Bảo tồn các loài linh trưởng: Chuyện từ Châu Á tới Việt Nam.

Hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực về bảo tồn Động vật hoang dã nói chung và các loài linh trưởng nói riêng là một trong những chủ đề quan trọng được chia sẻ, trao đổi tại Hội thảo Linh trưởng Châu Á lần thứ 8, được tổ chức vừa qua…

Hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực về bảo tồn Động vật hoang dã nói chung và các loài linh trưởng nói riêng là một trong những chủ đề quan trọng được chia sẻ, trao đổi tại Hội thảo Linh trưởng Châu Á lần thứ 8, được tổ chức vừa qua tại trường Đại học Lâm Nghiệp.

Hội thảo Linh trưởng Châu Á lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Sự kiện đã được Trường Đại học Lâm nghiệp phối hợp tổ chức Three Monkeys Wildlife Conservancy tổ chức dưới sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hội thảo Linh trưởng Châu Á đã diễn ra từ ngày 14 tháng 11 tới 16 tháng 11 năm 2022.

Hội thảo Linh trưởng Châu Á đã diễn ra từ ngày 14 tháng 11 tới 16 tháng 11 năm 2022

Với 63 bài trình bày của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, nhà bảo tồn tới từ gần 20 quốc gia trên thế giới, Hội thảo đã đi sâu vào ba nhóm chủ đề chính liên quan tới bảo tồn: Nghiên cứu tập tính các loài linh trưởng; Nghiên cứu nguồn gen; Áp dụng các công cụ và các nền tảng mạng xã hội trong việc bảo tồn các loài linh trưởng. Rất nhiều những con số biết nói, những hình ảnh và thước phim đã được trình chiếu nhằm mang lại cho hội thảo và những người tham gia một cái nhìn tổng quan nhưng rất đa chiều về thực trạng và các giải pháp bảo tồn linh trưởng đang được thử nghiệm và áp dụng tại các nước trong khu vực. Bên cạnh đó các nhà khoa học, nhà quản lý đã chia sẻ mong muốn được mở rộng hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu vế động vật hoang dã nói chung và linh trưởng nói riêng.

GS. TS. Christian Roos thuộc Trung tâm linh trưởng CHLB Đức đã chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới đầy hứa hẹn

Trong bài trình bày tổng quan của GS. TS. Christian Roos thuộc Trung tâm linh trưởng CHLB Đức đã chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới đầy hứa hẹn giúp phân tích và đối chiếu nguồn gen các loài linh trưởng trong tương lai gần được chính xác và hiệu quả hơn. Đặc biệt Giáo sư nhấn mạnh vào những tín hiệu tích cực từ các giải pháp mới trong tương lai gần, đặc biệt là các kỹ thuật giải trình tự đang được cải thiện nhanh chóng cho phép giải trình tự nhanh hơn, rẻ hơn. Cùng với đó, nhiều bộ gen tham chiếu mới sẽ sớm được công bố cho phép chất lượng lập bản đồ tốt hơn của các loài liên quan. Đây thực sự là những tín hiệu đáng mừng và là cơ hội để các quốc gia châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng có thể đóng góp và tiếp cận cho ngân hàng gen chung.

Rất nhiều những kết quả nghiên cứu đáng chú ý đã được trình bài trong các phiên của hội thảo

Bên cạnh đó nhiều quốc gia đã phát huy hiệu quả công nghệ số, các nền tảng mạng xã hội để truyền thông sâu rộng về tầm quan trọng của đa dạng sinh học nói chung, đa dạng linh trưởng nói riêng, qua đó góp phần cho công tác bảo tồn các loài linh trưởng trở nên thực tế và hiệu quả hơn.

Hoạt động thực địa tại Trung tâm cứu hộ Linh trưởng nguy cấp – EPRC, Vườn Quốc gia Cúc Phương

Trường Đại học Lâm nghiệp đã vinh dự trở thành nơi tổ chức các hoạt động của hội thảo. Là trường đầu ngành về đào tạo và giảng dạy các chuyên ngành liên quan trực tiếp công tác bảo tồn loài như Quản lý rừng, Quản lý tài nguyên thiên nhiên. Hội thảo Linh trưởng châu Á lần thứ 8 đã thu hút được sự tham gia nhiệt tình và đông đảo của không chỉ các giảng viên, mà còn của cả các bạn sinh viên trường, chính điều này cũng mở ra rất nhiều cơ hội mới trong hợp tác phát triển và triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu hơn tại Trường Đại học Lâm nghiệp trong thời gian tới.

GS. TS. Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp phát biểu tại Hội thảo Linh trưởng châu Á lần thứ 8

GS. TS. Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, tại Việt Nam đang có rất nhiều các cơ sở cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã, đồng thời khẳng định bảo tồn loài chắc chắn sẽ trở thành xu thế trong tương lai. Với vị thế của mình, trường Đại học Lâm nghiệp sẵn sàng đón đầu xu thế bằng việc mở thêm các chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn chuyên về bảo tồn, cứu hộ và thú y các loài động vật hoang dã nói chung và các loài linh trưởng nói riêng. Qua đó, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể sẵn sàng tham gia trong các công tác bảo tồn các loài nguy cấp trong và ngoài nước.

Ông Tilo Nadler, giám đốc chiến lược bảo tồn, tổ chức Three Monkeys phát biểu trong lễ bế mạc của Hội thảo Linh trưởng châu Á lần thứ 8


Phát biểu trong buổi lễ bế mạc, ông Tilo Nadler, giám đốc chiến lược bảo tồn, tổ chức Three Monkeys đã gửi lời cảm ơn tới các báo cáo viên vì những số liệu, hình ảnh và thông tin mà họ đã mang tới cho hội thảo. Đồng thời, ông cũng đánh giá cao tiềm năng của trường Đại học Lâm nghiệp, với không chỉ những giảng viên giàu kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu về bảo tồn các loài động vật hoang dã, mà còn là trường đầu ngành và uy tín với các hoạt động tích cực trong ngành lâm nghiệp nói chung và bảo tồn loài nói riêng. Ông hy vọng sẽ có thể phối hợp và hợp tác với trường trong các hoạt động sắp tới, đặc biệt mong chờ vào ngành học đặc thù về bảo tồn mà nhà trường đang có kế hoạch triển khai.