Công đoàn Việt Nam được thành lập với mục đích tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt; cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; tham gia kiểm tra giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sự ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam gắn liền với sự hình thành, phát triển của giai cấp công nhân và hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Người đặt nền móng về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh” Người nhấn mạnh về tính chất nhiệm vụ của tổ chức Công hội đỏ “Tổ chức công hội trước hết là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi của công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.
Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác vận động công nhân và tăng cường sức mạnh cho tổ chức Công hội, ngày 28/7/1929 tại số nhà 15 Hàng Nón – Hà Nội, Đông Dương Cộng sản Đảng (tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) đã quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ lần thứ nhất và bầu ra BCH Trung ương lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phụ trách. Hội nghị đã thông qua Chương trình, Điều lệ, phương hướng hoạt động và quyết định xuất bản Báo Lao động, Tạp chí Công hội đỏ làm cơ quan ngôn luận. Tiếp sau sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ, các Tổng Công hội Đỏ ở miền Trung, miền Nam được thành lập. Từ năm 1930, Tổng Công hội Đỏ đã hoạt động khắp cả nước. Thể theo nguyện vọng của đa số đoàn viên, tháng 11/1983, tại Đại hội lần thứ V Công đoàn Việt Nam đã quyết định lấy ngày 28/7/1929 là ngày kỷ niệm thành lập Công đoàn Việt Nam.
Sự ra đời của Công đoàn Việt Nam có ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào công nhân và sự trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam. Trải qua các thời kỳ lịch sử của cách mạng, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt, lực lượng đi đầu cùng với nhân dân cả nước viết lên những trang sử vẻ vang, truyền thống hào hùng của dân tộc.
Bước vào công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, Công đoàn đã chú trọng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội, tuyên truyền, giáo dục trong công nhân, tổ chức nhiều phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Thi đua phục vụ CNH, HÐH nông nghiệp và phát triển nông thôn”, xây dựng môi trường “Xanh – Sạch – Đẹp”, “Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”…; tích cực, chủ động và thực hiện có hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, giữ vững quốc phòng an ninh, tiếp tục nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Với chặng đường 87 năm xây dựng và phát triển, trải qua 11 kỳ Đại hội, Công đoàn Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng cùng với toàn Đảng, toàn dân đạt được những thành tựu bước đầu trong công cuộc đổi mới đất nước, cũng như góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cùng với sự phát triển của đất nước và của ngành, Công đoàn Trường Đại học Lâm nghiệp được thành lập ngay từ những ngày đầu thành lập trường. Hiện nay, Công đoàn trường có hơn 1000 đoàn viên sinh hoạt tại 31 đơn vị công đoàn trực thuộc.
Công đoàn Trường Đại học Lâm nghiệp là công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; là người đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, thành viên trong hệ thống chính trị của trường. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ trường, Công đoàn luôn hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo. Các cấp công đoàn trong trường đã tích cực phấn đấu vì quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, vì sự nghiệp phát triển của nhà trường. Trong nhiều năm qua, hoạt động công đoàn trong trường ngày càng khởi sắc, đã đạt được nhiều kết quả trên tất cả các mặt, các lĩnh vực công tác, thể hiện qua một số kết quả chính như sau:
1. Thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng, chăm lo đời sống cho cán bộ, viên chức, lao động.
Công đoàn trường đã thể hiện được vai trò của mình trong các Hội đồng liên quan đến quyền lợi của CBVC, LĐ như: Hội đồng lương, thưởng, thi đua – khen thưởng, kỷ luật, tuyển dụng…; đã phối hợp với chính quyền vận dụng chế độ chính sách của Nhà nước theo hướng có lợi cho người lao động; thực hiện đầy đủ, đúng quy định các chế độ chính sách đối với CBVC khối sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Đối với các đơn có sử dụng lao động hợp đồng, Công đoàn trường đã chủ động tham gia với thủ trưởng đơn vị xây dựng các quy chế, quy định có liên quan đến tiền lương, tiền thưởng, định mức lao động, khen thưởng, kỷ luật…; hướng dẫn người lao động giao kết hợp đồng với người sử dụng lao động, đảm bảo 100% người lao động được giao kết hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật; kiểm tra, giám sát việc đóng bảo hiểm cho người lao động.
