Kết quả biểu quyết Luật Lâm nghiệp sáng 15/11.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật Lâm nghiệp theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường vào ngày 24/10/2017, Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội đã xem xét, thông qua.
Cụ thể, Quốc hội xem xét về tên gọi của Luật; phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 1); giải thích từ ngữ (Điều 2), đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí xác định rừng (khoản 5 Điều 5) để phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng và yêu cầu quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét về thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, thu hồi rừng (Điều 23); Dịch vụ môi trường rừng (mục 4 Chương VI); những hoạt động lâm nghiệp được sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 93); Quỹ bảo vệ và phát triển rừng (Điều 95); Việc lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán và giám sát ngân sách nhà nước cho lâm nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; Quyền và nghĩa vụ của chủ rừng (Chương VIII); Quản lý nhà nước về lâm nghiệp (Chương XI); Việc bảo đảm tính thống nhất của một số quy định trong dự thảo Luật với Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học, Luật Đầu tư, dự thảo Luật Quy hoạch.
Điều 9 Dự thảo Luật Lâm nghiệp cũng chỉ rõ 9 hành vi bị nghiêm cấm. Một là,chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật. Hai là, đưa chất thải, hoá chất độc hại, chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy vào rừng trái quy định, công cụ, phương tiện vào rừng trái quy định của pháp luật; chăn, dắt, thả gia súc, vật nuôi vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, rừng mới trồng. Ba là, săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật. Bốn là, hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng.
Năm là, vi phạm các quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng, phòng, trừ sinh vật gây hại rừng, quản lý các loài ngoại lai xâm hại, dịch vụ môi trường rừng. Sáu là, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, chế biến, quảng cáo, trưng bày, nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh lâm sản trái quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bảy là, khai thác trái pháp luật tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản, môi trường rừng; xây dựng, đào, bới, đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên và các hoạt động trái pháp luật khác làm thay đổi cấu trúc cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng. Tám là, giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng; cho phép khai thác, cho phép chuyển loại rừng, cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng; vận chuyển lâm sản, chuyển đổi diện tích rừng, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng trái quy định của pháp luật; phân biệt đối xử về giới trong giao rừng, cho thuê rừng. Chín là, sử dụng nguyên liệu trong chế biến lâm sản trái quy định của pháp luật.
Dự thảo trình Quốc hội thông qua gồm 12 chương, 108 Điều, tăng 11 Điều so với Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba. Theo đó, số đại biểu biểu quyết toàn bộ Luật Lâm nghiệp 447 đại biểu bằng 91,04%, số đại biểu tán thành 431 bằng 87,78%, số đại biểu không tán 16 bằng 3,26%, số đại biểu không biểu quyết 0 bằng 0,00%.
Trước đó, tại phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 ngày 31/10, hàng loạt vấn đề lớn về bức tranh kinh tế-xã hội, đặc biệt là nạn phá rừng đã được đại biểu Quốc hội đặt ra khi bước vào quý cuối cùng của năm 2017.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nói: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên nhưng rừng vẫn không được đóng. Những vụ phá rừng tự nhiên lớn nhất vừa qua ở một số địa phương cho thấy tình trạng vô hiệu hóa các quyết định của người đứng đầu Chính phủ. “Một chủ doanh nghiệp trồng rừng cho biết nếu không có tiếp tay của chính quyền sở tại và kiểm lâm thì lâm tặc không thể phá rừng ghê gớm đến như vậy” – ông Cương nói.
Thuật lại rằng lâm tặc chỉ cần 16 phút để hạ một cây gỗ có tuổi đời 100 năm, đi qua và nộp cho trạm kiểm lâm 300.000-400.000 đồng, đại biểu Cương chua chát: “Chính quyền chủ động phá rừng mới thật ghê gớm”. Ông cho rằng nhiều địa phương cứ lập dự án trồng rừng để phá rừng với lý do “tận thu”. “Nếu cứ phá rừng tan hoang rồi lãnh đạo địa phương mới đến kiểm tra, xem xét, cho ý kiến chỉ đạo và không phải chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào thì không biết đến bao giờ lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng mới thành hiện thực” – ông Cương kết luận.
ĐB Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) dẫn báo cáo của Ủy ban Tư pháp Quốc hội nêu tình trạng phá rừng rất nghiêm trọng ở một số địa phương đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường là một trong những nguyên nhân gây ra lũ lụt nghiêm trọng trong thời gian qua. “Nhiều vụ phá rừng quy mô lớn, diễn ra trong thời gian dài nhưng chậm bị phát hiện, xử lý. Tình trạng này cho thấy công tác quản lý, bảo vệ rừng còn yếu kém, bị buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên”- đại biểu Hòa nói.
Nhưng ý kiến cảm xúc nhất có lẽ là của ĐB Ksor Phước Hà (Gia Lai): “Nói đến Tây Nguyên ta nghĩ đến rừng xanh bạt ngàn, thảo nguyên mênh mông, sương mờ huyền ảo, giàu tài nguyên khoáng sản. Một nền văn hóa các dân tộc phong phú và đa dạng. Nhưng tôi đau lòng khi đứng đây, khi bản thân mình phải phân vân còn lại những gì. Rừng Tây Nguyên bị tàn phá nghiêm trọng”.
Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 8 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 11.867 vụ phá rừng trái pháp luật. Trong đó, 987 vụ khai thác rừng trái phép, 96 vụ vi phạm quy định sử dụng đất lâm nghiệp, 4.712 vụ vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép. Tổng số vụ việc đã xử lý là 10.065 vụ, trong đó xử lý hình sự 237 vụ, xử phạt hành chính 9.828 vụ; tịch thu hơn 13.000 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách gần 120 triệu đồng…
Nguồn: Khắc Lãng – Báo điện tử “Diễn đàn Doanh nghiệp”