Tham dự Hội thảo có đại biểu của các cơ quan Trung ương và một số tỉnh thành phố; Đại biểu của Thành phố Hà Nội; Đại biểu một số trường đại học, viện nghiên cứu; Đại biểu một số tổ chức quốc tế: Tổ chức UN – HABITAT Việt Nam, Hiệp hội đô thị Canada, Đại Sứ quán Đan Mạch, Quỹ Châu Á (TAF), Tổ chức Healthbridge, Tổ chức KOICA, ADB, WB; Đại biểu một số hội nghề nghiệp: Hiệp Hội các đô thị Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam; Đại biểu của các cơ quan Thông tấn báo chí.
Về phía Trường Đại học Lâm nghiệp tham dự Hội thảo có: NGND.GS.TS. Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng; PGS.TS. Vũ Huy Đại – Trưởng Phòng Khoa học & Công nghệ; TS. Lý Tuấn Trường – Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Nội thất; PGS.TS. Đặng Văn Hà, TS. Phạm Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Nội thất.
Khai mạc Hội thảo, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam, nhấn mạnh thành phố Hà Nội cần thiết phải đánh giá lại công tác quy hoạch cây xanh trong đô thị nhằm tìm kiếm các giải pháp nhằm hạn chế những yếu kém quản lý cây xanh đô thị. cần gắn thiết kế cây xanh với thiết kế đô thị để tạo nét đặc trưng cho các tuyến phố trung tâm, trục giao thông hoặc các đô thị mới. Giải pháp quy hoạch cây xanh cần được xem xét kỹ hơn về yếu tố thiên nhiên và làm rõ vai trò điểm nhấn để tạo bản sắc trong đô thị. Hệ thống hồ cần được nghiên cứu theo định hướng tạo cảnh quan và điều hòa thoát nước, đặc biệt là sự kết nối giữa các hồ thuộc đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái.
Ngay sau phần khai mạc, NGND.GS.TS. Trần Văn Chứ đại diện Trường Đại học Lâm nghiệp đã có tham luận về: Giải pháp khoa học kỹ thuật đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong việc bảo vệ, cải tạo hệ thống cây xanh – mặt nước Thành phố Hà Nội. Bài tham luận nhấn mạnh: Hệ thống cây xanh – mặt nước là một trong những nhân tố quan trọng trong không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, đồng thời cũng là yếu tố tự nhiên có những tác dụng tích cực trong việc cải thiện điều kiện tiểu khí hậu, bảo vệ môi trường, giải trí lành mạnh trong đô thị… Thời gian qua UBND Thành phố Hà Nội luôn quan tâm đầu tư và phát triển cây xanh đô thị, diện tích cây xanh nói riêng và không gian xanh đô thị nói chung đang ngày được mở rộng. Bên cạnh đó, cây xanh đô thị vẫn đang gặp phải rất nhiều vấn đề liên quan đến giá trị thẩm mỹ, mức độ an toàn và sức khỏe. Công tác bảo vệ và phát triển cây xanh – mặt nước đô thị vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Để thực hiện tốt các vấn đề nêu trên cần có những giải pháp tổng hợp, có tính hệ thống và sự hưởng ứng của mọi tầng lớp trong xã hội trên mọi lĩnh vực. Chính phủ, Bộ Xây dựng và Thành phố Hà Nội đã ban hành một số văn bản liên quan đến quản lý cây và phát triển hệ thống cây xanh – mặt nước đô thị, nhưng hiện vẫn chưa thống nhất cao giữa các thuật ngữ liên quan đến cây xanh – mặt nước đô thị dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý và phát triển. Đặc biệt là khó khăn trong việc xác định mục tiêu quy hoạch, giao nhiệm vụ quy hoạch và tuyển chọn đơn vị có đủ năng lực chuyên môn để quản lý và thực hiện quy hoạch. Vì vậy, cần sớm hệ thống hóa lại các văn bản pháp quy, đặc biệt về quy hoạch hệ thống đất cây xanh đô thị (hệ thống không gian xanh đô thị), quy hoạch cây xanh đô thị (chọn loài cây trồng). Sớm xây dựng hệ thống vườn ươm, cây đô thị đạt chuẩn. Tham luận đã đi sâu phân tích (1) Một số yếu tố có ảnh hưởng tới công tác quản lý, phát triển hệ thống cây xanh – mặt nước đô thị, và (2) Những tồn tại và giải pháp trong việc bảo vệ, cải tạo không gian xanh đô thị cũng như cây xanh đô thị Hà Nội.
