Đại học Lâm nghiệp – 50 năm một chặng đường lịch sử

Cách đây vừa tròn 50 năm, Trường Đại học Lâm nghiệp được thành lập theo Quyết định số 127/CP ngày 19 tháng 8 năm 1964 của Hội đồng Chính phủ. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của ngành Lâm nghiệp và sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong cả nước. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường, BBT website xin điểm lại đôi nét về những chặng đường lịch sử với những mốc son đáng tự hào của Nhà trường.

1. Trường Đại học Lâm nghiệp từ ngày thành lập

Để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất lâm nghiệp, công nghiệp khai thác gỗ và chế biến lâm sản, từ năm 1962, Tổng cục Lâm nghiệp đã có Tờ trình số 170LN/TC  ngày 28/5/1962 đề nghị Hội đồng Chính phủ cho tách khoa Lâm nghiệp và tổ Cơ giới khai thác lâm nghiệp trong trường Đại học Nông Lâm để thành lập trường Đại học Lâm nghiệp (ĐHLN).

Ngày 19/8/1964 Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định 127/CP về việc thành lập trường Đại học Lâm nghiệp, trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp.

Trường Đại học Lâm nghiệp đã được Nhà nước giao cho những nhiệm vụ chính sau:

– Đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý, nghiệp vụ có trình độ đại học và trên đại học cho ngành Lâm nghiệp;

– Bồi dưỡng cho cán bộ các cấp của ngành lâm nghiệp những nguyên lý cơ bản về khoa học kỹ thuật và nghiệp vụ quản lý của Ngành;

– Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ góp phần vào việc tổng kết kinh nghiệm và xây dựng lý luận về nghiệp vụ và kỹ thuật của ngành Lâm nghiệp, thúc đẩy cho ngành Lâm nghiệp phát triển.

Tính đến tháng 11/1964, toàn Trường có 128 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 98 cán bộ giảng dạy và 30 cán bộ các phòng ban, có 01 phó tiến sĩ là thầy Nguyễn Hữu Quang, bộ môn Cơ sở, khoa Cơ khí lâm nghiệp.

2. Thời kỳ Trường Đại học Lâm nghiệp tại Đông Triều – Quảng Ninh (1964 – 1984 )

Nhìn lại chặng đường 20 năm trên đất Đông Triều – đệ tứ chiến khu lịch sử, trường Đại học Lâm nghiệp từ lúc vừa mới sinh ra đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do cuộc chiến tranh phá hoại vô cùng ác liệt của đế quốc Mỹ. Nhà trường phải sơ tán liên tục, về nhiều nơi, việc sinh hoạt, giảng dạy và học tập không ổn định. Địa điểm nhà trường nằm quá xa trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá đất nước, cơ sở vật chất kỹ thuật quá nghèo nàn, suốt 20 năm được đầu tư không đáng kể. Đất nước thống nhất, kinh tế còn nhiều khó khăn do chiến tranh để lại, thiên tai địch hoạ, … Mặc dù vậy, được sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Bộ Lâm nghiệp, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, sự ủng hộ giúp đỡ quý báu và vô tư của toàn ngành Lâm nghiệp, của tỉnh Quảng Ninh (trực tiếp là huyện Đông Triều và các xã An Sinh, Bình Dương…), tỉnh Hà Sơn Bình (trực tiếp là các huyện Chương Mỹ, Lương Sơn, Quốc Oai, thị trấn Xuân Mai) và nhiều cơ quan đơn vị trong cả nước, Nhà trường đã lần lượt vượt qua mọi khó khăn, từng bước vươn lên vừa đào tạo, vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ sản xuất, hoàn thành tốt mọi kế hoạch đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Từ năm 1964 đến năm 1984, tại Đông Triều, Trường đã đào tạo, cung cấp cho đất nước 5.808 kỹ sư các ngành học. Bên cạnh đó, còn đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho 130 cán bộ lãnh đạo quản lý kinh tế, giúp đỡ Bộ Quốc phòng đào tạo 51 kỹ sư, giúp Quảng Ninh đào tạo 50 cán bộ quản lý kinh tế lâm nghiệp và gần 400  học sinh dự bị đại học. Trong số các kỹ sư nói trên có 609 người là dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 11%, 600 người là nữ và 7 kỹ sư nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Những kỹ sư do Trường đào tạo đã đáp ứng được yêu cầu thực tế sản xuất kinh doanh. Nhiều người được cơ quan đơn vị giúp đỡ đã trưởng thành, được giao những trọng trách, những cương vị quan trọng từ cơ sở đến Trung ương như ông Phan Xuân Đợt, sinh viên khoá 2 khoa Kinh tế giữ chức Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp từ năm 1981-1992; ông Trần Sơn Thuỷ, sinh viên khoá 3 Kinh tế giữ chức Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp; nhiều người là chủ tịch, bí thư các tỉnh, tổng giám đốc, giám đốc, là các tiến sỹ, giáo sư có những đóng góp quan trọng cho ngành và đất nước.

