Thời sinh viên sôi nổi
Ngọc Hà sinh năm 1987. Sau khi tốt nghiệp PTTH, Hà quyết định thi vào Ðại học Ngân hàng nhưng thiếu điểm, nghe lời mẹ khuyên: “Thôi, không theo nghiệp đếm tiền thì đếm… lá cây rừng cũng được”. Hà chọn học Ðại học Lâm nghiệp. “Quê nhà ở Phú Thọ, đất đai rộng, có trang trại trồng chè, lại là con độc nên chắc bố mẹ cho con đi học lâm nghiệp để sau về cai quản đất đai chăng?”, tôi trêu. Hà cười, miệng cười, mắt cũng cười sau cặp kính cận lấp lóa.
Dáng người mảnh mai lại được bố mẹ chiều chuộng nhưng khi nói chuyện, Hà luôn tỏ ra là một cô gái mạnh mẽ và độc lập. Có lẽ một phần do tính cách, một phần do thời gian rèn luyện ở Ðại học Lâm nghiệp đã dạy cho Hà phải như thế. Những ngày còn là sinh viên, Hà kể, ở trường phải thực hành rất nhiều: Ði rừng thực nghiệm, cuốc xới đất trồng cây, vận động bà con bảo vệ rừng, học tiếng dân tộc, hay đi vào trại cai nghiện hướng dẫn các bệnh nhân ở đây trồng và chăm sóc cây… Những kỳ học đầu tiên, đi theo các thầy cô lên những vùng rừng đang bị gọt trụi dần, Hà tự nhủ: “Trời ơi, sao đi học đại học lại khổ thế này?”.
Ấy là khi đến huyện Lang Chánh, Thanh Hóa là rừng đầu nguồn, sát biên giới Lào. Ở đó, bà con không có nước sạch dùng. Ðám sinh viên bọn Hà phải đi vào vùng sâu, xa vận động bà con quy hoạch trồng lại rừng. Ði mới thấy có những nơi trên đất nước mình còn khổ cực và thiếu thốn đến thế. Mỗi chuyến đi hơn nửa tháng rèn cho Hà bản lĩnh cũng như dạy cho cô nhiều kinh nghiệm đi rừng, kinh nghiệm tồn tại trong những điều kiện thiếu thốn và khắc nghiệt.
Hà kể: “Thời sinh viên em đi rừng nhiều, ăn, ở, sinh hoạt cùng bà con và hàng ngày cùng bà con lên rừng hướng dẫn họ trồng cây. Cuộc sống ở những vùng này còn hoang dã, bản năng lắm. Ở đấy họ chỉ có rãnh nhỏ lấy nước từ trên núi xuống, nước chảy qua chuồng trâu, chuồng bò xuống chỗ trũng để người dùng. Buổi sáng đánh răng chịu không nổi các loại mùi. Vậy mà người dân vẫn ăn uống, sinh hoạt bằng thứ nước đấy thì mình cũng đành phải chấp nhận. Cuộc sống của họ vất vả khó khăn lắm, họ không có gì ngoài tài nguyên thiên nhiên nên phải sống dựa vào nó. Cho nên vận động họ không phá rừng bừa bãi rất khó khăn, vất vả”.
Hà so vai, rùng mình: “Sợ nhất lúc vào rừng là vắt và rắn. Nhiều vô kể. Có điều, khi bị ném vào trong môi trường ấy rồi thì đành phải thích nghi, phải học các kỹ năng chống vắt, gặp rắn phải làm sao, đi với bà con dân tộc thì phải ăn nói, cư xử thế nào, tập tục của họ ra sao… Và trong 4 năm học, thường xuyên sống cùng bà con như thế mới thấy mình quá hạnh phúc và may mắn mặc dù mình cũng ở miền núi, cũng sinh ra lớn lên ở nông thôn”.
Cũng nhờ kinh nghiệm dạn dày như vậy ngay từ thủa sinh viên mà sau này, khi về kênh VTC16, Ngọc Hà không ngại với những chuyến công tác vùng sâu xa. Thậm chí, cô còn đầy tự tin với những kỹ năng sống mà mình đã có. Và nhờ có những ngày ăn cùng ở cùng bà con mà về sau khi đã làm việc ở VTC16, Hà tiếp cận với những người nông dân dễ dàng hơn và thậm chí còn giữ được những mối quan hệ thân thiết, được coi như con cháu, người thân trong gia đình, được biếu trứng gà, hoa quả, gạo mỗi dịp các cô bác lên thăm thành phố. Hà bảo, có được những chương trình như hôm nay em đã làm được, em phải cảm ơn họ rất nhiều, những cô bác nông dân đã cung cấp thông tin cho em bất cứ khi nào em cần. Nhờ vậy em mới thường xuyên có đề tài hay để lên sóng.
Bài học đi rừng
Cuộc trò chuyện với Hà không quá lâu nhưng chỉ trong dăm ba câu chuyện đã có thể cảm nhận rất rõ tính cách bướng bỉnh và quyết tâm của cô BTV mảnh mai, nhẹ nhàng này. Hà chia sẻ: “Khi mới vào đây em cảm thấy rất buồn vì những kiến thức nóng sốt trong đầu mình không có đất dụng. Vào làm truyền hình, mình như tờ giấy trắng, phải học từ cách viết kịch bản, cách dựng hình. 6 tháng đầu, em cứ đấu tranh tư tưởng, ở lại hay nên đi.
