Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gợi ý giải pháp phát triển Trường ĐH Lâm nghiệp

GD&TĐ – Chiều 22/2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác Bộ GD&ĐT đến thăm và dự Hội nghị “Trường ĐH Lâm nghiệp với nâng cao chất lượng đào tạo, tự chủ và hội nhâp quốc tế” tại Trường ĐH Lâm nghiệp.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thăm phòng thí nghiệm tại Trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội

Tại đây, Bộ trưởng đã có những chia sẻ tâm huyết với thầy trò nhà trường về cơ hội cũng như thách thức của ngành Giáo dục; từ đó đưa ra gợi ý hết sức cụ thể giúp Trường ĐH Lâm nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo.

Trường ĐH Lâm nghiệp có vị trí đặc biệt

Sau khi tham quan cơ sở vật chất nhà trường và nghe báo cáo của Hiệu trưởng Trần Văn Chứ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận, đánh giá cao thành tựu của Trường ĐH Lâm nghiệp trong 53 năm xây dựng, phát triển và khẳng định trong số các ĐH, học viện, trường ĐH trong cả nước, Trường ĐH Lâm nghiệp có một vị trí đặc biệt. Điều đặc biệt này thể hiện ở chiều sâu chức năng, nhiệm vụ của trường.

Theo Bộ trưởng, trong 53 năm qua, Trường ĐH Lâm nghiêp đã đào tạo cho đất nước trên 40.000 kỹ sư, cử nhân; trên 3.000 thạc sĩ; gần 100 tiến sĩ. Nhà trường cũng đã đào tạo trên 400 kỹ sư, thạc sĩ, tiến sỹ cho các nước bạn Lào và Campuchia. Các thế hệ sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh do trường đào tạo đã và đang công tác tại khắp mọi miền đất nước, giữ những cương vị chủ chốt về chính quyền và khoa học trong các cơ quan từ Trung ương đến các địa phương; nhiều người công tác ở những vùng khó khăn, phên dậu của đất nước, ngày đêm tạo dựng, giữ gìn màu xanh rừng đầu nguồn và tài nguyên cho tổ quốc.

Với thành tựu đó, nhà trường xứng đáng được Đảng, Nhà nước, được Chính phủ CHDCND Lào trao tặng các phần thưởng cao quý…

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Trường ĐH Lâm nghiệp khi nước ta có 3/4 là núi và cao nguyên và cho rằng trường là một trong những đơn vị rất chủ lực, trực tiếp phục vụ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hỏi thăm, trò chuyện với học sinh Ban phổ thông dân tộc nội trú (Trường ĐH Lâm nghiệp)

Giáo dục và đào tạo: Nhiều cơ hội, lắm thách thức

Trao đổi những vấn đề chung của ngành Giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Chúng ta đang đứng trước cơ hội rất lớn để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, từ xu hướng phát triển khoa học công nghệ, xu hướng phát triển của các ĐH, những áp lực về đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới cơ cấu nông lâm nghiệp theo hướng công nghệ cao… Sinh viên của chúng ta ngày càng thông minh, chất lượng đầu vào ngày càng tốt – đó là điều thuận lợi…

Bên cạnh cơ hội, Bộ trưởng đồng thời phân tích những khó khăn, thách thức ngành Giáo dục đang phải đối mặt mà đầu tiên đó là nghịch lý giữa đòi hỏi của xã hội ngày càng cao về chất lượng và điều kiện để tạo ra chất lượng còn thấp.

Đơn cử, bình quân, chi phí đào tạo một bằng cử nhân của Việt Nam khoảng 13 triệu đồng/năm, tức khoảng 600 USD. Trong khi đó, tương tự bằng cử nhân đó ở Mỹ, chi phí khoảng trên 20 ngàn USD với trường công, khoảng 36 ngàn USD với trường tư. Sự quan tâm ngày càng cao của xã hội đến giáo dục là động lực, nhưng cũng là áp lực rất lớn cho các nhà trường.

Nghịch lý thứ 2 được Bộ trưởng chia sẻ liên quan đến vấn đề tự chủ ĐH. Theo Bộ trưởng, tự chủ mục đích để nâng cao chất lượng, không phải để giảm về đầu tư ngân sách. Tự chủ là thuộc tính của đại học, không tự chủ, trường ĐH rất khó sáng tạo, bắt nhịp với cuộc sống.