Thành tích Nhà trường đạt được trong 20 năm đầu tiên tuy còn khiêm tốn nhưng vô cùng quan trọng, vì  nó tạo ra nền móng, một cơ sở và một cốt cách văn hoá của một Nhà trường. Có thể nói 20 năm trên đất Đông Triều, Quảng Ninh là cả một quá trình khắc phục khó khăn, đoàn kết nhất trí, cùng nhau tạo dựng sự nghiệp của Nhà trường.

3. Thời kỳ Trường Đại học Lâm nghiệp tại Xuân Mai, Chương Mỹ – Hà Nội

Giai đoạn 1985 – 1994: Vừa xây dựng, vừa phát triển

Đầu năm 1985, sau khi hoàn thành cơ bản công tác di chuyển đến Xuân Mai, toàn trường đã tập trung về một mối và bắt đầu thời kỳ mới với nhiều thuận lợi mới, nhưng cũng xuất hiện nhiều khó khăn và thách thức mới. Trường bước vào thời kỳ vừa đào tạo, vừa xây dựng, vừa ổn định đời sống tại Xuân Mai.

Những năm 1985-1989, quá trình chuyển đổi cơ chế kinh tế bắt đầu, đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, công tác đào tạo hệ chính quy và chuyên tu tập trung lúc này hết sức khó khăn. Song, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực, Nhà trường đã duy trì được các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, không ngừng vươn lên để phát triển. Trường đã đào tạo được 1.353 kĩ sư thuộc 4 ngành học, trong đó có 59 kĩ sư cho nước bạn Lào. Công tác nghiên cứu khoa học được chú trọng; đã xây dựng được cơ sở vật chất ban đầu, ổn định đời sống cán bộ, sinh viên, mọi người an cư lạc nghiệp.

Trong 5 năm đầu tiên tại Xuân Mai,Trường đã trồng được 67 ha rừng và gần 30.000 cây phân tán; thiết kế và trồng 10 ha vườn cây mẫu với 50 loài cây được di thực từ tất cả các vùng miền của đất nước. Việc tái lập màu xanh, phục hồi hệ sinh thái thực vật trên toàn bộ đồi trọc xung quanh trường bên đường quốc lộ số 21 (Xuân Mai – Sơn Tây) đã làm thay đổi cảnh quan, môi trường khu vực thị trấn Xuân Mai, để lại một dấu ấn tốt đẹp với xã hội và nhân dân trong vùng.

Có thể nói trong 10 năm (1985-1994) là 10 năm lao động hết mình, rất đáng tự hào về mọi mặt: ổn định đời sống cán bộ công nhân viên, xây dựng cơ sở vật chất, đổi mới đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đặc biệt là hợp tác quốc tế. Toàn trường đã đồng tâm hiệp lực phấn đấu vì sự nghiệp chung, thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu mang dấu ấn lịch sử 30 năm xây dựng và phát triển là: xây dựng trường, xây dựng rừng và mọi nhà đều xây dựng để an cư lập nghiệp tại Xuân Mai. Đó là những tiền đề cơ bản, quan trọng, tạo ra thế và lực mới để Trường có thể phát triển nhanh hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Với thành tích 30 năm xây dựng và phát triển, Nhà nước tặng thưởng cho Trường Huân chương Độc lập hạng ba, Phòng Quản lý đào tạo và Bộ môn Điều tra Quy hoạch rừng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba; Chính phủ tặng Bằng khen cho nhiều tập thể, cá nhân cán bộ công nhân viên trong toàn trường.

