Với các khối ngành đặc thù sư phạm và sức khỏe là Bộ GD-ĐT quy định mức điểm sàn xét tuyển chung. Các trường ĐH khác được tự quy định mức điểm sàn xét tuyển của trường theo điểm thi THPT quốc gia.
Như PV Dân trí đã phản ánh, rất nhiều trường đại học lấy điểm sàn xét tuyển thấp như: Trường ĐH Bạc Liêu, hầu hết các ngành bậc ĐH năm nay có điểm sàn 13, riêng hai ngành chăn nuôi và bảo vệ thực vật có điểm sàn chỉ 12.
Trường ĐH Nội vụ Hà Nội công bố điểm sàn của trường dao động 12-17; các ngành đào tạo tại phân hiệu của trường ở TP.HCM và Quảng Nam, với hầu hết các ngành mức điểm 12 – 14 điểm.
Trường ĐH Cửu Long, ngoại trừ hai ngành sức khỏe theo điểm sàn của bộ là 18, các ngành còn lại của trường đều có điểm sàn 12,5.
Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu – trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân, mỗi trường nên xác định một điểm sàn “chấp nhận được” như là một chỉ số trong niềm tin của xã hội. Thấp hơn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, lãng phí đi thời gian đào tạo của mình. (Trong ảnh: Các thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại Hà Nội)
Trả lời báo chí, lãnh đạo Trường ĐH Bạc Liêu trần tình những năm qua trường luôn tuyển không đủ chỉ tiêu, như năm 2018 chỉ tuyển được khoảng 60% nên trường mới hạ điểm sàn thấp như vậy.
Đáng chú ý, trong số những trường xác định điểm sàn thấp năm vừa rồi cũng có những trường đầu ngành của lĩnh vực nông lâm, thuỷ lợi, mỏ địa chất… Những nhóm ngành này sinh viên ra trường có việc làm sớm, làm đúng ngành đào tạo, thậm chí có ngành thiếu nhân lực nhưng do không được thí sinh ưa thích, lựa chọn nên phải xác định điểm sàn thấp.
Thậm chí có ngành phải lấy điểm sàn thấp nhất hệ thống từ 12 -13 điểm nhưng số lượng tuyển đủ chỉ tiêu của các trường cũng chỉ đạt trên 60% bởi số lượng thí sinh đăng ký ít.
Chính vì vậy, điểm sàn đại học năm nay nhiều trường lấy quá thấp có thể nói là “chạm đáy” phổ điểm thi để xét tuyển, thí sinh chỉ cần đạt trên 3 điểm/môn có thể đỗ đại học. Vậy, các trường đào tạo vì mục tiêu tồn tại hay vì sứ mạng đào tạo?
Thà đào tạo ít nhưng chất lượng sẽ tốt hơn
PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, các trường đại học không nên cố hạ điểm để tuyển đủ chỉ tiêu. Thà đào tạo ít mà đảm bảo chất lượng sẽ tốt hơn. Bởi nếu điểm đầu vào quá thấp, các thí sinh vào học đại học sẽ rất vất vả.
Theo PGS. Triệu, hiện nay chưa có một nghiên cứu tổng thể nào cho việc điểm sàn đầu vào thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Ở nước ngoài, nhiều nước tuyển sinh theo hình “chóp”, đầu vào chỉ ghi danh, quan điểm này đúng nhưng ở một xã hội mà đạt tới chuẩn mực cao thì việc tuyển đầu vào thấp là chuyện bình thường.
Đối với Việt Nam, các chuẩn mực chưa được kiểm tra đánh giá như vậy nên chuẩn đầu vào là một trong các chỉ số quan trọng trong đánh giá chất lượng.
Do đó, mỗi trường nên xác định một điểm sàn “chấp nhận được” như là một chỉ số trong niềm tin của xã hội. Thấp hơn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, lãng phí đi thời gian đào tạo của mình.
“Nên để cho các em con đường lựa chọn khác như học cao đẳng nghề. Các cụ đã nói, “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, có nghề tốt còn hơn có bằng cử nhân chất lượng thấp, không tìm được việc”, ông Triệu nhấn mạnh.
PGS.TS Bùi Đức Triệu cho rằng bạn trẻ có nghề tốt còn hơn có bằng cử nhân chất lượng thấp, không tìm được việc.
Ông Đặng Văn Tùng, Phó trưởng phòng đào tạo, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho biết, thí sinh không đủ điểm trung bình (5 điểm/môn) thì làm sao đủ năng lực để tiếp nhận kiến thức của bậc đại học.
Bởi vì hiện nay, bất kể ngành nghề đào tạo nào cũng đều áp dụng công nghệ, đòi hỏi kiến thức về công nghệ rất lớn. Liệu thí sinh có đủ năng lực hấp thụ kiến thức không? có đủ năng lực để tự nghiên cứu hay không? Như vậy, sẽ khổ cả nhà trường và thí sinh.
