Hội thảo khoa học: Trường đại học Lâm nghiệp – Đào tạo, nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu xã hội

Ngày 14 tháng 11 năm 2009, Trường đại học Lâm nghiệp đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: ” Trường đại học Lâm nghiệp – đào tạo, nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu xã hội”. Về dự Hội thảo có đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý và các nhà sử dụng lao động đến từ khắp mọi miền đất nước. Hội thảo đã đưa ra một loạt kiến nghị đối với Nhà trường về tổ chức đào tạo và nghiên cứu khoa học theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội.

 
 
 
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà quản lý, các nhà sử dụng lao động, các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục…

Đã có trên 100 đại biểu tham dự Hội thảo, trong đó:

– Đại biểu đến từ các Bộ: 12 người (Bộ NN&PTNT, Bộ GD&ĐT, Bộ KHCN,…)

– Đại biểu từ các doanh nghiệp: 21 người

– Đại biểu từ các cơ quan quản lý nhà nước các địa phương: 23 người

– Đại biểu từ các Viện và cơ sở nghiên cứu: 6 người

– Đại biểu đến từ các cơ sở đào tạo: 69 người

Tại phiên thảo luận chung, Hội thảo đã được nghe 7 báo cáo tham luận về các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, sử dụng lao động, nhu cầu của xã hội về nhân lực bậc đại học và sau đại học.

Các báo cáo tham luận chính:

1- Báo cáo về đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội, do Tiến sĩ Phạm Quang Điển, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐHLN trình bày;

2- Nghiên cứu khoa học theo nhu cầu xã hội, do PGS. TS. Phạm Văn Chương, Trưởng phòng KHCN và HTQT Trường ĐHLN trình bày;

3- Nhu cầu đào tạo nhân lực cho lính vực chế biến lâm sản, do Ông Nguyễn Tôn Quyền, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam trình bày;

4- Thực trạng và nhu cầu sử dụng sinh viên tốt nghiệp từ Trường ĐHLN của công ty Lâm nghiệp Lập Thạch, Phú Thọ, do Ông Nguyễn Hoàng Anh, GĐ công ty Lâm nghiệp Lập Thạch, Phú Thọ trình bày;

5- Nhu cầu của công ty Innovgreen đối với sinh viên Đại học Lâm nghiệp, do Ông Vũ Đình Hùng, Giám đốc nhân sự công ty Innovgreen, trình bày;

6- Nhu cầu của Lâm trường Việt Hưng đối với sinh viên tốt nghiệp từ Trường ĐHLN, do Ông Mai Văn Hoàng, GĐ Lâm trường Việt Hưng trình bày;

7- Thực trạng và nhu cầu sử dụng sinh viên tốt nghiệp từ Trường ĐHLN ở tỉnh Bắc Kạn, do Ông Nguyễn Bá Ngãi, GĐ sở NN&PTNT Bắc Kạn trình bày.

Sau phiên họp chung, Hội thảo đã tiến hành thảo luận tại 3 nhóm theo 3 lĩnh vực: Lâm học và quản lý tài nguyên rừng; Kỹ thuật và công nghệ; Kinh tế và quản trị kinh doanh.

Hội thảo đã tiếp thu được rất nhiều các ý kiến quý báu của các nhà quản lý, các nhà khoa học, cũng như các nhà sử dụng lao động ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Qua quá trình thảo luận, Hội thảo đã đưa ra một số nhận định chính sau đây:

1- Qua 45 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐHLN đã đào tạo và cung cấp cho xã hội gần 20.000 kỹ sư, cử nhân; trên 600 thạc sĩ và 40 tiến sĩ. Những cán bộ này về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu hoạt động tại các cơ quan, doanh nghiệp hay ở các địa phương, họ đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển ngành lâm nghiệp nói riêng và sự phát triển toàn diện cho nền kinh tế xã hội qua các thời kỳ, trên toàn đất nước. Nhiều kỹ sư, cử nhân sau khi tốt nghiệp từ trường ĐHLN đã trưởng thành về mọi mặt, đã trở thành các nhà khoa học nổi tiếng, các nhà quản lý giỏi, các doanh nhân thành đạt, đảm nhiệm các vị trí chủ chốt ở nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức từ trung ương đến địa phương.

2- Tuy nhiên, các kỹ sư, cử nhân đào tạo từ Trường ĐHLN trong điều kiện phát triển mới của nền kinh tế hiện nay cũng bộc lộ một số điểm yếu sau:

– Kỹ năng thực hành nghề nghiệp còn yếu, chưa đủ để làm việc ngay sau khi ra trường.