Giai đoạn 1995 -2004:  Mở rộng quy mô và phát triển ngành nghề đào tạo

Ngày 18/1/1995, Đại hội Đảng bộ Trường lần thứ XIII tiến hành với tinh thần “Đại hội của trí tuệ, đổi mới và phát triển”. Đại hội đã đề ra mục tiêu: “Phát huy những thành quả đã đạt được, trong những năm tới cần tập trung sức lãnh đạo, giữ vững ổn định chính trị, phấn đấu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng trường Đại học Lâm nghiệp thành trung tâm đào tạo chất lượng cao, nâng cao vai trò và phát huy ảnh hưởng của trường đầu ngành trong hệ thống đào tạo lâm nghiệp của cả nước, hoà nhập vào sự nghiệp đổi mới đào tạo theo tinh thần nghị quyết trung ương, từng bước xác lập vị trí quốc tế của Trường, phục vụ sự nghiệp phát triển nghề rừng theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.         

Tháng 11 năm 1999, Trường đã trình và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt dự án “Mở rộng quy mô, phát triển ngành nghề đào tạo phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước đến năm 2005 của trường Đại học Lâm nghiệp”.

Có thể nói những năm đầu của thiên niên kỷ mới, Nhà trường đã thu được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện về đổi mới đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và xây dựng đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật Nhà trường.

Về đào tạo, quy mô tuyển sinh liên tục tăng, đặc biệt là hệ đại học chính quy, cao học và tiến sĩ. Đến năm học 2004 -2005, tổng số sinh viên, học sinh và học viên sau đại học là 5.250, trong đó: chính quy dài hạn 3.123 sinh viên, tại chức 1.303 sinh viên, cử tuyển 214 sinh viên, dự bị đại học 47 học sinh, phổ thông trung học dân tộc nội trú 315 học sinh, 228 học viên cao học và 20 nghiên cứu sinh thuộc 7 khoa, 13 ngành đào tạo, 33 bộ môn, 9 phòng ban quản lý và 6 trung tâm; tổng số cán bộ công nhân viên là 412, trong đó có  248 cán bộ giảng dạy gồm 9 giáo sư và phó giáo sư, 41 tiến sĩ và 66 thạc sĩ.

Như vậy, đến năm 2004, sau 40 năm hình thành và phát triển, Trường đã đào tạo được trên 14.000 kỹ sư các ngành đào tạo, các hình thức đào tạo, trong đó hệ chính quy: 9.743 kỹ sư, hệ tại chức 3.066 kỹ sư, hệ chuyên tu 785 kỹ sư, hệ cử tuyển 664 kỹ sư, với 10% là con em các dân tộc miền núi và 142 kỹ sư cho hai nước bạn Lào và Cămpuchia, 265 thạc sĩ và 18 tiến sĩ. Trường đã đạt những thành tựu to lớn, góp phần tích cực trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Năm 2004, Trường đã được Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng phần thưởng cao quý – Huân chương Độc lập hạng nhì.

3. Thời kỳ 2005 – 2014: Phát triển và hội nhập

Sau Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Trường, toàn thể cán bộ công chức, viên chức, học sinh, sinh viên tiếp tục thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ trường nhiệm kỳ XVIII: Tiếp tục đầu tư mở rộng Trường một cách hiệu quả, đổi mới, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo; phát triển khoa học công nghệ; xây dựng ” Chiến lược phát triển trường Đại học Lâm nghiệp 2006-2020″ nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện Trường trong tương lai, thích ứng với sự phát triển của đất nước tiến tới hội nhập khu vực và quốc tế.

– Ngày 19/5/2005, Bộ Nông nghiệp và PTNT ra Quyết định thành lập công ty TNHH nhà nước một thành viên: “Công ty tư vấn đầu tư phát triển lâm nghiệp” trực thuộc trường Đại học Lâm nghiệp;  TS. Phạm Xuân Hoàn được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT; KS Trần Thế Phương được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty.