Công đoàn đã cùng chính quyền xây dựng, hoàn thiện dần phương án phân phối tiền lương tăng thêm cho phù hợp với điều kiện thực tế của Trường theo hướng có lợi cho những người có hệ số lương thấp – số đông cán bộ viên chức hiện nay, đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng.
Hàng năm, Công đoàn cùng chuyên môn thống nhất trích quỹ phúc lợi tặng quà cho CBVC, LĐ nhân các ngày lễ, tết; hỗ trợ chi phí tham quan, nghỉ mát trong dịp hè. Công tác khám chữa bệnh, kiểm tra khám sức khoẻ định kỳ, đối với người lao động được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công tác thăm hỏi ốm đau, hiếu hỷ, trợ cấp khó khăn được công đoàn phối hợp với chính quyền cùng cấp chăm lo chu đáo.
Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ được Công đoàn các cấp trong trường thường xuyên quan tâm, tuyên truyền, vận động CBVC, LĐ thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; phối hợp với Ban Văn – Thể trường thường xuyên tổ chức, tham gia các cuộc thi đấu thể thao, Hội thi, Hội diễn văn nghệ trong và ngoài trường, đã thu hút được đông đảo CBVC, LĐ tham gia, tạo ra không khí vui tươi lành mạnh và để lại ấn tượng tốt cho các đơn vị bạn.
2. Tổ chức tốt các phong trào thi đua thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, tham gia quản lý Nhà trường.
Công tác thi đua là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của nhà trường, Công đoàn luôn đặt việc tổ chức, vận động cán bộ, đoàn viên tham gia các phong trào thi đua, coi đó là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của công đoàn các cấp. Nội dung thi đua tập trung vào nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Các phong trào thi đua điển hình như: “Dạy tốt – Phục vụ tốt”; “Hai giỏi”, thực hiện cuộc vận động “Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm”, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào xây dựng môi trường “Xanh – Sạch – Đẹp”, lồng ghép phong trào thi đua gắn với triển khai cuộc vận động “Hai không” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, … đã thu hút đông đảo CBVC, LĐ tham gia. Thông qua các phong trào thi đua, đã khơi dậy tinh thần lao động hăng say, sáng tạo của CBVC, LĐ; chất lượng, hiệu quả công tác được nâng cao; đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành; trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học được nâng cao; nhiều thầy cô giáo, cán bộ viên chức đã nêu tấm gương sáng, tận tụy vì học sinh thân yêu. Các hoạt động thăm lớp dự giờ được gắn với thanh tra đào tạo, thanh tra nhân dân, giám sát thực hiện các quy chế giảng dạy, quy chế thi, quy chế công vụ, nhằm phát hiện chấn chỉnh những sai phạm trong các hoạt động chuyên môn đã được công đoàn phối hợp với chính quyền tiến hành thường xuyên trong năm học.
Công đoàn đã phối hợp với Ban giám hiệu xây dựng một hệ thống quy chế nội bộ gồm gần 30 quy chế, quy định, có phạm vi điều chỉnh đến hầu hết các lĩnh vực công tác và hoạt động trong nhà trường, trong đó có quy chế về mối quan hệ phối hợp công tác giữa chính quyền với công đoàn. Các quy chế nội bộ thường xuyên được rà soát, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường nhằm phát huy và nâng cao hiệu quả trong hoạt động chuyên môn và quản lý.
Hàng năm, Công đoàn trường đã cùng chính quyền tổ chức tốt hội nghị CBVC. Đây là nội dung quan trọng việc thực hiện Quy chế dân chủ trong cơ quan. Hội nghị CBVC là diễn đàn quan trọng để phát huy quyền làm chủ của CBVC, LĐ.
