Hòa Bình là tỉnh miền núi phía Tây bắc của Tổ quốc, có địa hình núi cao, chia cắt phức tạp, độ dốc lớn. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 4.596,4 km², trong đó có tổng diện tích quy hoạch cho đất lâm nghiệp chiếm hơn 80%, với độ che phủ của rừng là 51%, đường giao thông chủ yếu là trục đường quốc lộ 6 và đường thủy Sông Đà. Trong những năm gần đây, ngành Lâm nghiệp tỉnh Hoà Bình đã tập trung, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm lâm nghiệp, trong đó chú trọng đầu tư phát triển rừng kinh tế, tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, phát triển nguồn nhân lực. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được áp dụng trong lĩnh vực Lâm nghiệp đem lại nhiều thành công góp phần to lớn trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh. Ngoài ra, với vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc, Hoà Bình còn rất phát triển trong các lĩnh vực du lịch và là nơi kết tụ, giao thoa giữa các bản sắc dân tộc.
Trường Đại học Lâm nghiệp với sứ mạng là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ hàng đầu, có danh tiếng ở Việt Nam và khu vực về lĩnh vực lâm nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, chế biến lâm sản, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai góp phần vào sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội của đất nước và nâng cao giá trị gia tăng của ngành Lâm nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành. Với đội ngũ các nhà khoa học về lâm nghiệp đông nhất cả nước, có chuyên môn cao, tâm huyết, kinh nghiệm, Nhà trường đã thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Nhà nước, các Bộ, Ngành, địa phương; mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với nhiều cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như trong cả nước.
Cho đến nay Trường Đại học Lâm nghiệp đã tổ chức và đào tạo hàng nghìn cán bộ có trình độ đại học và sau đại học cho tỉnh Hòa Bình, đã triển khai nhiều hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ trên địa bàn của tỉnh. Tháng 11/2019, Trường Đại học Lâm nghiệp cùng với UBND tỉnh Hòa Bình đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về Đào tạo, Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giai đoạn 2020 – 2025, trong giai đoạn này (2020-2022) Trường Đại học Lâm nghiệp đã và đang đào tạo trên 800 kỹ sư, cử nhân; 375 học viên cao học thuộc các lĩnh vực Lâm nghiệp, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đã mở các lớp đào tạo thạc sĩ tại tỉnh Hòa Bình (Quản lý kinh tế, Quản lý tài nguyên, Quản lý đất đai, Lâm học, Kinh tế nông nghiệp…). Về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ: Đã có 4 đề tài, 02 hợp đồng dịch vụ tư vấn và hàng chục kháa đào tạo, tập huấn về khoa học công nghệ, tư vấn phản biện chính sánh được triển khai trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đây là những kết quả đáng ghi nhận và hiệu quả trong hợp tác giữa Trường Đại học Lâm nghiệp và tỉnh Hòa Bình.
Chiều ngày 19/12/2022 tại Trường Đại học Lâm nghiệp đã diễn ra buổi làm việc giữa Trường Đại học Lâm nghiệp và Sở KH&CN Hòa Bình (đơn vị đầu mối về hợp tác với tỉnh Hòa Bình) về việc sơ kết 03 năm (2020 – 2022) sơ kết thực hiện thoả thuận hợp tác giữa Trường Đại học Lâm nghiệp và tỉnh Hoà Bình và chuẩn bị cho buổi làm việc giữa Trường Đại học Lâm nghiệp và UBND tỉnh Hòa Bình trong thời gian tới.
Về phía Trường Đại học Lâm nghiệp có GS.TS. Phạm Văn Điển – Hiệu trưởng nhà trường, GS.TS. Trần Văn Chứ – Nguyên Hiệu trưởng Nhà trường, các thầy trong Ban Giám Hiệu, Lãnh đạo một số đơn vị trong trường
Về phía tỉnh Hoà Bình có TS. Đỗ Hải Hồ – Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ, Phó Giám đốc Phạm Thế Hải, cùng các Lãnh đạo chủ chốt thuộc Sở khoa học và công nghệ tỉnh Hoà Bình.
Tại buổi làm việc, GS.TS. Phạm Văn Điển đã nhấn mạnh và đánh giá cao mối quan hệ hợp tác truyền thống giữa Trường Đại học Lâm nghiệp và tỉnh Hòa Bình, vai trò quan trọng và các kết quả đạt được trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ và mong muốn Trường Đại học Lâm nghiệp sẽ tiếp tục được triển khai các chương trình đề tài, dự án ở cấp Trung ương, quốc tê được tiếp tục triển khai ứng dụng trên địa bản tỉnh; tận dụng lợi thế của tỉnh Hòa bình để khai thác, nâng cao giá trị kinh tế, môi trường của rừng phòng hộ, phát triển Lâm nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Nhà trường luôn trân trọng và mong muốn sự hợp tác sẽ ngày càng phát triển và có sự tham gia nhiều hơn nữa của các cán bộ, chuyên gia, giảng viên trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Đỗ Hải Hồ, Giám đốc Sở KH&CN đánh giá cao kết quả hợp tác đào tạo sau đại học, đào tạo bồi dưỡng của Trường Đại học Lâm nghiệp cho cán bộ, viên chức của tỉnh Hòa Bình trong các lĩnh vực: Kinh tế, Lâm nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công tác triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Lâm nghiệp đã được triển khai nghiêm túc và được ứng dụng trong sản xuất đáp ứng yêu cầu đặt hàng của Tỉnh Hòa bình. Những kết quả trên đã góp phần phát triển xây dựng lĩnh vực nông-lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế trọng tâm, mũi nhọn của tỉnh Hòa Bình. Đồng chí Giám đốc Sở cũng đặt ra nhiều vấn đề, nội dung hợp tác với Nhà trường trong thời gian tới về lĩnh vực Lâm nghiệp và Phát triển nông thôn, Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bản tỉnh Hòa Bình để đưa những bản sắc văn hoá cũng như nguồn tài nguyên bản địa phát triển mạnh hơn nữa.
Để tăng cường chương trình hợp tác, trong thời gian tới, Trường Đại học Lâm nghiệp sẽ có buổi làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình về phát triển các nội dung hợp tác về đào tạo phát triển nguồn nhân lực, KHCN và ĐMST phù hợp với xu thế và chiến lược phát triển Lâm nghiệp và PTNT của tỉnh Hòa Bình và Trường Đại học Lâm nghiệp.
GS.TS. Phạm Văn Điển – Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại buổi họp.
TS. Đỗ Hải Hồ – giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hoà Bình phát biểu tại buổi họp.
Đại biểu chụp hình lưu niệm.