– Ngày 01/6/2006, Bộ Nông nghiệp và PTNT ra Quyết định thành lập Viện Sinh thái rừng và Môi trường trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm &PTR và Trung tâm Công nghệ sinh học; Bổ nhiệm PGS.TS.Vương Văn Quỳnh làm Viện trưởng.

– Ngày 14/11/2006, Bộ Nông nghiệp và PTNT ra Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển trường Đại học Lâm nghiệp giai đoạn 2006 – 2020.

– Ngày 28/01/2008, Bộ Nông nghiệp và PTNT ra Quyết định số 240/QĐ-BNN-TCCB thành lập Cơ sở 2 trường Đại học Lâm nghiệp tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai trên cơ sở sáp nhập trường Trung học Lâm nghiệp số 2 vào trường Đại học Lâm nghiệp.

– Ngày 20/2/2008, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp ra Quyết định bổ nhiệm và giao nhiệm vụ cho PGS.TS.Trần Văn Chứ – Phó Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Cơ sở 2 và  KS. Phạm Bá Hanh, KS. Đinh Ngọc Hùng, ThS. Vũ Thị Hương làm Phó Giám đốc Cơ sở 2.  

Về  xây dựng đội ngũ: đến cuối năm 2009, Nhà trường đã có một đội ngũ gồm 715 CBVC, LĐ, trong đó có trên 400 giảng viên với trên 40 GS,PGS,TS; 134 thạc sỹ.

Đại hội Đảng bộ Trường lần thứ XIX nhiệm kỳ 2010-2015 được tổ chức từ ngày 14-15/5/2010, đề ra phương hướng nhiệm vụ xây dựng, phát triển Trường với mục tiêu tổng quát là:

“Đẩy mạnh việc đổi mới, hoàn thiện tổ chức, đổi mới cơ chế quản lý; phát triển đội ngũ; tăng cường phát triển theo chiều sâu; tập trung các nguồn lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động đào tạo, NCKH; tiếp tục đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật; tăng cường sức thu hút và khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực đào tạo và NCKH; giữ vững vị trí đầu ngành trong lĩnh vực lâm nghiệp, phấn đấu đạt thứ hạng cao trong các trường Đại học của cả nước, thực sự trở thành trung tâm đào tạo, NCKH chất lượng cao của cả nước về lâm nghiệp, phát triển nông thôn và quản lý tài nguyên – môi trường, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn, cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, hội nhập bình đẳng với các trường tiên tiến trong khu vực và trên thế giới”.

– Ngày 23/10/2012, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép số 1948/GP-BTTTT cho Tạp chí Khoa học và công nghệ Lâm nghiệp của Trường.

– Ngày 06/02/2013, Bộ Nông nghiệp và PTNT ra Quyết định số 258/QĐ-BNN-TCCB thành lập Viện Công nghệ sinh học Lâm nghiệp trực thuộc trường Đại học Lâm nghiệp. Đây là một mô hình viện mới, có chức năng vừa đào tạo, vừa nghiên cứu và sản xuất, dịch vụ.

– Ngày 12/6/2013, Bộ Nông nghiệp và PTNT ra Quyết định số 1334/QĐ-BNN-TCCB thành lập Hội đồng trường trường Đại học Lâm nghiệp khóa I, nhiệm kỳ 2013-2018 với 25 thành viên, trong đó có 05 thành viên ngoài Trường gồm đại diện các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu và doanh nghiệp. TS. Nguyễn Văn Quân được bầu làm Chủ tịch Hội đồng trường khóa I.

– Ngày 11/9/2013, Bộ Nông nghiệp và PTNT ra Quyết định số 2065/QĐ-BNN-TCCB phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Chiến lược phát triển trường Đại học Lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020.

– Ngày 24/3/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra Quyết định số 519/QĐ-BNN-TCCB thành lập các phòng, bộ môn, trạm trực thuộc trường Đại học Lâm nghiệp trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị cho phù hợp với tình hình mới:

+ Phòng Thanh tra, trên cơ sở tách tổ Thanh tra từ phòng Tổ chức cán bộ;

+ Phòng Đào tạo sau đại học, trên cơ sở khoa Đào tạo sau đại học;

+ Phòng Quản lý đầu tư, trên cơ sở sắp xếp lại phòng Quản lý Thiết bị và Đầu tư;

+ Phòng Quản trị – Thiết bị, trên cơ sở sắp xếp lại phòng Hành chính tổng hợp và phòng Quản lý Thiết bị và Đầu tư;

+ Phòng Bảo vệ, trên cơ sở tách tổ Bảo vệ từ phòng Hành chính tổng hợp;

+ Trạm Y tế tách ra từ phòng Hành chính tổng hợp.

