Toàn cảnh hội thảo
Theo GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, tổng số có khoảng 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 9,308 tỷ USD. Mục tiêu xuất khẩu gỗ đạt 20 tỷ USD vào 2025 và Việt Nam sớm trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ thế giới.
GS.TS Trần Văn Chứ cho hay: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong sản xuất lâm nghiệp nhất là công nghệ cao sẽ là chìa khóa để cho ngành lâm nghiệp phát triển mạnh, từ đó sẽ tăng năng suất lao động, nghiên cứu, ứng dụng và thị trường sản phẩm. Chất lượng nguồn nhân lực là toàn bộ năng lực của lực lượng lao động được biểu hiện thông qua 3 mặt: thể lực, trí lực và tinh thần. Vấn đề doanh nghiệp phải có nguồn lao động chất lượng cao, nền quản trị sản xuất hiện đại và đổi mới, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến… Điều này có thể đạt được khi chúng ta thực hiện tốt việc gắn kết đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào sản xuất để thực hiện nhiệm vụ lớn của ngành chế biến gỗ, xuất khẩu lâm sản.”
Ông Phạm Văn Điển, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nêu ra một số quan điểm: Hướng đi của Lâm nghiệp, tiếp cận theo định hướng giá trị và sản phẩm, vì con người. Là ngành Kinh tế – ký thuật bền vững, thông minh, có hiệu quả và đóng góp cao. Là “trụ đỡ” cho nền kinh tế xanh, phát triển theo chuỗi giá trị, lấy thị trường làm lực hút, lấy chế biền làm động lực, lấy xã hội hóa và hội nhập làm lực đẩy.
Dựa trên lợi thế và tôn trọng sự khác biệt giữa các vùng kinh tế-sinh thái. Chú trọng chất lượng và giá trị cốt lõi của rừng. Quan điểm kinh tế sử dụng đất, có vị thế và uy tín cao trong chuỗi giá trị lâm sản toàn cầu. Sự chuyển đổi từ việc trước đây con người làm như máy sang việc máy móc sẽ làm như con người, sẽ làm thay đổi căn bản thế giới và đòi hỏi chúng ta cẩn nói lời từ biệt có lý trí với các cách làm cũ.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá: “Lâm sản của chúng ta ngày càng đẹp hơn, tốt hơn, có mặt trên 120 nước trên thế giới. Về mặt môi trường, rừng ở nước ta có độ che phủ 41,6%, chúng ta tiếp ngưỡng 42-43%, cánh đấy vài ba chục năm có hai mấy % . Về xã hội, chính sự phát triển rừng giúp được rất nhiều đồng bào dân tộc, vì hầu hết rừng ở nơi miền núi, chúng tôi đánh giá rất là cao trong bối cảnh như thế. Chính vì một ngành đang phát triển như thế, sẽ yêu cầu phát triển tốt hơn, bền vững hơn. Trong đó, 2 yêu cầu quan trọng nhất là nhân lực và khoa học công nghệ”.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, nhà trường cần thực hiện nghiêm túc, căn cơ xây dựng đề án tự chủ. Đặc biệt cần đổi mới toàn diện, từ mục tiêu, chương trình, phương thức… tạo uy tín nhà trường. Vấn đề thứ 2 là kết nối toàn diện, chặt chẽ với doanh nghiệp. Yêu cầu doanh nghiệp đặt ra những tôn chỉ cho nhà trường, cho các địa phương, hiệp hội… Trường Đại học Lâm nghiệp cũng như lĩnh vực nông nghiệp là nơi tiên phong hợp tác quốc tế. Trong đào tạo, chúng tôi rất muốn đào tạo về quản trị doanh nghiệp… Về phía Bộ, chúng tôi cam kết sẽ luôn đồng hành, ủng hộ nhà trường thực hiện thắng lợi sứ mệnh đào tạo nhân lực với ngành nông nghiệp”.
Nguồn: Trần Hồ – Trung Hiếu – Nongnghiep.vn