– Một số kiến thức chuyên môn mà sinh viên được học lại ít được sử dụng trong điều kiện thực tiễn, trong khi một số nội dung hoạt động chuyên môn nghề nghiệp mà thực tiễn sản xuất cần thì sinh viên lại không được trang bị hoặc được trang bị chưa đầy đủ.

– Kiến thức và kỹ năng về giao tiếp xã hội, kỹ năng làm việc nhóm của sinh viên sau khi ra trường còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập hiện nay.

– Một số kiến thức mới về khoa học – công nghệ, kiến thức về kinh doanh – thị trường, mà thực tiễn cần thì chưa được nhà trường trang bị đầy đủ cho sinh viên để có thể tiếp cận kịp với sự phát triển rất nhanh của nền kinh tế.

Hội thảo đã thống nhất đề xuất với Trường ĐHLN một số vấn đề sau:

1- Nên thường xuyên tổ chức khảo sát để làm rõ nhu cầu của xã hội đối với từng chuyên ngành đào tạo, trên cơ sở đó thường xuyên cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo cho từng ngành học sao cho phù hợp với yêu cầu của xã hội. Cần chú ý đặt tên ngành đào tạo theo các nghề mà thực tiễn cần.

2- Nên nghiên cứu điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng tăng cường đào tạo kỹ năng thực hành nghề nghiệp bằng các hình thức thích hợp để sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc được ngay.

3- Tăng cường đào tạo, huấn luyện cho sinh viên khả năng tư duy, năng lực tổ chức quản lý, kỹ năng phối hợp và tham gia hoạt động theo nhóm, khả năng tổ chức hoạt động cho một tập thể để giải quyết những nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của cơ sở.

4- Tăng cường đào tạo kỹ năng xây dựng đề án, dự án, lập kế hoạch kinh doanh, xây dựng phương án kinh doanh, khả năng thực hiện kế hoạch và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch. Yêu cầu này cần thiết cho tất cả các ngành học, vì nó là yêu cầu thực tiễn đối với các kỹ sư, cử nhân tại cơ sở.

5- Tăng cường đào tạo về ngoại ngữ, tin học (kiến thức và kỹ năng sử dụng internet, kỹ năng sử dụng phần mềm ứng dụng, thương mại điện tử,…), để tạo khả năng thích ứng của người học với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội và trong thực tiễn hoạt động.

6- Cần triển khai các hoạt động liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa nhà trường với các cơ sở, doanh nghiệp, như: cùng với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo chuyên môn, định hướng theo những yêu cầu của người sử dụng lao động. Tiến tới ký hợp đồng đào tạo kỹ sư theo yêu cầu của cơ sở, cùng với cơ sở và các doanh nghiệp xác lập các đề tài khoa học công nghệ để cùng nghiên cứu và giải quyết các vấn đề mà thực tiễn đang quan tâm.

7- Cần đào tạo cho người học kỹ năng thích nghi với sự thay đổi, kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, tự hoàn thiện kiến thức, để từng bước tiếp cận vai trò lãnh đạo, quản lý cũng như vai trò giải quyết các vấn đề về cơ chế, chính sách và quản lý từ cấp cơ sở đến cấp ngành.

8- Cần làm tốt hơn việc thông tin, quảng bá sản phẩm đào tạo của nhà trường, như xây dựng chuẩn đào tạo cho từng ngành sau đó gửi các thông tin về ngành nghề đào tạo cho các cơ sở sử dụng lao động như: UBND, Sở, Ngành ở các tỉnh, cũng như các doanh nghiệp sử dụng lao động. Cần thực hiện trang Web của trường tốt hơn và xây dựng diễn đàn trên internet để sinh viên, doanh nghiệp, các nhà khoa học,… có thể giao lưu thường xuyên với nhau.

 

Một số kiến nghị đối với từng nhóm ngành:

1- Kiến nghị đối với ngành Lâm học và quản lý tài nguyên rừng

– Rà soát lại mục tiêu của từng môn học, xây dựng môn học chung cho ngành, xây dựng những môn học trọng tâm của ngành.

– Liên kết thực tập nhóm môn học, tăng cường liên kết với các cơ sở sản xuất.

– Cân đối giữa lý thuyết với thực hành, thực tập.