+ Bộ môn Giáo dục Quốc phòng tách ra từ khoa Lý luận chính trị, trực thuộc Hiệu trưởng.

– Ngày 13/4/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra Quyết định số 731/QĐ-BNN-TCCB bổ nhiệm PGS.TS Phạm Văn Chương giữ chức Phó Hiệu trưởng và Quyết định số 732/QĐ-BNN-TCCB bổ nhiệm TS. Nguyễn Quang Hà giữ chức Phó Hiệu trưởng.

– Ngày 15/4/2011, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp ra Quyết định số 367/QĐ-ĐHLN-TCCB bổ nhiệm TS. Nguyễn Quang Hà – Phó Hiệu trưởng kiêm Giám đốc cơ sở 2.

– Ngày 01/01/2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra Quyết định số 3086/QĐ-BNN-TCCB bổ nhiệm PGS.TS Trần Văn Chứ giữ chức Hiệu trưởng thay GS.TS Trần Hữu Viên nghỉ quản lý.

– Ngày 20/02/2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra Quyết định số 313/QĐ-BNN-TCCB bổ nhiệm PGS.TS Phạm Văn Điển giữ chức Phó Hiệu trưởng kể từ ngày 01/3/2013.

       – Ngày 26/9/2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra Quyết định số 2184/QĐ-BNN-TCCB bổ nhiệm TS. Nguyễn Văn Quân giữ chức Chủ tịch Hội đồng trường, ThS. Nguyễn Văn An giữ chức Thư ký Hội đồng trường khóa I (2013- 2018).

– Tháng 10 năm 2013, TS. Nguyễn Quang Hà, Phó Hiệu trưởng được điều động và bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang.

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh và đạt được những thành tựu khả quan. Trong gần 5 năm (2010 – 2014), 17 giảng viên đạt được học vị tiến sỹ, 59 giảng viên đạt học vị thạc sỹ. Đặc biệt, năm 2012 có 02 giảng viên được phong học hàm giáo sư, 01 giảng viên nữ được phong phó giáo sư; năm 2013 có 01 giảng viên được phong học hàm giáo sư và  07 giảng viên được phong phó giáo sư.

Tổng số CCVC, LĐ toàn trường đến tháng 10 năm 2014 là 1.074 người. Trong đó, Cơ sở Xuân Mai: 853 người; Cơ sở 2: 221 người. Đội ngũ giảng viên đại học có 565 người, trong đó có 03 giáo sư, 15 phó giáo sư, 86 tiến sĩ, 335 thạc sĩ (trong số thạc sĩ hiện có 80 người đang làm nghiên cứu sinh). 

Định hướng phát triển đào tạo trong giai đoạn này là: Tiếp tục phát triển đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời có cơ chế, chính sách duy trì, phát triển các ngành truyền thống của Trường (Lâm học, Chế biến lâm sản, Quản lý tài nguyên rừng…); áp dụng các giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng đào tạo; chú trọng phát triển đào tạo sau đại học.

Thành tựu nổi bật về đào tạo trong 5 năm 2010 – 2014 là: Tăng trưởng quy mô đào tạo đại học chính quy của toàn trường từ 10-20% /năm; Cơ sở 2 có sự tăng trưởng ổn định về đào tạo đại học chính quy, giảm dần hệ đào tạo vừa làm vừa học; chuyển toàn bộ hình thức đào tạo đại học niên chế sang đào tạo theo tín chỉ cho hệ chính quy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động đào tạo, giảng dạy và quản lý sinh viên; tiếp tục đa dạng hóa các hệ đào tạo và ngành nghề đào tạo; công tác đào tạo sau đại học phát triển vượt bậc về số lượng, quá trình đào tạo đang dần được chuẩn hóa sau đại học bằng các quy định, quy chế.