Ðầu cứ luẩn quẩn suy nghĩ, ngày xưa đi học mình đâu có cảm giác mình dốt, bị thụt lùi như thế này? Hay mình không có năng lực? Mình không hợp với nghề này… Giá mình công tác ở viện hay một công ty nào đó, có thể mình đã được đánh giá cao hơn, được nhìn bằng con mắt khác. Rồi, lại tự vấn, mình mà lại bỏ cuộc dễ dàng thế sao? Không thể bỏ cuộc dễ dàng như thế! Và vì thế em ở lại làm, cố gắng bằng hai, bằng ba người khác để không bị coi thường. Giờ cũng được 2 năm em làm ở đây rồi”.
Sự bướng bỉnh và quyết tâm này của Hà còn thể hiện rất rõ trong lần đi làm về kỹ thuật trồng cây Sa Nhân ở Hoành Bồ, Quảng Ninh. “Ði mới biết Quảng Ninh có những vùng còn sâu, xa hơn cả Phú Thọ. Ðường không đáng gọi là đường mà toàn dốc đá trơn trượt. Hôm ấy leo mệt quá, em bị ngất. Nhớ lời thầy dạy ngày xưa hồi còn đi rừng thực nghiệm: Có những thứ như hiệu ứng Domino ấy, nếu mình kêu mệt thì người khác cũng sẽ cảm thấy như thế. Vì vậy, dù đói, mệt cũng đừng kêu, hãy luôn tỏ ra vui vẻ”. Ấy thế mà sau chuyến đi ấy, Hà làm được 2 số hay ra trò.
Hiện nay Ngọc Hà đang là BTV của chương trình Trang chăn nuôi. Ðây là một tạp chí khoa giáo khoảng 30 phút cảnh báo dịch bệnh, chia sẻ kinh nghiệm hay, trả lời thắc mắc của nông dân… Trước đó, Hà đã làm nhiều chương trình khác như Internet về làng, Khuyến nông, Hướng nghiệp nhà nông, Sao thần nông, Trang thủy sản… Trong đó, chương trình Hướng nghiệp nhà nông để lại cho Hà nhiều kỷ niệm đến bây giờ vẫn còn “sẹo”.
Ðó là lần đi quay chương trình phòng chữa bệnh cho nhím ở Vĩnh Phúc, theo format chương trình đó, Hà là nhân vật trải nghiệm. Trong yêu cầu của một cảnh quay, Hà phải giữ một con nhím bị bệnh để anh chủ trại bôi thuốc vào vết thương của nó. Nhưng Hà bị con nhím cắn xuyên qua ngón tay, mất rất nhiều máu. Hà xòe bàn tay chỉ vào vết sẹo ở ngón tay út, đến giờ nó vẫn chưa bình thường trở lại. Tuy vậy, niềm vui đổi lại là sau khi chương trình phát sóng đã nhận được hiệu ứng tốt từ phía khán giả. Anh chủ trại thậm chí đã xây được nhà mới nhờ tiền bán nhím.
“Kỷ niệm vui nhất là chương trình quay trang trại nuôi rắn ở Tam Ðảo, Ba Vì. Ở đây người ta nuôi rắn không nhốt, rắn ở khắp mọi nơi, bò dưới chân, vắt vẻo trên cây. Hôm ấy nhìn vào khuôn hình của bạn quay phim cứ thấy rung rung, ngó vào mặt bạn, em mới thấy mặt bạn ấy đỏ bừng, mồ hôi lã chã mặc dù khi ấy đang là mùa đông, người run bần bật. Hóa ra là do bạn ấy sợ rắn quá. Lúc ấy mới biết quý kinh nghiệm đi rừng và gặp rắn của mình 4 năm đại học”, Ngọc Hà vừa kể vừa cười.
Vừa rồi nhắc đến Ngọc Hà, anh Nguyễn Trung Ðại, Phó Giám đốc VTC16 có khen loạt phóng sự về đường dây buôn bán trái phép chồn nhung đen đang manh nha ở 40 tỉnh thành trên cả nước. Ngọc Hà đã chủ động kêu gọi các báo đài khác đồng hành cùng mình và tự mình mang DVD phim do mình làm đến Cục Chăn nuôi và kêu gọi Cục Chăn nuôi vào cuộc. Ngay sau đó, chương trình đã nhận được nhiều sự ủng hộ và đánh giá tốt.
Bản thân Ngọc Hà cũng cảm thấy rất vui vì dường như những cố gắng để “bằng bạn bằng bè” của mình trước đây đã được đền đáp. Chợt nhớ tới câu Hà nói về hiệu ứng Domino cùng kinh nghiệm đi rừng của cô và cảm nhận thấy rằng, Hà không chỉ có sự can đảm mà còn có khả năng truyền sự can đảm ấy cho người đối diện nữa.
Tuấn Minh (VTCNews)