3. Công tác tuyên truyền giáo dục, xây dựng đội ngũ CBVC, LĐ.
Công đoàn các cấp phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng; các quy định, quy chế của đơn vị, các văn bản pháp luật, chế độ chính sách của Nhà nước có liên quan đến phát triển giáo dục, đến quyền và lợi ích người lao động; mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của ngành, của trường. Nhân dịp các ngày Lễ và kỷ niệm lớn của đất nước, tổ chức các hình thức tuyên truyền, kỷ niệm phù hợp để giáo dục truyền thống cho cán bộ, đoàn viên.
Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hoạt động từ thiện,… đã trở thành hoạt động rộng khắp, thường xuyên và đi vào nề nếp trong toàn trường, góp phần tích cực giải quyết khó khăn về việc làm, đời sống cho người lao động.
Các cấp công đoàn trực thuộc đã động viên CBVC, LĐ rèn luyện, tu dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, làm chủ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng lao động.
4. Công tác nữ công.
Công đoàn cùng Ban Nữ công làm tốt vai trò tham mưu cho Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của trường trong chiến lược đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ; động viên, khuyến khích nữ cán bộ viên chức nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Hàng năm phát động phong trào thi đua “Giỏi việc nước – đảm việc nhà” gắn với cuộc vận động “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc”. Nhờ đó, nhiều chị em đã trưởng thành trong chuyên môn cũng như trong công tác quản lý, góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nhà trường. Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10, Công đoàn và Ban nữ công tổ chức các hoạt động kỷ niệm thiết thực, bổ ích như: Biểu diễn văn nghệ, tổ chức tọa đàm, thi tìm hiểu kiến thức pháp luật và gia đình; tổ chức sinh hoạt giáo dục truyền thống cho nữ sinh; vận động chị em viết bài đăng báo, xuất bản tập san nội bộ, … Các hoạt động trên đã đi vào nề nếp và được tổ chức ngày càng chu đáo, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nữ CBVC, LĐ.
Với những kết quả do Công đoàn trường đạt được là rất đáng khích lệ, tổ chức Công đoàn trường ngày càng phát triển vững mạnh, đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong hệ thống chính trị nhà trường, trong hệ thống Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Phát huy những kết qủa đã đạt được, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội XXI Công đoàn Trường đề ra, vì quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, CBVC, LĐ, vì sự phát triển ổn định và bền vững của nhà trường, trong những năm tới, Ban chấp hành Công đoàn trường tập trung chỉ đạo, quán triệt tốt một số nội dung chủ yếu như sau:
Thứ nhất. Mọi hoạt động công đoàn phải xuất phát từ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ nhà trường và nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, đặc biệt coi trọng chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; nắm bắt sâu sát tình hình thực tế, kịp thời triển khai, cụ thể hoá các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam để phù hợp với tình hình của ngành và đơn vị, tập trung xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh.
Thứ hai. Nền tảng thắng lợi của mọi hoạt động công đoàn là sức mạnh của hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của chuyên môn đồng cấp, sự đoàn kết, năng động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp. Vì vậy, các cấp công đoàn cần chủ động tranh thủ phát huy sức mạnh tổng hợp, đồng thời hết sức chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn vững mạnh để nâng cao nhận thức, trình độ và năng lực thực thi chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.
Thứ ba. Phương pháp hoạt động công đoàn vừa phải giữ vững nguyên tắc, vừa phải mềm dẻo linh hoạt, biết vận động, thuyết phục. Nội dung, hình thức hoạt động phải được đổi mới tích cực, linh hoạt theo hướng thiết thực, tiết kiệm, chất lượng, hiệu quả, hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, đáp ứng tâm tư nguyện vọng của người lao động.
Nhân dịp kỷ niệm 87 năm thành lập Công đoàn Việt Nam, BCH Công đoàn Trường Đại học Lâm nghiệp kêu gọi toàn thể cán bộ, đoàn viên, CNVC, LĐ trong trường, phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng, ra sức phấn đấu, vượt qua khó khăn, thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, lập thành tích xuất sắc, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2016./.