Về quy mô: Năm học 2009 – 2010 có trên 11.000 HSSV các hệ, bậc đào tạo theo học tại trường; năm học 2013 – 2014 đã có trên 17.000 HSSV, trong đó có 1.000 học viên cao học và gần 80 NCS, 300 học sinh PTDTNT, 1000 học sinh cao đẳng và trung cấp tại Cơ sở 2.

Về mở rộng ngành nghề đào tạo: Đã mở thêm được 04 ngành đào tạo bậc đại học là Quản lý tài nguyên thiên nhiên (2010), Kiến trúc cảnh quan (2012), Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử (2012), Công nghệ vật liệu (2013), trong đó ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên đào tạo theo chương trình tiên tiến bằng tiếng Anh, sử dụng chương trình gốc của đại học Colorado Hoa Kỳ, mở ra hướng phát triển mới; mở thêm 9 ngành đào tạo cao đẳng tại Cơ sở 2.

Đến tháng 6 năm 2014, Trường đang tổ chức đào tạo 22 ngành học bậc đại học, 5 ngành thạc sĩ, 04 chuyên ngành tiến sĩ, 10 ngành cao đẳng, 07 ngành trung cấp và bậc phổ thông dân tộc nội trú.

Thành quả đào tạo (2010-2014): Trong 5 năm, số sinh viên tốt nghiệp đại học là 8.884; tốt nghiệp cao học: 1.789; bảo vệ thành công luận án tiến sĩ: 19; tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp: 1.522; cử tuyển: 182; dự bị đại học: 476; phổ thông DTNT: 395.

Công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế

Định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ giai đoạn 2010 – 2014 là: Xây dựng trường Đại học Lâm nghiệp thành một trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ mạnh, có khả năng tham gia giải quyết các chiến lược quốc gia về phát triển và bảo vệ tài nguyên rừng về đa dạng sinh học, công nghệ sinh học, môi trường sinh thái, chế biến và thị trường lâm sản; các vấn đề về phòng hộ bảo vệ nguồn nước, phòng chống cháy rừng, phòng chống thiên tai ở các vùng và trong khu vực; quản lý phát triển bền vững rừng và môi trường sinh thái.

Trong 5 năm (2010 – 2014), Trường đã triển khai 24 đề tài, dự án cấp nhà nước; 177 đề tài cấp bộ; 24 đề tài cấp tỉnh, thành phố; 199 đề tài cấp cơ sở; 36 chương trình khuyến nông; 230 đề tài cấp khoa; 591 chuyên đề cấp bộ môn; 443 chuyên đề nghiên cứu sinh viên; 21 lượt đội tuyển dự thi Olimpic cơ học quốc gia. Tổng kinh phí thực hiện các đề tài trên là gần 89 tỷ đồng (bình quân 17-18 tỷ đồng/năm).

Về cơ bản, các đề tài đã hoàn thành và đảm bảo được mục tiêu, nội dung và kế hoạch đã xây dựng. Nhiều đề tài được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao. Việc thực hiện các đề tài nghiên cứu góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ, giảng viên cũng như nâng cao vị thế và uy tín của Nhà trường.

Một số sản phẩm khoa học công nghệ đã được cấp bằng phát minh sáng chế/sở hữu trí tuệ/tiến bộ kỹ thuật/được giải thưởng khoa học công nghệ tiêu biểu như:

– Máy chữa cháy rừng bằng đất cát – Giải pháp hữu ích, được cấp bằng độc quyền số 936, năm 2011;

 – Máy chữa cháy rừng đa năng – Bằng độc quyền sáng chế số 9940, năm 2011;

 – Phần mềm Quản lý dữ liệu điều tra kiểm kê rừng Việt Nam – Cấp Giấy chứng nhận Đăng ký quyền tác giả, năm 2013;

– Kiểm tra dữ liệu kiểm kê rừng – Cấp giấy chứng nhận quyền tác giả – năm 2014.

– Giải thưởng khoa học kỹ thuật thanh niên "Quả cầu vàng"  năm 2011.

– Đề tài ” Nghiên cứu ứng dụng công nghệ uốn gỗ tạo các chi tiết cong công năng và mỹ nghệ sản xuất đồ mộc quy mô vừa và nhỏ” đã đoạt giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Vifotec năm 2013.