Ông Tùng cho rằng, việc các trường lấy điểm sàn thấp, đây là mặt trái của việc Bộ “buông” quản lý điểm sàn. Các trường bất chấp hạ điểm sàn rất thấp để tuyển đủ chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, mấu chốt việc các trường hạ điểm sàn thấp là do quy hoạch, dự báo nguồn nhân lực ở các vùng miền, lĩnh vực đào tạo chưa sát sao, các trường xác định chỉ tiêu lại chạy theo kinh tế. Trong khi đó, số lượng người học lại không nhiều nên thừa chỉ tiêu và bắt buộc các trường phải hạ điểm sàn.
Ông Tùng kiến nghị, việc dự báo, phát triển nguồn nhân lực địa phương, ngành đào tạo cần có sự quan tâm của quản lý nhà nước. Đây là một bài toán tổng thể. Nếu trường nào xác định lấy chất lượng làm cốt lõi thì tự chủ động chuyển đổi tên ngành nghề, chuyển hướng đào tạo, xác định chỉ tiêu theo quy mô của nhu cầu xã hội và của địa phương.
Vì sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực
Trường ĐH Lâm nghiệp hiện nay đang đào tạo đa ngành với 32 ngành đại học, 10 ngành cao học và 6 ngành tiến sỹ. Trường hiện có 08 GS, 40 PGS, 150 Tiến sĩ và 100 giảng viên đang đào tạo tiến sỹ ở nước ngoài. Đặc biệt, trường đang hợp tác với 100 các trường đại học, các tổ chức quốc tế trên thế giới trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên từ năm 2016 đến nay, do cơ chế thay đổi, do định hướng nghề nghiệp thay đổi, số lượng thí sinh vào Trường ĐH Lâm nghiệp có sự suy giảm mặc dù nhu cầu tuyển dụng luôn tăng lên. Lượng tuyển sinh của Trường chỉ đạt 80% theo chỉ tiêu cho phép (chỉ tiêu hàng năm của Trường là 2.500 – 2.800 sinh viên chính quy/năm).
Điều đáng nói là một số ngành truyền thống tạo nên thương hiệu của Nhà trường được gọi là “đặc sản” như lâm sinh, công nghệ chế biến lâm sản, thiết kế nội thất, kiến trúc cảnh quan, lâm nghiệp đô thị, khuyến nông;… hoặc một số lĩnh vực kỹ thuật khác lại ít sinh viên đăng kí và nhập học. Hàng năm mỗi ngành này chỉ có một lớp và mỗi lớp chỉ 20 – 40 sinh viên.
Các ngành học khác của trường vẫn tuyển sinh đủ chỉ tiêu như: Quản lý đất đai, Quản lý tài nguyên rừng, Du lịch sinh thái, Kỹ thuật điện và điện tử, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Quản trị dịch vụ và du lịch lữ hành, các ngành khối kinh tế,…
GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp
Trao đổi với PV Dân trí, GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp cho biết, việc chúng ta đang nhìn nhận sự “thiếu sức hút” của các ngành kỹ thuật truyền thống có nhiều nguyên nhân khác nhau.
Một trong số đó là vấn đề về mặt truyền thông, sự ưu tiên và nhu cầu thực tế của người học về những ngành nghề “ngồi mát” so với những ngành nghề đổ mồ hôi mới hoàn thành công việc được giao.
Tư tưởng “ngồi mát ăn bát vàng” vì vậy cần có thời gian để thay đổi.
“Các trường khối ngành có liên quan trong đó có trường Đại học lâm nghiệp không thể đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển cao, chúng tôi cũng không mong muốn hạ điểm “chạm đáy” để bằng mọi cách thu hút được người học, mà vì sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn của khối các trường nông lâm” – GS Chứ nhấn mạnh.
GS Chứ cho hay, các em khi nhập học vào trường có thể có điểm đầu vào không được như mong đợi, nhưng nhà trường luôn xác định rằng với chương trình đào tạo, chiến lược đào tạo phù hợp và một chuẩn đầu ra đã được xác định ngay từ khi các em nhập trường thì chất lượng sản phẩm đào tạo hoàn toàn đạt được.
“Dụng nhân như dụng mộc hay mỗi người một việc là như vậy. Giáo dục không nên “từ chối” hoặc có thái độ phân biệt giữa con người với con người”, GS Chứ bày tỏ.
Trước tình trạng khó tuyển sinh những ngành truyền thống này, GS Chứ khẳng định, nhà trường vẫn phát huy thế mạnh của các ngành học truyền thống, có thương hiệu do hiện tại xã hội rất cần và nhu cầu cao nên Nhà trường vẫn phải đào tạo mặc dù thí sinh ít.
Theo đó, nhà trường khuyến khích các sinh viên ngành khác chuyển sang và dùng chính sách học bổng và giảm học phí, giảm tiền KTX với các sinh viên học các ngành này, cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp.
Đồng thời, phát triển các ngành học đáp ứng nhu cầu của xã hội mà nhà trường có thể đáp ứng mọi điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ. Nhà trường sẽ căn cứ vào nguồn nhân lực hiện có, qua tổ chức đánh giá, điều tra thật kỹ,… cộng với công tác khảo sát qua nhiều kênh thông tin về các lĩnh vực xã hội cần để phát triển các ngành mới.
Nguồn: Hồng Hạnh – Dantri.com.vn