Hội nghị có sự tham gia của 15 trường Đại học, viện nghiên cứu tại Châu Á gồm: Đại học Shizuoka (Nhật Bản); Đại học Lâm nghiệp (Việt Nam); Đại học Anna (Ấn Độ); Đại học SRM (Ấn Độ); Viện nghiên cứu Pertanian, Bogor (Indonesia); Đại học Gadja Mada (Indonesia); Đại học Ma Chung (Indonesia); Đại học Indonesia (Indonesia); Viện nghiên cứu công nghệ Bandung (Indonesia); Đại học công nghệ Tonburi Vua Mongkut (Thái Lan); Đại học Kasetsart (Thái Lan); Đại học Thammasat (Thái Lan); Đại học Dhaka (Bangladesh); Đại học Peradeniya (Sri Lanka); Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội (Việt Nam).
Đoàn Trường Đại học Lâm nghiệp do Hiệu trưởng: PGS. TS. Trần Văn Chứ là trưởng đoàn và Tiến sĩ Lê Xuân Phương, Phó trưởng Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế đã tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, đại diện các trường đã giới thiệu về trường mình, các thế mạnh và lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo cũng như các cơ hội hợp tác quốc tế mà các bên quan tâm. Đại học Shizuoka đã giới thiệu về Chương trình cầu nối Châu Á, với mục tiêu đào tạo kỹ sư và thạc sỹ cho 4 nước Châu Á gồm: Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Ấn độ. Chương trình đào tạo sẽ kết hợp với sự hỗ trợ của các tập đoàn, công ty của Nhật bản đóng trụ sở tại tỉnh Shizuoka và quan tâm đến các hoạt động sản xuất kinh doanh tại các nước Châu Á này. Trong quá trình học, các em sẽ được đến thực tập thực tế tại các công ty này, và tương lai sau khi tốt nghiệp về nước sẽ làm việc tại các doanh nghiệp Nhật bản và đóng vai trò là “cầu nối” tới Châu Á từ Nhật bản.
Trường Đại học Lâm nghiệp đã báo cáo những thành tựu đã đạt được trong 50 năm xây dựng và phát triển, những định hướng chiến lược phát triển trong tương lai và đặc biệt là những định hướng trong hợp tác quốc tế và hội nhập. Các trường đại học đánh giá rất cao Trường Đại học Lâm nghiệp trong hợp tác quốc tế và chiến lược phát triển Nhà trường.
Đại diện các trường đã nhất trí ký kết Hiệp định sẽ cùng nhau hợp tác trong chương trình đào tạo Thạc sỹ và thành lập một Liên minh các trường Đại học Châu Á. Các chương trình hợp tác, trao đổi giáo viên, trao đổi sinh viên và hợp tác nghiên cứu chung giữa từng trường Châu Á sẽ được thảo luận riêng giữa mỗi trường với nhau và cụ thể hóa dưới dạng các Thỏa thuận ghi nhớ liên quan tới Hiệp định này.
Trong ngày làm việc thứ hai, 2/12/2014, đã diễn ra 2 hội thảo dành cho các nhà nghiên cứu trẻ trình bày các kết quả nghiên cứu của mình thuộc hai nhóm lĩnh vực chính: Khoa học công nghệ và Khoa học xã hội và nghệ thuật, với 27 bài trình bày và tham luận tại Hội thảo. Đây là cơ hội để các nhà khoa học trẻ trao đổi và giới thiệu các nghiên cứu mới nhất của mình và hình thành mạng lưới các nhà nghiên cứu trẻ trong khu vực trong tương lai. Ngoài ra, còn có một bài trình bày đặc biệt của đại diện tập đoàn Yamaha về chiến lược sản xuất toàn cầu. Báo cáo đã gợi mở định hướng hợp tác của các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, gắn chặt đào tạo với sản xuất, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và tăng cường kiến thức thực tế cho các em.
Với việc ký kết Hiệp định hợp tác với 15 trường Đại học, Viện nghiên cứu trong khu vực Châu Á, Trường Đại học Lâm nghiệp cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế với các đối tác Châu Á, trong đó có Nhật Bản, hỗ trợ sáng kiến của Đại học Shizuoka thực hiện Chương trình cầu nối Châu Á nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác với Nhật bản và nâng quan hệ quốc tế với Đại học Shizuoka lên một tầm cao mới.
Phải nói rằng hợp tác quốc tế đang dần là thế mạnh của Trường Đại học Lâm nghiệp và hoàn toàn đáp ứng yêu cầu hội nhập trong xu thế toàn cầu hoá.
Một số hình ảnh Hội thảo