Bộ trưởng cũng cho biết, hệ thống văn bản chính sách đang hình thành, nhưng thực tế giải quyết vấn đề tự chủ muôn vàn khó khăn và đó không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà lịch sử tự chủ các trường ĐH trên thế giới cũng rất gian truân. “Làm thế nào để tạo hành lang pháp lý và các trường phải nhanh chóng tự chủ thì mới có điều kiện để nâng cao chất lượng” – Bộ trưởng trăn trở.

Khó khăn cũng là nghịch lý thứ 3 được Bộ trưởng đề cập là vấn đề số lượng trường ĐH. Theo Bộ trưởng, số lượng trường ĐH của chúng ta thực tế nhiều chưa tương xứng với quy mô dân số, nhưng chất lượng còn yếu nên xã hội cho rằng đang tràn lan các trường ĐH. Sinh viên ra trường khó tìm việc làm không chỉ thuần túy phụ thuộc vào chất lượng đào tạo của nhà trường mà còn bởi thị trường lao động. Vài chục nghìn doanh nghiệp thành lập nhưng có nhiều doanh nghiệp chưa đi vào cuộc sống thực sự, nhiều doanh nghiệp lâm vào trạng thái phá sản dẫn đến khó khăn về nguồn việc làm…

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tham quan triển lãm Kết quả nghiên cứu khoa học và GD&ĐT tại Trường ĐH Lâm nghiệp 

Cần biến thách thức thành cơ hội

Đặt câu hỏi: Chúng ta biến thách thức thành cơ hội như thế nào? Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: Quốc hội vẫn duy trì ổn định ngân sách 20% cho giáo dục, nhưng xu hướng sẽ cơ cấu ngân sách ấy theo hướng tập trung cho giáo dục mầm non, phổ thông và đặc biệt là vùng khó khăn. Với giáo dục ĐH sẽ đầu tư tập trung vào những trường, ngành trọng điểm, hoặc ngành nhà nước buộc phải đầu tư, còn lại theo hướng thị trường; có giao ngân sách cho các trường cũng không phải giao thường xuyên mà theo hướng đặt bài. Bên cạnh đó, không có sự phân biệt giữa trường công lập và ngoài công lập, trường công lập, ngoài công lập bình đẳng như nhau.

Bộ trưởng cũng đặt vấn đề làm thế nào để ngày càng tăng các ĐH, trường ĐH tham gia vào tự chủ và hạn chế các trường phải đóng cửa. Tiến tới xóa bỏ chủ quản các trường ĐH. Các ĐH, trường ĐH phải tham gia thị trường và lấy chất lượng làm tiêu chí số một quyết định sự tồn tại. Tự chủ là giải pháp căn cơ, cơ bản để nâng cao chất lượng. Bộ GD&ĐT sẽ đi tiên phong trước, chỉ tập trung quản lý nhà nước về GD&ĐT.

“Trường ĐH phải tự chủ, gắn với thị trường, gắn với khoa học công nghệ, với quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm, tự giải trình. Chủ trương này được thể hiện rõ trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và nhiều văn bản, luật. Bộ GD&ĐT đang rà soát Luật Giáo dục đại học để đến tháng 5 sang năm trình Quốc hội sửa đổi một số điều trong Luật để phục vụ cho việc tự chủ này” – Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trồng cây lưu niệm tại Trường ĐH Lâm nghiệp

Gợi ý giải pháp cho Trường ĐH Lâm nghiệp

Với tư cách là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về GD&ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã đưa ra những gợi ý, tư vấn rất cụ thể cho Trường ĐH Lâm nghiệp để nâng cao chất lượng giáo dục.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Bất kỳ một trường ĐH hay cơ sở giáo dục nào, câu hỏi đầu tiên là sứ mạng. Với Trường ĐH Lâm nghiệp, sứ mạng của nhà trường đã rất rõ và không phải dễ gì các trường khác tham gia vào được, bởi trường đào tạo nhân lực trong khu vực lâm nghiệp không nhiều, trong khi đó, nước ta địa hình 3/4 là đồi núi, đó là một lợi thế cạnh tranh. Tôi khuyên nhà trường nên tập trung vào phân khúc đó.

