nông nghiệp và PTNT; Lãnh đạo các cơ sở đào tạo (học viện, trường đại học, trường cao đẳng) đào tạo các ngành/nghề thuộc lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT, các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, các trường THPT,…nhằm xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có cơ hội học tập và môi trường làm việc tốt hơn, nâng cao năng lực cho các cơ sở đào tạo các ngành về nông lâm nghiệp và thủy sản góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, kinh tế, xã hội; bảo vệ môi trường và an ninh quốc gia.

Thực hiện nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và PTNT giao cho trường Đại học Lâm nghiệp, PGS.TS. Hà Văn Huân, trưởng Phòng Đào tạo đã trình bày dự thảo báo cáo xây dựng Đề án. Báo cáo đã nêu rõ sự cần thiết cần phải xây dựng cơ chế chính sách; mục tiêu, nội dung, phương pháp và kết quả triển khai xây dựng đề án; dự thảo đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên và các cơ sở đào tạo các ngành về lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản. Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Công Tiệp – Phó Giám đốcHọc viện Nông nghiệp Việt Nam đã trình báo cáo tham luận về Công tác tuyển sinh, đào tạo và đề xuất cơ chế chính sách thu hút học sinh, sinh viên học ngành nông nghiệp và PTNT; Ông Ngô Văn Đông, Giám đốc nhân sự, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam trình bày báo cáo tham luận về Nhu cầu tuyển dụng và cơ chế thu hút nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT và nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để hoàn thiện dự thảo báo cáo đề án với chất lượng tốt hơn, có tính khả thi và hiệu quả cao hơn.  

Phát biểu tại Hội thảo, GS. TS. Phạm Văn Điển – Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp khẳng định vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp và PTNT và nhu cầu nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho phát triển của ngành. Theo GS.TS. Phạm Văn Điển, để thu hút học sinh sinh viên vào học các ngành nông nghiệp và PTNT đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan, từ các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương, địa phương quản lý về Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và PTNT. Các cơ sở đào tạo cần tập trung thay đổi chương trình đào tạo theo hướng giảm tỷ trọng lý thuyết hàn lâm, tăng tính ứng dụng thực tiễn, thiết kế học kỳ doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội tiếp cận với thực tiễn, trang bị kiến thức về kinh doanh, khởi nghiệp và kỹ năng mềm. Có chính sách đầu tư tăng cường năng lực về cơ sở vật chất (trang thiết bị, phòng thí nghiệm, trại thực nghiệm,…) và đội ngũ giảng viên; hợp tác với doanh nghiệp để đảm bảo tốt đầu ra cho sinh viên; hợp tác với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp ở nước ngoài để triển khai các chương trình trao đổi sinh viên, thực tập sinh, du học,…để tạo động lực thu hút học sinh vào học các ngành nông lâm nghiệp và thủy sản góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp và PTNT.

Một số hình ảnh tại Hội thảo

GS. TS. Phạm Văn Điển – Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp và TS. Nguyễn Công Tiệp, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì Hội thảo

PGS.TS. Hà Văn Huân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Lâm nghiệp trình bày Dự thảo báo cáo Đề án về cơ chế chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên học các ngành Nông nghiệp và PTNT

TS. Nguyễn Công Tiệp – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam trình bày báo cáo tham luận

Ông Ngô Văn Đông, Giám đốc nhân sự, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam trình bày báo cáo tham luận

Bà Đào Thị Hương Lan, Vụ TCCB, Bộ Nông nghiệp và PTNT phát biểu định hướng và góp ý cho dự thảo đề án

TS. Vũ Anh Tài, Phó Hiệu trưởng trường Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và PTNT

PGS.TS. Nguyễn Hưng Quang, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên

Ông Vũ Văn Hường – Phó TGĐ Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam

TS. NGND. Nguyễn Đình Tư – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp

GS.TS. NGND. Phạm Văn Chương – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp

Nguồn: Phòng Đào tạo