Đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo nghị định thư “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất trầm hương theo hướng bền vững ở Việt Nam”

Ngày 14/11/2020, Trường Đại học Lâm nghiệp đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo nghị định thư “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất trầm hương theo hướng bền vững ở Việt Nam”, Mã số: NĐT.10.GER/16 do GS.TS. Nguyễn Thế Nhã làm chủ nhiệm.

Nhiệm vụ được hình thành trên cơ sở hợp tác giữa Trường Đại học Lâm nghiệp và Viện nghiên cứu khoa học thực vật Julich, Cộng hòa liên bang Đức. Đây là một trong những viện nghiên cứu lớn trên thế giới nghiên cứu chuyên sâu về nhiều lĩnh vực, trong đó lĩnh vực thế mạnh là khoa học thực vật và kinh tế sinh học. Ngoài ra đề tài còn có sự hợp tác chặt chẽ với Công ty Symrise đây là một công ty của Đức chuyên về sản xuất nước hoa, mỹ phẩm và sản phẩm sinh học.

Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở có mặt 07/07 thành viên theo Quyết định số: 2016/QĐ-ĐHLN-HTQT ngày 06 tháng 11 năm 2020 của Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp, gồm:

TT

Họ và tên

Chức danh trong Hội đồng

Đơn vị công tác

1

GS.TS. Ngô Quang Đê

Chủ tịch

Hội Khoa học kỹ thuật

Lâm nghiệp

2

PGS.TS. Trần Minh Hợi

Phó Chủ tịch

Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật

3

TS. Bùi Thị Mai Hương

Uỷ viên, thư ký

Trường Đại học Lâm nghiệp

4

PGS.TS. Nguyễn Văn Việt

Uỷ viên, phản biện 1

Trường Đại học Lâm nghiệp

5

TS. Phan Văn Thắng

Ủy viên, phản biện 2

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

6

TS. Nguyễn Quốc Dựng

Uỷ viên

Viện Điều tra, Quy hoạch rừng

7

PGS.TS. Phạm Bích Ngọc

Ủy viên

Viện Công nghệ sinh học

Hội đồng đã nghe GS.TS. Nguyễn Thế Nhã – Chủ nhiệm Đề tài trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của Đề tài. Hội đồng đánh giá cao những đóng góp mà Đề tài đã mang lại, trong đó có những đóng góp quan trọng gồm:

– Xác định được thành phần loài dó trầm Việt Nam gồm: Dó bà nà (Aquilaria banaensis); Dó bầu (Aquilaria crassna); Dó quả nhăn (Aquilaria regusa); Dó vân nam (Aquilaria yunnanensis) và một loài chưa rõ tên (Aquilaria sp). Điều tra thực địa cho thấy các loài dó trầm có quần thể tự nhiên với kích thước nhỏ đến rất nhỏ, nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng ngoài tự nhiên rất lớn trừ loài Dó bà nà. Loài duy nhất có diện tích rừng trồng đủ lớn là loài Dó bầu. Kết quả phân tích hóa học mẫu gỗ và tinh dầu của loài Dó bầu cho thấy đây là loài cho trầm hương chất lượng tốt nhất so với các loài dó trầm khác

– Xác định kỹ thuật tạo trầm thích hợp mang lại hiệu quả hình thành trầm là loại chế phẩm sinh học dạng lỏng chứa các loại nấm khác nhau và kỹ thuật đưa chế phẩm vào cây bằng phương pháp khoan. Sau 6 tháng kiểm tra vùng gỗ xung quanh lỗ khoan cho thấy cây đã có biểu hiện hình thành trầm hương.

– Phân tích thành phần hóa học mẫu trầm hương ở các khu vực Hà Tĩnh, Quảng Nam, Phú Quốc, Bắc Giang, Quảng Ninh cho thấy một số hợp chất quan trọng trong tinh dầu ở khu vực Hà Tĩnh có hàm lượng cao hơn so với các khu vực khác và ở loài Dó bầu có nhiều hơn so với các loài khác.

– Công nghệ tạo trầm in vitro rút ngắn thời gian so với phương pháp tạo trầm sử dụng chế phẩm sinh học. Công nghệ tạo trầm in vitro có hai giai đoạn liên quan đến quá trình nhân nhanh sinh khối tế bào với kỹ thuật cảm ứng tạo mô sẹo, nhân sinh khối trên môi trường đặc và nhân sinh khối trong môi trường lỏng.

– Chứng chỉ Chuỗi hành trình sản phẩm trầm hương Việt Nam cho mô hình rừng trồng (02 ha) tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Chứng chỉ cải thiện việc quản lý rừng để đạt được bền vững, đảm bảo tiếp cận thị trường cho các sản phẩm đã được chứng nhận và từ đó kiến tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Đề tài đã công bố nhiều công trình khoa học có ý nghĩa như: 02 bài báo quốc tế, 02 bài báo trong nước, xuất bản 01 sách tham khảo.

Trên cơ sở đã xem xét, nghiên cứu toàn bộ hồ sơ đánh giá, các tài liệu, văn bản có liên quan và Phiếu nhận xét đánh giá của các ủy viên phản biện; trao đổi thảo luận, nhận định về các kết quả của nhiệm vụ theo từng nội dung theo quy định; Hội đồng đã bỏ phiếu đánh giá. Kết quả kiểm phiếu đánh giá đề tài xếp loại Đạt.

Một số hình ảnh tại buổi nghiệm thu