Đại học Lâm nghiệp – 50 năm vẻ vang sự nghiệp trồng người

Những ngày này, thầy và trò Trường Đại học Lâm nghiệp đang rộn ràng trong không khí khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị cho Lễ Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường. 50 năm, một chặng đường lịch sử vẻ vang với sự nghiệp “trồng người” cao cả đã được toàn xã hội ghi nhận.

Từ khi mới thành lập năm 1964, Trường Đại học Lâm nghiệp đào tạo bậc đại học chỉ với 350 sinh viên khóa đầu tiên của 4 ngành học trong lĩnh vực lâm nghiệp, đến nay sau 50 năm Nhà trường đã có 22 ngành đào tạo ở bậc đại học, 5 ngành ở bậc cao học và 5 ngành tiến sỹ; thường xuyên có trên 17.000 sinh viên và 1.200 học viên cao học, nghiên cứu sinh, trong đó có sinh viên và học viên Quốc tế đến từ nước bạn Lào, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Hà Lan. Thành công đó không thể thiếu đóng góp của 565 giảng viên Nhà trường trong đó có 2 NGND, 22 NGƯT, 03 giáo sư, 15 phó giáo sư, 86 tiến sỹ và 335 thạc sĩ. Sản phẩm của sự nghiệp giáo dục – đào tạo Trường  Đại học Lâm nghiệp là gần 32.000 kỹ sư, cử nhân, trên 2.300 thạc sĩ, 43 tiến sĩ, trên 16.000 cán bộ trung cấp, nhân viên nghiệp vụ kinh tế. Ngoài ra, Nhà trường còn đào tạo trên 300 kỹ sư, thạc sĩ cho 2 nước bạn Lào và Campuchia. Các thế hệ học trò tốt nghiệp đã và đang góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển ngành, phát triển toàn diện kinh tế xã hội trên địa bàn cả nước, trong đó có nhiều đồng chí đã và đang đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt của Đảng và Nhà nước từ Trung ương tới các địa phương. Tầm vóc và sự phát triển mạnh mẽ của Nhà trường hôm nay là minh chứng cho sự cống hiến không mệt mỏi của những Người Thầy.

Trong niềm tự hào của thế hệ hôm nay, không thể nào quên đóng góp của những Nhà giáo thế hệ đầu tiên như Nhà giáo Nguyễn Tạo – Hiệu trưởng danh dự; Nhà giáo Nhân dân Nghiêm Xuân Tiếp, Nhà giáo Nguyễn Phan Lễ…và rất nhiều, rất nhiều tâm huyết của những Người Thầy. Trải qua bao  gian khó, thiếu thốn của chiến tranh từ những năm đầu thành lập tại Đông Triều – Quảng Ninh, Trường vừa sơ tán, vừa đào tạo, vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ sản xuất là bao mồ hôi, công sức vì nghiệp dạy và học, góp phần xứng đáng vào những thắng lợi trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Lớp lớp học trò đã trưởng thành từ Đại học Lâm nghiệp cũng như nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên hôm nay luôn khâm phục và trân trọng những tấm gương phấn đấu không  ngừng nghỉ cho sự nghiệp trồng người cũng như cống hiến cho khoa học của các Nhà giáo: NGƯT PGS.TS Trần Thanh Bình; NGND Nguyễn Đình Tư, NGƯT.GS Trần Hữu Viên, NGƯT. PGS. Trần Văn Chứ…

Như ở bao môi trường sư phạm trên cả nước, Người Thầy của Đại học Lâm nghiệp không chỉ cống hiến tri thức và thời gian của mình mà còn dành trọn cả tình yêu thương, sự tận tâm cho học trò. Đem hết nhiệt huyết cháy trong bài giảng, những người truyền lửa luôn trăn trở làm sao để trò của mình có kết quả tốt nhất. Không ít thầy giáo, cô giáo đã dành một phần đồng lương Nhà giáo giúp trò vượt khó khăn. Học trò chẳng bao giờ quên sự sẻ chia, giúp đỡ của cô, thầy khi các em đi thực tập xa, khi đau bệnh trong cảnh xa nhà, hay khi làm luận văn tốt nghiệp. Quan tâm và thấu hiểu hoàn cảnh của học trò, sự sẻ chia từ thầy cô đã đem lại niềm tin, giúp sinh viên có đủ sức mạnh và nghị lực vượt qua khó khăn trên con đường tự khẳng định bản thân.

Với vị thế của Đại học Lâm Nghiệp hôm nay, nhìn lại quãng đường 50 năm qua mỗi chúng ta không khỏi cảm phục và tự hào trước những cống hiến của bao thế hệ thầy giáo, cô giáo đã viết nên những trang sử vẻ vang của Nhà trường. Những Người Thầy của Đại học Lâm nghiệp hôm nay với đủ Tâm và Tài đang ngày đêm viết tiếp trang sử của thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong không khí rộn ràng phấn khởi trước ngày hội lớn của thầy và trò Nhà trường, đặc biệt cũng là chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2014, xin kính chúc quý thầy giáo, cô giáo của Đại học Lâm Nghiệp nói riêng cũng như toàn thể các Nhà giáo đang ngày đêm tận tâm với sự nghiệp “trồng người” dồi dào sức khỏe, luôn hạnh phúc và thành công.

 

Lớp học tại Đông Triều – Quảng Ninh

Lớp học tại Xuân Mai – Chương Mỹ – Hà Nội