Khai mạc Hội thảo Linh trưởng châu Á lần thứ 8

Hơn 200 đại biểu tới từ 20 quốc gia đã tới tham dự Hội thảo quốc tế châu Á lần thứ 8

Hội thảo Linh trưởng châu Á lần thứ 8 đã chính thức được khai mạc sáng nay (14/11) tại Trường Đại học Lâm nghiệp. Đây cũng là lần đầu tiên hội thảo được tổ chức tại Việt Nam. Sự kiện được Trường Đại học Lâm nghiệp phối hợp với tổ chức Three Monkeys Wildlife Conservancy…

Hội thảo Linh trưởng châu Á lần thứ 8 đã chính thức được khai mạc sáng nay (14/11) tại Trường Đại học Lâm nghiệp. Đây cũng là lần đầu tiên hội thảo được tổ chức tại Việt Nam. Sự kiện được Trường Đại học Lâm nghiệp phối hợp với tổ chức Three Monkeys Wildlife Conservancy tổ chức dưới sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp phát biểu tại Hội thảo.

Với sự tham gia của hơn 200 Nhà khoa học, Nhà quản lý và các chuyên gia đầu ngành tới từ 20 quốc gia: Đức, Pháp, Anh, Bỉ, Cộng hoà Séc, Hy Lạp, … Về phía khách mời quốc tế có Ngài: Jake Brunner – Trưởng đại diện tổ chức IUCN tại Việt Nam. Về phía khách mời Việt Nam có: TS. Trần Thế Liên – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp. Về phía nhà tài trợ có: TS. Văn Ngọc Thịnh – Giám đốc tổ chức WWF Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Nhà giáo Ưu tú, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp chào mừng các đại biểu đã tới với hội thảo và mong muốn các hoạt động trao đổi học thuật tại Hội thảo Linh trưởng châu Á lần thứ 8 sẽ mang tới cho các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước một diễn đàn để chia sẻ các kết quả, ý tưởng cũng như giải pháp hiệu quả liên quan đến lĩnh vực bảo tồn các loài linh trưởng châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.


Bên cạnh đó, Giáo sư Phạm Văn Điển cũng chia sẻ, Trường Đại học Lâm nghiệp có Bộ môn Động vật hoang dã thuộc Khoa Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, chuyên nghiên cứu và đào tạo về động vật hoang dã trong nhiều thập kỷ qua. “Chúng tôi đang chuẩn bị mở một chương trình đào tạo mới, bao gồm các khóa học ngắn hạn về chuyên ngành động vật hoang dã kéo dài 4 năm tại VNUF. Chúng tôi cũng dự định sẽ thành lập Trung tâm động vật hoang dã tại VNUF để thực hiện mọi thứ liên quan đến động vật hoang dã, đặc biệt là các loài trong danh sách CITES với sự hỗ trợ của WWF Việt nam cũng như của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này” Giáo sư Phạm Văn Điển chia sẻ.

Ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp) phát biểu tại hội thảo.

Cũng trong phiên khai mạc, ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh: trong 60 năm qua, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Chính phủ Việt Nam cũng ngày càng quan tâm tới công tác bảo tồn, tăng cường nguồn lực đầu tư, xây dựng và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng, phòng hộ nhằm bảo tồn sự đa dạng loài trong đó có các loài linh trưởng Việt Nam. Vụ trưởng Trần Thế Liên cũng đề nghị các đại biểu cần đề xuất các chiến lược vùng để bảo vệ các loài linh trưởng đạt hiệu quả tốt hơn trong những năm tiếp theo. “Việc tổ chức hội thảo cũng là cơ hội tốt để các nhà khoa học quốc tế tìm hiểu rõ hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam; góp phần quan trọng nhằm khuếch trương nền văn hóa và tiềm năng du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế”, ông Liên nhấn mạnh.

Ông Jake Brunner, Trưởng đại diện tổ chức IUCN tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Cũng tại phiên khai mạc, các chuyên gia hàng đầu đến từ tổ chức bảo tồn Three Monkeys Wildlife Conservancy, Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN)… cũng đã có những tham luận về tính nguy cấp cũng như sự cần thiết của công tác bảo vệ các loài linh trưởng tại Việt Nam nói riêng, châu Á nói chung.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 Nhà khoa học, Nhà quản lý và các chuyên gia đầu ngành tới từ 20 quốc gia
Hơn 200 đại biểu tới từ 20 quốc gia đã tới tham dự Hội thảo quốc tế châu Á lần thứ 8
Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 Nhà khoa học, Nhà quản lý và các chuyên gia đầu ngành tới từ 20 quốc gia

Hội thảo diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 11 năm 2022 bao gồm nhiều phiên thảo luận chuyên môn như: Trình bày kết quả các nghiên cứu, ý tưởng, kinh nghiệm đến từ các chuyên gia về công tác bảo tồn các loài linh trưởng châu Á; đi thực địa tại Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp (EPRC) tại Vườn quốc gia Cúc Phương và Khu bảo tồn Đất ngập nước Vân Long.

Triển lãm tranh vẽ về các loài linh trưởng nguy cấp của châu Á

Bên cạnh đó, Hội thảo còn trưng bày triển lãm ảnh, tranh vẽ và ấn phẩm về sự đa dạng linh trưởng tại châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng; các hoạt động bên lề nhằm tăng cường kết nối, hợp tác giữa các cá nhân và tổ chức tham dự Hội thảo nhằm thúc đẩy tính hiệu quả và sự phát triển công tác bảo tồn linh trưởng châu Á cũng sẽ được tổ chức.