Khởi nghiệp bằng cách tìm hướng đi cho cánh kiến đỏ

Cánh kiến đỏ là loại côn trùng nhỏ sinh sống thích hợp trong môi trường khí hậu nhiệt đới. Nghề nuôi thả cánh kiến đỏ từng rất phổ biến tại các huyện miền núi phía Bắc như Thanh Hóa, Điện Biên…, đem lại thu nhập khá cho người dân.

Tuy nhiên, vì phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện thời tiết và nhất là cách thức nuôi thả còn lạc hậu, thiếu khoa học nên sản lượng thất thường, dẫn đến nghề này dần mai một. Nhận thấy đây là loài côn trùng hữu ích và có tiềm năng kinh tế cao, dự án “Nuôi thả cánh kiến đỏ” của 5 bạn trẻ xuất thân từ Đại học Lâm nghiệp ra đời nhằm phục hồi nghề này.

Cánh kiến đỏ là loại côn trùng nhỏ sinh sống thích hợp trong môi trường khí hậu nhiệt đới. Nghề nuôi thả cánh kiến đỏ từng rất phổ biến tại các huyện miền núi phía Bắc như Thanh Hóa, Điện Biên…, đem lại thu nhập khá cho người dân. Tuy nhiên, vì phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện thời tiết và nhất là cách thức nuôi thả còn lạc hậu, thiếu khoa học nên sản lượng thất thường, dẫn đến nghề này dần mai một. Nhận thấy đây là loài côn trùng hữu ích và có tiềm năng kinh tế cao, dự án “Nuôi thả cánh kiến đỏ” của 5 bạn trẻ xuất thân từ Đại học Lâm nghiệp ra đời nhằm phục hồi nghề này.

Nhựa do cánh kiến đỏ tiết ra được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, nhất là thực phẩm, dược phẩm và còn là chất phụ gia trong sản xuất bao bì tự phân hủy thay thế bao bì polyetylen, dùng pha màu sơn hoặc phẩm màu… Bình quân một ký sặng (nhựa) cánh kiến đỏ có giá khoảng 55.000 – 70.000 đồng, có thời điểm lên tới gần 200.000 đồng.

Vì không có nhiều tài liệu để nghiên cứu, các thành viên của dự án phải bỏ thời gian quan sát cách thức nuôi cánh kiến đỏ của người dân để thu thập dữ liệu. Qua tìm hiểu, nhóm nhận ra đặc điểm của cánh kiến đỏ là chỉ sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiệt độ 21 – 23 độ C, đồng thời phải tuyệt đối tránh gió. Lý do khiến nghề nuôi thả cánh kiến đỏ mai một dần là vì điều kiện thời tiết thay đổi thất thường và người dân chưa hiểu hết đặc tính sinh trưởng của loài.

Sau một thời gian tìm tòi, về cơ bản, dự án đã xây dựng được quy trình nuôi cánh kiến đỏ lý tưởng. Trong đó, giai đoạn chuẩn bị vườn cây phải thực hiện kỹ lưỡng, các loại cây thích hợp được chọn lựa để buộc thả cánh kiến là sung, táo, nhãn và đậu thiều.

Chị Đỗ Thị Ngọc, một thành viên của dự án, cho biết: “Khâu chăm sóc phải được chú ý đặc biệt, nếu trời giông bão, độ ẩm cao, cánh kiến sẽ chết. Phải thường xuyên tỉa cành, nếu có hiện tượng tổ cánh kiến bị bụi đất đóng, phải xử lý bằng chổi mềm để thông lỗ thở. Theo quy trình này, khoảng 5 – 6 tháng sau khi thả nuôi, người dân có thể thu hoạch nhựa”.

Dự án “Nuôi thả cánh kiến đỏ” đã giành giải nhì tại Cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia 2015, bước vào giai đoạn huy động vốn và đã đạt mức gần 500 triệu đồng.

Theo anh Đinh Tuấn Vũ, đại diện các thành viên của dự án: “Khi dự án được ứng dụng vào thực tế sẽ giúp người dân nâng cao hiệu quả của nghề nuôi cánh kiến đỏ, tạo ra việc làm cho cư dân địa phương và mang lại nguồn nguyên liệu tự nhiên hỗ trợ cho ngành công nghiệp phẩm màu.

Quan trọng nhất là phục hồi nghề mang lại thu nhập cao cho người dân. Thị trường nhựa cánh kiến đỏ trên thế giới ngày càng sôi động vì nhu cầu sử dụng nguyên liệu tự nhiên có lợi cho sức khỏe ngày càng cao. Tại Thanh Hóa và Điện Biên, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tái khởi động việc khảo sát, liên kết thu mua sản phẩm của các hộ nuôi thả cánh kiến đỏ”.

Nguồn: baomoi.com