 Với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, trường Đại học Lâm nghiệp tiếp tục chủ động và tăng cường liên kết, hợp tác với nhiều tổ chức trong nước và quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trong giai đoạn 2009 – 2014, Nhà trường đã thực nhiều dự án hợp tác quốc tế; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế; làm việc với trên 30 đoàn vào, tổ chức cho trên 60 đoàn ra đi nghiên cứu, hợp tác với các nước trên thế giới phục vụ tốt cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường.

Giai đoạn này, Nhà trường tiếp tục tăng cường hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với các đối tác truyền thống và mở rộng thêm nhiều đối tác mới như: các trường đại học và viện nghiên cứu ở Nhật Bản, Úc, Trung Quốc, Hà Lan, Philippine, Đức, Mỹ, Nga, Thụy Điển…

Các hoạt động hợp tác quốc tế góp phần tích cực vào việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nâng cao vị thế của Trường trong khu vực và quốc tế.

Từ năm 2010 đến 2014, công tác đầu tư xây dựng cơ bản của Trường đạt được những thành tựu rất quan trọng. Triển khai đồng thời 7 dự án với tổng mức vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, bước đầu đáp ứng tốt về cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu phát triển đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường theo chiến lược đã được phê duyệt. Một số dự án tiêu biểu như: Dự án Phát triển cây đặc sản rừng có giá trị kinh tế 2006-2011, có tổng mức đầu tư 26,2 tỷ đồng và đã kết thúc đầu tư vào năm 2011; dự án bổ sung nhà ở  ký túc xá sinh viên với tổng mức đầu tư được duyệt 74,721 tỷ đồng, tổng diện tích sàn 15.433 m2 với 305 phòng ở và công trình phụ trợ khép kín đáp ứng chỗ ở cho 2.500 sinh viên; dự án xây dựng Viện sinh thái rừng và Môi trường với tổng mức đầu tư 48,645 tỷ đồng; dự án Đầu tư xây dựng Cơ sở 2 giai đoạn 2013-2017 với tổng mức đầu tư 66,678 tỷ đồng.

Ngày 18/10/2014, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã về thăm và làm việc với Nhà trường. Bộ trưởng đánh giá cao và biểu dương những thành tựu Nhà trường đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời định hướng phát triển Nhà trường giai đoạn tiếp theo gắn với tái cơ cấu ngành nông nghệp và phát triển nông thôn. Bộ trưởng cũng đã giải quyết nhiều đề nghị của Trường về hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nghiên cứu khoa học công nghệ và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

Kế thừa và phát huy những thành quả của giai đoạn trước, 10 năm (2005-2014), toàn trường giữ vững truyền thống đoàn kết nhất trí, nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện về mọi mặt: quy mô đào tạo tiếp tục tăng, ngành nghề được mở rộng, chất lượng đào tạo được quản lý và từng bước được nâng cao; nghiên cứu khoa học đạt kết quả cao, nhiều đề tài khoa học công nghệ được chuyển giao đạt kết quả tốt; hợp tác quốc tế được tăng cường, mở rộng trên nhiều quốc gia và dần đi vào chiều sâu; cơ cấu tổ chức của Trường được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển; đội ngũ phát triển mạnh về số lượng, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đạt được nhiều thành tựu đáng phấn khởi; cơ sở vật chất tiếp tục được tăng cường, ngày càng khang trang, hiện đại; đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ công nhân viên và HSSV tiếp tục được cải thiện.

Đất nước đang đi lên trong thời kỳ phát triển và hội nhập. Trường Đại học Lâm nghiệp vô cùng phấn khởi từng bước thực hiện “Chiến lược phát triển trường Đại học Lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020”. Chắc chắn rằng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đầu tư toàn diện của Bộ Nông nghiệp &PTNT, Bộ Giáo dục và đào tạo cho Nhà trường và với tinh thần đoàn kết, phát huy cao độ nội lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, trường Đại học Lâm nghiệp sẽ vươn đến một tầm cao mới, làm rạng rỡ truyền thống tốt đẹp dày công vun đắp 50 năm qua, xứng đáng với các phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng.