Hội thảo chuyên đề “Kinh nghiệm triển khai Giao đất giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số từ quỹ đất do các Nông trường, Lâm trường quốc doanh bàn giao về địa phương”

Ngày 11/12, Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp tổ chức Hội thảo chuyên đề chia sẻ về kinh nghiệm triển khai giao đất giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Hội thảo chuyên đề “Kinh nghiệm triển khai Giao đất giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số từ quỹ đất do các Nông trường, Lâm trường quốc doanh bàn giao về địa phương” được đánh giá là một hoạt động quan trọng nằm trong Dự án “Tăng cường tiếp cận quản lý, sử dụng đất và rừng của đồng bào dân tộc thiểu số” do Liên minh Châu Âu tài trợ và được đồng thực hiện bởi các tổ chức Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi, Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên Vùng Cao, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung và tổ chức Oxfam tại Việt Nam trên địa bàn 2 tỉnh Lào Cai và Kon Tum trong giai đoạn từ tháng 10 năm 2020 đến tháng 12 năm 2023.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết trước đây cả nước có 423 lâm trường quản lý 6,3 triệu ha rừng. Thực hiện chủ trương sắp xếp lại các nông lâm trường quốc doanh, Nhà nước đã chuyển đổi thành các công ty nông, lâm nghiệp, sau đó tiến hành cổ phần hóa. Trong quá trình đó, nhiều diện tích đất lâm nghiệp đã được các công ty lâm nghiệp giao về cho các chính quyền địa phương. Chủ trương diện tích này sẽ được địa phương giao cho người dân khi thực hiện chính sách giao đất giao rừng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hơn 400 nghìn ha rừng nghèo kiệt và đất rừng do UBND cấp xã tạm quản lý, chưa giao cho cộng đồng dân cư, các hộ gia đình và các chủ rừng khác. 

Ông Triệu Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Dân tộc – Văn phòng Quốc hội, cho hay Việt Nam có 53/54 dân tộc thiểu số với dân số 14,119 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Hiện nước ta vẫn còn 58 nghìn hộ dân thiếu đất ở và gần 300 nghìn hộ thiếu đất canh tác, thiếu sinh kế. Đây là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. “Vì vậy, giải quyết tình trạnh thiếu đất sản xuất của nông dân, đặc biệt người đồng bào dân tộc thiểu số để giúp ngưởi dân có tư liệu sản xuất ổn định, gắn bó với rừng, hạn chế du canh, di cư tự do, ngăn chặn tranh chấp, ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái có ý nghĩa vô cùng quan trọng cấp bách”, ông Bình nhấn mạnh.

Buổi hội thảo cũng đã được lắng nghe những bài trình bày của các chuyên gia về chủ đề chia sẻ kinh nghiệm giao đất giao rừng. Nổi bật là bài trình bày “Giao đất giao rừng cho đồng bào DTTS” của TS. Nguyễn Bá Long – Đại học Lâm nghiệp Việt Nam; Quy trình giao đất đồng bộ với giao rừng có nguồn gốc từ công ty Nông, Lâm nghiệp cho cộng đồng dân tộc thiểu số. Ths. Nguyễn Thanh Thủy – Tư vấn Dự án; Kinh nghiệm và kết quả GĐGR từ dự án “Tăng cường tiếp cận quản lý, sử dụng đất và rừng của đồng bào dân tộc thiểu số” từ Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA).

Hội thảo cũng ghi nhận nhiều đóng góp của đại biểu đại diện tới từ hai tỉnh tham gia dự án, trong đó nổi bật là chia sẻ của ông Lại Đức Hiếu – Chi Cục Kiểm Lâm tỉnh Kon Tum, trong giai đoạn 2015-2019, UBND tỉnh Kon Tum đã thực hiện sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp và ra quyết định thu hồi các diện tích đất từ các công ty lâm nghiệp giao về cho UBND các xã, thị trấn trên địa bàn quản lý với tổng diện tích 8.795,63 ha. Đây là cơ sở đầu vào cho hoạt động thử nghiệm giao đất giao rừng của Dự án “Tăng cường tiếp cận quản lý, sử dụng đất và rừng của đồng bào dân tộc thiểu số”. “Các vấn đề cải thiện sinh kế sau giao rừng gắn với giao đất cũng được hướng dẫn để người dân cùng thảo luận và thống nhất, chẳng hạn như “quyền hưởng dụng rừng” của cộng đồng sau giao đất, lồng ghép với dự án lâm sản ngoài gỗ để có thể xây dựng thử nghiệm về chuỗi giá trị các sản phẩm này. Mặt khác, tiếp cận các chính sách liên quan đến chi trả dịch vụ môi trường rừng để có đề xuất phù hợp với điều kiện địa phương”, ông Lại Đức Hiếu chia sẻ. 

Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp với nhiều ý kiến thảo luận từ các đại biểu mang tính chia sẻ, xây dựng, đóng góp và hoàn thiện cao.

Nguồn: Phòng HTQT