Bên lề Hội thảo NGND.GS.TS. Trần Văn Chứ đã khẳng định với các phóng viên, báo chí: Trong những năm qua, các nhà khoa học, các thế hệ học sinh, sinh viên của Trường Đại học Lâm nghiệp đã đóng góp công sức, trí tuệ trong công tác phát triển hệ thống cây xanh – mặt nước của Đất nước nói chung, Thành Hà Nội nói riêng. Trường đã tư vấn, tham gia thiết kế, thi công cho nhiều chương trình, dự án thuộc lĩnh vực này. Trường có Viện Kiến trúc cảnh quan và Nội thất đào tạo chuyên môn sâu về 4 lĩnh vực Kiến trúc cảnh quan, Lâm nghiệp đô thị, Thiết kế nội thất, Thiết kế công nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá, trong thời gian qua Hà Nội có nhiều chuyển biển trong việc phát triển không gian xanh, mặt nước, tạo bộ mặt đô thị với một bản sắc riêng. Trong thời gian tới, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cho rằng, thành phố Hà Nội cần nỗ lực hơn nữa để phát triển không gian cây xanh, mặt nước, nhất là nội đô lịch sử cần tăng diện tích công viên, cây xanh, vườn hoa, sau khi diện tích đất dôi dư từ việc các bộ ngành, xí nghiệp, bệnh viện di dời ra khỏi nội đô.
Đánh giá cao các ý kiến đóng góp cho Hà Nội về việc định hướng, phát triển cây xanh mặt nước, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, phát triển cây xanh, mặt nước là yếu tố bắt buộc đối với nhiều đô thị trên thế giới và Hà Nội không nằm ngoài xu hướng chung đó. Theo đó, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu trồng mới 1 triệu cây xanh vào năm 2020. Đến năm 2030, Hà Nội tăng diện tích cây xanh đạt 8 m2/người và thành phố đang nỗ lực đáp ứng tâm tư, nguyên vọng của người dân về tăng diện tích cây xanh, mặt nước. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, thời gian tới, thành phố đặt ra yêu cầu trồng mới cây xanh trên 3 tiêu chí: đồng bộ, đồng đều và đa dạng. “Cây trồng trên địa bàn thành phố không chỉ mang bóng mát, đẹp về cảnh quan mà còn phải đáp ứng ít gẫy đổ, giảm bụi, hạn chế tiếng ồn, quanh năm ra hoa”, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Giải pháp thành phố Hà Nội đưa ra để tăng diện tích cây xanh, mặt nước là huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư, đóng góp. Trên cở sở vừa thí điểm, vừa trồng, làm đến đâu rút kinh nghiệm đến đó; đào tạo cán bộ công nhân viên cây xanh chuyên nghiệp, hiện đại. Mặt khác, thành phố Hà Nội sẽ đưa việc giáo dục ý thức giữ gìn cây xanh, hồ nước vào trong giảng dạy ở một số cấp học. Đồng thời, vận động người dân tham gia cuộc “cách mạng” trồng cây xanh, yêu cây, yêu hoa trở thành thành phố xanh trong tương lai. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình làm sạch ô nhiễm ao hồ, đào các hồ mới, phục vụ chương trình cảnh quan không gian mới; quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.
Đây là một Hội thảo được tổ chức với quy mô lớn, có sự tham gia của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học và các đơn vị, cá nhân đã và đang trực tiếp làm công tác nghiên cứu về cây xanh – mặt nước đô thị nói chung và cây xanh – mặt nước Thành phố Hà Nội nói riêng. Với những hoạt động đồng bộ, hy vọng rằng Thủ đô Hà Nội sẽ thực sự là một đô thị xanh, thân thiện cùng với sự phát triển của các đô thị Việt Nam.
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam khai mạc Hội thảo
Ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu
Bà Phan Thị Mỹ Linh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu
NGND.GS.TS. Trần Văn Chứ tham luận tại Hội thảo
NGND.GS.TS. Trần Văn Chứ trả lời phỏng vấn các phóng viên bên lề Hội thảo
Các Nhà khoa học của Trường Đại học Lâm nghiệp tham dự Hội thảo