Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đã về dự buổi lễ.
Sinh viên trường ĐH Lâm Nghiệp biểu diễn văn nghệ tại buổi lễ khai giảng năm học mới và lễ Mít tinh kỉ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam cho biết: Hôm nay, các thế hệ thầy, trò, cán bộ viên chức Trường ĐH Lâm nghiệp tụ hội về đây để tri ân các thế hệ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp lâm nghiệp, về với tình thầy trò, tình đồng nghiệp và tình người để nâng cánh cho những ước mơ chân chính, cho một thế hệ hiện tại đang tiếp bước trên con đường vinh quang và còn nhiều gian khó.
GS Trần Văn Chứ cho rằng, trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển của Nhà trường, có công lao to lớn của tập thể CBVC, HSSV, đặc biệt các thế hệ nhà giáo. Thời kỳ bao cấp, trường mới thành lập, đất nước khó khăn, đời sống thiếu thốn, vẫn miệt mài đèn sách, để có những bài giảng hay, thuyết phục bao thế hệ sinh viên bằng tâm hồn, trí tuệ và đạo đức nghề nghiệp.
“Trong thời khắc trọng đại này, chúng ta nghiêng mình kính cẩn tưởng nhớ đến những bậc tiền bối đã đi xa. Cảm ơn các thế hệ nhà giáo đã cống hiến cả cuộc đời mình, mặc dù nghỉ chế độ nhưng vẫn luôn dõi theo sự phát triển của Nhà trường và minh chứng là hôm nay đã về đây. Chúng ta mãi mãi tri ân và biết ơn họ” – GS Chứ bày tỏ.
Các thế hệ lãnh đạo, giảng viên lão thành của trường ĐH Lâm Nghiệp
Tại buổi lễ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp GS.TS Trần Văn Chứ cũng đã bày tỏ và vinh danh sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, thầm lặng của người quản lý, cán bộ phục vụ, các chuyên viên, bảo vệ, vệ sinh, cây cảnh, giảng đường, phòng thí nghiệm, lái xe, y tế, điện, nước đã sát cánh bên đội ngũ nhà giáo, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ chung…
“Để có được những bài giảng hay, những giờ lên lớp trọn vẹn của người thầy, có hơn nửa những đóng góp quan trọng của những người quản lý, cán bộ phục vụ. Họ làm việc thầm lặng, gian khổ, cần mẫn, không kêu ca phía sau bục giảng – GS Chứ nhấn mạnh.
Chất lượng đào tạo được đặt lên hàng đầu
GS.TS Trần Văn Chứ cho biết, nhà trường luôn thống nhất chủ trương chất lượng đào tạo được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, chất lượng đào tạo và định hướng nghiên cứu, ứng dụng tốt của Nhà trường, được xã hội đánh giá cao, được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý từ trước tới nay như: Đơn vị Anh Hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Cờ thi đua của Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quý khác…
Học sinh, sinh viên của Nhà trường tham gia các cuộc thi tin học văn phòng quốc tế, lái xe sinh thái tiết kiệm năng lượng, các cuộc thi Olympic, khởi nghiệp quốc gia đều vào chung kết và đạt thành tích trong top đầu. Điều này thể hiện chất lượng đào tạo và định hướng nghiên cứu, ứng dụng tốt và đa ngành của Nhà trường.
GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp
Chia sẻ với các tân sinh viên, GS Chứ cho biết, hiện nay công nghệ số đang ngự trị toàn cầu, len lỏi vào từng hoạt động của mỗi con người, thậm chí chi phối cả về cách nghĩ của từng người, có thể chế ngự cả cảm xúc.
Thời đại công nghệ số, thậm chí thầm lặng đẩy con người ra khỏi vị trí công việc, tước đi quyền lao động, thay vào đó là những thiết bị tự động hóa, những robot; nhưng chủ nhân của những cỗ máy đó không ai khác là con người, những người tạo ra trí tuệ từ trí tuệ của chính họ.
“Chúng ta sẽ là chủ nhân hay là người thất nghiệp, người bị người khác lập trình, đây là câu hỏi thời đại đặt ra cho thế hệ hôm nay. Xã hội hiện đại cần những người nói được và làm được, chứ không phải chỉ nói giỏi mà chẳng biết làm gì.
Giảng đường đại học mới chỉ là sự khởi đầu cho cả một quá trình phấn đấu lâu dài và gian khổ thì mới đi tới thành công. Vì vậy, các em cần phải tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa. Nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em học tập, rèn luyện phấn đấu; các em đã đặt niềm tin vào Nhà trường, Nhà trường sẽ nỗ lực hết sức vì tương lai của các em” – GS Chứ chia sẻ.
Những sinh viên xuất sắc được nhà trường tặng bằng khen
Trường ĐH Lâm nghiệp cần phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của mình
Tại buổi lễ, chúc mừng thành tựu của trường ĐH Lâm nghiệp và các thế hệ lãnh đạo, thầy cô giáo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, lãnh đạo, các thầy cô giáo, các nhà khoa học của trường xứng đáng là những người giữ và truyền ngọn lửa yêu nghề, lý tưởng cao đẹp, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, trí tuệ và nhân văn. Nhiều thầy cô và sinh viên của trường đã trở thành lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan, đoàn thể, doanh nhân có tên tuổi trong và ngoài ngành lâm nghiệp.
Với bề dày truyền thống xây dựng và phát triển, trường ĐH Lâm nghiệp xứng đáng là trung tâm đào tạo, nghiên cứu có tầm vóc với vai trò trọng trách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý của ngành lâm nghiệp và nghiên cứu khoa học lâm nghiệp, tư vấn hoạch định chiến lược, chính sách đổi mới chủ trương của Đảng, Nhà nước vào lâm nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn
Về xây dựng ngành kinh tế lâm nghiệp, toàn diện, phát triển nhanh và bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, thứ trưởng Hà Công Tuấn tin tưởng và nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, trường ĐH Lâm nghiệp cần phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của mình trong xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý để thực hiện các giải pháp chiến lược, góp sức cho toàn ngành lâm nghiệp vượt qua thử thách, khó khăn, hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn đại diện Bộ NN&PTNT trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng cho tập thể và các cá nhân nhà trường.
Tại buổi lễ, Bộ NN&PTNT, Công đoàn NN&PTNT Việt Nam, Trường Đại học Lâm nghiệp cũng trao các danh hiệu Thi đua, Khen thưởng cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong năm học 2018 – 2019, năm học 2019 – 2020.
Trao giấy Chứng nhận của Trung tâm KĐCLGD – ĐHQGHN cho 03 đơn vị có chương trình được đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục Khoa Quản lý Tài nguyên rừng & Môi trường, Khoa Kinh tế & Quản trị kinh doanh, Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn.
Tác giả: Hồng Hạnh
Nguồn: Báo Dân trí