Bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Trường của NCS. Lưu Thị Thảo, chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp.

Chiều ngày 27/01/2021, Trường Đại học Lâm nghiệp đã tổ chức Lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp Trường cho nghiên cứu sinh Lưu Thị Thảo, ngành Kinh tế nông nghiệp, mã số 9620115.

Hội đồng đánh giá luận án có mặt 07/07 thành viên theo quyết định số: 2380/QĐ-ĐHLN-ĐTSĐH ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp, gồm:

TTHọ và tên
Thành viên Hội đồng
Chức trách trong Hội đồngĐơn vị công tác
1PGS.TS. Nguyễn Văn TuấnChủ tịchTrường Đại học Lâm nghiệp
2TS. Nguyễn Thị Xuân HươngThư kýTrường Đại học Lâm nghiệp
3PGS.TS. Trần Thị Thu HàPhản biện 1Trường Đại học Lâm nghiệp
4PGS.TS. Nguyễn Thị Minh HiềnPhản biện 2Học viện Nông nghiệp Việt Nam
5TS. Nguyễn Thanh BìnhPhản biện 3Bộ NN&PTNT
6TS. Bùi Thế AnhUỷ viênBộ NN&PTNT
7PGS.TS. Lê Đình HảiUỷ viênĐại học Quốc gia Hà Nội

Tên đề tài luận án Phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản vùng hồ thủy điện Hòa Bình.. Luận án được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Mai Thanh Cúc và TS. Nguyễn Thanh Tùng.

Sau khi nghe Nghiên cứu sinh Lưu Thị Thảo trình bày tóm tắt kết quả luận án, 03 thành viên Hội đồng đã đọc bản nhận xét đánh giá Luận án. Tiếp sau đó, Thư ký Hội đồng đã đọc Bản tổng hợp ý kiến đóng góp của các nhà khoa học về bản tóm tắt của Luận án, các thành viên khác của Hội đồng và người tham dự tiếp tục đưa ra những ý kiến nhận xét, góp ý và đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các nội dung chuyên môn của Luận án.

Hội đồng đã thảo luận và thống nhất: Hình thức và Nội dung của Luận án đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu của một luận án tiến sĩ, chuyên ngành: Kinh tế nông nghiệp; Mã số: 9620115, với số phiếu tán thành là 07/07. Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng – PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn đã đọc bản Quyết nghị của Hội đồng, theo đó đã nêu rõ được những kết quả chính, những đóng góp mới của Luận án cho khoa học và thực tiễn.

Những đóng góp về mặt học thuật, lý luận của luận án:

Phát triển Nuôi trồng thủy sản vùng hồ thủy điện Hòa Bình là một trong những hoạt động nhằm khai thác tính đa mục tiêu của hồ thủy điện lớn nhất cả nước này. Trong nhiều năm gần đây, NTTS đã góp phần đáng kể vào phát triển sinh kế, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân ven hồ và phát triển kinh tế xã hội của vùng.

Nhờ có những chính sách tích cực của các cơ quan quản lý, hoạt động NTTS trên vùng hồ thủy điện Hòa Bình đã phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu: sản lượng thủy sản nuôi trồng ngày càng tăng, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngày càng được chú trọng, tổ chức sản xuất ngày càng được hoàn thiện theo hướng liên kết theo chuỗi sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh từng bước được nâng cao, vấn đề môi trường ngày càng được quan tâm kiểm soát tốt hơn, quy mô NTTS hiện tại đang ở mức thấp hơn so với ngưỡng sức tải môi trường của hồ chứa.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy còn nhiều bất cập trong quá trình phát triển NTTS trên vùng hồ chứa này, cụ thể: Hiệu quả sản xuất NTTS chưa cao; Các liên kết dọc và ngang giữa các tác nhân tham gia NTTS trong vùng còn chưa chặt chẽ; Còn tiềm ẩn những rủi ro đối với người nuôi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm và rủi ro đối với môi trường nước lòng hồ.

Kết quả tính toán chỉ số phát triển bền vững cho thấy chỉ số này ở mức 0,388, tức là việc phát triển NTTS vùng hồ thủy điện Hòa Bình đang ở mức chưa bền vững trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.

Kết quả phân tích cho thấy, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các hộ NTTS trong vùng chịu ảnh hưởng của các yếu tố sau đây: Tập huấn kỹ thuật trong NTTS; Chính sách khuyến khích phát triển NTTS; Kinh nghiệm của người nuôi; Chi phí cá giống; Trình độ học vấn; Tham gia liên kết trong NTTS; Chi phí thức ăn và Mật độ nuôi.

Kết quả phân tích cho thấy có 4 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến tính bền vững trong phát triển NTTS vùng hồ thủy điện Hòa Bình là: Sự phát triển của các ngành phụ trợ; Các yếu tố đầu vào; Điều kiện thị trường; Mức độ liên kết trong NTTS.

Để phát triển bền vững NTTS, vùng hồ thủy điện Hòa Bình cần thực hiện các giải pháp: (i) Xây dựng và phát triển chuỗi liên kết cho sản phẩm; (ii) Xây dựng thương hiệu sản phẩm an toàn thực phẩm và ổn định đầu ra cho người nuôi; (iii) Tăng cường bảo vệ môi trường, giảm thiểu gây ô nhiễm; (iv) Tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch (v) Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất; (vi) Tăng cường hỗ trợ cho người nuôi thông qua chương trình khuyến nông, khuyến ngư; (vii) Hoàn thiện các chính sách để khuyến khích phát triển bền vững NTTS; (viii) Xây dựng phương án ứng phó với biến đổi khí hậu và phù hợp với quá trình vận hành nhà máy thủy điện.

Một số hình ảnh buổi bảo vệ luận án

PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn điều hành buổi Lễ bảo vệ

NCS. Lưu Thị Thảo tự tin trình bày luận án

Thành viên Hội đồng nhận xét và góp ý cho luận án của NCS

PGS.TS Cao Quốc An đại diện đơn vị đào tạo phát biểu và tặng hoa chúc mừng NCS

Hội đồng chấm luận án chúc mừng NCS đã bảo vệ thành công luận án