Ủng hộ trường trở thành học viện, tuy nhiên Bộ trưởng nêu quan điểm: Tên gọi trường ĐH hay học viện chỉ là hình thức, quan trọng là xác định hướng đi là ĐH theo hướng nghiên cứu, thực hành hay nghiên cứu ứng dụng. Bộ trưởng tư vấn nhà trường nên đi theo hướng nghiên cứu ứng dụng, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp, bắt kịp tiến bộ khoa học công nghệ thế giới trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Bộ trưởng gợi ý: Tôi có thăm một số công trình của sinh viên, các thầy trong phòng thí nghiệm và đánh giá cao. Nhưng trong bối cảnh cạnh tranh, cần đặt vấn đề: liệu chúng ta có nhất thiết phải tự tạo ra hay chọn cách bắt nhịp, sau đó điều chỉnh cho phù hợp để đi tắt, đón đầu, nhanh chóng tiếp cận với công nghệ cao về lâm nghiệp.

Đề cập đến vấn đề ngành nghề, Bộ trưởng cho rằng, dù là trường ĐH hay học viện thì vẫn phải rà soát ngành nghề.

“Qua báo cáo và thực tiễn quan sát, có thể chưa sâu, nhưng tôi thấy các đồng chí đang rơi vào “bẫy” của nhiều trường ĐH có bề dày. Đó là nhiều ngành truyền thống của trường trước kia rất tốt nhưng giờ không còn thích hợp nữa, không tuyển sinh được, đặc biệt là các ngành cơ bản. Trong khi nhiều ngành mới phát sinh tốt thì lại không có nguồn lực.

Lời giải thế nào? Theo tôi, nhà trường nên dành thời gian nghiên cứu, dự báo trong lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp, trong 5-10 năm tới, ngành gì xuất hiện nhiều. Bám sát vào chủ trương của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bám sát vào xu hướng nông lâm nghiệp trên thế giới để lựa chọn, rà soát.

Những ngành truyền thống, nếu cần duy trì thì thu gọn lại và tính toán theo định mức kinh tế kỹ thuật để vẫn đảm bảo chất lượng. Những ngành cơ bản nhà nước sử dụng thì nhà nước phải trả tiền. Nhưng tôi tin những ngành đó không nhiều. Tập trung nhiều vào những ngành thị trường cần…

Tóm lại, cần rà soát, quy hoạch, cơ cấu các ngành đào tạo theo hướng kế thừa nhưng có chọn lọc, đặc biệt phát triển các ngành mới theo xu thế hội nhập. Từ đó, có bản đồ các ngành đào tạo với các mức độ khác nhau, ưu tiên khác nhau. Ưu tiên nhập công nghệ đào tạo nước ngoài… Tư duy là quản trị đại học, không phải quản lý ĐH và nghĩ đến ai dùng sản phẩm của mình. Tin rằng, kết nối như vậy, thị trường sẽ tạo cơ hội và cạnh tranh” – Bộ trưởng gợi ý.

Liên quan đến nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng cho rằng nên tiếp cận vào công nghệ của thế giới; thời gian đầu, nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng đào tạo trước, để chuyển giao công nghệ sau.

Nhấn mạnh đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ là 3 trụ cột, Bộ trưởng cho rằng, để làm được 3 trụ cột này, yếu tố con người vô cùng quan trọng; từ đó yêu cầu Trường ĐH Lâm nghiệp quan tâm hơn nữa đến nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, thu hút người tài vào làm việc tại trường. Cùng với đó là các điều kiện đảm bảo chất lượng khác như cơ sở vật chất, tài chính…

Tại hội nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp báo cáo một số đề xuất với Bộ trưởng, liên quan đến việc thành lập Học viện Lâm nghiệp Việt Nam; thành lập Trường trung học phổ thông trực thuộc Trường ĐH Lâm nghiệp; việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; các vấn đề về đào tạo, nghiên cứu khoa học; cơ sở vật chất… Những vấn đề này được Bộ trưởng giải đáp thấu đáo, trên tinh thần chung là ủng hộ, tạo điều kiện giúp nhà trường tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo.

Tác giả: Hiếu Nguyễn

Nguồn: giaoducthoidai.vn