Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh trống khai giảng năm học mới của Trường ĐH Lâm nghiệp
Tới dự lễ khai giảng năm học mới 2017-2018 của Trường ĐH Lâm nghiệp ngày 12/9, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã có những định hướng quan trọng cho ngành lâm nghiệp nói chung, đặc biệt là với Trường ĐH Lâm nghiệp, cái nôi đào tạo, nghiên cứu chủ lực của ngành.
Chiến lược đúng hướng
Được thành lập năm 1964 và trụ sở đóng tại huyện Đông Triều (Quảng Ninh), đến năm 1984, Trường ĐH Lâm nghiệp được chuyển về thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Qua 53 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Trường ĐH Lâm nghiệp đã tạo lập được cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học hùng hậu, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành lâm nghiệp.
Từ 128 cán bộ lúc mới thành lập, đến nay, trường đã có hơn 1.000 cán bộ viên chức, trong đó có 28 giáo sư, phó giáo sư; 83 tiến sỹ; 347 thạc sỹ cùng 1.000 cán bộ đang học thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài. Hàng năm, trường có 8-10 giáo sư, phó giáo sư, 20-30 tiến sỹ được công nhận.
Đến nay, trường đã đào tạo cho đất nước trên 40.000 kỹ sư, cử nhân; trên 3.000 thạc sĩ; 70 tiến sĩ. Bên cạnh đó, đã đào tạo trên 400 kỹ sư, thạc sĩ, tiến sỹ cho các nước bạn Lào và Campuchia và trên 2.000 con em dân tộc thiếu số tốt nghiệp THPT. Trường đang vận hành 6 ngành bậc tiến sỹ; 11 ngành bậc thạc sỹ (1 ngành đào tạo bằng tiếng Anh); 36 ngành đào tạo bậc đại học (03 ngành chất lượng cao, 2 ngành đào tạo bằng tiếng Anh), quy mô sinh viên quy đổi đạt trên 17.000 sinh viên và 1.500 học viên cao học, nghiên cứu sinh.
Nhân dịp năm học mới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã trao phần quà trị giá 50 triệu đồng cho Qũy Khuyến học – Khuyến tài của Trường ĐH Lâm nghiệp
Trong bối cảnh tuyển sinh của các trường ĐH ngày càng gặp nhiều khó khăn và cạnh tranh, tuy nhiên, Trường ĐH Lâm nghiệp hàng năm vẫn luôn đạt được chỉ tiêu tuyển sinh bậc ĐH hàng năm với khoảng 1.000 sinh viên/khóa… Công tác hợp tác quốc tế của ĐH Lâm nghiệp đang ngày càng có chiều sâu, với sự hợp tác cùng 60 tổ chức, trường ĐH, viện nghiên cứu trên thế giới. Số cán bộ viên chức làm việc được với chuyên gia nước ngoài từ 30% (năm 2010) đã nâng lên 80% (năm 2017).
Tới dự và phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: 33 năm kể từ khi chuyển về Xuân Mai (Hà Nội), mặc dù trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, tuy nhiên Trường ĐH Lâm nghiệp đã đề ra được chiến lược và thực hiện chiến lược về GD-ĐT, nghiên cứu một cách bài bản.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm phòng thí nghiệm của Trường ĐH Lâm nghiệp
Đến nay, thành công nhất là trường đã có được nền tảng vững chắc phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu, học tập, chuyển giao tiến bộ KH-CN. Đồng thời, đã đặt được nền móng cho hợp tác quốc tế cho công tác nghiên cứu. Đã xây dựng được thương hiệu lớn, có uy tín trong hệ thống các trường ĐH tại Việt Nam. Cung cấp đội ngũ cán bộ, lực lượng lao động chất lượng cao cho ngành lâm nghiệp cả nước.
Chưa tương xứng tiềm năng
Biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực không biết mệt mỏi của các thế hệ Trường ĐH Lâm nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, nhiệm vụ của ngành lâm nghiệp nói chung trong bối cảnh hiện nay vẫn còn rất nhiều vấn đề phải làm. Với mục tiêu tiến tới tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững, trong đó mục tiêu phải là nền kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, giải pháp chung nhất, mang tính hạt nhân nhất chính là phát triển ngành lâm nghiệp.
Mặc dù độ che phủ rừng đã được nâng lên 41,2% vào năm 2016, từ chỗ rừng chỉ có mục tiêu để kiếm củi và chỉ còn một ít gỗ, nay đã hình thành được một ngành kinh tế lâm nghiệp mỗi năm trên 20 triệu mét khối gỗ, có giá trị XK 7,5 tỉ USD, tạo việc làm cho trên 10 triệu lao động trong lĩnh vực lâm nghiệp. Tuy nhiên, năng suất rừng nhìn chung còn thấp so với mặt bằng chung thế giới, chuỗi giá trị của ngành lâm nghiệp còn rất hạn chế, chủ yếu XK thô, chưa đi vào chiều sâu…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (thứ 2 bên phải sang) thăm vườn thực nghiệm của ĐH Lâm nghiệp
Theo Bộ trưởng, Việt Nam là đất nước “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, với hơn 1/2 diện tích tự nhiên của đất nước là đồi núi. Trong khi “tứ hải” hiện nay đã khá tốt, thì “tam sơn” mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng và vai trò.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, 3 khu vực mà rừng đóng vai trò tối quan trọng trong an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng gồm Tây Bắc, Tây Nguyên và khu vực ven biển ĐBSCL vẫn đang bộc lộ những vấn đề lớn. Trong đó, Tây Bắc là vùng đóng vai trò then chốt cho an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước quốc gia đang có rừng nguyên sinh ít nhất, hệ thảm thực vật mỏng nhất, tai biến thiên tai như lũ quét, sạt lở đất còn nghiêm trọng. Vì vậy, Tây Bắc đang là khu vực phải tập trung trọng điểm để phục hồi hệ sinh thái, đặc biệt là độ che phủ rừng. Trên phạm vi tổng thể cả nước, mục tiêu thời gian tới là phải nâng được độ che phủ rừng lên 50% mới đảm bảo được yêu cầu cho phát triển bền vững…
Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của ngành lâm nghiệp trong việc phát triển xanh, bền vững cho nền kinh tế đang hết sức nặng nề. Trong đó, giải pháp đầu tiên phải là phát triển nguồn nhân lực, mà trường ĐH Lâm nghiệp chính là nơi lĩnh trọng trách.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Trong xu thế hội nhập, ĐH Lâm nghiệp không chỉ đào tạo, mà cần phải chuyển mình sang nhiều lĩnh vực hoạt động, nhất là nhiệm vụ khoa học, chuyển giao tiến bộ KH-KT lâm nghiệp. Bộ trưởng đề nghị trường phải làm cho được vai trò tham mưu về thể chế, nhất là đóng góp cho Dự thảo Luật Bảo vệ Phát triển rừng (dự kiến sẽ đổi tên thành Luật Lâm nghiệp) để trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới nhằm tạo hành lang, động lực cho sự bứt tốc của ngành lâm nghiệp. Trong công tác đào tạo, nghiên cứu, phải thay đổi mạnh hơn nữa tư duy theo hướng gắn với thực tiễn, nhất là theo cơ chế đặt hàng theo nhu cầu của các DN trong ngành lâm nghiệp… |
Nguồn: Lê Bền – Nongnghiep.vn