– Loại bỏ một số ngành không đáp ứng nhu cầu xã hội hoặc gần nhau (gộp lại)

– Hoàn thiện, cập nhật hệ thống bài giảng, giáo trình sao cho đuổi kịp với sự phát triển chung của xã hội cũng như đáp ứng được nhu cầu thực tế.

– Ưu tiên các đề tài nghiên cứu có tính khép kín, tính kế thừa.

– Tạo điều kiện lựa chọn và chuyển nguyện vọng cho sinh viên.

– Đề xuất có đề tài đánh giá nhu cầu đào tạo nghành lâm nghiệp.

2- Kiến nghị đối với ngành Kỹ thuật và công nghệ

– Tăng cường số lượng và chất lượng phòng, xưởng thực hành, thực tập trong nhà trường.

– Cần dạy kỹ năng sử dụng các phần mềm ứng dụng.

– Giáo viên cần phải cập nhật những kiến thức mới, đặc biệt là các yếu tố về công nghệ và thiết bị mới trên thế giới.

  Cần đào tạo thêm về ngoại ngữ chuyên ngành cho sinh viên.

– Cần hợp tác với các doanh nghiệp về các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu, cần tăng thời gian thực tập của sinh viên ở các doanh nghiệp sản xuất.

– Đào tạo nguồn, đào tạo cho các vùng miền, cơ sở có nhu cầu; có thể mở các lớp dự bị đại học ngay tại các địa phương có nhu cầu.

– Rút lại thời lượng đào tạo, nên tập chung các môn học chính đáp ứng nhu cầu của xã hội; lược bỏ một số môn học không cần thiết.

– Cần mở ra một số ngành nghề mới theo nhu cầu của xã hội.

– Có thể đào tạo theo hình thức đa ngành, đa hệ: Đại học, cao đẳng, trung cấp nghề.

  Đổi tên ngành nghề cho phù hợp với thị hiếu của xã hội.

– Cần xây dựng hệ thống thông tin về Nhà trường, về ngành nghề để có thể trao đổi lẫn nhau giữa nhà trường và doanh nghiệp.

3- Kiến nghị đối với ngành Kinh tế và quản trị kinh doanh

– Không thể đòi hỏi hết các kỹ năng ngay khi ra trường vì Kỹ năng có thể hoàn thiện dần. Điều quan trọng là phải có tư duy làm việc, và được tạo điều kiện để phát huy khả năng, năng lực.

– Cần tập trung vào tính chủ động của các sinh viên, sinh viên sau khi ra trường chưa biết triển khai công việc.

– KS Phải biết kỹ năng tổng hợp, ở trong nhà trường sinh viên cần được trang bị những kiến thức tổng quát xây dựng chính sách, hiện nay rất hiếm kỹ sư tốt nghiệp trường Lâm nghiệp tham gia vào việc xây dựng các chính sách về Lâm nghiệp.

– Vấn đề mã ngành: phải giúp cho Địa phương hoặc cơ quan tuyển dụng lao động biết được một KS ra trường thuộc ngành nào đó, có thể làm được công việc gì?

– Cần cập nhật thông tin, giáo trình (mua và sử dụng giáo trình, tài liệu nước ngoài) phục vụ đào tạo và nghiên cứu.

– Nhà trường tham vọng và dạy nhiều thứ nhưng không dùng đến. Quan trọng là dạy cho sinh viên phương pháp thích ứng với sự thay đổi của xã hội (kiến thức cốt lõi); sinh viên cần có phương pháp tư duy chuẩn, phương pháp tiếp cận vấn đề chuẩn; sinh viên phải biết khi cần giải quyết vấn đề gì thì hỏi ai? tìm ở đâu?

– Hiện nay đào tạo kỹ sư kinh tế Lâm nghiệp, nhưng kỹ sư Kinh tế về chế biến gỗ hoặc Chế biến và Thương mại Lâm sản chưa có?

– Cần trang bị những kiến thức về thương mại điện tử (mua bán trực tuyến) cho sinh viên.

– Trang Web của nhà trường và của Khoa cần có diễn đàn để tất cả sinh viên có thể tham gia đóng góp ý kiến.

– Sinh viên QLTNR ra trường phải hiểu được luật, quản lý TNR trên các phần mềm.

– Nhà trường nên tiến hành khảo sát về sinh viên tốt nghiệp và những ý kiến đóng góp của SV khi ra trường.
 
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
 
                  NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng nhà trường chủ trì Hội thảo
 
 
                                                                     Toàn cảnh Hội thảo