Hội thảo Giải pháp Bảo tồn Các loài Thú Linh trưởng Nguy cấp, Quý hiếm và Đặc hữu của Việt Nam Giai đoạn 2025–2030

Được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Lâm nghiệp và Quỹ Bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo Giải pháp bảo tồn các loài thú Linh trưởng nguy cấp, quý hiếm và đặc hữu của Việt Nam giai đoạn 2025 – đến 2030” tại trường Đại học Lâm nghiệp từ ngày 18/12/2024 đến ngày 19/12/ 2024.

Chủ trì Hội thảo có PGS.TS. Đồng Thanh Hải – Trưởng Phòng Đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Lâm nghiệp và TS. Hà Thăng Long,  Phó chủ tịch, giám đốc Quỹ Bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam. Tham dự hội thảo, đại diện trường Đại học Lâm nghiệp có PGS.TS. Phùng Văn Khoa, Phó Hiệu trường Nhà trường; Đại diện Quỹ Bảo tồn động thực vật hoang dã có TS. Nguyễn Ngọc Bình – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch quỹ, TS. Vũ Ngọc Long đồng sáng lập Quỹ và 57 chuyên gia, đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương, bao gồm: các Nhà khoa học, Giảng viên, Chuyên gia đến từ các trường Đại học (trường Đại học Lâm nghiệp, Đại học quốc gia Hà Nội), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện sinh thái học miền Nam, một số đại diện từ Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên và các tổ chức quốc tế (WWF Việt Nam, IUCN Việt Nam, FFI Việt Nam, người nước ngoài đang công tác tại Việt Nam, tổ chức Phi chính phủ tại Việt Nam).

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Phùng Văn Khoa (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp) nhiệt liệt chào mừng các đại biểu về dự Hội thảo, nhấn mạnh vị trí, sứ mệnh của Trường Đại học Lâm nghiệp và các tổ chức liên quan trong bảo tồn đa dạng sinh học, vai trò và tầm quan trọng của Hội thảo, sự cần thiết kết nối và mở rộng hợp tác các bên, đồng thời mong muốn và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cùng chung tay góp phần bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực nói chung, bảo tồn các loài thú Linh trưởng nguy cấp, quý hiếm và đặc hữu của Việt Nam nói riêng.

Tại Hội thảo này, các chuyên gia đã chia sẻ thông tin, tham vấn ý kiến và đề xuất những giải pháp hữu ích nhằm hoàn thiện kế hoạch hành động bảo tồn các loài thú linh trưởng trong giai đoạn mới. Các nội dung thảo luận tập trung vào đặc điểm sinh học, sinh thái, hiện trạng phân bố, các mối đe dọa cũng như các giải pháp bảo tồn dài hạn và bền vững.

Một trong những kết quả quan trọng của hội thảo là bản kế hoạch bảo tồn chi tiết, bao gồm các dữ liệu quan trọng về tình trạng và phân bố loài, các giải pháp ưu tiên, ngân sách cần thiết và lộ trình thực hiện cho từng hoạt động cụ thể. Bên cạnh đó, các chỉ số và phương pháp giám sát, đánh giá cũng được thống nhất để đảm bảo theo dõi hiệu quả tiến độ bảo tồn trong thời gian tới.

Đặc biệt, hội thảo đã ghi nhận sự cam kết hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan Chính phủ, tổ chức phi chính phủ, trường đại học và cộng đồng khoa học trong bảo tồn đa dạng sinh học và các loài thú Linh trưởng. Các bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã. Đồng thời, tại đây các ý kiến đóng góp nhằm sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến công tác bảo tồn thú linh trưởng cũng được đưa ra.

Hội thảo kết thúc thành công với nhiều sáng kiến được ghi nhận, mở ra cơ hội hợp tác chiến lược trong nghiên cứu và bảo tồn các loài thú Linh trưởng nguy cấp, quý hiếm, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.

Một số hình ảnh tại hội thảo

PGS. TS. Phùng Văn Khoa – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp

TS. Nguyễn Ngọc Bình – Chủ tịch Hội đồng sáng lập Quỹ Bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam

TS. Hà Thăng Long – Phó chủ tịch, Giám đốc Quỹ Bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam, Chủ trì Hội thảo

PGS. TS. Đồng Thanh Hải  – Đồng Chủ trì Hội thảo phát biểu và tham luận

Đại diện Khách mời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Đại biểu Hội thảo chụp ảnh lưu niệm