Ngày 30 tháng Giêng năm 1946, chỉ gần 5 tháng sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập, Người đã ký Sắc lệnh số 14 về việc thành lập Nha Thể dục Trung ương trực thuộc Bộ Thanh niên. Tiếp đó, ngày 27 tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 về việc lập Nha Thanh niên và Thể dục trực thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục với cơ cấu gồm Phòng Thanh niên và Phòng Thể dục Trung ương. Cũng trong ngày ký Sắc lệnh 38, Người viết bài “Sức khoẻ và thể dục” đăng trên báo Cứu quốc. Đây là Lời kêu gọi đầu tiên toàn dân tập thể dục của Người dưới chế độ mới. Người viết:
“Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công.
Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe.
Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe.
Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước.
Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí khuyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy là sức khỏe.
Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục.
Tự tôi ngày nào cũng tập”.
Bác Hồ tập thể dục (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ tập võ rèn luyện sức khỏe (Ảnh tư liệu)
Thực hiện lời Bác, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng công tác thể dục thể thao (TDTT) phục vụ cho sức khỏe và đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân. Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: phát triển TDTT là một bộ phận không thể thiếu trong chính sách phát triển kinh tế – xã hội nhằm bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, tạo ra sức mạnh và động lực phát triển đất nước. Thể dục thể thao đã trở thành một ngành hoạt động không thể thiếu được của Nhà nước và nhân dân ta. Đông đảo cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta đã hăng hái tham gia luyện tập TDTT, rèn luyện thân thể với mục đích: Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Ngày 29/1/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ký Quyết định số 25/CT lấy ngày 27/3 hằng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam”. Quyết định ghi rõ Ngày Thể thao Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân và phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động thể thao văn hóa lành mạnh”. Ngày 27/3/1946 chính thức là ngày thành lập ngành thể dục thể thao Việt Nam.
Nghị quyết 08-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ngày 01 tháng 12 năm 2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020. Phát triển thể dục, thể thao là một yêu cầu khách quan của xã hội, nhằm góp phần nâng cao sức khoẻ, thể lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân, chất lượng nguồn nhân lực; giáo dục ý chí, đạo đức, xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế; đồng thời, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội và của mỗi người dân. Các cấp ủy đảng có trách nhiệm thường xuyên lãnh đạo công tác thể dục, thể thao, bảo đảm cho sự nghiệp thể dục, thể thao ngày càng phát triển.
Trong những năm gần đây công tác Giáo dục thể chất (GDTC) tại Trường Đại học Lâm nghiệp được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đầu tư về cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại đáp ứng tốt quá trình học tập chính khóa và tập luyện ngoại khóa trong CBVC và HSSV trong toàn trường. Bộ môn GDTC đã chủ động từng bước xây dựng hoàn thiện chương trình giảng dạy theo hướng tăng cường các môn thể thao tự chọn đáp ứng nhu cầu của người học và nhu cầu của xã hội, hướng người học đến thể dục, thể thao thực dụng nghề nghiệp. Đổi mới phương pháp giáo dục thể chất, gắn giáo dục thể chất với giáo dục ý chí, đạo đức, giáo dục sức khỏe và kỹ năng sống của học sinh, sinh viên. Ngoài việc thực hiện tốt chương trình giảng dạy chính khóa, các giảng viên Bộ môn GDTC tích cực tham gia công tác ngoại khóa: Phong trào thể dục, thể thao trong trường phù hợp với sở thích, giới tính, lứa tuổi và sức khỏe, nhằm hoàn thiện các kỹ năng vận động, hỗ trợ thực hiện mục tiêu giáo dục thể chất thông qua các hình thức luyện tập, thi đấu thể thao, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thực hiện quyền vui chơi, giải trí, phát triển năng khiếu thể thao; phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, tài năng thể thao.
Một số hình ảnh về công tác giáo dục thể chất và phong trào thể dục
thể thao của Trường Đại học Lâm nghiệp