Tham gia chủ trì Hội thảo có PGS.TS. Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp; Ngài Kimmo Lähdeirta – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT; Ngài Yasuyuki Inuoe – Cố vấn trưởng JICA tại Việt Nam. Thành phần tham dự hội thảo có các đại biểu thuộc trường Đại học Lâm nghiệp, đại diện lãnh đạo ngành Lâm nghiệp các địa phương, một số Cục, Vụ, Viện của Bộ NN&PTNT; đại diện lãnh đạo, giảng viên của nhiều trường Học viện, Đại học trên thế giới, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp bày tỏ niềm vinh dự khi Trường Đại học Lâm nghiệp được tổ chức hội thảo, đúng vào dịp Nhà trường kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Hiệu trưởng khẳng định ý nghĩa hết sức quan trọng của hội thảo trong định hướng phát triển liên kết nghiên cứu, đào tạo và phát triển sản xuất phục vụ tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp ở Việt Nam. Thời gian qua, trường Đại học Lâm nghiệp đã tích cực phối hợp trong đào tạo, nghiên cứu, tổ chức thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ, quản lý rừng bền vững, phát triển vốn rừng và nâng cao chất lượng rừng qua từng thời kỳ, và đặc biệt, với những kinh nghiệm thu được từ Hội thảo, Nhà trường sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học để phục vụ tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp.
PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gắn kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất nhằm tái cơ cấu ngành. Đây là một trong những vấn đề còn nhiều hạn chế ở Việt Nam và cần được quan tâm phát triển. PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi đã nêu ra thực trang và định hướng phát triển của ngành trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung ưu tiên 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: 1- Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất; 2- Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; 3- Phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; 4- Phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ. Phó tổng cục trưởng khẳng định cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT sẽ nỗ lực hoàn thiện cơ chế, tạo điều kiện hết sức cho trường Đại học Lâm nghiệp có thể gắn kết chặt chẽ hơn với thực tiễn, cả trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Phần Lan tại Việt Nam, ngài Kimmo Lähdeirta đã khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam trong mối quan hệ tốt đẹp chung của hai nước. Đặc biệt trong lĩnh vực lâm nghiệp, hiện tại, Phần Lan đang tập trung vào bốn chương trình quan trọng như: Quỹ Ủy thác Lâm nghiệp Việt Nam (TFF); Dự án Phát triển hệ thống quản lý thông tin ngành Lâm nghiệp (FORMIS); Chương trình tăng cường năng lực về thực thi pháp luật về rừng, quản trị rừng và thương mại của Liên minh châu Âu (EU-FLEGT) và Văn phòng Điều phối của Chương trình Đối tác hỗ trợ ngành Lâm nghiệp (FSSP). Bày tỏ mong muốn sẻ cùng Việt Nam đóng góp cho việc quản lí, phát triển rừng bền vững. Ngài Đại sứ đồng thời cũng khẳng định vai trò quan trọng của việc liên kết trong đào tạo, nghiên cứu, phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành lâm nghiệp một cách hợp lý, hiệu quả và bền vững.
Với mục đích chia sẻ kinh nghiệm, bài học về liên kết giữa nghiên cứu, đào tạo và phát triển sản xuất phục vụ tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp ở Việt Nam và các nước trên thế giới, xác định các rào cản, thách thức đối với quá trình liên kết giữa nghiên cứu, đào tạo và phát triển sản xuất phục vụ tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp ở Việt Nam. Xác định định hướng phát triển chính sách cho việc tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp ở Việt Nam làm cơ sở cho tài liệu hóa, phổ biến và nhân rộng các mô hình và bài học kinh nghiệm về tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp; Các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận, phân tích về nhiều vấn đề liên quan đến việc liên kết giữa nghiên cứu, đào tạo và phát triển sản xuất phục vụ tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp như kỹ thuật trong tái cơ cấu, tái cơ cấu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hòa nhập quốc tế, hệ thống thông tin quản lý ngành phục vụ nghiên cứu, đào tạo và phát triển ngành Lâm nghiệp, đồng thời nghe các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ Mỹ, Nhật Bản, Phần Lan, Đức, Nga, Philipine,… chia sẻ kinh nghiệm liên kết, đào tạo và phát triển sản xuất phục vụ tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp tại nhiều nước trên thế giới, trong khu vực thời gian qua.
Phiên Hội thảo buổi sáng kết thúc trong sự hào hứng, nhiệt tình của trên 300 đại biểu. Sang buổi chiều, Hội thảo tiếp tục làm việc chia hai chủ đề thảo luận: Tại Hội trường G6, dưới sự chủ trì của PGS.TS. Phạm Văn Điển – Phó Hiệu trưởng trường ĐH. Lâm nghiệp là chủ đề : Quản lý bền vững, gia tăng giá trị ngành lâm nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại phòng họp C, dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi và PGS.TS. Hoàng Văn Sâm là chủ đề: Hệ thống thong tin quản lý phục vụ nghiên cứu, đào tạo và phát triển ngành lâm nghiệp ở Việt Nam. Cả hai chủ đề của Hội thảo đều nhận được sự quan tâm từ phía đại biểu, đặc biệt là các câu hỏi cũng như ý kiến đóng góp của các đại biểu đến từ Học viện, Đại học nước ngoài, hay đại diện các địa phương.. Đại biểu trường Đại học Lâm nghiệp đã tham luận, chia sẻ về những nỗ lực đã thực hiện, cũng như những tồn tại trong việc gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển sản xuất phục vụ tái cơ cấu ngành. Các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã trình bày, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc liên kết giữa nghiên cứu, đào tạo và phát triển của hệ thống các học viện, các trường Đại học của các nước trên thế giới. Những mô hình trên là những gợi ý cho trường Đại học Lâm nghiệp tiến gần hơn với thực tiễn trong việc kết hợp giữa nghiên cứu, đào tạo và phát triển sản xuất phục vụ tái cơ cấu ngành.
Sau một ngày làm việc nghiêm túc, sôi nổi và hiệu quả, Hội thảo đã thành công tốt đẹp, PGS.TS. Phạm Bá Ngãi đã phát biểu tổng kết Hội thảo và khẳng định, sự tham gia nhiệt tình của hơn 300 đại biểu cho thấy tinh thần trách nhiệm và tính thời sự của chủ đề Hội thảo. Từ ý nghĩa của Hội thảo đem lại, ngành Lâm nghiệp Việt Nam sẽ có thêm nhiều bài học thực tiễn quý giá để gắn kết giữa nghiên cứu, đào tạo và phát triển sản xuất phục vụ tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp Việt Nam.
Một số hình ảnh Hội thảo
PGS.TS. Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp phát biểu
PGS.TS. NGuyễn Bá Ngãi – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp phát biểu
Ngài Kimmo Lähdeirta – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam phát biểu
PGS.TS Phạm Văn Chương – Phó hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp trình bày tham Luận
PGS.TS Phạm Văn Điển – Phó hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp phát biểu ý kiến
PGS.TS. Bùi Thế Đồi – Trưởng phòng KHCN&HTQT trường Đại học Lâm nghiệp phát biểu
Một số tham luận tại Hội thảo
Các ý kiến đóng góp của đại biểu
Toàn cảnh Hội thảo
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm